Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 221

Chuyện... Hà Tiện

Kinh Thánh: II Sa-mu-ên 12: 1-6; Lu-ca 12: 13-21 (*)

Kính chào quý độc giả,

Hà tiện là một trong những tính cách xấu, đáng ghét mà ta thường thấy nơi con người.

Hà tiện có nghĩa là khư khư giữ của, không dám tiêu xài, dù tiêu xài cho những nhu cầu chính đáng của bản thân. Hà tiện cũng đồng nghĩa với keo kiệt, bủn xỉn, chắt bóp...

Nếu tiết kiệm là một tính tốt, thì hà tiện là một tính xấu. Vì tiết kiệm là biết chi tiêu cách hợp lý, còn dành dụm lại để phòng cho những lúc khó khăn, hoặc để giúp đỡ cho người nghèo khó quanh mình. Còn hà tiện là không dám chi tiêu, dù là hợp lý, chỉ muốn khư khư giữ của, làm sao cho có thêm nhiều tiền bạc cho mình là... hạnh phúc.

Người hào phóng, rộng rãi đáng yêu bao nhiêu, thì người hà tiện đáng ghét bấy nhiêu.

Nói về tính hà tiện, keo kiệt, thì tục ngữ, ca dao Việt Nam có nhiều câu nhắc đến:

Về tục ngữ chỉ sự hà tiện thì có những câu như:

+ Rán sành ra mỡ
+ Vắt cổ chày ra nước
+ Ăn mắm mút giòi
+ Ăn nhín nhịn thèm
+ Ăn cháo để gạo cho vay
+ Ở xởi lởi, Trời gởi cho. Ở bo bo, Trời lấy lại

...

Còn cao dao thì có những câu:
+ Của mình thì giữ bo bo
Của người thì lại lấy mo mà đùm
+ Hà tiện mà ăn cháo hoa
Đồng đường, đồng đậu cũng ra ba đồng

...

Trong văn chương, người ta cũng nói đến nhiều về tính hà tiện đáng ghét của con người.

Chắc hẳn, nhiều người trong chúng ta đều biết đến vở hài kịch “Lão hà tiện” của kịch tác gia vĩ đại của người Pháp là Molière.

Câu chuyện có thể được tóm lược như sau:

“Harpagon là một người giàu có, goá vợ, có một con trai tên là Cleante và một con gái tên Elise.

Ông ta có một hộp đựng nhiều tiền được chôn giấu trong vườn. Do đó, ông ta nghi ngờ cả con cái trong gia đình, vì ông ta sợ họ trộm cái hộp của mình. Ông ta dè sẻn từng đồng bạc cắt trong mọi chi phí gia đình. Sự ngờ vực cộng với sự keo kiệt của ông ta làm cả người giúp việc lẫn con cái trong nhà ngày càng ghét ông ta. Ngay cả trong chuyện hôn nhân của con cái, ông ta cũng tính toán để có lợi cho mình. Ông ta định gả con gái cho một lão già lắm của, và gả con trai cho một mụ đàn bà goá lắm tiền, vì họ không đòi của hồi môn. Trong khi đó, con trai ông ta đang yêu nàng Marian và cũng chính là người mà ông đang yêu; và vô tình cả hai cha con đều trở thành tình địch của nhau. Cả hai người con đều phải đấu tranh và tìm mọi cách bảo vệ tình yêu của mình. Nhờ sự giúp đỡ của Fleche-đầy tớ của Cleante, anh đã lấy được cái hộp tiền và lấy nó ra làm vật trao đổi với cha về tình yêu. Harpagon phải đành lòng chấp nhận chuyện hôn nhân của con trai, và đánh đổi cả tình yêu của mình để lấy lại được cái hộp tiền. Trong khi mọi người đều vui vẻ trong niềm hạnh phúc, thì hạnh phúc to lớn và duy nhất đối với ông ta là cái hộp tiền vàng. Cho đến cuối cùng, tính hám vàng, ham tiền vẫn nguyên vẹn, không gì có thể thay đổi được sự tham lam về mặt vật chất, bản chất hà tiện trong con người của Harpagon.”

Harpagon thật... xứng đáng là một nhân vật hà tiện điển hình.

Trong văn chương Việt Nam, ta cũng được nghe khá nhiều câu chuyện cười lên án tính hà tiện, keo kiệt, mà một trong những câu chuyện... nổi tiếng nhất là câu chuyện sau:

“Ngày xửa ngày xưa có một lão nhà giàu hà tiện. Trong một lần đi đò qua sông, khi đến giữa sông, lão ta khát nước, muốn uống nước, nhưng sợ mua nước tốn tiền, nên lão ta cúi đầu xuống sông uống nước, chẳng may ngã lộn cổ xuống sông, lão ta lại không biết bơi. Người lái đò vội vàng đến cứu. Mặc dù đang sắp bị chết đuối, nhưng lão ta lại sợ để anh lái đò cứu mình lên thì sẽ phải trả tiền. Thế là lão hà tiện vội nói: Anh cứu ta thế này, ta có phải trả tiền không? Biết tính lão này hà tiện, người lái đò nói: Có chứ! Lão hà tiện nói: Anh lấy bao nhiêu? Người lái đò: 8 quan tiền. Lão hà tiện: 8 quan đắt quá, bớt đi. Người lái đò: 7 quan. Lão hà tiện: 7 quan vẫn đắt, bớt nữa đi. Người lái đò: Vậy 5 quan. Lão hà tiện: 5 quan cũng vẫn còn quá đắt, tôi thà chết còn hơn.

Nói xong, lão hà tiện chìm nghỉm xuống sông.” (**)

Tuy là chuyện cười, nhưng ngẫm ra trong cuộc sống không phải là không có những con người có lối sống hà tiện, keo kiệt như lão nhà giàu trong câu chuyện trên phải không bạn?

Nhà Thơ Nguyễn Khuyến của Việt Nam cũng có bài thơ lên án tính hà tiện, keo kiệt mà nhiều người yêu văn thơ đều biết. Đó là bài thơ “Hỏi thăm quan Tuần mất cướp”:

Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông,
Nó lại lôi ông đến giữa đồng.
Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ!
Thân già da cóc, có đau không?
Bây giờ đã trót sầy da trán,
Ngày trước đi đâu mất mảy lông.
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa.
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông!

Người... được Nhà Thơ nhắc đến trong bài thơ nầy là ông Tuần phủ Đích là bạn học với Nhà Thơ. Ông Đích vốn là người có tính keo kiệt bủn xỉn với bạn bè. Về sau ông Đích được bổ làm Ngự sử ở Kinh. Lúc về hưu, ông Đích chỉ lo làm giàu, rồi bị kẻ cướp cướp đồ đạc, lại còn lôi ra giữa đồng đánh cho mình mẩy bị thương tích nặng nề.

Nhà Thơ cho biết, người hà tiện là người... dại dột!

...

Kinh Thánh cũng lên án tính hà tiện, keo kiệt nơi con người.

Trong Sách 2 Sa-mu-ên, chương 12, từ câu 1-6 chép lại một câu chuyện hà tiện nổi tiếng:

Đức Giê-hô-va sai Na-than đến cùng Đa-vít. Vậy, Na-than đến cùng người mà rằng: Trong một thành kia có hai người, người nầy giàu, còn người kia nghèo. Người giàu có chiên bò rất nhiều; nhưng người nghèo, nếu chẳng kể một con chiên cái nhỏ mà người đã mua, thì chẳng có gì hết. Người nuôi nó; nó cùng lớn lên với con cái người tại nhà người, ăn đồ người ăn, uống đồ người uống, và ngủ trên lòng người; nó như một con gái của người vậy. Vả, có người khách đến người giàu; người giàu tiếc không muốn đụng đến chiên bò của mình đặng dọn một bữa ăn cho người khách đã đến, bèn bắt con chiên con của người nghèo và dọn cho kẻ khách đã đến thăm mình. Đa-vít bèn nổi giận lắm cùng người ấy, và nói cùng Na-than rằng: Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết! Hắn phải thường bốn lần giá chiên con, vì đã làm như vậy, và vì không có lòng thương xót.

Sau khi vua Đa-vít phạm tội tà dâm và tội sát nhân với Bát-sê-ba và chồng của bà là U-ri, thì Đức Chúa Trời sai Tiên Tri Na-than đến để... vạch tội vua. Trước khi... vạch tội vua, thì người của Đức Chúa Trời đã kể câu chuyện hà tiện ấy. Vua Đa-vít nghe xong liền tức giận, và... xử rằng, người phạm tội như thế thật đáng chết, vì không có lòng thương xót. Sau khi nghe vua... tuyên án như vậy rồi, thì Tiên Tri Na-than mới cho biết người phạm tội dường ấy không ai khác hơn chính là... vua.

Đa-vít là vị vua kính sợ Đức Chúa Trời, cho nên khi nghe Tiên Tri Na-than... vạch tội mình, thì ông không những không... chém đầu Na-than, mà ông đã biết ăn năn tội trước mặt Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh chép: “Đa-vít bèn nói cùng Na-than rằng: Ta đã phạm tội cùng Đức Giê-hô-va. Na-than đáp cùng Đa-vít rằng: Đức Giê-hô-va cũng đã xóa tội vua; vua không chết đâu.” (Sách 2 Sa-mu-ên, chương 12, câu 13)

Qua câu chuyện trên, ta thấy Kinh Thánh cho biết người hà tiện, keo kiệt là người tiếc của cải của mình mà không tiếc của cải của người khác. Người hà tiện là người không có lòng thương xót.

Đó là câu chuyện hà tiện ở Cựu Ước.

Trong Tân Ước, chính Chúa Giê-xu cũng đã kể câu chuyện về sự hà tiện đáng nhớ như sau:

Bấy giờ, một người giữa dân chúng thưa rằng: Thưa thầy, xin biểu anh tôi chia gia tài cho tôi. Nhưng Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: Hỡi người kia, ai đặt ta làm quan xử kiện hay là chia của cho các ngươi? Đoạn, Ngài phán cùng chúng rằng: Hãy giữ cẩn thận chớ hà tiện gì hết; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu. Ngài lại phán cùng chúng lời ví dụ nầy: Ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm, người bèn tự nghĩ rằng: Ta phải làm thể nào? Vì không có đủ chỗ chứa hết sản vật. Lại nói: Nầy, việc ta sẽ làm: ta phá cả kho tàng và cất cái khác lớn hơn, thâu trữ sản vật và gia tài vào đó; rồi sẽ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ. Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai? Hễ ai thâu trữ của cho mình mà không giàu có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy.” (Sách Lu-ca, chương 12, từ câu 13-21)

Qua câu chuyện, Chúa Giê-xu cho biết sự hà tiện không đem lại sự sống cho con người được. Người hà tiện là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, sống ích kỷ cho bản thân, cho những dục vọng thấp hèn của mình, mà không hề quan tâm đến người khác, không quan tâm đến sự cứu rỗi linh hồn. Và Chúa Giê-xu kết luận: Người hà tiện như thế là người dại.

Sứ Đồ Giăng cũng lên án tính hà tiện:

Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được.” ( Sách 1 Giăng, chương 3, câu 17)

Người hà tiện là người chặt dạ, có nghĩa là không có lòng rộng rãi. Người chặt dạ, người không có lòng rộng rãi thì không có lòng yêu mến Đức Chúa Trời thật sự ở trong họ.

Đức Chúa Trời ban cho con người chúng ta sự sống và mọi vật trong thế giới nầy để chúng ta được hưởng, miễn là chúng ta biết ơn Ngài và đem lòng tôn thờ Ngài.

Nếu chúng ta chỉ lo nghĩ đến bản thân mình, sống hà tiện, ích kỷ, không quan tâm đến người còn nghèo khó chung quanh; đặc biệt là không quan tâm đến sự cứu rỗi linh hồn, thì Kinh Thánh khẳng định, đó là người dại dột. Người hà tiện sẽ sống một đời sống khổ sở, dù có nhiều tiền bạc, và rồi sẽ chết đớn đau trong hỏa ngục đời đời, nếu không tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ đời sống mình.

Nguyện xin Chúa thương xót, giúp đỡ cho bạn và tôi thoát được lối sống hà tiện, keo kiệt trong cuộc đời của mình, và biết sống hào phóng, rộng rãi với người, nhất là sống với lòng biết ơn Đức Chúa Trời là Đấng đã ban cho bạn và tôi mọi điều trong cuộc đời nầy để hưởng. A men!

Tháng 7/ 2021

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*) Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)

(**): Trích từ “truyendangian.com”