Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 339

Mùa Giáng Sinh, Nói Chuyện... Biết Để Biết Hay... Biết Để Làm

Mùa Giáng Sinh 2023 đang về với mọi người mọi nhà. Không khí Giáng Sinh như đang tràn ngập khắp mọi nơi trên hoàn vũ. Các cửa hàng, các chợ búa, các siêu thị đều náo nhiệt ngày đêm để buôn bán.

Nhân mùa Giáng Sinh, xin mời bạn cùng tôi làm một chuyến... trở về với sự kiện không tiền khoáng hậu nầy năm xưa được ghi lại trong Kinh Thánh, để tìm hiểu về những cách đáp ứng của người thời đó với sự kiện Chúa Giê-su giáng sinh đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm.

Nói về chuyện... biết, tôi có đọc được ở đâu đó những câu nói rất hay:

- Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe.

- Biết mà không nói là bất nhân. Nói mà không nói hết là bất nghĩa.

- Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, như vậy mới là biết.

- Biết đến đâu, làm đến đấy.

- Khôn chết, dại chết, biết thì sống.

Có được sự hiểu biết nhứt định ở đời để sống với người ta là điều rất quan trọng. Nhưng sự hiểu biết chỉ thực sự có giá trị là khi ta áp dụng nó vào trong cuộc sống, chứ nếu chỉ biết để mà biết thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

Trong câu chuyện về sự giáng sinh của Chúa Giê-su được ký thuật lại trong sách Ma-thi-ơ, chương 2, từ câu 1 đến câu 12, ta thấy có hai hạng người biết. Một là hạng người biết để biết và hạng người thứ hai là biết để làm.

Các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo là hạng người biết để mà biết, chứ không làm gì cả.

Trong Ma-thi-ơ chương 2, chúng ta thấy các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo là những người biết rõ về sự giáng sinh của Chúa Giê-su hơn ai hết.

Kinh Thánh cho biết, khi Vua Hê-rốt “nhóm các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo trong dân lại mà tra hỏi rằng Đấng Christ phải sanh tại đâu”, thì họ liền tâu với Vua rất nhanh chóng rằng: “Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, vì có lời của Đấng Tiên Tri chép như vầy: Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, vì từ ngươi sẽ ra một tướng, là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân Ta” (Ma-thi-ơ, chương 2, câu 4-6).

Các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo là những thành phần lãnh đạo dân sự của Chúa, những thành phần chóp bu trong tôn giáo.

Thầy Tế Lễ là người trung gian giữa Đức Chúa Trời với dân sự và giữa dân sự với Đức Chúa Trời. Nhiệm vụ chính của Thầy Tế Lễ là dâng của tế lễ cho Đức Chúa Trời, lo công việc trong nơi thánh và cầu thay cho dân sự.

Trong vòng các Thầy Tế Lễ, sẽ có người được chọn để trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm (Thầy Tế Lễ Cả) để dâng huyết lên cho Đức Chúa Trời trong ngày Đại Lễ Chuộc Tội mỗi năm một lần để chuộc tội cho chính mình và cho dân sự. Thầy Tế Lễ Cả đầu tiên đó chính là A-rôn.

Thầy Thông Giáo là những người sao chép luật pháp của Chúa, là những người thông thạo luật pháp Môi-se, chuyên nghiên cứu và giải nghĩa Lời Chúa.

Trong Tòa Công Luận là Tòa Án Tôn Giáo của người Do-thái ngày xưa có rất nhiều Thầy Tế Lễ Cả và Thầy Thông Giáo.

Ma-thi-ơ chương 23 là đoạn Kinh Thánh mà Chúa Giê-su dành để lên án mạnh mẽ Thầy Thông Giáo và người Pha-ri-si. Điều đầu tiên mà Chúa lên án họ, đó là họ nói mà không làm: “Các Thầy Thông Giáo và người Pha-ri-si đều ngồi trên ngôi của Môi-se. Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi, nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm” (Sách Ma-thi-ơ chương 23, câu 2, 3)

Khi Vua Hê-rốt hỏi “Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu?” thì Thầy Tế Lễ Cả và Thầy Thông Giáo trả lời vanh vách, nhanh chóng, rõ ràng và rành mạch, không còn gì rõ ràng, rành mạch hơn: “Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, vì có lời của Đấng Tiên Tri chép như vầy: Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ngươi chẳng kém gì các thành lớn của xứ Giu-đa đâu, vì từ ngươi sẽ ra một tướng, là Đấng chăn dân Y-sơ-ra-ên, tức dân Ta”.

Họ biết rất rõ nơi Chúa Giê-su sanh ra, nhưng có điều là họ không làm theo những gì họ biết đó.

Họ chỉ biết bằng trí, chứ không biết bằng lòng. Những người biết bằng trí mà không biết bằng lòng sẽ là những người không làm theo những gì họ biết.

Từ Giê-ru-sa-lem đến Bết-lê-hem chỉ cách nhau chừng năm dặm (độ tám ki-lô-mét) mà họ cũng không thèm đến để thờ lạy Chúa.

“Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
(Tương Tư – Nguyễn Bính)

Cách có năm dặm (tám cây số) chứ mấy mà sao tình của các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo lại xa xôi với Ngài như vậy nhỉ?

Ngược lại với các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo, các Nhà Thông Thái (các Bác Sĩ) biết Chúa đã giáng sinh thì liền đi tìm đến tận nơi để thờ phượng Ngài cho bằng được, dù họ ở cách rất xa nhà của Chúa.

Kinh Thánh ghi: “Khi Đức Chúa Giê-su đã sanh tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang đời vua Hê-rốt, có mấy thầy Bác Sĩ ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem mà hỏi rằng: Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài” (Sách Ma-thi-ơ, chương 2, câu 1, 2).

Các Nhà Thông Thái nầy không phải ở ngay tại Giê-ru-sa-lem như các Thầy Tế Lễ Cả hay các Thầy Thông Giáo, họ ở tận bên đông phương, có lẽ thuộc nước I-ran ngày hôm nay. Khoảng cách từ quê hương của họ đến Thủ Đô Giê-ru-sa-lem độ chừng năm trăm dặm (chừng tám trăm ki-lô-mét), một quãng đường quá xa vào thời xa xưa, nhưng họ vẫn không từ nan, họ vẫn quyết tâm tìm đến tận nơi để thờ phượng Chúa Giê-su.

Các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo chỉ cách chỗ Chúa Giê-su sinh chừng 8 ki-lô-mét mà thôi, nhưng hoàn toàn dửng dưng trước sự giáng sinh của Vua Trời. Còn các Nhà Thông Thái cách nhà chỗ Chúa ở gấp cả trăm lần hơn, nhưng họ quyết định vượt mọi trở ngại để tìm thờ Chúa Cứu Thế.

Thật quá sức nể nang cho tấm lòng tìm cầu Chúa của họ!

Nhà Văn Nguyễn Bá Học của Việt Nam có nói một câu rất chí lí: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.”

Ca Dao vùng Quảng Nam có câu:

Dầu xa chỗ ngõ cũng xa.
Dầu gần Vĩnh Điện, La Qua cũng gần.

Kinh Thánh tường thuật tiếp về các Bác Sĩ: “Khi vào đến nhà, thấy Con Trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài, rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật là vàng, nhũ hương và một dược” (Sách Ma-thi-ơ, chương 2, câu 11).

Các Bác Sĩ không phải đi hai tay không, nhưng còn mang theo lễ vật rất quý để dâng cho Vua Trời nữa.

Quý hơn hết cả là hành động sấp mình xuống trước Vua Trời mà thờ lạy. Họ không thờ lạy mẹ Chúa Giê-su mà thờ lạy chính Chúa Giê-su. Họ không thờ lạy người mà thờ lạy Trời.

Các Bác Sĩ đúng là những người biết để mà làm, chứ không thuộc hạng người biết để mà biết như các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo.

Chúa Giê-su phán: “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy thì có phước, miễn là các ngươi làm theo” (Sách Giăng, chương 13, câu 17).

Thánh Gia cơ cũng dạy: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Sách Gia cơ, chương 1, câu 22).

Nếu biết chỉ để mà biết thì chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí có khi còn đem lại nguy hiểm cho người khác nữa; nhưng biết để mà làm thì sẽ được phước và đem lại sự khích lệ cho nhiều người.

Ma quỷ biết rất rõ về Chúa và về Lời của Ngài, nhưng có điều nó không tin Ngài và cũng không thờ lạy Ngài nữa: “Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỷ cũng tin như vậy và run sợ” (Sách Gia cơ, chương 2, câu 19).

Nếu bạn biết Chúa và Lời của Ngài mà bạn không làm theo, không tìm kiếm Ngài để thờ phượng, thì bạn đang ở về phe với ma quỷ, dầu muốn hay không, giống như Vua Hê-rốt với các Thầy Tế Lễ Cả và các Thầy Thông Giáo ngày xưa đã ở về phe với ma quỷ vậy.

Mùa Giáng Sinh năm nay, một lần nữa, câu chuyện Giáng Sinh trong Ma-thi-ơ chương 2 lại được con dân Chúa đọc đi đọc lại để được nhắc nhớ về những tấm gương xấu và tốt, hầu thức tỉnh và khích lệ mỗi một người trong chúng ta trên bước đường theo Chúa và hầu việc Ngài.

Cầu xin Chúa ban phước cho mỗi một chúng ta!

Chúc Mừng Giáng Sinh 2023 Và Năm Mới 2024!

California, Tháng 12/ 2023!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu