Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 279

Sự Khôn Ngoan Thật

Chúng ta đang ở trong thời đại được gọi là "thời đại tiến bộ kỹ thuật". Mỗi tháng, mỗi năm có nhiều phát minh mới và kỹ thuật mới thuộc nhiều ngành khác nhau. Đặc biệt ngành điện tử, internet phát triễn thật nhanh chóng. Lưu lượng thông tin trên mạn lưới điện toán Internet tăng lên gấp đôi trong mỗi 100 ngày. Ngành Internet phát triển nhanh hơn bất cứ sáng kíến kỹ thuật nào đã ra đời trước nó. Ngành truyền thanh phải mất 38 năm mới có được 50 triệu thính giả như hiện nay, ngành truyền hình phải mất 13 năm để có được ngày nay. Internet chỉ mất 4 năm để qua mặt tất cả. Năm 1994, chỉ có 3 triệu người vào mạn lưới internet, đến cuối năm 1997 đã có hơn 100 triệu người xử dụng. Năm 2000 có 360 triệu người. Đến nay, 2008 toàn thế giới có 1 tỉ 596 triệu người. Từ năm 2000 đến năm 2008 số người vào mạn luới toàn cầu tăng 342%. (theo Internet world Stats).

Chúng ta vui, cảm ơn Chúa vì được sống trong thời đại có nhiều tiện nghi và tiến bộ kỹ thuật. Nếu Chúa chưa tái lâm sự tiến bộ nầy sẽ tiếp tục. Những phát minh mới của 5, 10 năm trước; nay đã thành lỗi thời. Những phát minh ngày nay cũng sẽ được thay thế bằng những điều mới hơn, nhanh hơn, tiện nghi hơn trong các năm tới.

Trong thời đại nào người ta cũng đi tìm những phát minh mới lạ, khám phá những điều mà trước đó chưa thực hiện. Trong thời đại Môi se, chắc nhiều người hảnh diện về văn minh Ai-cập, với những đền đài lăng tẩm và những kim tự tháp vĩ đại. Môi-se là hoàng tử, con nuôi công chúa Pharaôn, nên ông đã được giáo dục và học biết tất cả sự khôn ngoan nầy. Trong thế kỷ đầu tiên, nhiều người cũng ca ngợi nền văn minh Hy lạp, mà thành phố A-thên được tiêu biểu, trong đó "người ta chỉ lo nói và nghe việc mới lạ mà thôi".(Công-vụ 17:21). Phao lô cũng đã được hấp thụ nền văn minh nầy. Cả Môi-se và Phao-lô đều được sinh ra, lớn lên và giáo dục trong nền văn minh khôn ngoan bậc nhất thế giới lúc bấy giờ, nhưng cả hai ông đã ý thức được có một nguồn khôn ngoan cao cả hơn, vĩ đại hơn, minh triết hơn và không bao giờ lỗi thời với thời gian và không gian, đó là sự khôn ngoan phát xuất từ Thượng Đế. Khôn ngoan của Thượng đế không nhằm thỏa mãn những tiện nghi vật chất tạm thời, mà đem đến cho con người một nguồn sung mãn, hạnh phúc lâu dài; trong đời nầy và đời sau của linh hồn bất diệt.

Phao-lô viết: "Nhà triết học ở đâu? Nhà văn hào ở đâu? Nhà hùng biện thuyết khách lừng danh một thời ở đâu? Thượng Đế đã chẳng khiến sự khôn ngoan của thế gian trở thành khờ dại sao? Vì thế gian chỉ nhờ sự khôn ngoan của riêng mình, không nhờ khôn ngoan của Thượng đế để nhận biết Ngài, nên Thượng đế vui lòng dùng lối truyền giảng có vẻ khờ dại của chúng ta để cứu rỗi những người tin nhận... Chúng ta luôn luôn truyền giảng Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh trên cây thập tự..Ai tiếp nhận Tin Lành, thì Chúa Cứu Thế là hiện thân của quyền năng và khôn ngoan của Thượng Đế." (I Côrinhtô 1:20-24).

Đối với Phao lô thì Chúa Cứu thế Giê-xu là hiện thân của khôn ngoan và quyền năng của Thượng đế. Không phải Chúa Giê-xu như chiếc máy computer giúp chúng ta có thể liên lạc với bạn hữu bằng E-mail qua hệ thông Internet cách xa hằng chục ngàn dặm, không phải như hệ thống vệ tinh có thể cho chúng ta thấy trên TV những hình ảnh xa nửa vòng trái đất, mà Chúa Giê-xu giúp chúng ta có thể liên lạc được với Thượng đế, tương giao với Ngài qua đức tin, qua lời cầu nguyện, có thể nghe tiếng phán của Ngài qua kinh thánh, qua sự mặc khải của Chúa Thánh linh. Điều quan trọng là trong sự khôn ngoan và năng quyền của Chúa Giê-xu chúng ta nhận được sự bình an, thỏa lòng, hy vọng cứu rỗi cho đời nầy và đời sau; đây là điều mà không có một sự khôn ngoan nào, phát minh mới nào trong lịch sử nhân loại có thể đem đến.

Một lần nọ, Mục sư Martyn Lloyd Jone một bác sĩ y khoa vừa là một người hầu việc Chúa được mời giảng tại một phân khoa thuộc viện đại học Oxford nổi tiếng bên Anh. Ông nói sáng hôm đó tôi giảng vẫn giống như bất cứ nơi nào khác. Vừa khi giảng xong, chưa kịp rời tòa giảng, ông thấy bà vợ của phân khoa trưởng tiến lên rất nhanh và nói: Thưa Mục sư, Ông biết không, đây là điều đáng chú ý nhất, tôi thấy xảy ra trong nhà nguyện nầy. Mục sư hỏi lại: Bà nói câu ấy có nghĩa gì? Bà trả lời: Mục sư là ngưởi thứ nhất đến đây giảng cho chúng tôi, như một người có tội, cần phải ăn năn, cần phải nhờ thập tự giá của Chúa Giê-xu. Tất cả những vị Mục sư khác đến trước đây giảng, có vì thấy đây là một nhà nguyện trong viện đại học Oxford, đều bỏ công soạn những "bài giảng trí thức", vì tưởng chúng tôi là nhà đại học thức. Nhưng kết quả là sau khi nghe các bài giảng luận của họ, linh hồn chúng tôi vẫn khô hạn, vẫn đói khát. Họ chẳng có gì để cảm động hay nuôi dưỡng chúng tôi cả, vì dường như họ không biết rằng những người trong viện đại học Oxford cũng là tội nhân như tất cả mọi người khác".

Lời chứng của một phụ nữ trí thức tai trường Oxford cho chúng ta xác quyết như Phao lô rằng: "Chúa Cứu Thế Giê-xu là hiện thân sự khôn ngoan của Thượng Đế, là nguồn công chính, thánh thiện và cứu chuộc chúng ta" (I Côrinhtô 1:30) .

Ước mong quí vị và các bạn tìm đến nguồn khôn ngoan và sung mãn nầy.

Vòng Nguyện Cầu