Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 349

Xuân Về, Ngẫm Nghĩ Một Chút Về... Thơ Xuân Ngoài Chúa Và... Thơ Xuân Trong Chúa

Kinh Thánh: Giăng 3: 36; Ga-la-ti 5: 22

Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
(Nguyễn Bính)

Vâng, bạn đã thấy Xuân về chưa?

Mùa Xuân đã và đang về với mọi người, mọi nhà rồi đấy. Hãy đưa tầm mắt nhìn lên bầu trời, rồi nhìn cảnh vật chung quanh mình, bạn sẽ thấy mùa Xuân như đang đứng trước của nhà đấy thôi.

Nói đến thơ Xuân ngoài đời, một trong những bài thơ Xuân kinh điển mà ta không thể nào không nhắc đến, đó là bài thơ “Ông Đồ” của Nhà Thơ tài hoa nổi tiếng Vũ Đình Liên. “Ông Đồ” là một bài thơ hoài cổ nổi tiếng trong những bài thơ hoài cổ nổi tiếng của thơ ca Việt Nam như “Thăng Long Thành Hoài Cổ” (Bà Huyện Thanh Quan), “Sông Lấp” (Trần Tế Xương)...

Hai khổ thơ kết của bài thơ đượm một nỗi buồn hiu hắt dường như bất tận về một thời Nho Học sôi nổi đang đi dần vào quên lãng thật đáng thương biết bao:

Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)

Với Nhà Thơ Đoàn Văn Cừ, sau cái chết của hai người thân yêu trong gia đình là ông và bà của mình, thì Tết đến Xuân về chẳng còn ý nghĩa gì nữa, chỉ thêm buồn thêm khổ khi nhớ về ký ức Tết xưa khi còn ông bà yêu dấu:

Từ khi ông tôi mất,
Bà tôi đã qua đời,
Tôi mỗi ngày mỗi lớn,
Nên chẳng thấy gì vui.

Tết đến tôi càng khổ,
Tôi nhớ bức tranh gà,
Chiếc phong bao giấy đỏ,
Bánh pháo tép ba xu.
(Đoàn Văn Cừ)

Chế Lan Viên Thi Sĩ thì càng buồn khổ đáng sợ hơn khi nghe Tết đến Xuân về. Buồn khổ đến nỗi thấy tất cả cuộc đời như vô nghĩa, chỉ toàn khổ đau mà thôi. Buồn khổ đến nỗi muốn nhặt lá, nhặt hoa của mùa Thu trước để đem về chặn đường, không cho Xuân sang.

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,
Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?
- Với tôi, tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Ai đâu trở lại mùa thu trước,
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã,
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!
(Chế Lan Viên)

Với Trung Niên Thi Sĩ Bùi Giáng thì mùa Xuân đến là mùa báo hiệu sự chết đang chờ đợi ngay ở phía sau:

Xin chào nhau giữa con đường,
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau,
Tóc xanh dù có phai màu,
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.
(Bùi Giáng)

Ông Hoàng thơ tình Xuân Diệu dù rất hăng hái với mùa Xuân, có những bài thơ Xuân đầy hương sắc; nhưng cũng không ít những vần thơ Xuân mang giọng điệu buồn. Buồn vì sợ Xuân qua đi mất, mình không còn được vui hưởng những khoái lạc của tuổi trẻ, của tình yêu, nên than van với trời với đất:

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất,
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại,
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.

(Xuân Diệu)

Thơ Xuân của Huy Cận Thi Sĩ thì càng buồn biết bao nhiêu, vì chính Nhà Thơ đã khẳng định “Chàng Huy Cận xưa kia hay sầu lắm”. Hãy nghe Thi Sĩ nói về mùa Xuân:

Đời mất về đâu, hỡi tháng, năm?
Xuân không mọc nữa với trăng rằm!
Chẳng bao lâu ngủ sầu trong đất,
Vĩnh viễn mùa đông lạnh chỗ nằm.

Thơ của Huy Cận là thơ của sầu muộn, của cô độc, lạc loài:

Tuổi non dại lòng tôi say mến bạn,
Khi thanh xuân tôi mỏi chạy theo tình,
Nhưng cô độc đã thầm ghi trên trán,
Lòng lạc loài ngay từ thưở sơ sinh.
(Huy Cận)

Điểm một vài Nhà Thơ khá tiêu biểu ngoài Chúa khi bày tỏ cảm xúc về Xuân qua thơ ca như thế để ta thấy được rằng, hầu hết đều mang một giọng thơ đượm buồn, có khi còn chua chát nữa.

Người ta nói thơ là tiếng nói của tâm hồn. Tâm trạng của tâm hồn như thế nào thì biểu lộ ra bên ngoài như thế ấy. Tâm trạng buồn thì làm sao có thơ vui được.

Nhưng với các Thi Nhân của Chúa thì thơ của họ mang một giọng điệu khác. Hãy nghe Nhà Thơ Cơ-đốc kỳ cựu Thanh Hữu đón Xuân sang. Không gom nhặt lá vàng, xác hoa của mùa Thu trước đến chắn nẻo Xuân về; nhưng chờ đón Xuân sang với một tâm trạng háo hức:

Đây mùa xuân mới tuyệt vời,
Linh Xuân! ta đợi, Xuân ơi ta chờ.
Ngày nào ta đạt ước mơ?
Bước vào xuân thắm nên thơ thiên thành.
(Thanh Hữu)

Không những Thi Nhân háo hức đợi Xuân về, mà Thi Nhân còn gọi mời người khác cùng đón Xuân sang với mình một cách tha thiết nữa. Hình ảnh mùa Xuân hiện lên trong thơ Thanh Hữu một cách thật ấn tượng. Bằng cách sử dụng từ “đầy” để diễn tả một mùa Xuân đầy quyến rũ, đáng yêu, đó là mùa Xuân tuyệt vời của Thiên Đàng:

Vườn xuân mới, đầy phước ân năng động,
Đầy vui mừng, thương xót trái xanh tươi.
Đầy hương thơm, của tha thứ tuyệt vời,
Đầy uy lực, của quyền năng chói sáng...

Bạn đang đứng, cạnh vườn xuân xán lạn,
Xin mời vào, xin đăng ký tham quan.
Chủ Vườn Xuân, đang mở lối thiên đàng,
Mời bước đến nhận ân ban cứu rỗi.

Vườn xuân mới, mở ra trời đất mới,
Trong đời nầy tiếp nối cõi lai sinh.
Trong vinh quang, trong hạnh phước an bình,
Bên Cứu Chúa, bao ngàn năm thịnh trị.
(Thanh Hữu)

Cùng một giọng thơ đầy hy vọng, đầy sinh lực ấy, Nhà Thơ kêu gọi mọi người hãy bước vào Vườn Xuân Bất Tận là Thiên Đàng để thưởng thức cho thỏa lòng hả dạ:

Em đứng dậy, ngắm Thiên Xuân bát ngát,
Hít vào hồn, nguồn thiên lực vĩnh sinh..
Em bơi trong, sông Linh Thánh an bình,
Em ca ngợi, lời Thiên ca uy dũng.

Em trải lòng, dâng hồn linh chúc tụng
Cùng hòa đồng, nguồn sinh lực thiên ân
Em chìm trong vinh quang thánh vô ngần
Cùng Cứu Chúa hưởng Mùa Xuân Bất Tận.
(Thanh Hữu)

Nữ Thi Sĩ Tiểu Minh Ngọc, một Nhà Thơ nữ nổi tiếng trên Thi Đàn Cơ-đốc, không ai không biết cũng để lại nhiều những vần thơ Xuân rất ấn tượng.

Nữ Sĩ của Chúa đón Xuân với lòng thật vui mừng và bình an vì tâm của Nữ Sĩ đang hướng về chốn Thiên Đàng phước hạnh:

Trời Xuân lòng thật vui mừng,
Bình an miên viễn, bước chân vững vàng,
Mọi người hướng đến Thiên Đàng,
Đón Xuân trong Chúa, sẻ san phước lành!
(Tiểu Minh Ngọc)

Không những Thi Sĩ đón Xuân trong vui mừng và bình an mà Thi Sĩ còn chúc cho bạn bè thân hữu gần xa những lời chúc bình an và phước hạnh nữa:

Xuân vui bên Chúa tôn thờ,
Tạ ơn, khen ngợi Đấng chờ đợi ta!
Chúc cho thân hữu gần xa,
Bạn bè, gia quyến, mọi nhà bình an,
Sống trong phước hạnh Chúa ban,
Mùa Xuân én lượn, ngày càng thỏa vui!
(Tiểu Minh Ngọc)

Lòng Thi Sĩ đầy nhựa sống, đầy nhiệt huyết vươn lên như loài hoa vẫn nở đầy tin yêu và hy vọng vậy:

Ta ước muốn như loài hoa vẫn nở,
Vẫn vươn lên, tràn nhựa sống trong Ngài,
Vẫn bình an, giữa thế giới chuyển xoay,
Vẫn bày tỏ, Tình Yêu Trời bất diệt!

Ta khẩn nguyện, cho lòng tràn nhiệt huyết,
Đầy vui mừng, đi đến khắp mọi nơi,
Nói Tin Lành, sự cứu rỗi cho người,
Giê-su Christ, là Con Đường duy nhất!

Ôi xin Chúa, Đấng quyền năng, chân thật,
Đến mở lòng, cho tất cả trọn tin,
Yêu mến Ngài, phục vụ Chúa hết mình,
Và ta thấy, một vườn hoa vẫn nở...
(Tiểu Minh Ngọc)

Đọc thơ Tiểu Minh Ngọc, nói chung, thơ Xuân của Nữ Sĩ, nói riêng, tôi nhận ra được điều nầy, sở dĩ thơ của Tiểu Minh Ngọc được nhiều độc giả gần xa đón đọc và yêu mến là vì thơ của cô đầy dẫy sự vui mừng, bình an và hy vọng. Sỡ dĩ thơ cô đầy dẫy sự vui mừng, bình an và hy vọng là vì lòng cô có Chúa Giê-su ngự trị:

Mùa Xuân xin gửi biển cười,
Vững tin, phước hạnh, tốt tươi không ngừng,
Sẵn sàng, hầu việc, vui mừng,
Trọn năm trung tín, phấn hưng theo Ngài!

Hết lòng hết sức mỗi ngày,
Yêu người, kính Chúa, Danh Ngài truyền ra,
Gia đình, Hội Thánh gần xa,
Mùa Xuân có Chúa thật là phước thay!
(Tiểu Minh Ngọc)

Vâng! “Mùa Xuân có Chúa thật là phước thay!”

Một Nữ Thi Sĩ Cơ-đốc khác cũng đã từng viết những vần thơ Xuân rất đáng nhớ. Đó chính là Nữ Sĩ Thái Trịnh. Cho dù bà đã lớn tuổi, nhưng thơ của bà đầy sức sống của mùa Xuân, đầy sự tươi thắm, mới mẻ đến không ngờ:

Nguyện xin Chúa cho con mùa xuân thắm,
Cho vườn hồn nỡ rộ đóa thanh tân.
Dựng trong con mới lại một tâm thần,
Mới tất cả trong mùa xuân của Chúa.
(Thái Trịnh)

Thơ Thái Trịnh đầy sức sống và sự tươi thắm như đã nói, và sự tươi thắm đó không chóng qua, không phai tàn như Xuân của thời gian mỗi năm đến rồi đi, vì lòng bà có Thánh Linh ngự trị mà Thánh Linh chính là Đấng ban mùa Xuân cho tâm hồn của bà và trái Thánh Linh thì không bao giờ tàn héo cả:

Dựng trong con mới lại một tâm thần,
Mới tất cả trong mùa Xuân của Chúa
Trái Thánh Linh không bao giờ héo úa
Thắm tươi hoài trong sức sống Cha ban.
(Thái Trịnh)

Cũng giống như thơ của Nữ Sĩ Tiểu Minh Ngọc, thơ Thái Trịnh chứa chan sự tươi thắm, sáng sủa và mới mẻ, vì nguồn cảm hứng thơ của bà đến từ Đấng ban mùa Xuân cho con người chúng ta, Đấng đó không ai khác hơn là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của muôn loài vạn vật:

Xuân ban từ Đức Chúa Trời;
Ta nghe lòng thật thảnh thơi lạ thường,
Xuân Ngài có Ánh Chiêu Dương,
Có hoa cứu rỗi mùi hương ngát trời,
Ta cùng thầm nguyện Chúa ơi!
Cho con Xuân thắm không thời tàn phai.
(Thái Trịnh)

Nhân mùa Xuân về, xin có vài ngẫm nghĩ nho nhỏ về thơ Xuân ngoài Chúa và thơ Xuân trong Chúa để gởi tặng bạn đọc yêu thơ gần xa.

Tại sao giọng thơ của những Nhà Thơ Cơ-đốc hầu như tất cả đều mang một âm hưởng vui mừng và đầy hy vọng? Câu trả lời chính xác đó là thơ của họ bắt nguồn từ Lời Chúa và từ chính Chúa là Nguồn của sự vui mừng:

Nhà Vua kiêm Nhà Thơ Đa-vít nổi tiếng của người Do-thái đã khẳng định: “Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc. Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng” (Sách Thi-thiên, chương 16, câu 11)

Tôi muốn mượn mấy câu thơ kết trong bài thơ “Ông Đồ” của Nhà Thơ tài hoa Vũ Đình Liên để kết thúc bài viết nầy:

Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa,
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?

“Hồn ở đâu bây giờ?” là một câu hỏi thiết nghĩ không chỉ dành cho... những Ông Đồ xưa thôi đâu mà còn là một câu hỏi rất thực tế dành cho tất cả mọi người chúng ta nữa đấy.

“Hồn ở đâu?” sau khi chúng ta kết thúc cuộc sống trên trần gian nầy là một câu hỏi đáng để mỗi một người dành thì giờ suy nghĩ một cách nghiêm túc, để rồi có một quyết định đúng đắn cho cuộc đời mình trước khi quá muộn.

Kinh Thánh cho biết linh hồn con người sẽ đi về một trong hai nơi là Thiên Đàng vui mừng, phước hạnh miên viễn hay Địa Ngục đau khổ triền miên không dứt sau khi cuộc đời của mỗi một chúng ta kết thúc, là tùy thuộc vào việc chúng ta tin Chúa Giê-su hay chối từ Ngài khi còn sống:

Ai tin Con (Chúa Giê-su) thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng thấy sự sống đâu; nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Sách Giăng, chương 3, câu 36).

Cảm tạ Chúa, tôi đã tin nhận Chúa Giê-su bao nhiêu năm qua, và theo lời hứa đó của Chúa, tôi biết chắc linh hồn của tôi sẽ được ở với Chúa trên Thiên Đàng vinh hiển sau khi tôi đi qua cuộc đời nầy.

Còn bạn thì sao? Bạn có biết chắc linh hồn mình đi về đâu sau khi chấm dứt cuộc sống hữu hạn nầy không?

Cầu xin Chúa của mùa Xuân ban cho chúng ta một mùa Xuân vui mừng, tươi thắm và đầy phước hạnh ở trong Ngài!

California, Đầu Xuân mới 2024!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu