Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 308

Chuyện... Toàn Hảo Và Bất Toàn

Kinh Thánh: I Cô-rinh-tô 1: 27-29; II Cô-rinh-tô 5: 21; Rô-ma 7: 18, 19; Gia cơ 5: 17, 18; I Phi-e-rơ 2: 22

Toàn hảo và bất toàn là hai... phạm trù trái ngược nhau. Một bên là trọn vẹn, và một bên là... chưa trọn vẹn. Một bên là hoàn hảo, và một bên là... chưa hoàn hảo. Một bên là “mười phân vẹn mười”, còn một bên là mới... bảy, tám phân, hoặc chín phân, chứ chưa được mười phân.

Có ai trong vòng con người chúng ta là... toàn hảo, trọn vẹn không?

Câu trả lời là “Không!” Dẫu một người cũng không!

Khổng Tử đã biết... thân phận không... hoàn hảo của mình, nói riêng và của con người, nói chung, nên đã khẳng định: “Nhân vô thập toàn” (nghĩa là con người thì không toàn hảo được).

Đó là một câu nói chính xác vậy!

Không Tử, một người được người đời mệnh danh là “Vạn thế sư biểu” (nghĩa là bậc thầy của muôn đời) mà còn... tự thú như vậy, thì còn ai trong chúng ta dám... vỗ ngực xưng tên mình là... toàn hảo, “mười phân vẹn mười” được phải không nào?

Khổng Tử cũng còn có một câu nói khác cũng... chí lý và chính xác lắm: “Nhơn nhơn giai hữu tội” (nghĩa là mọi người đều có tội), đúng như lời Kinh Thánh đã khẳng định “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.” (Sách Rô-ma, chương 3, câu 23)

Nói về lĩnh vực trọn vẹn, toàn hảo, thì trong suốt cả cõi lịch sử của con người, nếu ta tìm tòi, nghiên cứu, so sánh, đối chiếu, ta sẽ chỉ có thể tìm được một người và một người duy nhất mà thôi. Người đó không ai khác hơn, chính là Đức Chúa Giê-xu.

Đức Chúa Giê-xu được Kinh Thánh cho biết Ngài là Đức Chúa Trời trọn vẹn và cũng là một Con người trọn vẹn.

Nếu tìm một người đẹp nhất thế giới, ta có thể tìm được; nếu tìm một người cao nhất thế giới, ta có thể tìm được; nếu tìm một người giàu nhất thế giới, ta cũng có thể tìm được... nhưng nếu tìm một người vô tội, thì ta không thể tìm được một ai khác ngoài Đức Chúa Giê-xu, Ngài là Đấng Thần Nhân (nghĩa là Ngài vừa là Đức Chúa Trời trọn vẹn và là Con Người trọn vẹn)

Kinh Thánh xác nhận: “Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá.” (Sách I Phi-e-rơ, chương 2, câu 22)

Trong miệng con người chúng ta thì... đầy sự dối trá; nhưng trong miệng Đức Chúa Giê-xu thì người ta không tìm thấy có một chút dối trá nào cả.

Thánh Phao-lô cũng khẳng định: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta; hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” (Sách II Cô-rinh-tô, chương 5, câu 21)

Chúa Giê-xu là con người duy nhất không có chút chi dối trá trong miệng. Ngài cũng là con người duy nhất chẳng biết tội lỗi (tức không phạm tội). Và chính vì vậy, Ngài chính là con người toàn hảo duy nhất hiện diện trong suốt dòng lịch sử của con người.

Với tư cách là con người toàn hảo duy nhất như thế, nên Đức Chúa Giê-xu mới có đủ tư cách pháp lý duy nhất trước mặt Đức Chúa Trời để chết thay cho tội lỗi của loài người trên thập tự giá và ban sự cứu rỗi cho con người. Và Đức Chúa Trời hài lòng về điều đó.

Tiên Tri Ê-sai đã viết: “Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm. Sau khi đã dâng mạng sống mình làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình, nhưng ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thịnh vượng.” (Sách Ê-sai, chương 53, câu 10)

Tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban Đấng Toàn Hảo cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta! Nếu Đấng Toàn Hảo không được ban cho, thì số phận đời đời của con người chúng ta là ở trong hồ lửa đời đời với Sa-tan, và vô phương tự cứu.

...

Sự toàn hảo chỉ có nơi Đức Chúa Trời và nơi Con của Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ!

Còn con cái loài người chúng ta thì là thuộc giống yếu đuối bất toàn trước mặt Đức Chúa Trời.

Chúng ta không toàn hảo; nhưng Chúa Giê-xu thì toàn hảo. Chúng ta không trọn vẹn; nhưng Chúa Giê-xu thì trọn vẹn.

Chính Đức Chúa Cha đã nói về sự toàn hảo của Đức Chúa Giê-xu rằng: “Nầy là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 3, câu 17)

Phao-lô... tự thú về sự yếu đuối của chính mình: “Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn. Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” (Sách Rô-ma, chương 7, câu 18, 19)

Sống trước Phao-lô rất nhiều năm, Tiên Tri Ê-li cũng được Kinh Thánh cho biết là một con người yếu đuối như chúng ta, không hơn không kém: “Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi. Đoạn, người cầu nguyện lại, trời bèn mưa, và đất sanh sản hoa màu.” (Sách Gia-cơ, chương 5, câu 17, 18)

Một nhân vật khác sống trước Ê-li nhiều năm nữa, một người được Đức Chúa Trời xác nhận: “là trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác.” (Sách Gióp, chương 1, câu 1), đó là Thánh Gióp, nhưng chính ông khi đã thấy Ngài, thì đã thú nhận kêu lên một cách rất thật rằng: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi và ăn năn trong tro bụi.” (Sách Gióp, chương 42, câu 5, 6)

Một người ngay thẳng và kính sợ Chúa như Gióp mà khi đối diện với Đức Chúa Trời toàn hảo thì thấy mình gớm ghê, chẳng ra gì hết, thì còn ai trong chúng ta dám cho mình là trọn vẹn nữa?

Dầu chúng ta yêu đuối, bất toàn, nhưng Đức Chúa Trời lại muốn dùng những con người yếu đuối, bất toàn như chúng ta cho công việc của Ngài.

Lời Kinh Thánh xác nhận điều đó:

Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn. Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh. Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời.” (Sách I Cô-rinh-tô, chương 1, câu 27-29)

Đức Chúa Trời đã dùng Tiên tri Ê-li là một con người yếu đuối; Đức Chúa Trời cũng đã dùng Phao-lô là một con người “hèn mọn hơn hết mọi thánh đồ” để làm công việc lớn cho Ngài.

Đức Chúa Trời cũng dùng nhiều người khác nữa để hoàn tất công việc của Ngài như Áp-ra-ham, như Y-sác, như Gia-cốp, như Môi-se, như Đa-vít, như Đa-ni-ên, như Phi-e-rơ, như Gia-cơ, như Giăng, và nhiều con người bất toàn khác nữa...

Những con người yếu đuối, bất toàn đó, theo con mắt loài người thì họ chẳng có thể làm nên được... tích sự gì đâu; nhưng bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời ở trên họ, nên họ đã làm được những công việc lớn cho Ngài. Họ giống như những chiếc găng tay trong bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời vậy. Chiếc găng tay sẽ không làm được gì cả; nhưng nếu nó chịu để bàn tay của con người xỏ vào và sử dụng, thì nó sẽ làm được rất nhiều việc cho người chủ của nó.

Cảm tạ Chúa đã dùng những con người yếu đuối, bất toàn như chúng ta cho công việc nhà Ngài. Đó là một phước hạnh vô cùng lớn lao mà Đức Chúa Trời đã dành cho những người Ngài yêu mến và sử dụng.

...

Một Nhà Truyền Giáo đã nói rất hay rằng: "Tất cả những vĩ nhân của Chúa đều là những người yếu đuối." Đức Chúa Trời đã biến một Áp-ra-ham yếu đuối trở thành “cha của nhiều dân tộc”(Sách Sáng-Thế-Ký, chương 17, câu 5); một Môi-se bất toàn thành "người rất khiêm hòa hơn mọi người trên thế gian." (Sách Dân-Số-Ký, chương 12, câu 3); một Đa-vít nhiều khiếm khuyết thành “người vừa lòng Đức Chúa Trời” (Sách Công Vụ, chương 13, câu 22)...

Tôi rất thích câu nói nầy của Phao-lô: “Nhưng tôi nay là người thể nào là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi.” (Sách I Cô-rinh-tô, chương 15, câu 10)

Thật vậy, bạn và tôi được như ngày hôm nay, được làm con cái trong nhà của Ngài, được thờ phượng và hầu việc Ngài, tất cả đều là nhờ ơn Đức Chúa Trời. Nếu không nhờ ơn Ngài, thì bạn và tôi cũng chỉ là những con người vô ích, đáng chết mà thôi.

Tạ ơn Đức Chúa Trời đã thương yêu bạn và tôi, dù chúng ta chẳng đáng để được thương yêu. Tạ ơn Ngài đã thương xót sử dụng cuộc đời đầy khiếm khuyết, bất toàn của bạn và tôi cho sự toàn hảo của Ngài!

California, Tháng 5/ 2023!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu