Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 222

Chuyện... Đếm

Kinh Thánh: Các quan xét 20: 16; Thi-thiên 56: 8; Ma-thi-ơ 10: 30, 31 (*)

Kính chào quý độc giả,

Đếm là một công việc mà không ai trong chúng ta không làm trong cuộc sống hằng ngày.

Hằng ngày, nhiều người trong chúng ta đều phải đếm.

Những người làm công tác kinh doanh thì phải đếm...tiền sau mỗi một ngày làm ăn buôn bán để biết được lời lỗ ra sao mà tiếp tục có chiến lược cho công việc kinh doanh, buôn bán của mình.

Những học sinh, sinh viên đi học thì luôn đếm ngày tháng cho qua mau chóng hầu hoàn thành được chương trình học, để còn tiếp tục học lên được những chương trình cao hơn.

Những ai bị cảnh lao lý, tù tội thì lại càng luôn đếm ngày tháng để biết là mình còn bao nhiêu thời gian ở trong tù nữa, và chừng nào thì được ra tù về đoàn tụ với gia đình? Vì người ta nói “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài” mà.

Những ai có hồ sơ chuẩn bị được bão lãnh đi Mỹ hay đi các nước văn minh Tây Phương thì cũng luôn mong ngóng bấm đốt ngón tay, đếm từng ngày cho hết thời gian chờ đợi để đến ngày lên máy bay đoàn tụ với người thân yêu đang mỏi mòn chờ đợi.

Người nông dân sau khi gieo hạt giống xuống đất rồi, cũng mong sao cho mưa thuận gió hòa, và đếm ngày tháng cho mau qua, hầu đến ngày thu hoạch sản vật mà mình đã gieo trồng cho thỏa lòng ước mong.

Những người lính chiến đấu nơi chiến trường cũng luôn mong mỏi thời gian mau qua, nên thường đếm ngày tháng cho mau hết, để có thể sớm được trở về với gia đình và người thân.

Còn nhớ cách đây 42 năm, vào mùa Thu năm 1979, tôi rời gia đình cùng bạn bè và người thân lên đường cầm súng xa nhà đi chiến đấu tận bên xứ sở chùa tháp Cam-pu-chia. Lúc bấy giờ, tôi mới hơn 18 tuổi đầu, mới vừa đi thi Đại Học về và vừa bỏ chiếc áo thư sinh ra. Mặt còn... búng ra sữa, nhưng theo lệnh nhà cầm quyền, tôi và nhiều thanh niên khác phải lên đường vào lính xa nhà ra trận. Khi chúng tôi đi, người ta khoác lên cho chúng tôi một danh hiệu rất kêu “Quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế”. Có ai trong chúng tôi tình nguyện gì đâu, nhiều người còn trốn chạy khỏi địa phương để khỏi đi lính cơ mà, chứ ở đó mà... tình với nguyện. Thật đúng là mị dân!

Ngay khi đặt chân xuống sân bay Siêm Riệp của đất nước Cam-pu-chia, chúng tôi đã chứng kiến cảnh tượng đầu lâu, xương sọ lăn lóc ở nhiều nơi mà trong lòng rùng mình, khiếp đảm.

Thế là lần đầu tiên trong đời, tôi được... xuất ngoại bất đắc dĩ. Tôi cùng những đồng đội của tôi được đưa đến một vùng rừng núi xa xôi của Cam-pu-chia để đóng quân tại đó và thực hiện nhiệm vụ của một người lính theo lệnh của nhà cầm quyền.

Gần năm năm trời dài đằng đẵng, tôi làm lính chiến đấu trên đất nước Cam-pu-chia. Không ngày nào mà những người lính như chúng tôi không nghe tiếng súng nổ, không ngày nào mà chúng tôi không đối diện với hiểm nguy, chết chóc. Lính chiến mà! Lúc ấy, với những người lính chiến đấu như chúng tôi, ai nấy đều chỉ biết sống cho hôm nay, chứ không nghĩ gì đến ngày mai, vì ngày mai không biết có còn đến với mình hay không? Sự sống của những người lính chiến như nghìn cân treo sợi tóc, rất mong manh. Sống chết lúc nào không hay. Một ai đó đã nói: “Đắc nhất nhật quá nhất nhật. Đắc nhất thì quá nhất thì” (Được một ngày qua một ngày. Được một giờ qua một giờ) thật đúng với tâm trạng của người lính chiến nơi sa trường. Khi ở trong chiến trường, chúng tôi thường quan niệm rằng: Đạn pháo của kẻ địch bắn chưa chắc đã trúng... đơn vị mình, nếu có trúng vào đơn vị mình thì chưa chắc đã... trúng mình. Nếu có trúng mình thì chưa chắc... bị thương. Nếu có bị thương thì cũng chưa chắc ... bị thương nặng. Nếu bị thương nặng thì chưa chắc đã... chết. Cứ thế và cứ thế mà lấy hy vọng để sống trong suốt thời gian quân ngũ tại một chiến trường ác liệt.

Có thể nói thời gian năm năm làm lính chiến đấu tại chiến trường Cam-pu-chia là khoảng thời gian mà tôi thấy lâu nhất trong cuộc đời hơn 60 năm của tôi cho đến hôm nay. Không ngày nào là anh em lính chiến chúng tôi không đếm từng giờ, từng ngày, từng tháng, mong mỏi cho sớm hết thời gian quân ngũ để về với gia đình, và thoát cảnh chết chóc.

Chưa bao giờ tôi thấy câu Kinh Thánh: “Cầu xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi... ” (Sách Thi-thiên, chương 90, câu 12) có ý nghĩa sâu xa và giá trị như lúc bấy giờ.

Không thể nào quên được cái ngày mà chúng tôi được giải ngũ, giã từ vũ khí để rời đất nước Cam-pu-chia trở về đất mẹ Việt Nam thân yêu của mình. Chúng tôi hát ca cả đêm với những bài nhạc vàng sâu lắng và đầy tình cảm, để rồi sáng hôm sau lên đường về Việt Nam với cả một niềm hân hoan, vui sướng tột độ.

Cho đến bây giờ, dù đã 42 năm trôi qua rồi, nhưng lòng tôi vẫn không quên được những ngày làm lính chiến đấu đầy ác liệt tại chiến trường Cam-pu-chia. Biết bao nhiêu đồng đội của tôi đã bỏ mạng tại xứ người, không ít người trở thành tàn phế bởi chiến tranh. Thương làm sao những con người ấy! Có những cái chết của đồng đội tôi đến bây giờ vẫn còn ghi nhớ trong tôi, không thể nào quên được, như cái chết của D, của Ph, của L...

Nhưng cảm tạ Đức Chúa Trời đã thương xót tôi và cho tôi được trở về trong bình an, lành lặn. Người xưa đã nói rất chí lý: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay mấy ai đi lính mà trở về - Thơ của Vương Hàn, thời nhà Đường bên Trung Quốc). Tôi và một số đồng đội tôi còn sống được và trở về, đó là một may mắn và hạnh phúc lớn làm sao!

Con người chúng ta thường hay đếm là như vậy, vì con người chúng ta hữu hạn và chóng qua!

...

Kinh Thánh có nói đến việc Đức Chúa Trời đếm. Ngài là Đấng vô hạn và đời đời, sao Ngài cũng...đếm giống như con người hữu hạn chúng ta?

Xin mời bạn cùng xem cách Đức Chúa Trời đếm có khác với con người chúng ta hay không nhé.

Trong sách Thi-thiên, có chép: “Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi. Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa. Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” (Sách Thi-thiên, chương 56, câu 8)

Ở đây, tác giả bài thơ nầy là vua Đa-vít, khi ông đang bị kẻ thù tấn công, phá hoại, ông đã cầu khẩn với Chúa đề xin Ngài cứu giúp. Ông đã để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời thay vì để tâm trí nhìn vào kẻ thù. Cho nên lòng ông được bình an. Và trong tinh thần đó, Đa-vít nói: “Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi.” Có nghĩa là, ông vững tin nơi Đức Chúa Trời là Đấng luôn quan tâm, chăm sóc ông một cách rất cụ thể, chứ không chung chung, đến nỗi Ngài đếm đến từng bước chân ông đi luôn.

Ngay cả bản thân Đa-vít, chắc ông cũng không thể làm được việc “đếm các bước chân mình đi” (cũng không ai trong vòng con cái loài người có thể làm được việc đó); nhưng ông tin Chúa của ông là Đấng ông đang tin cậy và thờ phượng thì khác, Ngài hoàn toàn có thể làm được việc đó cách dễ dàng, vì Ngài là Đấng “vô sở bất năng”, tức là Đấng toàn năng.

Chúa đếm ở đây không phải là Ngài đếm cho Ngài, mà Ngài đếm cho chúng ta, cho những người thuộc về Ngài.

Sự quan phòng của Ngài đối với con cái Ngài thật là tuyệt vời!

Một chỗ khác trong Kinh Thánh cũng nói đến việc... Chúa đếm:

Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi. Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quý trọng hơn nhiều con chim sẻ” (Sách Ma-thi-ơ, chương 10, câu 30, 31)

Đếm tóc trên đầu là chuyện bất khả thi đối với con người, vì tóc nhiều vô số đếm làm sao được?

Nói chuyện... đếm tóc, bỗng nhớ đến chuyện chi phái Bên-gia-min của người Do-thái ngày xưa, họ có đến bảy trăm người tinh binh thuận tay tả, và có biệt tài: “Hết thảy những kẻ đó có tài dùng trành ném đá trúng một sợi tóc, mà chẳng hề sai trật.” (Sách Các quan xét, chương 20, câu 16). Không phải chỉ một vài người có biệt tài, mà có đến cả bảy trăm người như thế!

Thật đáng nể phải không bạn?

Nhưng họ chỉ có biệt tài dùng trành ném đá ném trúng sợi tóc mà thôi, chứ họ không thể nào đếm được tóc trên đầu của họ hoặc trên đầu một con người nào.

Người ta cho biết, tóc trên đầu của con người thường có ước chừng trên dưới 100. 000 sợi.

Có những câu ca dao hay nói về... tóc như sau:

+ Tóc em không bới thì cài
Em cứ gỡ hoài, bối rối dạ anh

+ Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười giòn, anh mê.

+ Thương nhau cắt tóc mà thề
Khó nghèo cũng chịu, chớ hề bỏ nhau

+ Tóc em dài em cài hoa lý
Thấy miệng em cười hữu ý anh thương

...

Nhưng chính Chúa Giê-xu đã phán rằng ngay cả tóc trên đầu của con cái Ngài, tức những người tin Ngài thì Ngài cũng đã đếm cả rồi. Điều nầy nói lên sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Chúa dành cho người tin Ngài.

Chuyện... đếm của Đức Chúa Trời thật đặc biệt phải không bạn?

Ở dưới chân, Ngài đếm các bước đi qua đi lại của mỗi một con dân Ngài.

Ở trên đầu, Ngài đếm từng sợi tóc của mỗi một chúng ta là những người thuộc về Ngài.

Như vậy, từ bàn chân cho đến đỉnh đầu của mỗi chúng ta, Đức Chúa Trời đều quan tâm, chăm sóc một cách đặc biệt, đến từng chi tiết nhỏ li li trong đời sống của chúng ta.

Với một sự quan phòng đặc biệt như thế của Ngài dành cho người thuộc về Ngài, thì có gì chúng ta còn phải lo sợ khi được ở trong Ngài?

Tạ ơn Đức Chúa Trời về sự quan phòng kỳ diệu của Ngài dành cho bạn, dành cho tôi, và dành cho mỗi một chúng ta!

Tôi đã được ở trong Ngài bao nhiêu năm qua, và tôi đã kinh nghiệm được sự quan phòng độc đáo của Ngài trên đời sống mình. Từ khi còn nhỏ đi học, đến khi vào lính chinh chiến nơi sa trường đầy hiểm nguy; rồi đến khi rời quân ngũ trở về, đi học Sư Phạm ra làm nghề dạy học. Sau một thời gian làm thầy giáo, tôi nghỉ làm nghề dạy học để đi học Kinh Thánh ra làm Mục Sư chăn bầy chiên của Chúa, rồi đến khi bước ra mở Hội Thánh mới cho Ngài. Sau đó, được Chúa đưa qua Mỹ để học thêm lời Chúa và hầu việc Ngài, từ Nam California đến Bắc California cho đến tận bây giờ. Từ khi còn tấm bé đến bây giờ đã ngoài 60 tuổi. Từ khi đi học cho đến bây giờ làm một Mục Sư đề hầu việc Ngài. Từ khi còn độc thân, cho đến khi lập gia đình có con cái, và cho đến bây giờ đã trở thành ông nội của... gần ba đứa cháu. Từ khi còn ở Việt Nam cho đến bây giờ đang ở Mỹ, tôi thấy Đức Chúa Trời đã thương yêu, quan phòng, chăm sóc tôi từng hồi từng lúc một cách tuyệt diệu theo cách của Ngài dành cho tôi, chứ không theo cách tôi suy nghĩ.

Tôi chỉ biết nói lời cảm tạ Chúa vì sự thương xót lớn lao của Ngài đã dành cho tôi, dầu tôi còn nhiều yếu đuối, bất toàn, chẳng xứng đáng để được Ngài thương xót và ban ơn như thế.

Đức Chúa Trời quả thật tuyệt vời và không ai tuyệt vời như Ngài cả!

Tôi ước ao ngày càng có nhiều người Việt Nam yêu dấu của tôi cũng được biết đến Đức Chúa Trời là Đấng quan phòng, chăm sóc độc đáo nhất (Ngài đếm từng bước đi dưới chân của chúng ta. Ngài đếm từng sợi tóc trên đầu của chúng ta), hầu sớm đến với Chúa Giê-xu mở lòng ra tin nhận Ngài để được làm con cái Ngài như tôi, và kinh nghiệm được sự quan phòng của Ngài như tôi đã kinh nghiệm.

Chắc chắn không còn gì phước hạnh hơn khi được ở trong Ngài, ở trong sự chăm sóc,bảo vệ của Ngài!

Nguyện Đức Chúa Trời ban phước cho bạn cũng như Ngài đã ban phước cho tôi vậy!

California, tháng 7/ 2021

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu.

(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)