Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 279

Chuyện... Miệng Và... Lòng

Kinh Thánh: Thi-thiên 19: 14; Ê-sai 29: 13; Giê-rê-mi 12: 2

Kính chào quý độc giả,

Miệng và lòng là hai bộ phận trong thân thể con người. Miệng ở bên ngoài và ai cũng thấy được, còn lòng thì ở bên trong, không ai thấy được. Chính vì vậy mà người Việt mình có câu ca dao: “Dò sông dò biển dễ dò. Nào ai lấy thước mà đo lòng người.”

Miệng thường thể hiện ra bên ngoài những gì lòng nghĩ bên trong.

Có người thì miệng có đó, nhưng không nói được, nên người ta thường gọi người như thế là người có... miệng ăn, nhưng không có... miệng nói. Cũng có người thì vừa có miệng ăn, vừa có cả miệng nói; người ta gọi người như thế là người... lanh miệng.

Có một số câu nói và câu ca dao về miệng và lòng như sau:

+ Vạ từ miệng ra, bệnh từ miệng vào.

+ Miệng nhà quan có gang, có thép.

+ Miệng cười mà mắt không cười thì chớ có tin.

+ Miệng nói tay làm.

+ Rối tơ, rối chỉ gỡ xong
Rối đầu có lược, rối lòng khó phân

+ Ở chi hai dạ ba lòng
Dạ cam thì ngọt, dạ bòng thì chua

+ Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.

...

Sau đây là một số điều mà cái miệng có thể tiết lộ cái lòng:

• Cái miệng khắc nghiệt nói lên tấm lòng giận dữ

• Cái miệng tiêu cực cho thấy tấm lòng sợ hãi.

• Cái miệng khoe khoang biểu lộ tấm lòng bất an.

• Cái miệng nói nhiều thể hiện tấm lòng bất ổn.

• Cái miệng phán xét nói lên tấm lòng tội lỗi.

• Cái miệng phê bình cho thấy tấm lòng cay đắng.

• Cái miệng dẻo ngọt biểu hiện tấm lòng không thật.

...

Kinh Thánh cũng có đề cập đến chuyện... miệng và... lòng:

“Chúa có phán rằng: Vì dân nầy chỉ lấy miệng tới gần Ta, lấy môi miếng tôn Ta, mà lòng chúng nó thì cách xa Ta lắm. Sự chúng nó kính sợ Ta chẳng qua chỉ là điều răn của loài người, bởi loài người dạy cho..” (Sách Ê-sai, chương 29, câu 13)

Sự cảnh cáo, lên án rất mạnh mẽ của Chúa dành cho dân sự của Ngài, khi họ chỉ đến với Ngài như là một nghi thức tôn giáo của loài người đặt ra, chứ chẳng phải do lòng kính sợ Ngài thật sự. Họ chỉ... có Chúa trên môi miệng, mà không có Chúa thực sự trong tấm lòng.

Nghiệm lại đời sống theo Chúa của bạn và tôi, chắc không ít lần, chúng ta cũng giống hệt như dân sự Ngài ngày xưa, chứ chẳng khác chút nào. Chúng ta đến với Chúa, đi thờ phượng Chúa chỉ như là một thông lệ cần phải làm, cho lương tâm khỏi... cáo trách, chứ chẳng phải vì lòng yêu Chúa đâu cả.

Tiên tri Giê-rê-mi cũng có lần đã than thở về sự giả dối của dân Ngài: “Ngài đã vun trồng họ, họ đã đâm rễ, lớn lên và ra trái. Miệng họ ở gần Ngài, song lòng họ cách xa Ngài.” (Sách Giê-rê-mi, chương 12, câu 2)

Đức Chúa Trời đã chăm sóc dân Ngài, nhưng rồi cuối cùng họ chỉ yêu Chúa trên chót lưỡi đầu môi, chứ không có lòng yêu Chúa thật sự.

Vua Đa-vít đã từng cầu xin: “Hỡi Đức Giê-hô-va là hòn đá tôi và là Đấng cứu chuộc tôi. Nguyện lời nói của miệng tôi, sự suy gẫm của lòng tôi được đẹp ý Ngài.” (Sách Thi-thiên, chương 19, câu 14)

Vâng, đó là lời cầu xin đáng quý và rất cần có trong cuộc đời theo Chúa của vua Đa-vít cũng như của mỗi một chúng ta vậy.

Miệng và lòng của mỗi chúng ta phải hòa hợp nhau. Lòng như thế nào thì bày tỏ ra trên môi miệng như thể ấy. Đó là lối sống chân thật mà Đức Chúa Trời muốn nơi con cái Ngài.

Còn nếu lòng chúng ta chứa đầy xấu xa, ô uế, mà chúng ta nói ra trên môi miệng toàn những lời nghe rất tốt đẹp, mỹ miều, thì đó là một lối sống giả hình, mà Đức Chúa Trời rất ghét. Và những người sống theo lối sống nầy chắc sẽ không tránh khỏi sự đoán phạt của Chúa. Vì không ai trong chúng ta có thể đánh lừa được Chúa cả, bởi Ngài là Đấng “nhìn thấy trong lòng.” (ý từ sách 1 Sa-mu-ên, chương 16, câu 7)

...

Có một số câu Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta cần cẩn thận về... miệng và... lòng của mình:

+ “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, Và canh cửa môi tôi.” (Sách Thi-thiên, chương 141, câu 3)

+ “Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình, giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn.” (Sách Châm-ngôn, chương 21, câu 23)

+ “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.” (Sách Ê-phê-sô, chương 4, câu 29)

+ “Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra.” (Sách Châm Ngôn, chương 4, câu 23)

+ “Hỡi con, hãy dâng lòng con cho cha. Và mắt con khá ưng đẹp đường lối của cha.” (Sách Châm Ngôn, chương 23, câu 26)

...

Nguyện xin Chúa ban cho lời nói của miệng chúng ta, và sự suy gẫm của lòng chúng ta đều được đẹp ý Ngài. Được như thế thì Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ rất vui lòng vì đời sống của mỗi một chúng ta. A men!

Tháng 7/ 2022

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu