Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 320

Chuyện... Hứa

Kinh Thánh: Các Quan Xét 11: 30-39; Truyền Đạo 5: 1-5; Rô-ma 4: 20, 21

Hứa là một điều mà mỗi người trong chúng ta thường hay làm trong cuộc sống.

Không ít lần bạn và tôi đã hứa với ai đó một điều gì đó, và chúng ta đã thực hiện được lời hứa ấy. Và cũng không ít lần, bạn và tôi đã... thất hứa với ai đó về một hay nhiều lời hứa hẹn nào đó.

Giữ được lời hứa, và... thất hứa là hai việc trái ngược nhau.

Trong cuộc sống, chúng ta gặp khá nhiều người luôn biết giữ lời hứa, vì họ tôn trọng lời họ hứa, và tôn trọng người họ hứa. Ngược lại, chúng ta cũng gặp không ít người xem nhẹ lời hứa, vì họ không tôn trọng lời hứa, và không tôn trọng người họ hứa. Người ta gọi những người như thế là người... hứa suông hẹn hão.

Ca dao nhắc nhở chúng ta về việc giữ lời hứa:

-Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay

-Nói chín thì phải làm mười,
Nói mười làm chín kẻ cười người chê

-Người sao một hẹn thì nên,
Người sao chín hẹn thì quên cả mười

Có một số câu danh ngôn ý nghĩa về lời hứa như sau:

-Người ta có thể bỏ qua cho bạn với một lần thất hứa. Nhưng chẳng ai tin vào bạn mãi khi không giữ lời hứa quá nhiều.

-Không hứa bậy, nên mình không phụ ai; không tin bậy, nên không ai phụ mình.

Nhà Thơ Hồ Dzếnh có bài thơ “Ngập Ngừng” nổi tiếng, ai cũng biết, trong đó có nói đến chuyện... hứa hẹn rất... lạ, và bởi cái... lạ đó mà bài thơ được nhiều người thích, nhất là những đôi lứa đang yêu nhau:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ: Gớm, làm sao nhớ thế?
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Em tôi ơi! tình có nghĩa gì đâu?
Nếu là không lưu luyến buổi sơ đầu?
Thuở ân ái mong manh như nắng lụa,
Hoa bướm ngập ngừng, cỏ cây lần lữa,
Hẹn ngày mai mùa đến sẽ vui tươi,
Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi!
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ,
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở,
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa...

Hẹn người ta, nhưng mong người ta... đừng đến. Lạ không bạn? Lạ! Thậm chí rất lạ là đàng khác!

Thú thực là tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ nầy, dù... thích ý tứ mới lạ, độc đáo của nó; nhưng tôi không hiểu được tại sao Nhà Thơ lại có cái mong ước... kỳ cục (“em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”, có nghĩa là... hẹn nhiều lần, mà không đến) như thế?

Tôi mà hẹn người yêu một hai lần mà... thất hẹn, không đến, cứ hứa suông hẹn hão hoài như vậy, là chắc tôi sẽ nói lời... “em đi đường em, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi” cho rồi.

Chắc bạn cũng sẽ hành xử như thế chứ?

...

Kinh Thánh nói gì về lời hứa?

Trước hết, chúng ta cần biết về lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho con người.

Người ta cho biết có hơn 8000 lời hứa trong Kinh Thánh. Và có hai loại lời hứa, đó là lời hứa không điều kiện và lời hứa có điều kiện. Lời hứa không điều kiện là lời hứa mà Đức Chúa Trời đã hứa và Ngài sẽ thực hiện lời hứa đó, không đòi hỏi con người phải làm một điều gì để đáp ứng lời hứa đó cả. Ví dụ như lời Ngài hứa sau cơn đại hồng thủy thời Nô-ê: “Vậy, Ta lập giao ước cùng các ngươi, và các loài xác thịt chẳng bao giờ lại bị nước lụt hủy diệt, và cũng chẳng có nước lụt để hủy hoại đất nữa. Đức Chúa Trời lại phán rằng: Đây là dấu chỉ về sự giao ước mà ta lập cùng các ngươi, cùng hết thảy vật sống ở với các ngươi, trải qua các đời mãi mãi. Ta đặt mống của ta trên từng mây, dùng làm dấu chỉ sự giao ước của ta với đất. Phàm lúc nào ta góp các đám mây trên mặt đất và phàm mống mọc trên từng mây, thì ta sẽ nhớ lại sự giao ước của ta đã lập cùng các ngươi, và cùng các loài xác thịt có sự sống, thì nước chẳng bao giờ lại trở nên lụt mà hủy diệt các loài xác thịt nữa.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 9, câu 11 đến 15)

Còn lời hứa có điều kiện là lời hứa có hai phần, phần của Đức Chúa Trời và phần của con người. Đức Chúa Trời sẽ thực hiện điều Ngài hứa, nếu con người đáp ứng điều kiện Ngài đưa ra. Ví dụ như câu Kinh Thánh sau: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (Sách Giăng thứ nhứt, chương 1, câu 9)

Phần lớn những lời hứa trong Kinh Thánh là lời hứa có điều kiện.

...

Nói đến chuyện... lời hứa, chúng ta không thể nào quên lời hứa của dũng sĩ Giép-thê thời Cựu Ước: “Giép-thê khẩn nguyện cùng Đức Giê-hô-va rằng: Nếu Ngài phó dân Am-môn vào tay tôi, khi tôi thắng chúng nó trở về, hễ chi ở cửa nhà tôi đi ra đầu hết đặng đón rước tôi, thì nấy sẽ thuộc về Đức Chúa Trời, và tôi sẽ dâng nó làm của lễ thiêu. Đoạn, Giép-thê đi đến dân Am-môn đặng giao chiến cùng chúng nó, và Đức Giê-hô-va phó chúng nó vào tay người. Người đánh bại chúng nó từ A-rô-e cho đến Mi-nít, và cho đến A-bên-Kê-ra-mim, cùng chiếm lấy của chúng nó hai mươi cái thành. Ấy là một trận-bại rất lớn; dân Am-môn bị phục trước mặt dân Y-sơ-ra-ên. Giép-thê trở về nhà mình tại Mích-ba; kìa, con gái người ra đón rước người, có cầm trống nhỏ và nhảy múa. Nàng là con một của người, ngoài nàng chẳng có con trai hoặc con gái nào khác hơn. Giép-thê vừa thấy nàng, liền xé áo mình mà rằng: Ớ con, than ôi! con gây cho cha tức tối quá thay! Con thuộc vào số kẻ làm rối cha! Vì cha có mở miệng khấn nguyện cùng Đức Giê-hô-va, không thế nuốt lời. Nàng thưa rằng: Cha ôi, nếu cha có mở miệng khấn nguyện cùng Đức Giê-hô-va, xin hãy làm cho con y như lời ra khỏi miệng cha, vì bây giờ Đức Giê-hô-va đã báo thù kẻ cừu địch cha rồi, tức là dân Am-môn. Đoạn, nàng lại nói cùng cha mình rằng: Xin cha hãy nhậm cho con lời nầy: Để cho con thong thả trong hai tháng, con sẽ đi ở trên núi đặng cùng chị em bạn con khóc về sự đồng trinh của con. Giép-thê đáp rằng: Con cứ đi. Rồi người để nàng đi hai tháng. Vậy, nàng đi cùng chị em bạn mình, khóc sự đồng trinh mình tại trên núi. Cuối hai tháng, nàng trở về cha mình, và người làm cho nàng tùy theo lời khấn nguyện mình đã hứa.” (Sách Các Quan Xét, chương 11, câu 30 đến 39)

Ông hứa với Chúa như thế, cho nên, khi Ngài ban cho ông chiến thắng được dân Am-môn rồi, đang hân hoan, vui mừng trở về nhà trong niềm vui chiến thắng, thì ông vô cùng bất ngờ và sững sốt khi thấy con gái một của mình lại là người đầu tiên ra đón ông. Ông liền xé áo mình và than khóc. Nhưng ông đã hứa với Chúa rồi, và ông “không thể nuốt lời”

Có lẽ Giép-thê đã nhớ lời Chúa phán:

Nầy là điều mà Đức Giê-hô-va đã phán: Khi một người nào có hứa nguyện cùng Đức Giê-hô-va, hoặc phát thề buộc lấy lòng mình phải giữ một sự gì, thì chớ nên thất tín. Mọi lời ra khỏi miệng người, người phải làm theo.” (Sách Dân số Ký, chương 30, câu 2 và 3)

Giép-thê quyết định làm theo lời đã hứa với Chúa, dù đây là một quyết định đau thương và ngoài suy nghĩ của ông.

Một điều chúng ta rất nể phục, đó là hành động dũng cảm của cô con gái Giép-thê: “Nàng thưa rằng: Cha ôi, nếu cha có mở miệng khấn nguyện cùng Đức Giê-hô-va, xin hãy làm cho con y như lời ra khỏi miệng cha, vì bây giờ Đức Giê-hô-va đã báo thù kẻ cừu địch cha rồi, tức là dân Am-môn.” Cô là một người đã biết đặt sự vâng lời Chúa, lợi ích của dân tộc và sự hiếu kính cha mẹ lên trên cả mạng sống mình.

Có lẽ rất khó để có thể tìm được một cô gái nào giống như cô con gái của Giép-thê.

Con gái của Giép-thê là cô gái xem trọng lời hứa, vô cùng can đảm, và có một nhân cách đáng nể phục.

Khi nói đến chuyện... hứa, chúng ta cần ghi nhớ lời dạy của Chúa trong Kinh Thánh để cẩn thận mỗi khi hứa gì với Chúa hoặc với bất kỳ ai: “Khi người vào nhà Đức Chúa Trời, hãy giữ chừng chân mình. Thà lại gần mà nghe, hơn là dâng của tế lễ kẻ ngu muội; vì nó không hiểu biết mình làm ác. Chớ vội mở miệng ra, và lòng ngươi chớ lật đật nói lời trước mặt Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời ở trên trời, còn ngươi ở dưới đất. Vậy nên ngươi khá ít lời. Hễ nhiều sự lo lắng ắt sanh ra chiêm bao; còn nhiều lời thì sanh ra sự ngu dại. Khi ngươi khấn hứa sự gì với Đức Chúa Trời, chớ chậm mà hoàn nguyện; vì Ngài chẳng vui thích kẻ dại: vậy, khá trả điều gì ngươi hứa. Thà đừng khấn hứa, hơn là khấn hứa mà lại không trả.” (Sách Truyền Đạo, chương 5, câu 1 đến 5)

Đức Chúa Trời không bắt chúng ta phải hứa, hoặc thề thốt bất cứ điều gì, nhưng phải thì nói phải, không thì nói không là đủ rồi, như lời chính Chúa Giê-su đã dạy: “Các ngươi còn có nghe lời phán cho người xưa rằng: Ngươi chớ thề dối, nhưng đối với Chúa, phải giữ vẹn lời thề mình. Song ta phán cùng các ngươi rằng đừng thề chi hết: đừng chỉ trời mà thề, vì là ngôi của Đức Chúa Trời; đừng chỉ đất mà thề, vì là bệ chân của Đức Chúa Trời; đừng chỉ thành Giê-ru-sa-lem mà thề, vì là thành của Vua lớn. Lại cũng đừng chỉ đầu ngươi mà thề, vì tự ngươi không thể làm cho một sợi tóc nên trắng hay là đen được. Song ngươi phải nói rằng: phải, phải; không, không. Còn điều người ta nói thêm đó, bởi nơi quỷ dữ mà ra.” (Sách Ma-thi-ơ, chương 5, câu 33 đến 37)

...

Loài người là loài yếu đuối, bất toàn, bất năng, nên chúng ta rất dễ thất hứa; vì vậy, Chúa dạy chúng ta không nên khấn hứa điều gì một cách vội vàng, hấp tấp, để rồi phải... thất hứa, làm người khác mất lòng tin nơi chúng ta.

Đức Chúa Trời thì khác, Ngài là Đấng thành tín, toàn năng, nên Ngài không bao giờ thất hứa bất cứ điều gì, như Kinh Thánh cho biết: “Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín.” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 10, câu 23)

“Người chẳng có lưỡng lự hoặc hồ nghi về lời hứa Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin, và ngợi khen Đức Chúa Trời, vì tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được.” (Sách Rô-ma, chương 4, câu 20, 21)

Cho nên, chúng ta rất đáng tin cậy nơi Đức Chúa Trời và chỉ một mình Ngài mà thôi, đừng để lòng tin cậy nơi con người là loài có hơi thở trong lỗ mũi, vì họ nào có đáng kể gì đâu trước mặt Đức Chúa Trời.

Xin Chúa thương xót, giúp đỡ mỗi một chúng ta để biết cẩn trọng trong lời nói của mình, nhất là đừng hấp tấp mở miệng ra hứa nguyện điều gì, để rồi không đủ khả năng thực hiện, mà trở nên người... thất hứa, làm buồn lòng Chúa và mất niềm tin nơi người!

California, Tháng 9/ 2023!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu