Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 317

Chuyện... Hổ Thẹn, Và... Không Hổ Thẹn

Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 2: 25; Thi-thiên 25: 3; Giê-rê-mi 2: 26, 27; Rô-ma 1: 16; Hê-bơ-rơ 11: 16

Hổ thẹn và không hổ thẹn là hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau nơi con người.

Bạn có bao giờ hổ thẹn hay không hổ thẹn về một điều gì đó chưa? Hỏi như thế có lẽ cũng bằng thừa, bởi vì chắc chắn bất cứ ai trong đời cũng có không ít lần hổ thẹn hay không hổ thẹn về một số điều nào đó; chứ làm sao không có được mà hỏi?

Ở nhiều vùng quê Việt Nam, trong đó có vùng quê Quảng Nam yêu dấu của tôi, có một loài hoa mộc mạc, đơn sơ như chính người dân quê, đó là loài Hoa Trinh Nữ.

Loài Hoa Trinh Nữ, còn được gọi là... Hoa Xấu Hổ, hay ... Hoa Mắc Cỡ. Đó là một loại thực vật có đặc điểm là, các lá của chúng sẽ gập vào trong và cụp xuống mỗi khi bị chạm vào để tự bảo vệ khỏi bị thương tổn, rồi mở ra lại vài phút sau đó. Loài hoa có tên gọi trong tiếng La-tinh là “rụt rè” hoặc “co lại.” Hoa Trinh Nữ còn được biết đến qua những tên gọi... dễ thương khác, như Hoa Nhạy Cảm, Hoa Hổ Thẹn, hay Hoa Đừng Chạm Tôi...

Trong văn chương bác học Việt Nam, có một bài thơ nổi tiếng của một con người nổi tiếng là Phạm Ngũ Lão. Phạm Ngũ Lão là một vị tướng tài ba, vừa có tài thao lược, vừa có tài văn chương dưới thời Trần Hưng Đạo. Bài thơ nổi tiếng của ông là bài “Thuật Hoài”:

“Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.”
(Trần Trọng Kim dịch)

“Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”.
Vũ Hầu được nói đến ở đây chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng, một quân sư tài ba của Lưu Bị. Phạm Ngũ Lão “thẹn” vì chưa có được tài thao lược như Khổng Minh. Tự so mình với người đời trước để rồi tự hổ thẹn, tự thừa nhận mình còn kém cỏi, đó là điều đáng học hỏi nơi Phạm Ngũ Lão. Sự hổ thẹn của Phạm Ngũ Lão là sự hổ thẹn của một trang nam nhi có lòng tốt, có chí lớn với đất nước với dân tộc.

Có một câu chuyện xưa về... sự hổ thẹn cũng khá ấn tượng:

“Thời Chiến Quốc, Tề Trang Công bị quan Đại Phu nước Tề là Thôi Trữ giết chết. Thôi Trữ lệnh cho quan chép sử lúc đó là Thái Sử Bá viết vào sách sử rằng Tề Trang Công chết là do bệnh. Thái Sử Bá không chịu, kiên quyết viết rằng “Thôi Trữ giết vua”.

Thôi Trữ nổi giận, giết chết Thái Sử Bá. Thái Sử Bá có ba người em trai là Trọng, Thúc, Quý. Trọng viết vào sách sử câu chữ đúng như vậy, Thôi Trữ giết chết Trọng. Đến lượt Thúc vẫn viết đúng sự thật, cũng bị Thôi Trữ giết chết luôn. Còn lại Quý cầm lấy thẻ tre viết, cũng viết lại y nguyên câu của ba người anh.

Thôi Trữ cầm thẻ tre lên hỏi Quý: “Ba người anh của nhà ngươi đều vì câu này mà bị giết chết, lẽ nào ngươi không biết quý tiếc mạng sống của mình hay sao? Nếu như ngươi viết lại câu này theo đúng ý ta, ta sẽ tha chết cho ngươi.”

Quý ung dung đáp lại rằng: “Viết đúng sự thật là chức trách của quan chép sử. Nếu vì muốn sống mà làm chuyện sai trái, vậy thần thà chết còn hơn! Cho dù hôm nay thần không viết ra câu này, thì trong thiên hạ nhất định cũng sẽ có người viết lại sự thật này.”

Thôi Trữ đành phải trả lại thẻ tre và không giết ông nữa.”(*)

...

Nói về... hổ thẹn, thì như chúng ta đã biết, từ "hổ thẹn" được đề cập đến lần đầu tiên trong Kinh Thánh là ở sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 25 như sau:

“Vả, A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng mà chẳng hổ thẹn.”

Tại sao hai con người đầu tiên trên thế giới nầy lại không hổ thẹn khi cả hai đều... trần truồng?

Câu trả lời được ủng hộ từ Kinh Thánh là vì lúc ấy, họ chưa phạm tội với Đức Chúa Trời, và họ được bao bọc bởi sự vinh hiển tuyệt vời của Ngài. Sách Thi-thiên, chương 8, câu 5 cho biết: “Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút. Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng.”

Nhưng sau khi họ phạm tội, không vâng lời Đức Chúa Trời, ăn trái cây mà Ngài cấm ăn, thì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời không còn che phủ họ nữa, nên họ nhận biết được sự lõa lồ của mình, và bèn đi lấy lá cây vả làm áo quần để che thân: “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý, vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa. Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 3, câu 6, 7)

Con người ta sẽ hổ thẹn khi bỏ Đức Chúa Trời mà đi thờ hình tượng bằng gỗ, bằng đá như dân Y-sơ-ra-ên thời xưa: “Như kẻ trộm bị bắt xấu hổ thể nào, thì nhà Y-sơ-ra-ên, nào vua, nào quan trưởng, nào thầy tế lễ, nào kẻ tiên tri, cũng sẽ xấu hổ thể ấy. Chúng nói với gỗ rằng: Ngài là cha tôi; với đá rằng: Ngài đã sanh ra tôi. Vì chúng đã xây lưng lại cùng Ta, mà không xây mặt lại với Ta.” (Sách Giê-rê-mi, chương 2, câu 26, 27)

Những người không tin Chúa, thì làm nhiều việc tội lỗi, đáng hổ thẹn vô cùng.

Sự cuối cùng của họ là hư mất; họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về cac việc thế gian mà thôi.” (Sách Phi-líp, chương 3, câu 19)

Một khi con người không tin Chúa, thì họ sống trong tối tăm, làm việc tối tăm do ma quỷ điều khiển, cho nên, họ không còn phân biệt được đâu là điều đáng hổ thẹn, đâu là điều đáng vinh hiển. Thật đáng thương cho những ai lấy sự xấu hổ (hổ thẹn) làm vinh hiển.

...

Còn về chuyện... không hổ thẹn, Kinh Thánh cho biết có những lý do để những người tin Chúa... không hổ thẹn:

Những người có lòng trông cậy nơi Chúa thì sẽ không bao giờ hổ thẹn:

Thật, chẳng ai trông cậy Ngài mà lại bị hổ thẹn. Còn những kẻ làm gian trá vô cớ, chúng nó sẽ bị hổ thẹn.” (Sách Thi-thiên, chương 25, câu 3)

Trong Tân Ước, Phao-lô cho biết ông không hề hổ thẹn về Tin Lành của Đức Chúa Giê-su Christ, Đấng mà ông đang tôn thờ:

"Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin." (Sách Rô-ma, chương 1, câu 16).

Lý do Phao-lô không hổ thẹn về Tin Lành, vì Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu những người tin nhận Ngài.

Chính vì có tấm lòng không hổ thẹn về Tin Lành mà Phao-lô đã mạnh dạn nói về Chúa cho cả Vua Ạc-ríp-ba của người Do-thái ngày xưa: “Vua Ạc-ríp-ba phán cùng Phao-lô rằng: Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ!” (Sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 26, câu 28)

Một chỗ khác, Phao-lô cũng cho biết: “Ấy là vì Tin Lành đó mà ta đã được lập làm Người Giảng Đạo, Sứ Đồ và Giáo Sư; ấy lại là cớ mà ta chịu khổ. Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn, vì biết ta đã tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó.” (Sách Ti-mô-thê thứ nhì, chương 1, câu 11, 12)

Lý do Phao-lô không hổ thẹn ở đây là gì? Đó chính là Đấng ông tin là Chúa Giê-su Christ, là Đấng có quyền phép.

Vâng, Chúa Giê-su là Đấng có quyền phép tuyệt đối. Chính Ngài đã phán rằng: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 28, câu 18)

Không những Phao-lô không hổ thẹn về Tin Lành, mà ông còn khuyên người con thuộc linh của ông là Mục Sư trẻ Ti-mô-thê không hổ thẹn khi giới thiệu Tin Lành cho người khác:

Vậy, con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng lấy sự ta vì Ngài ở tù làm xấu hổ, nhưng hãy cậy quyền phép Đức Chúa Trời mà chịu khổ với Tin Lành.” (Sách Ti-mô-thê thứ nhì, chương 1, câu 8)

...

Nếu ai hổ thẹn về Chúa Giê-su và lời Ngài, thì Ngài cũng sẽ hổ thẹn về người ấy, như chính Ngài đã phán: “Vì nếu ai hổ thẹn về Ta và lời Ta, thì Con Người sẽ hổ thẹn về họ, khi Ngài ngự trong sự vinh hiển của mình, của Cha, và của thiên sứ thánh mà đến.” (Sách Lu-ca, chương 9, câu 26)

Còn nếu chúng ta không hổ thẹn về Đức Chúa Trời và Tin Lành của Ngài thì Ngài cũng sẽ không hổ thẹn về chúng ta vậy. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ đã khẳng định: “Nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 11, câu 16)

Mong rằng mỗi chúng ta đều biết hổ thẹn về tội lỗi và những việc làm xấu xa, không đẹp lòng Chúa, mà ăn năn, xin Chúa thương xót tha thứ, hầu sống đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Cũng xin Chúa thương xót và ban cho chúng ta tấm lòng dạn dĩ, không bao giờ hổ thẹn về Đức Chúa Trời và về Tin Lành của Đức Chúa Giê-su Christ.

California, Tháng 8/ 2023!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu

(*): trithucvn.org