Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 290

Lời Êm Tai Hay Lời Ngay Thật?

Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 12: 34; Lu-ca 3: 7; II Ti-mô-thê 2: 15 & 4: 3, 4; Gia-cơ 4: 4

Kính chào quý độc giả,

Thế thường, con người chúng ta ai nấy đều thích nghe những lời êm tai, những lời mật ngọt hơn là những lời khó nghe, nhưng ngay thật.

Tục ngữ, Ca dao Việt Nam có những câu về lời nói khá thú vị:

+ Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.

+ Nói ngọt lọt đến xương.

+ Thẳng mực tàu, đau lòng gỗ.

+ Thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng

...

+ Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

+ Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

+ Những người tính nết thật thà,
Đi đâu cũng được người ta tin dùng.

+ Tu thân rồi mới tề gia,
Lòng ngay nói thật gian tà mặc ai.

Và đây là những câu danh ngôn đáng suy ngẫm:

+ Tôi sống bằng cháo ngon chứ không bằng lời ngọt. (Molière)

+ Câu nói trái ý, phải xem nó có hợp lý không ; câu nói chiều lòng, phải xem nó có vô lý không. (Thư Kinh)

+ Lời nói trau chuốt là phù hoa, lời nói thẳng ngay là thành thật. Nói khó nghe là thuốc, nói ngọt ngào là bệnh tật. (Tục ngữ Trung Quốc)

+ Ở đâu có nhiều lời hoa mỹ thì ở đó thiếu tình yêu chân thật. (M.Gorki)

Nói sao để cho... vừa lòng nhau, chứ đừng nói để... mất lòng nhau, tức là phải nói những lời... êm tai người nghe.

...

Kinh Thánh cho biết con người thường chỉ thích nghe những lời êm tai hơn là nghe những lời ngay thật: “Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.” (Sách 2 Ti-mô-thê 4: 3, 4)

“Những lời êm tai”, “những chuyện huyễn” là những điều rất nhiều người thích từ xưa cho đến nay. Nhưng “đạo lành” và “lẽ thật” thì người ta lại... bịt tai, quay lưng, không chịu nghe.

Đó là một điều nghe tưởng... nghịch lý, nhưng lại là một... thực tế phũ phàng trong cuộc sống.

Kể từ khi con người phạm tội xa cách Đức Chúa Trời, thì con người bị ma quỷ cám dỗ ưa sống và bước đi trong tối tăm, làm những việc tối tăm; ưa nghe những lời êm tai và chuyện huyễn, hơn là muốn nghe chân lý và lời hằng sống đến từ Đức Chúa Trời.

...

Chúa Giê-xu không nói những lời để làm êm tai chúng ta. Ngài phán những lời chân thật và ngay thẳng, những lời đem đến sự sống cho người nào có lòng mềm mại nhận lấy. Nhưng sẽ rất... shock cho những kẻ nào có lòng cứng cỏi và không chịu ăn năn.

Kinh Thánh xác nhận Chúa Giê-xu là Vầng Đá đối với người tin Ngài thì là đá quý, đối với kẻ chối bỏ Ngài là đá làm cho vấp ngã:

Vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, Ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quý báu. Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ. Vậy nên, cho anh em là kẻ đã tin, thì là đá quý; nhưng cho những kẻ không tin, thì hòn đá mà bị thợ xây nhà loại ra, bèn trở nên đá góc nhà, là đá gây cho vấp váp, là đá lớn làm cho sa ngã.” (Sách 1 Phi-e-rơ 2: 6, 7)

Ngài đã từng lên án mạnh mẽ giới lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ như những hạng thầy Thông giáo và người Pha-ri-si:

Hỡi dòng dõi rắn lục, bay vốn là loài xấu, làm sao nói được sự tốt? Bởi vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra.” (Sách Ma-thi-ơ 12: 34)

Dòng dõi hung ác gian dâm nầy xin một dấu lạ, nhưng sẽ chẳng cho dấu lạ chi khác ngoài dấu lạ của đấng Tiên Tri Giô-na. Rồi Ngài bỏ họ mà đi” (Sách Ma-thi-ơ 16: 4)

Trong Ma-thi-ơ, chương 23, Chúa Giê-xu dành nguyên chương nầy để lên án thầy Thông giáo và người Pha-ri-si với ít nhất sáu, bảy lần, Ngài lặp đi lặp lại câu nói: “Khốn cho các ngươi, thầy Thông Giáo, và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình!”

Giăng Báp-tít là người dọn đường cho Chúa Giê-xu, cũng không nói những lời êm tai cho được lòng dân chúng, nhưng rao ra những sứ điệp rất ngay thật, thẳng thắn: “Vậy, Giăng nói cùng đoàn dân đến để chịu mình làm phép báp-têm rằng: Hỡi dòng dõi rắn lục, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh nộ ngày sau?” (Sách Lu-ca 3: 7). Và sau đó, đoàn dân đã ăn năn và chịu Giăng làm phép báp-têm (Sách Lu-ca 3: 21)

Gia-cơ cũng giảng cách mạnh mẽ, thẳng thắn khi dân sự vừa theo Chúa vừa theo đời, sống đời sống ... tà dâm thuộc linh: “Hỡi bọn tà dâm kia, anh em há chẳng biết làm bạn với thế gian tức là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao?” (Sách Gia-cơ 4: 4)

Trong thời Cựu Ước, khi dân sự phạm tội đi hàng hai, vừa thờ Đức Chúa Trời lại vừa đi theo thần Ba-anh, Chúa đã dùng Tiên Tri Ê-li để cảnh cáo tội lỗi của họ cách mạnh mẽ: “Đoạn Ê-li đến trước mặt dân sự mà nói rằng: Các ngươi đi giẹo hai bên cho đến chừng nào? Nếu Giê-hô-va là Đức Chúa Trời, khá theo Ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời, hãy theo hắn. Song dân sự không đáp một lời.”(Sách 1 Các Vua 18: 21)

...

Bạn muốn nghe những lời êm tai để... chìu chuộng cái tôi của mình, cho... thỏa mãn lòng dục nó, hay là bạn muốn lắng nghe những lời ngay thật, thẳng thắn (dù đó là những lời khó nghe); nhưng có tác dụng tỉnh thức tấm lòng của chúng ta, có tác dụng “sửa ngay lại những chỗ cong khom” (theo ý trong sách Thi-thiên 146: 8) trong đời sống theo Chúa của chúng ta?

Kinh Thánh nhắc nhở những người có trách nhiệm rao giảng lời Ngài là phải rao giảng cách ngay thật: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.” (Sách 2 Ti-mô-thê 2: 15)

Người giảng dạy lời Chúa cần phải có lòng ngay thẳng trong sự giảng dạy, chứ không nên chìu theo sở thích ham nghe những lời êm tai của con người, mà làm... cong queo lẽ thật, sẽ đặng tội với Chúa chẳng sai.

Chỉ có sự giảng dạy ngay thật lời Chúa mới đem lại sự tỉnh thức về linh hồn của tín đồ mà thôi (ý từ sách Hê-bơ-rơ 13: 17)

Cầu xin Chúa ban ơn, xức dầu cho các Thầy Giảng Tin Lành, các Mục Sư, Giáo Sư để dạn dĩ rao giảng lời Chúa cách mạnh mẽ, ngay thật theo ý muốn Chúa, để đem người nghe trở lại cùng Đức Chúa Giê-xu Christ là Đức Chúa Trời chân thật và sự sống đời đời (ý từ Sách 1 Giăng 5: 20).

Cầu xin Chúa cho các con cái Chúa bỏ đi sở thích ham nghe những lời êm tai mà có hại cho linh hồn, và biết nghe Lời Chân Thật và Hằng Sống của Đức Chúa Trời để được cầm lấy sự sống thật cho đời sống của mình. A men!

Tháng 9/ 2022

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu