Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 1562

Ba Yếu Tố Để Cầu Nguyện Có Hiệu Quả

“Nhưng khi anh em cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha anh em, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha anh em, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho anh em.” (Ma-thi-ơ 6: 6)

Làm thế nào để chúng ta giao tiếp với Đức Chúa Trời? Hãy đặt câu hỏi này với bất kỳ tín đồ nào và câu trả lời sẽ đến ngay lập tức. Chúng tôi cầu nguyện. Dù là người mới mẻ trong Chúa, hay là người đã tin Chúa lâu năm, hay thậm chí là người chưa tin, ai ai cũng biết câu trả lời. Dựa trên những gì chúng ta biết và đọc trong Kinh thánh, cầu nguyện rõ ràng là cách mà con người dùng để giao tiếp với Đức Chúa Trời. Trong quá khứ, người ta cầu nguyện và dâng của lễ, nhưng sau việc Chúa Giê-su đã làm tại vườn Ghết-sê-ma-nê, của lễ vĩ đại nhất và cao quý nhất đã được dâng lên. Ngày nay, Cơ Đốc nhân không còn dùng huyết và sinh tế nữa, nhưng lời cầu nguyện vẫn không ngừng. Giống như những tín đồ cầu nguyện trong Kinh Thánh ngày xưa, ngày nay chúng ta vẫn cầu nguyện vì những lý do tương tự. Lý do của chúng ta bao gồm: tìm kiếm sự khôn ngoan, cảm ơn, phàn nàn, đặt câu hỏi, v.v. Chúng ta nói chuyện với Chúa giống như chúng ta nói chuyện với người khác, mặc dù với sự tôn kính và sẵn sàng hơn nhiều. Cũng tương tự như khi nói chuyện với người khác, sự giao tiếp của chúng ta với Đức Chúa Trời không phải lúc nào cũng rõ ràng. Mặc dù Đức Chúa Trời chắc chắn hiểu và biết tấm lòng của chúng ta, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu mình phải cầu nguyện điều gì hoặc cầu nguyện như thế nào.

Vì vậy, trong khi mọi người có thể dễ dàng trả lời câu hỏi, làm thế nào để chúng ta giao tiếp với Đức Chúa Trời, nhưng không phải ai cũng có thể định nghĩa được sự giao tiếp tốt là như thế nào. Vì vậy, một câu hỏi vẫn còn cần được giải đáp - yếu tố để cầu nguyện có hiệu quả là gì?

Chúng ta là những tín đồ có thể dễ dàng nói về tầm quan trọng hoặc sức mạnh của việc cầu nguyện, nhưng không rõ ràng là làm thế nào để cầu nguyện tốt. Một lần nữa, Đức Chúa Trời hiểu và biết tấm lòng của chúng ta, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên cải thiện đời sống cầu nguyện của mình.

Cầu Nguyện Hiệu Quả Có Nghĩa Gì?

"Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết." (Giê-rê-mi 33: 3)

Để hiểu cách cầu nguyện có hiệu quả, chúng ta cần hiểu điều gì được coi là giao tiếp hiệu quả. Có rất nhiều ví dụ để lựa chọn, các bài phát biểu trước công chúng, các cuộc hội thảo về công việc và các cuộc trò chuyện hàng ngày của chúng ta. Dưới đây là một số điểm quan trọng trong mối giao tiếp:

Lắng nghe

Bạn thích được người khác lắng nghe bạn trong một cuộc trò chuyện hay bạn chỉ thích để người khác nói? Khi hai người cùng thảo luận, đặc biệt là khi tranh luận, cả hai bên đều muốn được lắng nghe. Mỗi người đều có niềm tin mà họ muốn bày tỏ. Không lắng nghe thì không bên nào tiếp thu những ý kiến đó. Chúng ta chứng kiến hậu quả của việc thiếu lắng nghe trong lĩnh vực chính trị hiện tại của chúng ta.

Hãy chất vấn

Chúng ta biết ai đó đang lắng nghe khi họ có thể đặt câu hỏi để đáp lại những gì đã được chia sẻ. Hãy tưởng tượng đang kể cho ai đó nghe về một ngày khó khăn tại nơi làm việc. Bạn biết rằng họ đang lắng nghe khi họ hỏi thêm chi tiết, chứ không phải khi họ chuyển cuộc trò chuyện sang những gì họ đã ăn vào sáng hôm đó.

Rõ ràng

Mục đích của cuộc trò chuyện là gì? Bày tỏ ý định rõ ràng nhất có thể sẽ đảm bảo cả hai bên có thể bước ra ngoài mà không nhầm lẫn. Khi một nhà hùng biện nói chuyện trước một đám đông, lời hùng biện của hắn chỉ có hiệu quả khi bài phát biểu có mục đích. Nếu không, hắn sẽ lãng phí thời gian của mọi người.

Những điểm này cùng với nhiều điểm khác góp phần vào việc giao tiếp hiệu quả. Cầu nguyện mặc dù có một chút khác biệt bởi vì cầu nguyện không chỉ là hai người nói chuyện. Cầu nguyện liên quan đến việc cá nhân con người giao tiếp với Đức Chúa Trời. Kiểu giao tiếp đó đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng và tin tưởng hơn nhiều so với việc chúng ta dành cho người khác. Vì chúng ta đối với Đức Chúa Trời theo cách khác, nên chúng ta có thể lấy những gì mình biết về sự giao tiếp tốt giữa người với người và xem Kinh thánh nói gì về sự giao tiếp tốt với Đức Chúa Trời. Có những điểm tương đồng nhất định, nhưng cũng có những khác biệt nhất định.

Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về cầu nguyện hiệu quả?

Mặc dù chúng ta có thể suy đoán và tranh luận về điều gì tạo nên sự cầu nguyện hiệu quả, nhưng Kinh Thánh cho biết nhiều điều sâu sắc. Nếu có một chủ đề nào đó được nhiều lần đề cập đến trong Kinh thánh, thì lời cầu nguyện chính là chủ đề đó. Kinh thánh mô tả nhiều về những người cầu nguyện với Đức Chúa Trời, cùng với rất nhiều ví dụ. Chúa Giê-su, Phao-lô, Áp-ra-ham, nhiều nhân vật trong Kinh thánh đã từng là tấm gương cho các tín đồ ngày nay. Bằng cách quan sát những ví dụ này và những gì Kinh Thánh nói rõ ràng về việc cầu nguyện, chúng ta có thể củng cố mối giao tiếp với Đức Chúa Trời.

Yếu tố thứ 1 của Cầu nguyện hiệu quả - Cầu nguyện trung thực

“Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi. Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi, Quen biết các đường lối tôi. " (Thi thiên 139: 1-3)

Đức Chúa Trời quan sát chúng ta trong suốt cuộc đời của chúng ta. Ngài biết chúng ta đang ở đâu vào bất kỳ thời điểm nào, chúng ta đang làm gì, thậm chí là tại sao. Không có điều gì chúng ta làm mà có thể che giấu Chúa được, và bất cứ điều gì chúng ta cầu nguyện cũng không hề che giấu Chúa được. Phần lớn Kinh thánh cho biết quyền tể trị của Đức Chúa Trời (sự hiểu biết và quyền kiểm soát) đối với đời sống của chúng ta. Khi áp dụng điều đó vào lời cầu nguyện của mình, chúng ta biết mình có thể cởi mở và trung thực. Không cần phải kìm lại khi chúng ta đã phạm phải những tội lỗi đau lòng. Ngài biết. Không cần phải kìm lại khi ai đó đã nghịch cùng chúng ta một cách nghiêm trọng. Chúa biêt.

Khi đến gần Đức Chúa Trời với thái độ trung thực, chúng ta có thể sẽ cầu nguyện cởi mở và thường xuyên hơn. Chúng ta sẽ biết và tin rằng Chúa quan tâm đến chúng ta.

Yếu tố thứ 2 của Cầu nguyện hiệu quả - Cầu nguyện không ngừng

“Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.”. (Phi-líp 4: 6)

Kinh thánh khuyến khích các tín đồ luôn luôn cầu nguyện. Điều này có nghĩa là bất kể mùa nào trong đời hay thời gian trong ngày, chúng ta có thể và nên đến gần Đức Chúa Trời. Nếu Ngài biết tất cả mọi thứ đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta, thì sẽ không có gì ngạc nhiên. Điều này cũng có nghĩa là Đức Chúa Trời có thể hỗ trợ và bảo vệ chúng ta bất cứ lúc nào. Có một lý do mà Đức Chúa Trời bảo chúng ta đừng lo lắng. Có một lý do khiến Đức Chúa Trời ra lệnh cho điều này nhiều lần. Vì là con người, nỗi sợ hãi có thể đến với chúng ta một cách tự nhiên, nhưng sự cầu nguyện cũng vậy. Chúng ta chỉ cần nỗ lực để việc cầu nguyện trở thành một thói quen. Khi đó, tất cả những lợi ích mà chúng ta nhận được từ việc cầu nguyện sẽ trở nên rõ ràng hơn nhiều trong cuộc sống của chúng ta.

Yếu tố thứ 3 của Cầu nguyện hiệu quả - Cầu nguyện một cách đáng tin cậy

“Trong ngày sợ hãi, Tôi sẽ để lòng nhờ cậy nơi Chúa. Tôi nhờ Đức Chúa Trời, và ngợi khen lời của Ngài; Tôi để lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, ắt sẽ chẳng sợ gì; Người xác thịt sẽ làm chi tôi?” - (Thi thiên 56: 3-4)

Chúng ta biết cầu nguyện thành thật và cầu nguyện thường xuyên. Khi nắm vững hai điểm đó, chúng ta có thể bắt đầu cầu nguyện với tấm lòng hoàn toàn tin cậy Chúa. Chưa từng có lời hứa nào mà Chúa không giữ. Nếu chúng ta cầu nguyện và nắm chắc lấy lời hứa của Ngài, chúng ta biết rằng những gì Ngài hứa Ngài sẽ làm, không nghi ngờ gì nữa, Ngài sẽ làm. Tin cậy Chúa trong lời cầu nguyện của chúng ta sẽ giúp chúng ta trút bỏ gánh nặng để giải quyết mọi vấn đề. Tin cậy Đức Chúa Trời là trả lại cho Ngài sự tôn kính Ngài xứng đáng nhận, thừa nhận Ngài, chứ không phải chúng ta, là Đức Chúa Trời,

Kết luận

Giao tiếp hiệu quả giữa mọi người không tự nhiên mà có. Đầu tiên, chúng ta phải biết thế nào là giao tiếp tốt, học các kỹ năng, sau đó thực tập, thực tập, thực tập. Khi giao tiếp với Đức Chúa Trời toàn năng, chúng ta nhận được lợi ích vì Ngài là Đấng biết tất cả. Ngài biết tấm lòng, ước muốn và mong muốn của chúng ta trước khi chúng ta có thể hình thành lời để nói. Tuy nhiên, sự thật này không miễn cho chúng ta việc phải cố gắng hết sức để cầu nguyện một cách hiệu quả.

Chúng ta có thể tiếp cận Đức Chúa Trời tương tự như cách chúng ta đến với những người khác, nhưng Ngài sẵn sàng hơn, khôn ngoan hơn và yêu thương hơn nhiều. Lợi ích của việc cầu nguyện thì rất rõ ràng, và Kinh thánh muốn chúng ta cầu nguyện không thôi. Thật an ủi biết bao, khi biết rằng chúng ta có thể đến gần Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào và với sự minh bạch và tin cậy hoàn toàn. Ngài muốn nghe từ chúng ta, mỗi ngày.

Chúng ta đã biết rằng chúng ta nên cầu nguyện. Bây giờ, chúng ta biết cách làm cho những lời cầu nguyện của mình hiệu quả hơn nhiều. Hãy để sự tăng trưởng này hướng dẫn chúng ta vào mối quan hệ mạnh mẽ và sâu sắc hơn với Đấng Christ.

Aaron Brown (Trầm văn Lộc lược dịch)

Nguồn: 🔗