Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 235

Chuyện... Ba Thước Đất

Kinh Thánh: Thi-thiên 116: 15; Truyền Đạo 1: 2; Khải Huyền 14: 13 (*)

Kính chào quý độc giả,

Khi nói đến... ba thước đất thì ai trong chúng ta cũng biết là đang nói về điều gì rồi phải không bạn?

Vâng, “ba thước đất” là một cụm từ dành để nói về... mảnh đất nơi một người qua đời... yên nghỉ.

Xuất phát từ đâu mà có cụm từ... ghê ghê nầy?

Tìm hiểu trên mạng internet đến... mờ cả mắt mà cũng không tìm ra một nguồn tài liệu nào đề cập đến cả, nên đành... bó tay vậy.

Có ai biết nguồn gốc cụm từ “ba thước đất” nầy thì xin... chỉ giáo cho!!!

...

Không tìm ra được nguồn gốc của cụm từ “ba thước đất”, tôi chợt nhớ đến bài thơ của một vị vua nổi tiếng văn hay chữ tốt của Việt Nam có nhắc đến... “ba thước đất.” Đó là bài thơ “Ngẫu cảm”.

“Ngẫu cảm”là bài thơ nổi tiếng của vua Tự Đức nói về sự ngắn ngủi, chóng qua của đời người:

Sự đời ngẫm nghĩ, nghĩ mà ghê,
Sống gửi rồi ra lại thác về.
Khôn dại cùng chung ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê.
Tranh giành trước mắt mây tan tác,
Đày đoạ sau thân núi nặng nề.
Muốn đến hỏi tiên, tiên chẳng bảo,
Gượng làm chút nữa để mà nghe.

Nhà vua “ngẫm nghĩ” đến cuộc đời con người mà cảm thấy... ghê. “Ghê” vì cuộc đời ngắn quá. Sống-chết như... mây tan tác, chỉ một thoáng chốc mà thôi. Giàu có đó, rồi nghèo khó đó (chưa chín một nồi kê), cũng chỉ là... gió thoảng mây bay, chẳng đáng kể gì.

Tại sao cuộc đời của con người lại ngắn ngủi và đau khổ thế, ghê sợ thế?

Câu trả lời vì đó chính là luật định của Đức Chúa Trời, khi con người phạm tội với Ngài, nên dù có hỏi... tiên thì tiên cũng không giải thích được (tiên chẳng bảo).

Khôn dại, giàu sang gì gì rồi cũng... chết. Sống chỉ là sống... gởi tạm bợ trên trần gian nầy một thời gian ngắn; rồi sẽ... thác, mà thác mới là... về quê chính của mình, mới là nơi ở lâu dài, vĩnh cửu của mình.

Vua Tự Đức rất có lý khi nói rằng: “Khôn dại cùng chung ba thước đất”

Vâng, khi sống có làm gì đi nữa, có hơn thua, tranh giành cho mấy đi nữa, thì khi chết cũng chôn vào trong lòng đất với... ba thước đất mà thôi, không hơn, không kém.

...

Ý thức được cuộc đời là mỏng manh, và sự chết là điều không ai tránh khỏi, nên có nhiều vĩ nhân đã cố gắng sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, làm “một người tử tế” thật sự, và khi chết thì cũng chỉ muốn được chôn một cách... tiết kiệm đất nhất là... ba thước đất mà thôi. Ngay cả điếu văn, có người cũng... không cần nữa.

George Washington (1732-1799) là Tổng thống đầu tiên và được bình chọn là Tổng thống vĩ đại thứ hai của Hoa Kỳ sau Abraham Lincoln, đã viết trong di chúc: “Tôi đặc biệt nhấn mạnh rằng thi hài mình cần được chôn cất một cách riêng tư, không diễu hành phô trương, và cũng không cần điếu văn.”

George Washington được người dân Mỹ tôn sùng, vậy mà khi mất ông cũng chỉ yên nghỉ trong ngôi mộ rất bình thường không có gì đặc biệt so với ngôi mộ của những người khác... Tiếng tăm của một người để lại do cuộc đời tận tụy cống hiến, phụng sự cho đất nước của người ấy chứ không phải do cái hào nhoáng bên ngoài của lăng mộ. (1)

George Washington có câu nói để lại cho hậu thế thật đáng để ý:

+ If freedom of speech is taken away, then dumb and silent, we may be led, like sheep to the slaughter. (Một khi quyền tự do ngôn luận bị tướt mất, thì chúng ta trở nên câm lặng và ngu ngốc như chú cừu đang bị dẫn đến lò mổ)

Thomas Jefferson là Tổng Thống thứ ba của Mỹ và là tác giả của bản Tuyên Ngôn Độc Lập nước Mỹ cũng đã chết và chôn một cách... tiết kiệm đất nhất. Không... phung phí đất của đất nước. Ông có một câu nói nổi tiếng đáng học hỏi:

+ When the people fear the government there is tyranny. When the government fears the people, there is liberty. (Khi người dân sợ chính phủ, chúng ta có độc tài. Khi chính phủ sợ người dân, chúng ta có tự do.)

Thế nhưng, ngược lại, cũng có không ít người khi sống đã chẳng làm được điều gì ích nước lợi dân; vậy mà khi chết còn tham lam, chiếm hữu hàng ngàn mét vuông đất của người dân để chôn xác mình nữa. Thật đáng tội!

Những con người như thế không những không để lại sự tôn trọng nào trong lòng người dân, mà ngược lại chỉ để lại sự khinh bỉ muôn đời mà thôi!

...

Kinh Thánh cho biết mọi sự trên đời nầy rồi sẽ hư không hết thảy: “Người truyền đạo nói: Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không, thảy đều hư không.” (Sách Truyền Đạo, chương 1, câu 2)

Lăng tẩm, đền đài, mồ to mả lớn, và mọi công trình khác dù có hoành tráng cỡ nào đi nữa, rồi cũng bị Đức Chúa Trời tiêu hủy hết trong ngày tận thế trong tương lai. Thế giới nầy trong tương lai là để dành cho... lửa.

Kinh Thánh khẳng định: “Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả.” (Sách 2 Phi-e-rơ, chương 2, câu 10)

Điều quan trọng nhất cho cuộc đời một con người trước khi chôn vùi thân xác dưới... ba thước đất, là người ấy đã tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình hay chưa?

Nếu đã có Chúa Giê-xu trong cuộc đời trước khi qua đời thì đó là một phước hạnh miên viễn.

Nếu không có Chúa Giê-xu trong cuộc đời trước khi qua đời, thì đó lại là một bất hạnh nghìn muôn năm không dứt.

Bạn đã Chúa Giê-xu trong cuộc đời của mình hôm nay chưa?

Bạn biết đấy, sự chết là hậu quả của tội lỗi do con người gây ra.

Kinh Thánh cho biết: “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết.” (Sách Rô-ma, chương 6, câu 23a)

Theo đó, sự chết là điều kinh khiếp nhứt mà con người phải đối diện.

Kinh Thánh không nói sự chết là phước hạnh bao giờ.

Nhưng Kinh Thánh nói: “phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.” (Sách Khải Huyền, chương 14, câu 13)

Kinh Thánh cũng không nói sự chết là quý báu, mà Kinh Thánh nói: “Sự chết của các người thánh là quý báu trước mặt Đức Giê-hô-va.” (Sách Thi-thiên, chương 116, câu 15)

Như vậy, qua Kinh Thánh, chúng ta được biết sự chết chỉ được cho là phước hạnh và quý báu cho con người là khi và chỉ khi người đó có Chúa Giê-xu trong cuộc đời của mình mà thôi. Vì một khi bạn đã có Chúa Giê-xu trong cuộc đời rồi, thì khi lìa khỏi đời nầy, thân xác dù nằm dưới... ba thước đất, nhưng linh hồn bạn liền được bước vào Thiên đàng vinh hiển để hưởng phước hạnh đời đời với Chúa Giê-xu.

Nếu trước khi nhắm mắt xuôi tay, mà bạn chưa có Chúa Giê-xu trong cuộc đời, thì khi thân thể nằm dưới... ba thước đất, linh hồn bạn sẽ đi vào nơi hỏa ngục mãi mãi với lửa không hề tắt. Cho nên, chết mà không có Chúa Giê-xu, thì không thể nào gọi là phước hạnh hay quý báu được. Chết mà không có Chúa Giê-xu thì quả là bất hạnh và kinh khiếp!

Một nhà thơ Cơ-đốc đã có thơ rằng:

Chiến tranh,
chết chóc
điêu tàn,
có ngày cũng kết liễu.
Còn số phận con người
Khi chết sẽ về đâu?
Thì nay nên quyết định,
Bạn đã nghĩ gì chưa?

“Bạn đã nghĩ gì chưa?” trước khi hơi thở của bạn bị Đức Chúa Trời rút lại, và thân xác phải chôn vùi dưới... ba thước đất?

Xin Chúa cảm hóa lòng bạn để bạn sớm tin nhận Chúa Giê-xu Christ làm Chúa, làm Chủ cuộc đời mình trước khi... ba thước đất chờ bạn, bạn nhé!

Kính chào quý vị và các bạn trong tình yêu của Thiên Chúa!

California, tháng 10/ 2021

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu

(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)

(1): (trithucvn.org. ngày 10. 10. 2020)