Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 273

Chuyện... Vỗ Tay

Kinh Thánh: Thi-thiên 47: 1; 98: 8; Ê-sai 55: 12; Phi-líp 2: 13

Kính chào quý độc giả,

Vỗ tay là một hành động bày tỏ lòng vui mừng, phấn khởi trước một sự kiện nào đó, một sự thành công nào đó của một con người nào đó, hay nhằm chào đón, ca ngợi một nhân vật nào đó.

Vỗ tay là một cách ứng xử có văn hóa trong hầu hết các nền văn hóa trên thế giới từ xưa đến nay.

Tục ngữ, Ca dao Việt Nam chúng ta có những câu nói về sự vỗ tay mà nhiều người thuộc lòng:

+ Đông tay vỗ nên kêu.

+ Vỗ tay cần nhiều ngón

Bàn việc cần nhiều người

+ Khi vui thì vỗ tay vào
Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai.

+ Nhiều tay vỗ nên bộp, có cột mới nên kèo,
Vợ chồng giúp đỡ đói nghèo có nhau.

...

Không biết hành động vỗ tay của con người bắt đầu từ khi nào? Và ai là người vỗ tay đầu tiên?

Kinh Thánh có khá nhiều câu nói đến việc vỗ tay:

Hỡi các dân, hãy vỗ tay; Hãy lấy tiếng thắng-trận mà reo-mừng cho Đức Chúa Trời.” (Thi-thiên 47: 1)

Nguyện các sông vỗ tay, Núi non cùng nhau hát vui mừng trước mặt Đức Giê-hô-va!” (Thi-thiên 98: 8)

Vì các ngươi sẽ đi ra vui vẻ, được đưa đi trong sự bình an. Trước mặt các ngươi, núi và đồi sẽ trổi tiếng ca hát, mọi cây cối ngoài đồng sẽ vỗ tay.” (Êsai 55:12).

Và có lẽ còn nhiều câu khác nữa, nhưng chỉ với ba câu Kinh Thánh trên, chúng ta cũng đủ thấy Kinh Thánh chú ý nhắc nhở muôn vật và con người hãy vỗ tay lên để ca ngợi, chúc tụng Đức Chúa Trời. Vì chính Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo nên con người và muôn loài vạn vật, cho nên con người và mọi vật rất đáng phải ca ngợi Chúa. Một trong những cách để ngợi ca Ngài, đó chính là... vỗ tay.

Khi một vị vua hay Tổng Thống xuất hiện trước mặt dân chúng, thì dân chúng thường vô tay chào đón để bày tỏ lòng kính trọng. Đức Chúa Trời là Vua của mọi vua và Chúa của mọi chúa, thì con người chúng ta càng cần phải đáng thể hiện tấm lòng tôn cao Ngài hơn gấp nhiều lần vậy.

Được biết có một số Giáo Hội “cấm” con dân Chúa vỗ tay để ca ngợi Chúa mỗi khi thờ phượng Ngài trong Nhà thờ vào ngày Chúa Nhật, vì cho rằng thờ phượng Chúa thì phải trang nghiêm, cung kính, mà vỗ tay thì... không được trang nghiêm, cung kính, nên... không được vỗ tay.

Trong Thánh Ca cũ có bài hát rất hay, trong đó có đoạn lời: “Ngày vui hơn hết, ngày tôi tin Chúa, tôn Giê-xu Christ làm Cứu Chúa mình. Từ nay tôi mãi mừng vui, ca múa, đi khắp mỗi nơi truyền bá Tin Lành...” (Thánh Ca 210)

Bài hát có lời hay và đáng quý như thế, nhưng khi con dân Chúa đi thờ phượng Ngài, thì không ai được phép “tay múa” cả, không ai được phép “vỗ tay” cả, chỉ được phép... ”miệng ca” mà thôi.

Nghe thật... bất nhất và khó hiểu quá phải không bạn?

Chúng ta được truyền dạy là phải vâng giữ và làm theo lời Kinh Thánh chứ không phải là vâng giữ và làm theo lời truyền khẩu của loài người.

Chúa Giê-xu phán day rằng: “... và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 28, câu 20). Chúa Giê-xu không dạy chúng ta “dạy họ giữ hết cả mọi điều... truyền khẩu do con người đặt ra.”

Kinh Thánh cho chúng ta thấy ngay cả sông suối, núi non, cây cối đều phải vỗ tay ca ngợi, chúc tụng Ngài, thì tại sao chúng ta là con người vượt cao hơn muôn loài vạn vật khácrất nhiều lần, mà chúng ta lại không vỗ tay ca tụng Ngài? Chẳng lẽ chúng ta lại... thua các loài vật thọ tạo kia sao? Chẳng hề như vậy! (Nói như Phao-lô thường hay nói).

Ước mong con dân Ngài mỗi khi nhóm lại thờ phượng Chúa, thiết nghĩ rất nên vỗ tay như là một trong những cách để góp phần ca ngợi Chúa kính yêu của chúng ta trong tinh thần “miệng hát lòng hòa”, “miệng ca tay vỗ”một cách vui mừng hớn hở.

Hãy làm theo lời Kinh Thánh dạy” (Sách Gia-cơ, chương 1, câu 22), chứ đừng để những truyền thống do loài người đặt ra ngăn trở sự thờ phượng Chúa một cách hết lòng của chúng ta.

Cầu xin Đức Thánh Linh cảm động lòng mỗi một chúng ta để mỗi một chúng ta “vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài!” (Sách Phi-líp, chương 2, câu 13) trong sự ngợi khen, thờ phượng Chúa cao cả, quyền năng của chúng ta. Amen!

Tháng 6/ 2022

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu