Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 363

Chuyện... Đao To Búa Lớn

Kinh Thánh: Giăng 13: 34; Công Vụ Các Sứ Đồ 17: 24-26; II Cô-rinh-tô 9: 8; Gia cơ 1: 17

Thành Ngữ “Đao to búa lớn” chỉ những người thường thích dùng những từ ngữ “to lớn” để làm tăng thêm độ... vĩ đại cho những việc làm của một người nào đó mà họ yêu mến. Nó nói lên sự cường điệu quá đáng, không phù hợp với nội dung.

“Đao to búa lớn” là một thành ngữ có nguồn gốc từ thành ngữ “đại đao khoát phủ”. Xuất xứ của thành ngữ này là từ tác phẩm “Thủy Hử” của Thi Nại Am đời Minh, bên Trung Quốc. “Đại đao” và “khoát phủ” là những thứ vũ khí thời xưa. “Đại đao khoát phủ” là câu nói dùng để miêu tả khí thế uy nghi dũng mãnh của quân đội.

Có điều khác biệt là trong tiếng Hán thì “đại đao khoát phủ” chỉ về điều tốt, còn khi đi vào tiếng Việt thì thành ngữ “đao to búa lớn” lại mang ý nghĩa xấu.

Trong giới những người tin Chúa trong Tin Lành, chúng ta thấy có nhiều người hay dùng những từ ngữ dạng “đao to búa lớn” không cần thiết, làm nhiều con dân Chúa cảm thấy khó gần gũi với những Mục Sư hơn.

Xin được nêu ra đây một số từ ngữ mà chính tôi cũng thường hay nghe thấy nhiều người sử dụng trong những buổi thờ phượng Chúa hằng tuần.

Chắc nhiều người trong chúng ta cũng thường nghe nhiều người hướng dẫn chương trình giới thiệu vị Mục Sư lên giảng lời Chúa bằng những lời lẽ như sau:

“Bây giờ là thì giờ chúng ta sẽ được nghe Lời Chúa qua tôi tớ Ngài là Mục Sư (tên của Mục Sư). Xin kính mời Mục Sư lên tòa giảng ban phát Lời Chúa.”

Tôi cũng có một số lần được người hướng dẫn chương trình dành cho những lời lẽ “đao to búa lớn” như thế khi được mời giảng Lời Ngài, nhưng thú thật là tôi cảm thấy... sợ sợ (hơn là thích thú) khi nghe người ta mời mình với những lời lẽ ấy. Vì tôi cảm biết, tôi chẳng có gì để... ban phát cho ai cả. Tôi học được điều gì từ Lời Chúa dạy cho tôi thì tôi rao giảng, hay chia sẻ lại cho hội chúng thôi. Những gì tôi có được để rao giảng hay chia sẻ lại cho hội chúng là từ Đức Thánh Linh ban cho tôi, chứ không phải tự tôi có được đâu mà dám... ban phát. Đấng duy nhất có thể ban phát Lời Chúa cho chúng ta chính là Đức Thánh Linh là Thần Khôn Ngoan và Thông Sáng, Đấng hiểu biết mọi sự, mới có thể ban phát cho chúng ta những điều tốt lành từ Lời Ngài để dạy dỗ chúng ta mà thôi.

Vả lại, nhiều khi chúng ta dùng những từ ngữ “đao to búa lớn” như “ban phát” nghe có vẻ gì đó ghê gớm lắm; nhưng đến khi người được mời lên “ban phát” đó lại chẳng có gì để ban phát cả, chỉ nói toàn những chuyện đâu đâu, không đi sâu vào việc giảng giải Lời Chúa cho dân sự hiểu chi hết. Thiệt là buồn!

Theo thiển ý của tôi, những người hướng dẫn chương trình các buổi thờ phượng Chúa của các Hội Thánh nên nói: “Bây giờ, là thì giờ chúng ta sẽ được nghe Lời Chúa qua tôi tớ Ngài là Mục Sư (tên Mục Sư). Xin kính mời Mục Sư lên “rao giảng” hay “chia sẻ” Lời Chúa cho Hội Thánh” là vừa phải nhất. Đừng dùng từ “ban phát”, coi chừng chúng ta phạm thượng đến Chúa cao cả của chúng ta chứ không phải chơi.

Chỉ một mình Chúa mới có đầy đủ mọi sự tốt lành toàn hảo để ban phát cho con người chúng ta mà thôi; còn con người tội lỗi, xấu xa như chúng ta chẳng có gì tốt lành để ban phát cho ai cả.

Kinh Thánh cho biết: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài; hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Sách Giăng, chương 3, câu 16).

Chúa Giê-su phán: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau, như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng phải yêu nhau thể ấy” (Sách Giăng, chương 13, câu 34).

Sứ Đồ Phao-lô đã rao giảng: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu. Ngài cũng chẳng dùng tay người ta hầu việc Ngài dường như có cần đến sự gì, vì Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thì giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở” (Sách Công Vụ Các Sứ Đồ, chương 17, câu 24-26).

Kinh Thánh cũng cho biết: “Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa đặng làm các thứ việc lành” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì, chương 9, câu 8).

Thánh Phao-lô lại nói: “Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhì, chương 9, câu 15).

Thánh Gia-cơ cũng khẳng định Đức Chúa Trời mới là Đấng ban cho cách rộng rãi: “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào” (Sách Gia-cơ, chương 1, câu 17).

Mỗi Chúa Nhật đầu tháng, Hội Thánh khắp nơi đều có dự Lễ Tiệc Thánh để tưởng nhớ đến sự hy sinh cao quý của Chúa dành cho chúng ta. Và chúng ta cũng thường hay nghe người hướng dẫn mời những lời “đao to búa lớn” như sau:

“Thì giờ nầy là thì giờ chúng ta sẽ cùng dự Tiệc Thánh để tưởng nhớ đến sự hy sinh cao quý của Chúa dành cho mỗi một chúng ta. Xin kính mời Mục Sư (tên Mục Sư) lên ban Tiệc Thánh cho Hội Thánh.”

Mục Sư nào mà dám cả gan... ban Tiệc Thánh cho Hội Thánh?

Tiệc Thánh là do chính Đức Chúa Giê-su thiết lập. Chúa Giê-su là Đấng duy nhất ban Tiệc Thánh mà thôi, chứ không có con người nào dám... ban Tiệc Thánh cả.

Nếu chúng ta dùng từ ngữ như thế là chúng ta cũng vô tình hay cố ý xúc phạm đến Chúa của mình vậy.

Thiết nghĩ, chúng ta không thể nào dùng từ “ban Tiệc Thánh” được cả, vì Tiệc Thánh đã được Chúa Giê-su ban cách đây hai ngàn năm rồi. Và chính Chúa đã dạy chúng ta: “Hãy làm điều nầy (Tiệc Thánh) để nhớ Ta.” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhất, chương 11, câu 24, 25).

Không thể dùng từ “Ban Tiệc Thánh”, vậy thì chúng ta có thể dùng từ gì cho phù hợp?

Cũng theo thiển ý của tôi, chúng ta có thể nói: “Thì giờ nầy là thì giờ chúng ta cùng nhau dự Thánh Lễ Tiệc Thánh để tưởng nhớ đến sự hy sinh cao quý của Chúa dành cho mỗi một chúng ta, xin kính mời Mục Sư (tên của Mục Sư) lên cử hành Lễ Tiệc Thánh.”

Một điều nữa mà tôi cũng thường hay thấy nhiều Hội Thánh ghi trong tờ chương trình thờ phượng Chúa, ở mục: “Giảng Lời Chúa”: Diễn giả: Mục Sư Quản Nhiệm.

Tôi thiết nghĩ, “Diễn giả” là từ thường dùng cho những Mục Sư được Mục Sư Quản Nhiệm mời đến giảng Lời Chúa cho Hội Thánh buổi thờ phượng hôm đó để bày tỏ một sự tôn trọng cần có với một vị khách mời của Hội Thánh.

Trong trường hợp, Mục Sư Quản Nhiệm là người rao giảng Lời Chúa cho Hội Thánh nhà thì thiết nghĩ đâu cần gì phải dùng từ “Diễn giả” làm chi cho nó... xa lạ và khách sáo, thiếu đi sự gần gũi, thân thiện vốn có giữa Hội Thánh với vị Mục Sư Quản Nhiệm của mình.

Trên đây là vài thiển ý của tôi về cách sử dụng một số từ ngữ có vẻ... đao to búa lớn không cần thiết trong Hội Thánh cần thay đổi để cho mọi sự được trở nên nhẹ nhàng, gần gũi và thân thiện hơn giữa Mục Sư và tín đồ. Mặt khác cũng tránh được sự phạm thượng đến Chúa kính yêu, Đấng mà mỗi chúng ta đang tôn thờ và hầu việc.

Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Giê-su, tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự giao thông của Đức Thánh Linh ở với mỗi một chúng ta luôn luôn!

California, Tháng 4/ 2024!

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu