Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 256

Sự Chân Thành

MS Lê Văn Thể

"Vì trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật. Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa, và chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn" (Ê-phê-sô 5: 9, 10).

"Trong thế giới đảo điên này, một vạn người mới có một người chân thật"(Shakespeare).

Chân thành trái ngược với những gì mang tính màu mè bề ngoài. Nói cách khác chân thành là sống thành thật. Người thế gian trong nhiều lãnh vực, người ta khoác chiếc áo "đắc nhân tâm" cốt để làm vui lòng người đối diện, nhưng không thành thật. Người chăn bầy của Đức Chúa Trời không thể sống giả dối. Như vậy, chân thành là gì? Thế gian cò nhiều danh ngôn định nghĩa về sự chân thành. Có danh ngôn, khuyết danh cho rằng: "Chân thành có nghĩa là thực tế, lương thiện và thành thật. Những người chân thành luôn có sự nhất quán giữa những gì họ suy nghĩ và thể hiện ra bên ngoài." Tuy nhiên, cũng có những câu danh ngôn định nghĩa rất khác:

"Ai khen tất cả mọi người, người đó chẳng khen ai cả." (He who praises everyone, praises nobody) (Samuel Johnson).

"Ít người thực sự nhìn với đôi mắt của mình, và cảm nhận bằng trái tim mình." (Few are those who see with their own eyes and feel with their own heart) (Albert Einstein).

Trong những định nghĩa này chúng ta nhìn thấy hai mặt của lòng người: Một bên là xã giao, khen tặng tất cả mọi người, chẳng qua là áp dụng thuật "đắc nhân tâm" để làm vui lòng mọi người, nhưng không thành thật! Bên còn lại, nói lên nghĩa đối nghịch lại "sự thành thật" là "sự giả dối." Tuy nhiên, đời sống của một Mục sư đòi hỏi sự chân thành như là một phẩm tính bắt buộc. Cho dù Mục sư có giảng lời Chúa hùng hồn hay được ơn bao nhiêu chăng nữa; nhưng nếu đời sống không phản ảnh được sự công bình, thành thật, thì những gì Mục sư rao giảng trên bục trở nên vô nghĩa đối với con dân Chúa. Bàn về phẩm tính này, Mục sư Phạm Hữu Nhiên đã viết:

"Mục sư phải là người công bình, thánh sạch. Điều này không có nghĩa là Mục sư phải toàn hảo, không hề phạm tội, không hề làm điều gì sai quấy, vì không ai là toàn hảo cả. Nhưng ít ra, Mục sư phải là người thật tâm nhờ ơn Chúa thực hành những gì mình giảng dạy. Lời nói việc làm phải đi đôi với nhau. Thực ra con dân Chúa sẽ chịu ảnh hưởng bởi cách sống của Mục sư nhiều hơn là bởi lời giảng. Cho nên Mục sư cần làm gương cho tín hữu qua cách sống của mình. Động lực của Mục sư có trong sạch hay không? Lời nói của Mục sư có đáng tín nhiệm hay không? Tiền bạc, tình cảm của Mục sư có đúng đắn hay không? Đời sống, tư cách của Mục sư có làm người ta kính nể hay không?"

Thiết nghĩ rằng, những sự lời khuyên trên của Mục sư Phạm Hữu Nhiên đã đủ cho chúng ta nhìn thấy hình ảnh của một người chăn bầy công bình, thánh sạch, và thành thật. Nó phản ảnh tính chân thành trên bục giảng và đời sống giống nhau. Chúng ta lần lượt đi qua ba phần chính yếu sau đây về phẩm tính này:

1. Chân thành với Đức Chúa Trời

"Vả, lúc trước anh em còn ở trong tối tăm, nhưng bây giờ đã trở nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng. Vì trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật"(Ê-phê-sô 4: 8, 9).

Đó là lời dạy của sứ đồ Phao Lô dành cho tất cả con dân Chúa. Như vậy, đối với người chăn bầy, sự chân thành là phẩm tính hết sức cần thiết, không thể thiếu đối với một tôi tớ của Đức Chúa Trời. Nếu một người chăn bầy, không sống thành thật với Đức Chúa Trời là Đấng đã chọn lựa người chăn, biệt riêng ra để hầu việc Chúa; mà sống không chân thật với Chúa thì làm sao chân thành với con người? Thế nào là chân thành với Đức Chúa Trời? Là con người đó, thực sự là tôi tớ của Ngài. Trước hết, phải có một đức tin thành thật, tiếp đến là trung thành với lời Chúa, và sau hết là sống bởi lời Chúa.

a. Đức tin thành thật

Là đức tin chân thành không có một dối trá nào, hay nghi ngờ nào đối với niềm tin của mình. Đức tin đó như trẻ thơ tin vào lời nói và tình yêu của cha mẹ mình. Cũng một thể ấy, người chăn bầy không thể có một đức tin lung lay, với những hồ nghi trong lời của Chúa. Nó đòi hỏi một niềm tin tuyệt đối. Người chăn bầy tất nhiên tin một trăm phần trăm về các lẽ đạo được chép trong Kinh Thánh như: Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo nên vũ trụ, vạn vật, súc vật, con người. Vì yêu thương thế gian nên Ngài đã ban Con một của mình đến trần gian, chịu chết trên thập tự giá để cứu chuộc nhân loại. Hễ ai tin nhận Chúa Giê-xu và thờ phượng Ngài, thì nhận được sự cứu rỗi, và thoát khỏi hồ lửa của điạ ngục.

Không những chỉ tin vào những lẽ đạo, mà còn biểu hiện một đời sống bày tỏ niềm tin của mình. Người chăn bầy không thể thiếu sự tương giao riêng tư với Chúa qua việc đọc Kinh Thánh thường xuyên và cầu nguyện mỗi ngày. Đồng thời cũng phải thực hành đời sống của mình phản ảnh được lời của Chúa. Trong cách ăn ở, đối xử với mọi người luôn chừng mực, cẩn trọng bày tỏ một nết hạnh đáng được mọi người nễ trọng. Người chăn bầy chân thành với Chúa có nghĩa là phải giữ lời hứa nguyện, cam kết của bản thân đối với Chúa như một "hợp đồng thuộc linh" đã được chứng thực, không thể thay đổi!

Người chăn bầy phải chân thành trong sự giảng dạy, trung thực với lời Chúa, không bẻ cong lời Chúa để phục vụ những lợi ích cá nhân, hay thỏa mãn những lối tư duy ích kỷ của mình, hoặc sự dụng lời Chúa nhắm tấn công kẻ mình không ưa thích. Tất cả sự lợi dụng lời Chúa để thỏa mãn bản thân được coi như là một tội lỗi, vì "đem danh Chúa ra làm chơi." Tác giả Lưu Hồng Khanh trong sách đạo đức học Cơ đốc, đã ghi lại lời cảnh báo tội lỗi này của Martin Luther trong tập giáo lý căn bản như sau:

"Chúng ta phải tôn kính và yêu mến Chúa, không rủa sả, thề nguyền, phù phép, nói gian hay nói dối, nhưng trong mọi gian nguy ngặt nghèo biết kêu cầu, khẩn nguyện, tôn ca và cảm tạ Chúa." Tác giả viết tiếp: "Lạm dụng danh Chúa không phải chỉ là rủa sả, thề nguyền gian dối. Lạm dụng danh Chúa còn là với danh Ngài, làm những hành động phản nghịch với bản tính sự thật, yêu thương và thánh khiết của Chúa. Khi nhân danh Chúa và giáo hội Ngài mà lạm dụng, lợi dụng, bắt bớ con người đều đã từng xảy ra trong lịch sử giáo hội với những cuộc viễn chinh thập giá, những tòa án pháp đình, những hỏa thiêu những kẻ khác lập trường, khác ý kiến."

Như vậy, những lời cảnh báo trên cho chúng ta một bài học thật cần thiết cho những người lãnh đạo thuộc linh nói chung, và cho những người chăn bầy nói riêng, đó là: Phải chân thành với Đức Chúa Trời trong mọi sinh hoạt của đời sống chức vụ. Nếu ai đó cố tình làm gãy đổ mối quan hệ với Đấng đã gọi; thì người đó không còn đủ tư cách để phục vụ Chúa trong thiên chức chăn bầy.

"Khi Đấng làm đầu các kẻ chăn chiên hiện ra, anh em sẽ được mão triều thiên vinh hiển, chẳng hề tàn héo" (1Phi-e-rơ 5: 4).

b. Trung thành với lời Chúa

"Về phần con, hãy đứng vững trong những sự con đã đem lòng tin chắc mà học và nhận lấy, vì biết con đã học những điều đó với ai, và từ khi còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ" (2Ti-mô-thê 3:14-15).

Đó là lời khuyên dạy của Sứ đồ Phao Lô dành cho Ti-mô-thê; là người chăn bầy cho Chúa cách đây hơn hai nghìn năm. Lời dạy này vẫn còn thiết thực cho những vị quản nhiệm Hội Thánh hôm nay. Thân thể con người cần thực phẩm để phát triển và tồn tại sự sống còn trên đất. Cũng một thể ấy, lời của Chúa cần cho đời sống tâm linh để nuôi dưỡng đức tin. Người chăn bầy không tìm kiếm sự khôn ngoan của thế gian chẳng hạn như kiến thức của thủ thuật chính trị, hay chiến lược của những thương gia. Người ta đã từng nói: "Thương trường như chiến trường." Câu này có nghĩa là muốn giành được những lợi nhuận hay thành quả kinh tế, các thương nhân cũng phải biết những mưu mẹo để cạnh tranh. Đã là mưu mẹo thì không thể nào có tình yêu thương như tấm lòng của con dân Chúa. Người ta sẵn sàng tấn công nhau, cài bẫy nhau, đánh nhau bằng nhiều cách để giành được thắng lợi qua những hợp đồng mua bán. Phải biết "Tùy cơ ứng biến”, sử dụng tất cả các chiêu bài để lừa lọc nhau. Thậm chí, còn dùng những thủ thuật của ngôn ngữ xảo trá trong sự quảng cáo, nhằm đánh lừa tâm lý hoặc ảo giác của khách hàng.

Trong lãnh vực chính trị thì có cả trăm mưu, nghìn kế để đạt được lợi ích cho quốc gia hay đảng phái và bản thân của mình. Điều này, chúng ta đã từng chứng kiến qua các cuộc vận động tranh cử Tổng Thống Mỹ chẳng hạn. Người ta không ngại chửi bới nhau trước công chúng, moi móc đời tư của nhau mà tấn công. Thậm chí, các ứng cử viên không ngần ngại bỏ tiến ra để thuê những nhóm người đi bôi nhọ đối phương nhằm hạ nhục danh dự, uy tín của người đang tranh cử với mình. Có biết bao nhiêu lãnh vực khác nói lên sự khôn ngoan của thế gian, ẩn chứa bên trong những sự tàn hại có thể giết chết con người. Thế giới càng văn minh, khoa học càng tiên tiến chừng nào, thì đầu óc con người bị đầu độc chừng nấy về sự độc hại của phim ảnh. Thế hệ trẻ ngày nay tiêm nhiễm sự chém giết, cướp giật, những hình ảnh trụy lạc, loạn luân gây nên sự băng hoại cho nhiều giới trong xã hội, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đó là sự khôn ngoan thuộc về thế gian, mà thế gian thuộc về ma quỉ! Chính vì lẽ đó, nguời chăn bầy của Đức Chúa Trời không tìm kiếm sự khôn ngoan thuộc về thế gian. Người chăn bầy lấy Kinh Thánh là nền tảng của đức tin, là kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho mọi sinh hoạt của một tôi tớ Đức Chúa Trời. Tác dụng của Kinh Thánh được chép trong Ti-mô-thê:

"Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành" (2Ti-mô-thê 3: 16-17).

c. Sống bởi lời Chúa:

"Đức Chúa Giê-xu đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời" (Ma-thi-ơ 4: 4).

Đó là sự đáp lời của Chúa Giê-xu đối với ma quỉ, khi Đức Thánh Linh đưa Ngài đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ. Câu chuyện Chúa Giê-xu bị cám dỗ trong (Ma-thi-ơ 4: 1-11) cho chúng ta một bài học đáng để nhớ đời. Đó là chân giá trị của lời Chúa cùng với quyền năng trong lời Ngài. Lợi dụng trong lúc Chúa Giê-xu sau khi kiêng ăn bốn mươi ngày đêm, rồi thì đói. Đây là cơ hội thuận tiện cho ma quỉ tấn công Ngài. Ma quỉ thách thức Chúa Giê-xu:

"Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá này trở nên bánh đi. Và Đức Chúa Giê-xu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời." Ma quỉ bèn đem Ngài vào nơi thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ, và nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời thì hãy gieo mình xuống đi, vì có lời chép rằng: Chúa sẽ truyền các thiên sứ gìn giữ ngươi, thì: Các đấng ấy sẽ nâng ngươi trong tay. Đức Chúa Giê-xu phán: Cũng có lời chép rằng: Ngươi đừng thử Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. Ma quỉ bèn đem Ngài lên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy, mà nói rằng: Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự này. Đức Chúa Giê-xu bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi. Ma quỉ bèn bỏ đi, liền có thiên sứ đến gần mà hầu việc Ngài" (Ma-thi-ơ 4:3-11).

Bài học quý giá cho chúng ta nói chung, và cho người chăn bầy nói riêng đó là: Ma quỉ vô cùng tinh ranh, lợi dụng lúc con người mệt mỏi, ngã lòng có thể vì đói lạnh hoặc chán nản, sờn lòng vì những thương tổn của đời sống tâm linh, khiến chúng ta muốn bỏ cuộc. Đó là thời cơ cho ma quỉ. Bài học thứ hai, là ma quỉ luôn đem lại cho chúng ta sự vinh hoa phú quý của đời này như tiền bạc, danh vọng, điạ vị, vật chất cùng với mọi quyền lực của thế gian để quyến dụ chúng ta bỏ Chúa; mà chạy theo những giá trị tạm bợ của đời này, để rồi thờ phượng ma quỉ thay vì thờ phượng Đức Chúa Trời.

Bài học thứ ba ở đây là vũ khí để chiến thắng ma quỉ chính là lời của Đức Chúa Trời. Để chiến thắng ma quỉ, không có điều gì khác hơn là lời của Chúa. Ma quỉ chỉ run sợ bỏ đi vì lời của Chúa. Cho nên, người chăn bầy phải được trang bị lời của Chúa, học thuộc và cất giấu lời Ngài trong tim óc, để làm một vũ khí hiệu năng chống lại thế giới tối tăm này.

Người hầu việc Đức Chúa Trời phải nhớ rằng ma quỉ luôn rình mò để tấn công những người hầu việc Chúa được ơn Ngài. Nó không bao giờ buông tha, mà ngược lại, chúng tìm đủ mọi cách, mọi lúc, mọi cơ hội để tấn công làm cho người chăn phải gục ngã. Người chăn bầy luôn tỉnh thức đề phòng kế hoạch thâm độc và điêu ngoa của ma quỉ. Kinh nghiệm hầu việc Chúa lâu năm chúng ta đã nhận ra mưu kế này. Bởi vậy, không bao giờ khinh địch bằng sự chủ quan hay kiêu ngạo của mình. Đừng thách thức chọc giận ma quỉ, nhưng cũng đừng bao giờ bị mắc mưu chúng vào những cái bẫy vinh hoa của đời này.

Người chăn bầy đã được Chúa kêu gọi và biệt riêng ra để hầu việc Ngài. Chúng ta không dại gì tìm kiếm những nơi đô hội của ma quỉ như chốn cờ bạc, rượu chè hay những nơi tập trung những cảnh ăn chơi của tội lỗi. Đừng tưởng rằng chúng ta đủ sức để chiến thắng bởi trí khôn, kiến thức và sức lực của chính mình. Biết bao nhiêu đầy tớ của Chúa chỉ vì chủ quan tin tưởng vào bản thân mình đã bị thua trận, cho đến nỗi phải rời bỏ chức vụ. Nhiều thống kê gần đây đã cho thấy con số các Mục sư đã rời khỏi chức vụ không ít vì nhìều lý do; mà trong đó chủ yếu chỉ vì không đương đầu nỗi sự tấn công của ma quỉ, được ngụy trang trong những tình huống khó lường.

Để địch lại mưu kế tinh vi của ma quỉ, không có gì tốt hơn là trang bị lời của Chúa. Sách Ê-phê-sô, Phao Lô đã khuyên dạy:

"Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế cùa ma quỉ. Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối này. Vậy nên hãy lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn nạn, anh em có thể cự địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng"(Ê-phê-sô 6: 10-13).

2. Chân thành với chính mình

Trong mỗi một con người đều có những góc khuất. Có thể nơi đó ẩn chứa những hoài bão tốt đẹp, những ước mơ thiện lành, hoặc chất chứa những tình yêu cao quý. Tuy nhiên, cũng có thể là nơi chôn giấu tội lỗi, hoặc sự dối gian, đầy dẫy sự xấu xa và gian ác. Người chăn bầy cho Đức Chúa Trời không thể sống hai lòng; không thể chìm đắm trong đời sống cũ của những ngày chưa tin Chúa. Nói cách khác, là tôi tớ của Chúa Trời, phải có đời sống ngay thật với chính bản thân. Kinh Thánh chép:

"Anh em đã vâng theo lẽ thật làm sạch lòng mình, đặng có lòng yêu thương anh em cách thật thà, nên hãy yêu nhau sốt sắng, hết lòng"(1Phi-e-rơ 1: 22).

a. Làm sạch lòng mình:

Trước hết, bản thân người chăn bầy phải sống thành thật với chính bản thân: Giảng và sống giống nhau. Trong nhà thờ, ngoài xã hội và ngay cả trong gia đình; người chăn bầy cũng phải sống đúng với những điều mà mình đã rao truyền cho con dân Chúa trong Hội Thánh. Người chăn bầy phải có một đời sống tiết độ trong đời sống vợ chồng, trong ăn uống, trong cách cư xử với mọi người. Bất cứ nơi đâu, môi trường nào và đối tượng nào, người chăn bầy cũng phải được mặc lấy chiếc áo công nghĩa. Không chỉ bên ngoài mà còn cả bên trong những suy nghĩ, tư tưởng cũng phải chân thật. Người chăn bầy cần phải có một đời sống kỷ luật với chính mình, trong giờ giấc làm việc, trong thì giờ biệt riêng để cầu nguyện với Chúa, trong sự hướng dẫn gia đình, vợ con những thì giờ lễ bái trong tuần. Bất cứ làm việc gì cũng vì sự vinh hiển của Chúa mà làm. Cho dù trong phòng riêng, nơi mà không ai nhìn thấy, người chăn bầy cũng phải sống ngay thẳng.

Khi lên lịch làm việc, thì cũng phải hoàn thành cho dù không ai kiểm soát. Khi đi mua sắm, cũng luôn cẩn thận trong giao tiếp nhất là vấn để tiền bạc. Không để bất cứ sơ hở nào tạo nên sự nghi ngờ của người khác. Đối với quốc gia xã tắc, người chăn bầy cũng phải tự giác hoàn thành các nghĩa vụ của mình cách thành khẩn. Đối với luật thuế má, người chăn bầy có trách nhiệm khai thuế thành thật; không thể gian dối cho dù chỉ là những khoản tiền thu nhập nhỏ, cũng không nên dối trá.

Nói chung, cho dù không ai biết hay nhìn thấy những chỗ riêng tư nhất của mình, nhưng người chăn bầy cũng phải sống đàng hoàng, nghiêm chỉnh như trước đám đông. Vì mọi sự phải làm vinh hiển danh Chúa. Sự chân thật nơi đây thường được bày tỏ qua sự tiết độ là một phẩm hạnh cần thiết để xứng đáng với chức vụ Chúa giao. Giáo sư Phạm Hữu Nhiên đề cập vấn đề này như sau:

"Tiết độ hay tiết chế là biết tự kỷ luật chính mình. Người tiết độ là người biết giữ chừng mực, không bị ham thích, đam mê khiến mình mãi mê làm một điều gì đó mà không thể chấm dứt đúng lúc, đúng kỳ được. Có nhiều điều tốt trong giới hạn của nó. Nhưng quá giới hạn thì trở thành tệ hại. Có người mê ăn uống, chơi thể thao, xem ti-vi, phim ảnh, làm việc quên cả giờ giấc. Nếu một người mà sống không thể kỷ luật được chính mình, thì không nên bước vào chức vụ chăn bầy."

Khi tấm lòng của mỗi chúng ta được dọn dẹp sạch sẽ về những rác rến của sự ghen tương, lòng tranh cạnh, nghi ngờ; mà mặc lấy sự nhân từ, lòng thương xót, thì chúng ta sẽ đối đãi với mọi người bằng tấm lòng yêu thương chân thành. Hội Thánh của Chúa được mua bằng chính huyết của Ngài, vì vậy, con dân Chúa không vì bản ngã xác thịt mà làm hoen- ố Hội Thánh của Ngài.Khi con dân Chúa không hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của Hội Thánh Đức Chúa Trời, thường tạo nên sự chia cắt trong những cái nhìn và quan điểm lệch lạc, thường tạo nên sự rạn nứt giữa các mối quan hê. Chính vì vậy, tình yêu thương, thay vì đem lại niềm an ủi khích lệ nhau, nó lại trở thành những vai diễn bề ngoài!

Vì vậy, trách nhiệm của người chăn bầy phải giảng dạy cho con cái Chúa nắm rõ về lẽ thật của Hội Thánh. Để từ đó, tạo nên sự hiệp nhất trong cùng một thân thể của Đấng Christ, cho dù có những khác biệt nhau về cá tính, quan điểm hay phương cách hầu việc Chúa. Điều này được giảng dạy rất rõ ràng qua thư tín của Phao Lô gửi cho người Ê-phê- sô (4: 4-6):

"Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh, như anh em em bởi chức phận mình được gọi đến một sự trông cậy mà thôi. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép Báp-tem. Chỉ có một Đức Chúa Trời và một Cha của mọi người, Ngài là trên cả mọi người, giữa mọi người và ở trong mọi người."

b. Yêu thương anh em thành thật

Tình yêu của thế gian có rất nhiều điều phức tạp, bởi vì nó không giống như tình yêu giữa anh chị em trong Chúa với nhau. Có những thứ tình yêu thiêng liêng như tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Nhưng, cũng có những thứ tình yêu đòi hỏi những yêu tố khác mới có thể trọn vẹn như tình yêu giữa vợ chồng, nghĩa là tình yêu có điều kiện giữa các mối tương quan. Ngoài ra, còn những loại tình yêu trên đầu môi chót lưỡi, trong các mối quan hệ giữa những nhà ngoại giao. Tình yêu của Đức Chúa Trời yêu con người tội lỗi chúng ta là thứ tình yêu vô điều kiện. Kinh Thánh chép:

"Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời" (Giăng 3:16).

Loài người của chúng ta không thể có một tình yêu hy sinh cao cả như Đức Chúa Trời được. Nhưng là con cái Chúa, chúng ta phải sống trong sự yêu thương. Kinh Thánh Giăng đã ghi lại điều răn cho co dân Ngài:

"Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta"(Giăng 13: 14, 15).

Một trong những phẩm tính hàng đầu của một người chăn bầy, đó là sự mặc lấy tình yêu thương của Đấng Christ. Trong mọi sinh hoạt, mọi nơi, và đối với mọi người, người chăn bầy trước hết phải kính trọng, sau nữa là yêu thương. Không phải chỉ yêu thương những con chiên khỏe mạnh, những người có điạ vị, quyền thế, giàu có; nhưng yêu thương tất cả mọi thành viên trong Hội Thánh, ngay cả những người yếu đuối còn sống theo xác thịt, thậm chí chống nghịch lại người chăn.

Ngoài ra, người chăn chiên còn có bổn phận yêu thương những linh hồn hư mất, chưa được cứu. Người chăn bầy luôn quan tâm cầu nguyện cho họ, và tìm mọi cách để tiếp cận, dẫn đưa họ về với Đấng Christ. Ngoài ra, người chăn bầy còn có bổn phận yêu thương những con người bất hạnh, sống trong những hoàn cảnh tật nguyền, hay tuổi già sống trong sự đơn chiếc. Tất cả tình yêu thương đó phải thành thật, phát xuất tận đáy lòng từ tôi tớ của Đức Chúa Trời.

Chúa Giê-xu khi còn tại thế, khi Ngài đang phục vụ giữa loài người, có một thầy dạy luật đến nói: "Thưa Thầy, trong luật pháp điều răn nào lớn hơn hết?" Chúa Giê-xu đã trả lời: "Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình"(Lu-ca 10:25-27). Như vậy, nếu ai đó không có một mối thâm giao với Chúa trong tình yêu đối với Ngài; thì khó có thể có một tình yêu thương chân thành đối với con người. Đúng như vậy, trong kinh nghiệm cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy rằng người nào gần gũi Chúa, thì gần gũi anh em mình. Còn người nào sống hời hợt với Chúa, thì cũng hời hợt với anh em mình.

Cũng một thể ấy, nếu ai nói rằng tôi chỉ yêu Chúa thôi, còn con người tôi không thể yêu được vì con người xấu xa quá, thì đó là kẻ giả hình. Chắc chắn con người đó không thuộc về Chúa vì không vâng theo sự dạy dỗ của Chúa. Ngược lại, nếu ai đó, không yêu Đức Chúa Trời chân thành, thì không thể nào yêu anh em mình cách thành thật được. Tình yêu thương là bản chất của Phúc Âm. Nếu chúng ta rao truyền một Tin Lành mà thiếu vắng tình yêu thương, chỉ có luật pháp và răn đe, thì đó không phải là Phúc Âm của Chúa Giê-xu. Tình yêu thương được bày tỏ qua nhiều thuộc tính: Lòng nhân từ, sự kiên nhẫn, lòng vị tha, khoan dung, cảm thông hay còn gọi là lòng trắc ẩn. Đó là những phẩm tính cao đẹp của một người chăn bầy cho Đức Chúa Trời.

c. Yêu thương nhau cách sốt sắng

"Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm thì có ich chi chăng?" (Gia-cơ 2: 14).

Tình yêu sốt sắng là tình yêu được thể hiện bởi việc làm, chứ không phải chỉ là lời nói suông. Khi quan sát một người mẹ cho con bú, cho dù người đàn bà không hề nói một lời nào; nhưng khi chúng ta nhìn vào đôi mắt người ấy vẫn có thể nhìn thấy một vùng trời chan chứa sự yêu thương. Khi đôi tay mân mê vầng trán đứa bé, một nụ cười không hề tắt trên đôi môi người thiếu phụ. Phải chăng đó là tình yêu thương nhiệt thành, sâu thẳm, được thể hiện bằng cử chỉ và hành động.

Trở về với Kinh Thánh, tình yêu sốt sắng bởi đức tin mà có, và đức tin sanh ra việc làm. Sách Gia-cơ cho biết: "Nếu đức tin không sanh ra việc làm thì tự mình nó chết." Cũng vì đức tin, mà những nhân vật trong Kinh Thánh thuở xưa đã được lời chứng tốt qua việc làm của mình: Bởi đức tin, A-bên đã dâng cho Đức Chúa Trời một của lễ tốt hơn Ca-in, và được xưng công bình. Bởi đức tin được Chúa mách bảo cho những việc chưa từng thấy, và người thành tâm kính sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình. Bởi đức tin, Áp-ra-ham vâng lời Chúa gọi, đi đến xứ mình sẽ nhận làm cơ nghiệp. Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách. Bởi đức tin Y-sác chúc phước cho Gia-cốp và Ê-sau về những sự hầu đến. Bởi đức tin Môi-se khi mới sanh ra, cha mẹ người đem giấu đi ba tháng, vv...

Tương tự như những việc làm trên phát xuất bởi đức tin; cũng một thể ấy, bởi tình yêu thương sẽ sanh ra những việc làm. Ví Đức Chúa Trời đã yêu chúng ta nên Ngài đã ban Con một của Ngài đến trần gian chịu chết vị tội lỗi của chúng ta. Người chăn bầy cũng vì tình yêu thương, mà sốt sắng gầy dựng Hội Thánh của Ngài mỗi ngày một phát triển. Bởi tình yêu thương, mà những vị Mục sư tận tụy chăm sóc bầy chiên của Chúa bằng sự cầu nguyện, thăm viếng, tư vấn hạnh phúc hôn nhân, gia đình. Bởi tình yêu thương, mà hàng nghìn hàng triệu đầy tớ của Chúa và con dân của Ngài đã tử đạo chỉ vì đức tin và phục sự Chúa.

Hơn lúc nào hết, người chăn bầy của thế kỷ 21 này, đang ở vào giai đoạn cuối rốt mà Chúa Giê-xu có thể tái lâm bất cứ lúc nào; cho nên người chăn bầy không những tận tâm, tận lực chăn dắt bầy chiên của Chúa; mà còn tìm mọi cách để đưa những linh hồn hư mất về cho Ngài. Đó là sự nhiệt thành bày tỏ một tình yêu sốt sắng. Không ai có thể xưng mình là con cái Chúa, từ tuần lễ này sang tuần lễ khác, chỉ nói chuyện tình yêu thương trong bốn bức tường của Hội Thánh; mà không hề làm bất cứ một việc gì cho bất cứ ai!

Điều đó chẳng khác gì các thầy thông giáo và Pha-ri-si thuở xưa: dạy luật pháp mà bản thân mình không bao giờ thực hiện luật pháp. Tất nhiên những người này không có chỗ ở thiên đàng:

"Vì ta phán cùng các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên đàng"(Ma-thi-ơ 5: 20).

Vậy, đang khi còn có dịp tiện làm việc lành cho anh em mình, thì hãy sốt sắng mà làm để bày tỏ tình yêu của Chúa qua đời sống hằng ngày của mình. Tình yêu này, là một sự dấn thân của một tình yêu hy sinh, không điều kiện. Làm được như vậy mới có thể làm tấm gương để dẫn dắt dân sự của Chúa. Không có vũ khí nào mạnh hơn tình yêu thương chân thành và sốt sắng làm việc lành cho mọi người. Trong (I Cô-rinh-tô 13) có câu kết luận nói lên ý nghĩa quan trọng này:

"Nên còn có ba điều này: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương."

3. Chân thành với con người

"Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé" (Ma-thi-ơ 7: 15).

Nếu phục vụ Đức Chúa Trời trong thiên chức chăn bầy, mà không chân thành với con dân Chúa, có nghĩa là sống bằng chiếc áo công nghĩa bề ngoài, thì kẻ đó không đến từ Đức Chúa Trời. Họ là tiên tri giả, giáo sư giả. Họ chẳng khác gì các thầy Pha-ri-si mà Chúa Giê-xu đã quở trách.Từ khi có Hội Thánh đến nay, số người này không phải là hiếm hoi; nhưng khá phổ biến. Họ là những kẻ cơ hội, sống chỉ cốt lợi dụng!

a. Chân thành trong lời nói:

Sách Châm ngôn dạy rằng: "Lưỡi người khôn ngoan truyền ra sự tri thức cách phải. Ngôn ngữ biểu hiện tính nết con người. Lòng chúng ta thể nào, thì phát ra lời nói thể ấy. Ngạn ngữ Pháp có câu: "Nghe tiếng nói, người ta biết đó là loại chim gì." Đối với người hầu việc Đức Chúa Trời, sự lễ độ là một trong những phẩm hạnh đầu tiên cần phải có. Sự lễ độ trong lời nói đi liền với sự khiêm nhường và thái độ trong cách hành xử. Lời nói phản ảnh được nhân cách, kiến thức, sự giáo dục, đạo đức, và tấm lòng của một con người.

Khi người ta dùng chiếc máy ảnh ghi lại chân dung của một khuôn mặt, nó có thể trình bày khá đầy đủ vẻ đẹp hay xấu của khuôn mặt đó. Tương tự như vậy, ngôn ngữ phơi bày được cái thật lẫn cái giả của một tấm lòng. Đôi khi người ta khéo léo dùng những lời nói hoa mỹ, trau chuốt, hầu có thể che giấu những mưu kế ác độc, nhưng không thể qua mắt được tất cả mọi người. Trong chính trị và thương trường ngôn ngữ thường mang tính lừa dối. Đó là một thứ ngôn ngữ điêu luyện do con người nhào nặn ra, không thích hợp cho những người hầu việc Đức Chúa Trời.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta nhận thấy có khi những lời nói thô thiển đơn sơ, nhưng lại chân thật. Ngược lại có những lời nói hết sức khéo léo, rào trước đón sau, nhưng lại hoàn toàn sáo rỗng và giả tạo. Điều này, chỉ có thể làm vui lòng những người thích được tâng bốc, khen tặng; nhưng lại đáng sợ với những người có bản tính khiêm nhường, không muốn khoe khoang, không thích nổi tiếng. Từ trong lòng thế nào sẽ được bộc lộ ra bên ngoài bằng lời nói. Nhưng hãy biết rằng, tất cả những lời nói của chúng ta đều được Chúa ghi lại. Cho nên khá giữ tấm lòng cho thánh sạch và chất chứa sự yêu thương, để khi thốt ra lời nói làm ích cho người nghe. Kinh Thánh cũng dạy dỗ con cái Chúa "lời nói phải có ân hậu." Điều này có nghĩa là phải đem lại sự an ủi, khích lệ cho người nghe. Lời nói luôn bày tỏ lòng trắc ẩn và sự yêu thương.

Kinh nghiệm từ cuộc sống cho thấy rằng, lời nói lắm lúc độc điạ có thể khiến cho người ta tức tưởi đến nỗi phải quyên sinh. Và cũng chính lời nói đem lại sự bình an phước hạnh cho người nghe. Là những người chăn bầy phải luôn cẩn thận trong lời nói. Ca-dao Việt Nam có câu: "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe." Hãy nghe lời Chúa Giê-xu dạy dỗ và cảnh báo người Pha-ri-si là kẻ giả hình đã dùng lời nói mà phạm thượng cùng Ngài:

"Hỡi dòng dõi rắn lục; các ngươi vốn là xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì sự đầy dẫy trong long mà miệng mới nói ra. Người lành do nơi đã chứa điều thiện mà phát ra điều thiện; nhưng kẻ dữ do nơi đã chứa điều ác mà phát ra điều ác. Vả ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, người ta sẽ khai ra mọi lời hư không mà mình đã nói; vì bởi lời nói mà người ta sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt" (Ma-thi-ơ 12: 34-37).

Trong môi trường Hội Thánh và Cộng đồng Cơ đốc giáo, chúng ta phải có sự khác biệt với thế gian trong ngôn ngữ. Đó là sự chân thành của lời nói, trong cách sống hằng ngày là điều làm cho những người khác cảm động, vì nó nói lên sự thật. Người ta yêu thương nhau cũng chính vì sự chân thành. Sứ đồ Phao Lô đã từng cảnh báo nhiều Hội Thánh và con dân Chúa về những tội lỗi sai trái, hoặc sự vi phạm điều răn Chúa một cách thẳng thắn trong các thư tín của ông. Chẳng hạn ông đã cảnh báo sự phe đảng và gương xấu trong Hội Thánh Cô-rinh-tô:

"Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng, nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh. Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian cùng những sự không có hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời" (1Cô-rinh-tô1: 26-29).

Việc quở trách của Phao Lô cho dù nặng nề, nhưng giúp ích cho những kẻ kiêu ngạo và sống bởi xác thịt. Sự vạch ra tội lỗi cùng với sự khuyên dạy này là những lời nói chân thành. Đây là tấm gương cho con cái Chúa nói chung và những người chăn bầy nói riêng. Chúa Giê-xu cũng đã từng quở trách những thầy thông giáo và dòng Pha-ri-si là kẻ giả hình:

"Khốn cho các ngươi là thầy thông giáo và người Pha-ri-si là kẻ giả hình! Vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi" (Ma-thi-ơ 23: 27, 28).

Noi gương Chúa Giê-xu, chúng ta phải sống chân thành trên bục giảng, trong lời nói, và trong cách hành xử với mọi người, nhất là đối với anh em chúng ta trong cùng niềm tin.

b. Chân thành trong đời sống

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Trăm nghe không bằng mắt thấy." Dù cho bạn có giảng được ơn bao nhiều, hùng biện và quyến rũ bao nhiêu; nhưng nếu lời giảng không phản ảnh được những gì qua đời sống thưòng ngày; thì cũng sẽ không thuyết phục được tấm lòng của những người khác. Tình yêu thương biểu lộ qua đời sống hằng ngày của bạn một cách thật thà; chân thành với mọi người sẽ là những bài giảng sống động có trọng lượng hơn lời nói. Ngôn ngữ là một vũ khí có thể giết người; nhưng ngôn ngữ cũng là suối nguồn của tình yêu thương; nếu nó đến bởi một tấm lòng đã tan chảy bởi sự thay đổi của tình yêu từ Đấng Christ."Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự" (Cô-rinh-tô 13: 7).

Tôi đã trải qua một số kinh nghiệm khi tiếp xúc với một số vị chăn bầy. Về kiến thức, họ có văn bằng tiến sĩ thần học, hoặc tâm lý học. Họ có ân tứ viết sách và giảng dạy. Nhưng trong cuộc sống thường nhật không đem lại ảnh hưởng tốt cho những người xung quanh; mà đôi khi có tác động ngược lại bởi vì sự cao ngạo; ý tưởng và lời nói tạo nên sự phản cảm. Tôi học được bài học này: Học vị cao, kiến thức rộng không phải là yếu tố quyết định cho một đời sống trưởng thành trong Chúa. Chỉ có sự tái sinh thật sự qua sự ăn năn chân thành và sống xứng đáng với sự ăn năn, mới đem lại đời sống kết quả cho Đức Chúa Trời.

Cũng có những đầy tớ của Chúa rất khiêm nhường trong kiến thức thần học, còn nhiều thiếu sốt trong phương cách quản trị và yếu kém trong sự quản lý Hội Thánh; nhưng lại có rất nhiều con cái Chúa quý mến, yêu thương. Tại sao? Chính vì con người này thật sự ăn năn, nhận biết những yếu điểm của bản thân, khiêm nhường trong đời sống, chịu khó học hỏi, biết nhờ cậy Chúa luôn, và chân thành với mọi người.

Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tích cực đến nhiều người khác. Khi đi ra mở mang Hội Thánh mới cho Chúa, được nhiều người có ảnh hưởng tốt trong cộng đồng con dân Chúa ủng hộ, nâng đỡ trong nhiều phương diện. Bên cạnh vị Mục sư này, có rất nhiều con cái Chúa tình nguyện đi theo ủng hộ để gầy dựng Hội Thánh. Mục sư này luôn bày tỏ với nhiều người cần chỗ ở, nơi ăn, phương tiện đi lại, vị Mục sư này rất sẵn lòng giúp đỡ. Đối xử với mọi người, ông luôn sống chân thành, bày tỏ một tình yêu thương mà Đức Chúa Trời đã đặt vào lòng ông.

Vị Mục sư này không nặng nề đến đời sống vật chất, không bận tâm đến thế gian nhiều, không đặt nặng vật chất trong đời sống, tiếp đãi các đầy tớ của Chúa cách hết lòng; và cung cấp vật thực cho những anh chị em có nhu cầu. Cuộc sống thường nhật của Mục sư chỉ một căn hộ bình thường, đi lại với một chiếc xe hơi cũ rích; nhưng có rất nhiều con cái Chúa thương mến. Mục sư chinh phục được nhiều linh hồn về cho Chúa.

Lời khuyên của Sứ đồ Phao Lô:

"Vậy tôi là kẻ tù trong Chúa, khuyên anh em phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em, phải khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau, dùng dây hoà bình mà gìn giữ sự hiệp một của Thánh Linh" (Ê-phê-sô: 1-3).

c. Chân thành trong mối tương giao với Chúa

Trên hết mọi sự, đời sống và chức vụ của một Mục sư không thể tách rời khỏi mối thông công với Chúa cách riêng tư. Nếu ai đó nói rằng, tôi quá bận rộn với nhiều công việc mỗi ngày trong Hội Thánh, hay chương trình này, kế hoạch nọ, nên không đủ thì giờ cầu nguyện riêng với Chúa; thì hậu quả của chức vụ người đó chắc chắn sẽ thất bại không sớm thì chầy. Mối tương giao riêng tư của người chăn bầy với Chúa có thể ví sánh như bóng đèn điện, với nguồn điện năng. Bóng đèn sẽ tắt khi nguồn điện bị cắt. Nguồn điện là sức mạnh cần thiết có khả năng cung cấp nguồn năng lượng để làm cho bóng đèn cháy sáng. Đức Chúa Trời chính là nguồn của sự sống và sự sáng, cung cấp năng lực, sự khôn ngoan cho người chăn bầy.

Nếu muốn nhận được sự khôn ngoan để lèo lái Hội Thánh đi đúng đường lối của Đức Chúa Trời, không có điều gì khác hơn là sự ban cho từ chính Đấng làm đầu của Hội Thánh là Chúa Giê-xu. Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời. Sách Châm ngôn (16: 1-3) chép rằng:

"Việc toan liệu của lòng thuộc về loài người; Còn sự đáp lời của lưỡi do Đức Giê-hô-va mà đến.

Các đường lối của loài người đều là trong sạch theo mắt mình; Song Đức Giê-hô-va cân nhắc cái lòng.

Hãy phó thác các việc mình cho Đức Giê-hô-va; Thì những mưu ý mình sẽ được thành công."

Trong nhiều bài học mà mỗi người chăn bầy, ít nhiều cũng đã từng trải những kinh nghiệm, đó là sự kiêu ngạo sẽ làm hỏng chức vụ. Cho dù ai đó có tài giỏi đến đâu, nhiều ân tứ đến đâu, nhưng nếu phủ nhận sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, gạt bỏ Ngài ra khỏi đời sống của mình; thì kẻ đó sẽ bị loại bỏ ra khỏi chương trình của Chúa. Ngài không xử dụng những con người kiêu ngạo. Từ buổi đầu sáng thế, thiên sứ trưởng Lu-xi-phe bị đuổi khỏi thiên đàng xuống thế gian làm quỉ cũng chính vì sự kiêu ngạo. Sách Châm-ngôn lên án rất nhiều về sự kiêu ngạo:

"Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau. Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã. Thà khiêm nhượng mà ở với người nhu mì; còn hơn là chia của cướp cùng kẻ kiêu ngạo." (Châm- ngôn 16: 18, 19)

Khi vua Đa-vít gạt bỏ Chúa ra khỏi đời sống của mình, để nghe theo tiếng nói của xác thịt, thì ngay tức khắc rơi vào cạm bẫy của ma quỉ, trở thành tôi mọi của điều ác. Hậu quả đem đến cho ông là những thảm kịch thương đau mà lời tiên tri Na-than, là người mà Đức Chúa Trời sai đến cảnh báo:

"Ta đã xức dầu lập ngươi lên làm vua Y-sơ-ra-ên, ta đã giải cứu ngươi khỏi tay Sau-lơ. Ta cũng ban cho ngươi nhà của chủ ngươi, trao vào tay ngươi các vợ của chủ ngươi và nếu điều đó không đủ, ắt ta sẽ thêm cho ơn khác nữa. Cớ sao ngươi đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va, mà làm điều không đẹp lòng Ngài? Ngươi đã dùng gươm giết U-ri, người Hê-tít, lấy vợ nó làm vợ ngươi, còn nó thì ngươi đã giết bởi gươm Am-môn. Nên bây giờ thì gươm chẳng thôi hủy hoại nhà ngươi, bởi vì ngươi khinh ta, cướp vợ U-ri, người Hê-tít, đặng nàng làm vợ ngươi. Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta sẽ khiến từ nhà ngươi nổi lên những tai họa giáng trên ngươi; ta sẽ bắt các vợ ngươi tại trước mắt ngươi trao cho một người lân cận ngươi, nó sẽ làm nhục chúng nó tại nơi bạch nhựt. Vì ngươi đã làm sự kia cách kín nhiệm, nhưng ta sẽ làm việc này trước mặt cả Y-sơ-ra-ên và tại nơi bạch nhựt"(2 Sa-mu-ên 12:7-12).

Đây là bài học vô cùng quý gia cho những ai đang hầu việc Chúa hôm nay. Những người chăn bầy chiên của Đức Chúa Trời luôn luôn biệt riêng thì giờ để cảm tạ Chúa và cầu khẩn ý của Ngài, mới có thể hoàn thành sứ mạng Chúa giao. Đừng bao giờ quên rằng Chúa chọn chúng ta để hầu việc Chúa theo ý chỉ của Ngài, chứ không phải ý riêng của con người chúng ta. Người đầy tớ lẽ nào làm những điều ngược với ý của chủ; là người đã sai chúng ta hoàn thành những chương trình mà Ngài đã vạch định. Chính vì vậy, người chăn bầy phải có một đời sống gần gũi Chúa thường xuyên, trong sự quỳ gối thưa chuyện cùng Chúa trước những kế hoạch, nan đề hay bất cứ tình huống nào xảy ra; cũng không thể bước ngoài ý của Chúa.

Đề cập về mối thông công riêng tư giữa người chăn bầy và Đức Chúa Trời, Mục sư Lê Văn Thái, cố Hội trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (CM&A) đã viết trong sách "Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời" về nguyên tắc này của tiến sĩ Andrew Bonar, là một Mục sư được Đức Chúa Trời đại dụng tại Tô-cách-lan từ năm 1928-1892:

"Bởi ân điển của Đức Chúa Trời và sức lực của Đức Thánh Linh, tôi mong ước đặt định luật này: Không nói với loài người, trước khi hầu chuyện Đức Chúa Trời, không dùng ta làm điều gì trước khi quỳ gối cầu nguyện; không đọc thư từ và báo chí, trước khi đọc Kinh Thánh."

Tóm lại, để có được mối thông công chân thành với Chúa thường xuyên, người chăn bầy cần phải biệt riêng thời giờ tĩnh nguyện, yên lặng trước mặt Chúa để nghe rõ tiếng phán dạy của Ngài. Cần phải có một tấm lòng thật sự khiêm nhu, hạ mình xuống thấp, đầu phục Chúa hoàn toàn, và kỷ luật bản thân để thực hiện sự tĩnh nguyện hằng ngày. Ông Andrew Murray viết về cách phát triển mối tương giao khắng khít mỗi ngày với Chúa trong có có đoạn như sau:

"Đấng Christ phải hình thành trong chúng ta để hình dáng của Ngài và sự giống Ngài có thể thấy trong chúng ta. Hãy cúi đầu trước mặt Chúa cho đến khi bạn cảm nhận được sự vĩ đại và sự phước hạnh của công việc Chúa đang làm trong bạn của ngày hôm đó. Hãy thưa với Chúa: “Lạy Cha, con sẵn lòng để con được giống Chúa Giê-xu càng nhiều càng tốt." Đức Chúa Trời là Đấng bày tỏ Chúa Giê-xu ra trong xác thịt, và khiến Ngài được toàn hảo, Ngài sẽ bày tỏ Chúa Giê-xu ra trong bạn khiến bạn trọn vẹn trong Chúa. Đức Chúa Cha yêu Đức Chúa Con và vui lòng để tạo nên hình bóng của Con Ngài trong bạn."

Kết luận chương này, chúng ta hãy học tập từ kinh nghiệm của John Maxwell, được viết trong sách "Bảy Định Luật Thuôc Linh Của Người Chăn bầy" (Tr. 52, 53) như sau:

"Công tác truyền thông vốn bắt đầu từ chính Đức Chúa Trời, đã thông công với Đức Chúa Con, và Đức Thánh Linh. Ngay trước khi thế gian này được tạo dựng, loài người học được sự thông công từ Đức Chúa Trời vì Ngài đã làm việc ấy đầu tiên qua sự tạo dựng vũ trụ. (Thi- Thiên 19: 1-3) cho chúng ta biết rằng cả vũ trụ này luôn luôn lên tiếng. Nó truyền thông có chúng ta tính cách vĩ đại vể Đức Chúa Trời. Ngài trực tiếp phán dạy loài người bằng nhiều cách (Hê-bơ-rơ 1: 1, 2), và truyền thông bằng sự mặc khải trọn vẹn và cuối cùng Thân vị của Chúa Cứu Thế Giê-xu...Để nhận được sự khôn ngoan và dẫn dắt của Đức Chúa Trời, người lãnh đạo thuộc linh cần phải thiết lập mối tương giao riêng với Đức Chúa Trời qua Đức Thánh Linh...Đức Chúa Trời luôn dạy bằng tình yêu thương và lòng nhân từ của Ngài. Đức Chúa Trời dạy loài người tại sao Ngài muốn cho họ làm theo những gì Ngài đã dạy. Tất cả luôn vì lợi ích của họ và sự vinh hiển của Ngài."

Bí quyết của hầu hết những nhà truyền giáo đầy ơn Chúa, không có điều gì khác hơn là sự quỳ gối nuôi dưỡng mối tương giao khắng khít với Chúa mỗi ngày, một cách sâu xa và chân thành. Là một người chăn bầy muốn có kết quả cho Chúa, cũng không thể nằm ngoài nguyên tắc này.

MS Lê Văn Thể