Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 29

Không Ham Không Sợ Hố

Bà L. sau khi nghỉ hưu, về Cao Lãnh thăm lại quê nhà, để ý thấy một thanh niên như người mất trí cứ đi lang thang và hát nghêu ngao:

Trách ai tham đó bỏ đăng,
Thấy lê quên lựu, thấy trăng quên đèn.

Hỏi ra, mới biết anh N. này bị tình phụ. Người hôn thê chỉ còn 2 tháng nữa là cưới, gặp một Việt kiều về xin cưới. Cô và gia đình thấy tương lai cô lấy chồng từ Mỹ sáng hơn lấy một thầy giáo trường làng, nên hồi hôn với N.

Anh Việt kiều cho biết anh là giám đốc một công ty đặc trách vệ sinh môi trường, có thu nhập rất tốt. Công việc khá bề bộn nên cần người phụ tá cho công việc, quản lý tài chánh và quản lý đời anh luôn. Cha mẹ cùng con gái nghe bùi tai, thích chí, đòi mâm cao cỗ đầy, nhiều nữ trang cho cô dâu, và không quên vài ngàn đô giúp sửa nhà để nở mày nở mặt với hàng xóm. Anh Việt kiều chấp nhận một cách rất ... hào phóng.

Cô dâu M. được đưa qua Atlanta, tiểu bang Georgia, mới biết mình bị hố. Anh chồng làm nghề cắt cỏ, có nhiều mối nên thu nhập cũng khá. Anh cố tìm một người vợ Việt Nam mấy năm nay trên đất Mỹ không ra, nên đã quyết “ta về ta tắm ao ta”, nhờ người tìm mai mối cho một cô gái chân quê để cưới.

Anh cười cười nói với vợ mới cưới vì cha mẹ em đòi cheo cưới nhiều nên anh mắc nợ đến vài chục ngàn đô. Vì nay mình thành vợ thành chồng rồi thì có phước cùng hưởng, có nạn cùng chịu, nên em phụ cắt cỏ với anh. Anh sẽ lãnh thêm mối để mau trả nợ!

Mọi chuyện xảy ra ngoài sức tưởng tượng của M. Tất cả như sụp đổ trước mặt cô. Cô phải ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám tâm sự với ai kể cả cha mẹ cô. Cho tới khi ông bà gửi nhiều thư qua xin tiền, cô mới kể hết sự thật. Bây giờ cả nhà mới thấm câu: “tham thì thâm, ham nên bị hố”. Ai nghe chuyện cũng thốt lên: “Ai không ham thì không sợ bị hố”.

Trong Kinh Thánh, phần thư tín của Phao-lô, chúng ta biết có một nhân vật tên là Đê-ma, thường theo Phao-lô, như trong thư Cô-lô-se chương 4 ghi. Kế đó, có lúc Đê-ma lìa bỏ Phao-lô vì ham hố đời này, được ghi trong thư 2 Ti-mô-thê 4. Có lẽ sau một thời gian ham mê chuyện đời nên thấy bị hố, bị những vố bầm giập, nên ông trở lại với thầy mình, như chúng ta thấy trong thư Phi-lê-môn.

Trở lại chuyện cậu N, bị tình phụ nên tủi thân, cay đắng và bị trầm cảm. Cậu không còn đi dạy nổi nữa, cứ đi lang thang, hát nghêu ngao! Nhưng sau ngày gặp bà L., cuộc đời anh như thay đổi. Anh không còn hát câu “Trách ai...” nữa, mà khi có ai nhắc đến thì anh cười vui vẻ, nói rằng bây giờ anh thích ngâm hai câu thơ này:

Tuân phụ lệnh, Con Trời giáng thế,
Thương nhơn loài, Cứu Chúa hy sinh.

Câu chuyện đổi đời của anh N. khá ly kỳ, tôi sẽ ghi lại sau.

Châu Sa (Dec. 2021)

Nguồn: 🔗