Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 312

Chuyện... Biết Nhiều Và... Biết Điều

Kinh Thánh: Gióp 42: 5, 6; Ê-sai 6: 5; Ma-thi-ơ 23: 27, 28; Giăng 6: 47; Khải Huyền 3: 17

Biết nhiều là điều nhiều người mong muốn, và trong cuộc sống, chúng ta thấy có nhiều người... biết nhiều.

Tôi đã từng gặp nhiều người có kiến thức rất rộng, dường như chuyện... Đông Tây Kim Cổ gì họ cũng đều... biết hết. Họ có thể nói vanh vách về những nhà hiền triết phương Đông như Khổng Tử, Lão Tử, Phật Thích Ca... Họ có thể kể cho bạn nghe một cách thú vị về những nhà triết học lỗi lạc ở phương Tây như Platon, Aristotle, Socrates... Đầu họ giống như một quyển... tự điển sống vậy. Thật đáng nể!

Nhưng... biết nhiều là một chuyện, còn... biết điều lại là một chuyện khác.

Có nhiều người biết nhiều, nhưng chưa chắc là người biết điều. Và ngược lại, người biết điều chưa hẳn là người biết nhiều.

Biết nhiều nói đến kiến thức, sự hiểu biết có được về thế giới bên ngoài của người đó, còn biết điều nói đến sự hiểu biết con người bên trong của người ấy.

Ngày nay, người ta hay nói nhiều đến “giáo dục khai phóng”.

Thế nào là “giáo dục khai phóng?”

“Giáo dục khai phóng” là sự học giúp người ta khai minh chính mình. “Khai minh” tức mở chính con người mình ra để đưa ánh sáng văn minh vào trong. Giáo dục khai phóng là học để nhìn thấy chính mình.

Trong thực tế cuộc sống, ta thấy có nhiều người rất giỏi, hiểu biết nhiều, thông kim bác cổ, nhưng cách hành xử dường như không được biết điều. Vì sao vậy? Đó là vì họ chỉ mới... biết người, mà chưa... biết mình.

Sự học bình thường là làm cho cái đầu mình... đầy kiến thức về xã hội và cuộc sống bên ngoài, còn sự học khai phóng là làm cho cái đầu của mình... mở ra để hiểu biết về chính mình nhiều hơn.

Một người biết nhiều mà không biết điều là một người chỉ mới có sự học bình thường, còn một người biết điều là một người quan tâm đến giáo dục khai phóng, tức quan tâm đến việc học để hiểu về chính con người bên trong của mình.

...

Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy người Pha-ri-si là hạng người có sự hiểu biết nhiều về Kinh Luật. Họ được xem như là những... chuyên gia Kinh Luật, những... quyển Kinh Luật sống. Ai có thắc mắc gì về Kinh Luật, hỏi họ là có được câu trả lời liền, không hề khó khăn. Nhưng họ biết nhiều như thế chỉ để... lòe thiên hạ, để khoe khoang với người khác, để bắt bẻ người khác, chứ không phải để thay đổi chính mình. Họ đã nhiều lần tìm cách bắt bẻ Chúa Giê-su. Ma-thi-ơ đã ghi lại một trong nhiều sự bắt bẻ đó của họ như sau: “Bấy giờ người Pha-ri-si đi ra bàn luận với nhau, để kiếm cách bắt lỗi Đức Chúa Giê-su về lời nói. Họ sai môn đồ mình với đảng vua Hê-rốt đến thưa cùng Ngài rằng: Lạy thầy, chúng tôi biết thầy là thật, và theo cách thật mà dạy đạo của Đức Chúa Trời, không tư vị ai; vì thầy không xem bề ngoài của người ta. Vậy, xin thầy nói cho chúng tôi, thầy nghĩ thế nào: có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không? Đức Chúa Giê-su biết ý xấu của họ, bèn đáp rằng: Hỡi kẻ giả hình, sao các ngươi thử ta? Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế. Họ đưa cho Ngài một đơ-ni-ê. Ngài bèn phán rằng: Hình và hiệu nầy của ai? Họ trả lời rằng: Của Sê-sa. Ngài bèn phán rằng: Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời. Họ nghe lời ấy, đều bợ ngợ, liền bỏ Ngài mà đi.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 22, câu 15-22)

Chính vì vậy mà Chúa Giê-su đã lên án họ rất nặng nề: “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 23, câu 27, 28)

Người Pha-ri-si đúng là kẻ... biết nhiều mà không... biết điều!

Hội Thánh Lao-đi-xê ngày xưa... dương dương tự đắt cho mình là giỏi rồi, là giàu rồi, không cần chi nữa cả; nhưng không biết tình trạng tồi tệ của mình, và họ đã bị Chúa Giê-su quở trách: “ả, ngươi nói: Ta giàu, ta nên giàu có rồi, không cần chi nữa. Song ngươi không biết rằng mình khổ sở, khốn khó, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ.” (Sách Khải Huyền, chương 3, câu 17)

Hội Thánh Lao-đi-xê là Hội Thánh... biết nhiều mà không... biết điều!

...

Đọc sách Gióp, ta thấy Thánh Gióp là một người trọn vẹn, ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời và lánh khỏi điều ác. Ông không những là người... biết nhiều mà ông còn là người... biết điều nữa. Ông biết kính sợ Đức Chúa Trời và ông cũng biết về chính con người thật của mình. Ông nói: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.” (Sách Gióp, chương 42, câu 5, 6)

Nhận biết mình là... gớm ghê trước mặt Đức Chúa Trời là một nhận biết rất đáng phải nhận biết!

Tiên Tri Ê-sai cũng là một người... biết nhiều, và cũng là người... biết điều. Ê-sai đã nói: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân.” (Sách Ê-sai, chương 6, câu 5)

Thấy mình xấu xa, dơ nhớp trước mặt Vua của trời đất, vũ trụ nầy là Đức Chúa Trời là một điều thấy rất cần yếu cho mỗi một con người tội lỗi chúng ta!

Thánh Phao-lô dù là một người học cao hiểu rộng, đã từng học với vị Giáo Sư nổi tiếng là Ga-ma-li-ên (Sách Công Vụ, chương 22, câu 3; và chương 5, câu 34), nhưng ông là một người biết điều, biết về chính thân phận không ra chi của mình trước mặt Đức Chúa Trời: “trong những kẻ có tội, ta (tức Phao-lô) là đầu.” (Sách I Ti-mô-thê, chương 1, câu 15)

Nhận biết mình là... có tội nhiều hơn tất cả mọi người là một nhận biết không dễ dàng chút nào, nhưng đó là một nhận biết đáng nể!

Thánh Gióp, Tiên Tri Ê-sai, Thánh Phao-lô quả là những người không chỉ... biết nhiều, mà còn... biết điều!

...

Nhu cầu lớn nhất của con người không phải chỉ biết nhiều, biết điều mà hơn thế nữa, là phải nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa toàn năng, Đấng có quyền tha thứ tội lỗi cho con người chúng ta. Nhận biết Chúa Giê-su chính là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người. Chúa Giê-su chính là “Đường Đi, Chân Lý và Sự Sống”. Ngài là Đấng đã chết trên thập tự giá để chuộc tội cho chúng ta là những tội nhân. Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết và sống mãi mãi để ban sự sống đời đời cho những ai bằng lòng tin nhận Ngài, như Kinh Thánh đã chép: “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh. Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại theo lời Kinh Thánh.” (Sách I Cô-rinh-tô, chương 15, câu 3, 4)

Chúa Giê-su đã từng phán: “Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời.” (Sách Giăng, chương 6, câu 47)

...

Bạn có thể là người... biết nhiều. Đó là điều tốt! Hãy học hỏi để hiểu biết cuộc sống nầy nhiều hơn!

Bạn có thể là người... biết điều. Rất tốt! Hãy nhận biết về chính mình cách rõ ràng hơn để biết mình phải làm gì cho ý nghĩa trong cuộc đời ngắn ngủi nầy!

Nhưng trên hết mọi sự, tôi ước ao bạn cần nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng đáng tôn thờ và hầu việc. Nhận biết Chúa Giê-su đã chết và sống lại cho mình để đem lòng tin trọn vẹn mà tin nhận Ngài, hầu nhận được sự cứu rỗi linh hồn là điều quý hơn hết khi còn sống trong thân xác nầy.

California, Tháng 6/ 2023!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu