Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 337

Chuyện... Chúa Tạ Ơn... Tạ Ơn Chúa

*Kinh Thánh: Thi-thiên 50: 14, 23; Ma-thi-ơ 14: 19; 15: 36; 26: 26-28; I Ti-mô-thê 1: 12, 13

Cảm ơn, tạ ơn là hành động không thể thiếu trong cuộc sống của con người chúng ta.

Có ai trong cuộc đời nầy mà không mang ơn một ai đó không? Hỏi có nghĩa là đã trả lời rồi vậy. Câu trả lời đó là không!

Người Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, nhớ ơn người đã giúp đỡ mình, nhất là nhớ ơn, biết ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên:

Câu ca dao nhắc mọi người đừng quên ơn mà tôi rất thích và hay đọc đi đọc lại là câu:

Ai mà phụ nghĩa quên ơn,
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

Hoa hồng là nữ hoàng của các loài hoa, có mùi thơm rực rỡ, đáng yêu, ấy vậy mà người phụ nghĩa quên ơn thì dù có đeo cả trăm cánh đi chăng nữa cũng không thể thơm được. Vì sao vậy? Vì cái mùi xấu xa của kẻ vong ơn đã làm mất đi mùi thơm đáng yêu của hoa hồng rồi.

Nếu có người nào không cần phải tạ ơn bất cứ ai thì người đó không ai khác hơn là Đức Chúa Giê-su, vì Ngài chính là Đức Chúa Trời, Đấng đã sáng tạo nên muôn loài vạn vật và con người trên thế giới nầy.

Kinh Thánh cho biết: “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài” (Sách Giăng, chương 1, câu 3). Chúa Giê-su có từ ban đầu và Ngài là Đấng Tạo Hóa toàn năng, Ngài không mang ơn bất cứ ai, nên Ngài cũng không cần phải cảm ơn hay tạ ơn ai cả.

Thế nhưng, trong cương vị là Con Người khi giáng thế để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giê-su đã để lại một tấm gương về sự tạ ơn rất đáng cho chúng ta ghi nhớ và học hỏi.

Trong các phép lạ hóa bánh, Chúa Giê-su đã tạ ơn Đức Chúa Cha trước khi làm phép lạ để nuôi đoàn dân đông đúc hàng ngàn người: “Ngài bèn truyền cho chúng ngồi xuống trên cỏ, đoạn, lấy năm cái bánh và hai con cá đó, ngửa mặt lên trời mà tạ ơn, rồi bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phân phát cho dân chúng” (Sách Ma-thi-ơ, chương 14, câu 19). “Ngài lấy bảy cái bánh và cá, tạ ơn rồi, bẻ bánh ra đưa cho môn đồ, môn đồ phân phát cho dân chúng” (Sách Ma-thi-ơ, chương 15, câu 36).

Chúng ta rất dễ tạ ơn Chúa khi dư dật, đủ đầy, nhưng lại rất khó tạ ơn Chúa khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn như trường hợp chỉ có vài cái bánh và ít con cá như Chúa Giê-su và các môn đồ gặp phải trước một đoàn dân vô cùng đông đúc lên cả chục ngàn người.

Chúa Giê-su thì khác, dù chỉ có vài cái bánh và ít con cá, nhưng Ngài vẫn ngửa mặt lên trời, tạ ơn Đức Chúa Cha trước khi hóa bánh cho đoàn dân ăn một cách no nê, thỏa thích và còn dư lại nhiều giỏ đầy bánh và cá.

Thật là tuyệt vời!

Trong khi thiết lập Lễ Tiệc Thánh trước khi chịu treo mình trên thập tự giá để chuộc tội cho nhân loại, Chúa Giê-su cũng đã tạ ơn Đức Chúa Cha khi cầm bánh và bưng chén: “Khi đương ăn, Đức Chúa Giê-su lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể Ta. Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi, vì nầy là huyết Ta, huyết của sự giao ước mới đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Sách Ma-thi-ơ, chương 26, câu 26 đến 28).

Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa, vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Giê-su Christ đối với anh em là như vậy” (Sách Tê-sa-lô-ni-ca thứ nhất, chương 5, câu 18).

Hãy biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Hãy tập sống một lối sống tạ ơn Chúa mọi lúc mọi nơi thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được một đời sống dư dật, không thiếu thốn, vì chính Chúa Giê-su đã đến để ban cho chúng ta một đời sống sung mãn: “Kẻ trộm chỉ đến để cướp giết và hủy diệt, còn Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và sự sống dư dật” (Sách Giăng, chương 10, câu 10).

Đức Chúa Giê-su mà còn tạ ơn Đức Chúa Cha, thế thì chúng ta rất cần phải biết tạ ơn Chúa là dường nào!

Một trong những tấm gương về sự tạ ơn Chúa mà Kinh Thánh ghi lại, đó chính là Sứ Đồ Phao-lô. Phao-lô là người luôn luôn sống trong tinh thần tạ ơn Chúa.

Ở hầu hết các bức thư Phao-lô viết trong Kinh Thánh, trong phần đầu của bức thư, ta thường thấy ông luôn luôn dành để bày tỏ lòng tạ ơn Chúa về ân điển và sự thương xót của Ngài trên đời sống của chính ông và của con dân Ngài:

+ “Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhất, chương 1, câu 4).

+ “Trong khi chúng tôi cầu nguyện cho anh em không thôi, thì cảm tạ Đức Chúa Trời là Cha Đức Chúa Giê-su Christ chúng ta” (Sách Cô-lô-se, chương 1, câu 3).

+ “Chúng tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện” (Sách Tê-sa-lô-ni-ca, thứ nhứt, chương 1, câu 2).

Ngay cả khi đang ở trong cảnh nguy nan nhất như bị bão và chìm tàu, Phao-lô cũng không quên tạ ơn Chúa: “Hôm nay là ngày thứ mười bốn mà các ngươi đang trông đợi, nhịn đói, chẳng ăn chút nào. Vậy, ta khuyên các ngươi hãy ăn, vì thật là rất cần cho sự cứu của các ngươi và chẳng ai trong vòng các ngươi sẽ mất một sợi tóc trên đầu mình. Nói như vậy rồi, người bèn lấy bánh, đứng trước mặt mọi người, tạ ơn Đức Chúa Trời, rồi thì bẻ ra và ăn” (Sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 27, câu 33-35).

Đặc biệt trong thư Ti-mô-thê thứ nhất, ông đã thể hiện sự tạ ơn Đức Chúa Trời cách thật đặc biệt:

“Ta cảm tạ Đấng ban thêm sức cho ta là Đức Chúa Giê-su Christ, Chúa chúng ta, về sự Ngài đã xét ta là trung thành, lập ta làm kẻ giúp việc. Ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin” (Chương 1, câu 12, 13).

Được cứu để trở nên con cái của Ngài và được Chúa dùng để hầu việc Ngài là một phước hạnh vô cùng lớn lao cho mỗi một chúng ta.

Phao-lô nói ông đã “đội ơn thương xót” (Nhiều bản dịch Việt Ngữ khác dịch là “nhận ơn thương xót” từ tiếng Anh và tiếng Hy-Lạp. Mỗi bản dịch đều có ý nghĩa riêng của nó giúp cho chúng ta hiểu rõ thêm sự sâu nhiệm của lời Kinh Thánh). Bản Truyền Thống 1926 dịch là “đội ơn thương xót”. Tôi thích cách dịch của Bản Truyền Thống ở riêng chỗ nầy hơn. “Đội” là ở vị trí trên đầu, chỗ cao nhất, thể hiện tấm lòng trân quý ơn thương xót của Đức Chúa Trời dành cho mình. Đúng ra chúng ta bị hình phạt, nhưng Ngài giữ sự hình phạt lại, không hình phạt chúng ta. Đó là sự thương xót. Đúng ra, chúng ta không xứng đáng để hưởng được sự cứu rỗi, nhưng Ngài đã ban sự cứu rỗi quý giá cho chúng ta. Đó chính là ân điển lớn lao của Ngài đã ban cho chúng ta.

Mùa Tạ Ơn đến là cơ hội, dịp tiện quý báu để chúng ta ghi sâu ơn Chúa trong đời sống của mình, vì bản tính con người chúng ta rất dễ... quên ơn, và rất dễ... vô ơn.

Warren Weirsbe, một Nhà Bình Luận Kinh Thánh nổi tiếng đã nói: “Lòng vô ơn chính là vùng đất màu mỡ cho mọi điều ác.”

Hãy cảnh giác sự vô ơn đang... tiềm ẩn đâu đó trong đời sống chúng ta!

Nhà Thơ kiêm Nhạc Sĩ A-sáp đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Hãy dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Đức Chúa Trời, và trả sự hứa nguyện ngươi cho Đấng Chí Cao... Kẻ nào dâng sự cảm tạ làm của lễ, tôn vinh Ta. Còn người nào đi theo đường ngay thẳng, Ta sẽ cho thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời” (Sách Thi-thiên, chương 50, câu 14 và câu 23).

Sự cảm tạ phải là lễ vật mà mỗi con dân Chúa dành để dâng lên cho Đức Chúa Trời, vì Ngài xứng đáng được như thế. Khi chúng ta dâng sự cảm tạ làm của lễ cho Chúa là chúng ta đang tôn vinh Ngài vậy!

Vua Đa-vít cũng khích lệ chúng ta: “Chúng tôi hãy lấy lời cảm tạ mà đến trước mặt Chúa. Vui mừng mà hát thơ ca cho Ngài” (Sách Thi-thiên, chương 95, câu 2).

Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một tấm gương về sự tạ ơn Đức Chúa Cha. Phao-lô cũng đã để lại cho chúng ta một tấm gương về sự tạ ơn Chúa Giê-su, hầu cho chúng ta ghi nhớ và làm theo, sống một đời sống tạ ơn, để danh Chúa luôn được tôn cao!

Kính chúc mọi người một Lễ Tạ Ơn năm 2023 thật nhiều niềm vui và bình an bên gia đình và những người thân yêu!

California, Mùa Tạ Ơn 2023!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu