Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1529

Chịu Khổ Với Chúa

Sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế là gì? Rất nhiều người hiểu sai về điều này bởi vì một số sự giảng dạy tôn giáo đã bóp méo thuật ngữ này của Kinh Thánh. Sự chịu khổ không phải là bị chết do bệnh tật hay do thiếu tiền để trả nợ. Nó cũng không phải là việc nhịn ăn nhiều tuần để Chúa chạm lòng bởi sự hy sinh của bạn. Sự chịu khổ không phải là hy sinh–mà chính là sự vâng lời! Tác giả của thư Hê-bơ-rơ đã làm rõ về việc chịu khổ của Chúa là như thế nào: Trong những ngày sống trong xác thịt, Đức Giê-su đã lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện, nài xin với nước mắt lên Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành kính nên được nhậm lời. Dù là Con, Ngài cũng phải học tập vâng lời trong những điều thống khổ Ngài đã chịu. (Hê-bơ-rơ 5:7-8).

Chúa Giê-su không mang theo sự vâng phục xuống thế gian này; Ngài phải học vâng lời. Ngài học qua việc vâng theo Cha của Ngài dẫu khi rất dễ để không vâng lời. Ngài không tìm cách làm hài lòng con người mà là làm vui lòng Chúa. Ngài biết rằng con người về lâu dài sẽ nhận được lợi ích rất lớn qua sự vâng lời của Ngài.

Phi-e-rơ nhận định sự chịu khổ thật sự đó là vừa sống theo ý muốn của Chúa và vừa chống cự với các dục vọng của con người (1 Phi-ê-rơ 4:2). “Sự chịu khổ của Đấng Cứu Thế” có nghĩa là đi theo đường lối của Chúa khi mà tâm trí, cảm xúc hay giác quan vật lý lôi kéo chúng ta đi theo hướng dễ chịu, muốn thỏa hiệp hay thích vui chơi. Điều này thường xảy ra trong những xung đột mà chúng ta đối diện khi Chúa muốn chúng ta một đàng nhưng bạn bè, gia đình, đồng nghiệp hay nhiều thứ khác muốn chúng ta đi lối khác. Không may thay, chúng ta thường gặp phải hoàn cảnh này từ những người thân thiết với chúng ta nhất.

Một ví dụ điển hình đó là khi Phi-e-rơ bất đồng với Chúa Giê-su về sự chết và chôn của Ngài: Từ đó, Đức Giê-su bắt đầu bày tỏ cho các môn đồ biết rằng Ngài phải đi lên Giê-ru-sa-lem và phải chịu nhiều đau khổ bởi các trưởng lão, các thượng tế và các chuyên gia kinh luật; Ngài phải bị giết, đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại. Phi-e-rơ đem Ngài riêng ra và nói: “Chúa ơi, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Thầy sẽ không bị như thế đâu!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo Phi-e-rơ: “Hỡi Satan, hãy lui ra sau Ta. Con làm cớ vấp phạm cho Ta, vì con không nghĩ đến việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ nghĩ đến việc của loài người.” (Ma-thi-ơ 16:21-23). Chúa Giê-su công bố cho các môn đồ biết rằng để vâng lời Đức Chúa Trời thì Ngài phải đi lên Giê-ru-sa-lem, chịu thương khó, chịu giết và được sống lại vào ngày thứ ba. Có thể thấy Phi-e-rơ đã không nghe “phần phục sinh” trong những điều mà Chúa Giê-su đã nói đến, hoặc ông đã quá bận tâm đến những lời Chúa nói về việc Ngài sẽ chịu chết. Bạn có hiểu được suy nghĩ của Phi-e-rơ không? Khoan đã, Ngài là Đấng Mê-si (điều này chỉ vừa được bày tỏ cho ông), và Ngài đáng lẽ ra phải thiết lập vương quốc và khôi phục nước Y-sơ-ra-ên. Con đã bỏ công việc và gia đình của con để đi theo Ngài. Con đã mất đi bạn bè để đi theo Ngài. Con đã đầu tư rất nhiều thời gian vào việc này. Con đã tạo được tiếng tăm. Các lãnh đạo nhà hội nghĩ Ngài khùng điên, nhiều tờ báo và tạp chí liên tục đưa tin về việc Ngài là nhân vật gây tranh cãi. Ngài là chủ đề nóng hổi nhất trên mạng xã hội, và phần lớn là những lời nói xấu. Ngài bị các chuyên gia thần học và các vị lãnh đạo cho là tà giáo. Còn bây giờ, Chúa lại đang nói về sự chết. Rồi con sẽ ra sao? Sau tất cả những thời gian mà con giành để đi theo Ngài, con không còn lại thứ gì cả, chỉ với những tai tiếng mà thôi. Sau đó ông thốt lên, “Không đâu, thưa Chúa, Ngài không thể làm điều đó!” (Diễn giải).

Chúa Giê-su đã phải nhanh chóng chỉ ra suy nghĩ ích kỷ và thế tục của Phi-e-rơ. Ông đã không nhìn vấn đề theo cách nhìn của Chúa. Thế gian bị satan (“thần đời này” 2Cô-rinh-tô 4:4) giáo dục chỉ nhằm tìm lợi ích riêng cho mình. Nước thiên đàng thì lại hoàn toàn trái ngược. Vì vậy để làm trọn ý muốn của Chúa, chúng ta phải đi ngược lại với trào lưu thế gian, ngay cả chúng ta phải làm khác với các “anh chị em trong Chúa” mà đã bị thế gian ảnh hưởng nặng đến lối suy nghĩ của họ. Phi-e-rơ không phải là người xấu, nhưng trong hoàn cảnh này suy nghĩ của ông đã bị méo mó theo thế gian mà không theo Chúa. Ông đã không chịu thay đổi trong tư duy của ông về cách mà sự việc diễn ra.

Phao-lô nói rằng ông phải quên đi những điều đã qua, phóng mình đuổi theo những điều phía trước, nhắm mục đích đoạt được giải thưởng trên trời (Phi-líp 3:14).

Hãy xem lại Ê-sai 43:18-19, những lời dạy này chắc chắn khích lệ chúng ta ngày nay: “Đừng nhớ đến những việc trước kia, cũng không nên suy nghĩ đến những điều xưa cũ. Này, Ta đang làm một điều mới. Bây giờ nó đang xuất hiện, các ngươi không nhận thấy sao? Phải, Ta sẽ làm một con đường trong sa mạc, tạo các sông nơi đồng hoang.” Buồn thay, ngày nay có rất nhiều người thậm chí muốn sống trong “sự an toàn” của sự nô lệ hơn là bước vào sự tự do, làm trọn ý muốn của Chúa cho họ. Họ lo sợ về những thay đổi phía trước hơn là những hoàn cảnh quen thuộc mà họ đã từng bị áp chế. Lại có những người khác chỉ bằng lòng với những điều Chúa đã làm cho họ trong quá khứ mà không sẵn lòng để tiến đến những thách thức mới. Chúa hẳn đã làm những điều lớn lao tuyệt vời qua họ, nhưng họ chỉ cứ dừng chân cắm trại an nghỉ ở cái quá khứ thành công của họ.

Vâng theo ý muốn của Chúa đem đến sự sống, sự tự do và là cách duy nhất để chúng ta tìm thấy sự mãn nguyện. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại việc nhắm tới phía trước dường như là bất khả thi đối với bạn. Qua Ê-sai, Chúa nói rằng Ngài sẽ làm một điều mới, “suối nước sẽ tuôn ra trong nơi sa mạc.” Hay nói cách khác, khi chúng ta đi theo Thánh Linh để hoàn tất những điều mà Ngài ao ước, chúng ta sẽ tìm thấy mình rơi vào hoàn cảnh tưởng chừng như bế tắc và khô hạn. Nhưng như chúng ta biết, việc gì con người không làm được thì Đức Chúa Trời làm được cả (Lu-ca 18:27). Vì phía bên kia của kinh nghiệm đồng vắng là một đời sống sung mãn, đắc thắng và thỏa nguyện.

John Bevere (Chúa Ơi Ngài Ở Đâu)