Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 67

Sự Thờ Phượng Ðược Ðức Chúa Trời Chấp Nhận

Ông Trời là Nguồn Sống của con người. Chúng ta có sự sống nhờ Trời ban. Cho nên đối với Ông Trời, thì tất cả chúng ta đều kính trọng Ngài. Ít có ai dám buông lời vô lễ với Trời vì sợ “Trời tru đất diệt.” Chúng ta không dám làm những việc thất đức, vì sợ “Trời cao có mắt.” Là con cái, chúng ta không dám ngang nghịch với cha mẹ, vì sợ “Trời trồng.” Dù cẩn thận như vậy, nhưng phải thành thật mà thú nhận rằng đối với Ông Trời tức là Ðức Chúa Trời thánh khiết, tất cả chúng ta đều là những người bất toàn. Không ai dám tự cho mình là một người hoàn hảo. Người xưa cũng thấy như vậy, nên đã xác nhận rằng “nhơn vô thập toàn.

Dù sống trong sự bất toàn của mình, con người vẫn ý thức được sự cần thiết phải tôn thờ Ông Trời, vì Ngài là Ðấng Bề-Trên của mình. Do đó người ta đã tìm nhiều cách để thờ phượng Ông Trời. Tùy theo trình độ văn minh, mỗi dân tộc có những cách thờ phượng riêng. Thông thường, chúng ta thờ phượng theo những phương cách “chúng ta cho là đúng.” Nhưng sự thật thì sự thờ phượng Ông Trời là mong được Ông Trời đẹp lòng và cần phải được “chính Ngài cho là đúng.” Cũng như một thí sinh làm bài thi, cần phải được vị “Giám khảo cho là đúng” mới được chấm đậu. Muốn thờ phượng Ông Trời tức là Ðức Chúa Trời theo cách mà “Ngài cho là đúng” và đẹp lòng, chúng ta phải biết sự liên hệ thật sự giữa Ðức Chúa Trời và chúng ta như thế nào? Ơn mà chúng ta đã và đang nhận từ nơi Ðức Chúa Trời to lớn, cao quý đến đâu? Có như vậy lòng tôn kính và sự tôn thờ Ðức Chúa Trời của chúng ta mới đúng.

Sự thật, nơi sâu thẳm trong lòng của chúng ta đều nhận rằng mình được “Trời sanh Trời dưỡng.” Nghĩa là Ðức Chúa Trời không những là Ðấng Tạo Hóa của chúng ta, mà Ngài còn là Thiên Phụ của chúng ta. Ðối với Thiên Phụ, tức là Cha trên trời, chúng ta nên hiếu thảo cũng như đối với cha ở trên đất. Nếu không thì tội rất nặng. Vì: “Ðiều lành cao tột chẳng gì bằng hiếu. Ðiều cực ác là bất hiếu vậy.”[1]

Nhưng tiếc thay, thường thì chúng ta chỉ nhớ Ðức Chúa Trời là Ông Trời Cao nghiêm khắc mà quên rằng Ngài là Thiên Phụ Từ Ái của chính mình. Tình Phụ-tử thiêng liêng này đã bị đánh mất từ khi loài người phạm tội.

Bởi tội lỗi, những tâm niệm từ tấm lòng của chúng ta đã trở nên tà chớ không còn là chánh nữa. Mà “tà niệm như mây che chẳng thấy trời; đã khởi lòng ác làm gì thấy Ðạo?”[2] Do đó, chúng ta không thể đáp ứng được những điều cần thiết phải có trong sự thờ phượng Ðức Chúa Trời.

Kinh Thánh dạy rõ về trường hợp những người bất toàn mà tôn thờ và cầu khẩn Ðức Chúa Trời thì kết quả như tiên tri Ê sai đã nói: “Tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Kinh Thánh, Ê sai 59:2).

Khi mà sự thông công mật thiết trong tình Cha-con với Thiên Phụ của chúng ta chưa được lập lại thì sự thờ phượng của chúng ta làm sao được Thiên Phụ vui lòng? Một người con không thể nào ăn ở đẹp lòng Cha mình, khi người con này đến với Cha nhưng không chịu nhận người Cha là Cha của mình. Cho nên, chúng ta phải tìm lại cho được sự thông công như “Cha và con” với Thiên Phụ của chúng ta. Ðây là điểm chính yếu, để chúng ta tôn thờ Ðức Chúa Trời, và như vậy mới được Ngài vui lòng.

Làm sao để chúng ta có lại được tình Cha-con với Ðức Chúa Trời? Có một phương cách duy nhất mà Thánh Kinh đã chỉ rõ ràng cho chúng ta. Ðó là chúng ta hãy tin nhận Ngôi Hai Ðức Chúa Trời tức là Ðức Chúa Giê-su làm cứu Chúa của chính mình. Vì “Những ai đón nhận Ngài thì Ngài ban cho họ quyền làm con Ðức Chúa Trời, ấy là cho những kẻ tin vào Danh Ngài.” (Phúc Âm Giăng 1:12. Bản dịch L.M. Nguyễn thế Thuấn).

Khi chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su là Chúa Cứu Thế cho chính mình, thì Ðức Chúa Trời sẽ tha thứ những bất toàn, lỗi lầm của chúng ta. Ðức Chúa Trời cho chúng ta được phục hồi địa vị làm con của Ngài. Ðây là điều kỳ diệu được thực hiện bởi ân sủng tình yêu cao cả của Ðức Chúa Trời mà tự ý Ngài ban cho chúng ta.

Sau khi đã được phục hồi địa vị làm con của Ðức Chúa Trời, Ðức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng: “Ðức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Kinh thánh Giăng 4:24).

Như vậy, chúng ta nhận thấy rằng sự thờ phượng Ðức Chúa Trời, theo cách dạy của Thánh Kinh là do sự tôn kính và lòng biết ơn Ðức Chúa Trời, ở trong tâm hồn của mỗi chúng ta qua Thánh Linh của Chúa Cứu Thế Giê-su.

Quý vị đang tôn thờ Ðức Chúa Trời bằng cách nào? Có được đẹp lòng Ngài không?

Xin hãy tôn thờ Ðức Chúa Trời Hằng Hữu của chúng ta qua sự dẫn dắt của Chúa Cứu Thế Giê-su. Ðức Chúa Trời đang dang rộng vòng tay để đón chờ Quý vị trở lại trong tình yêu cao quý của Ngài.

PHÚT SUY TƯ:

- Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?

Lời Chúa Cứu Thế Giê su.

- Ðối với một người có lòng tin, thì sự tin nhận Chúa Cứu Thế Jesus đem họ vào vương quốc ân sủng, và cái chết đem họ vào vương quốc vinh hiển. R. Baxter.

KÍP QUAY VỀ

*******

Xin đừng khóc cho mưa nguồn, suối đổ,

Xin đừng buồn cho chỉ thắm hoen mi.

Xin đừng than rừng sầu thêm lá nhớ,

Xin đừng say hiện thực cũng là mơ.

Gió len lén thổi vào hồn băng tuyết,

Nước mưa nguồn dội sạch hết đau thương.

Qua kẽ lá, ánh dương hồn tha thiết,

Chiếu ngập tràn gương mặt kẻ phong sương.

Xen cành lá, đóa hồng nhung rực rỡ

Tay run run, mắt rộng mở dâng Ngài.

Cánh bướm lượn giữa khung trời tươi mới,

Ngàn yêu thương, Thiên Chúa ngự trên ngôi.

Chúa vẫn đứng, vẫn chờ và vẫn đợi:

Tay luôn dang, mỏi mắt ngóng ai về

Lời tha thiết, trái tim hồng nức nở

Kíp quay về, thôi lạc nẻo đường quê!

Trần Hữu Lý.

********************************