Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 353

Mục sư A.B. Simpson và sự chữa lành

Đó là năm 1881. Nói chung, trong thế giới Tin Lành mọi việc đang chuyển động. Mỹ quốc đang đáp ứng với sự thúc giục của Thánh Linh nhưng sự đáp ứng phải phù hợp với thiên tư và theo đặc tính của tinh thần mạnh bạo của một thế hệ mà cha ông họ đã chinh phục cả một đại lục.

Từ những khao khát thuộc linh đầy sáng tạo của thời đó đã khai sinh một phong trào tôn giáo bắt nguồn từ một giáo lý, dù không được các giới chính thống giáo hoàn toàn chấp thuận, nhưng vẫn được yêu chuộng bởi vô số những thánh đồ nổi tiếng, gồm mọi sắc thái của tư tưởng thần học Tin Lành từ thời sứ đồ Phao-lô cho đến thời hiện đại. Đó là giáo lý về sự chữa bệnh từ thiên thượng. Nhiều giáo sư Kinh Thánh nổi tiếng đã công nhận quyền năng tối thượng của Đức Chúa Trời trên thân thể con người. Nhiều người tại Âu châu và Hoa Kỳ dạy về đặc quyền của người tín hữu được đem bệnh tật của mình đến với Chúa trong sự cầu nguyện, với mong ước được Chúa chữa lành. Những báo cáo về sự chữa lành từ thiên thượng từ nhiều vùng xa khác trên thế giới gửi vế. Mục sư Blumhardt ở Đức với khẩu hiệu hoan hỉ "Chúa Giê-xu chiến thắng !" đã thành công lạ lùng trong việc cầu nguyện cho người bệnh.

Nổ lực tìm hiểu đời sống và công việc của Mục sư A.B. Simpson từ đây trở đi không thể thành công nếu bỏ qua vai trò của Bác sĩ y khoa Charles Cullis, từng làm giám đốc bệnh viện bài lao thành phố Boston. Bác sĩ Cullis cảm thương sâu xa nổi khốn khổ, tuyệt vọng của bệnh nhân; là một tín đồ chân thành ông được cảm động cầu nguyện cho họ được chữa lành. Có những người được chữa lành quá mau chóng, khác thường hàm ý phép lạ đã xảy ra. Sau đó, ông thôi không dùng các phương pháp khác và tìm cách phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân chỉ qua lời cầu nguyện của đức tin mà thôi. Do đó, ông tin rằng phương pháp này dựa trên Kinh Thánh và bắt đầu dạy về sự chữa lành là một giáo lý của Kinh Thánh. Không bao lâu sau, ông bỏ không hành nghề bác sĩ nữa, dành hết thì giờ cho công tác Cơ đốc, đi từ nơi này đến nơi khác giảng và cầu nguyện cho người bệnh. Việc làm của ông được nhiều người biết, họ đến với ông để được giúp đỡ về thuộc linh lẫn thuộc thể.

Mùa hè năm 1881, Mục Sư Simpson đến Old Orchard, Maine, một trung tâm nghỉ mát mùa hè nổi tiếng, cũng là chỗ nhóm hội đồng bên bờ Đại Tây Dương, trong khi tim và thần kinh của ông đều suy nhược. Ông đi lại chậm chạp, thân thể rât yếu mệt và đau đớn. Trong một hội trường gần bờ biển, Bác sĩ Cullis đang hướng dẫn buổi nhóm Tin Lành và Mục Sư Simpson thấy muốn tham dự. Trong những buổi nhóm này, ông kinh nghiệm một khủng hoảng lớn khác trong đời, một khủng hoảng mà tính chất cách mạng của nó khiến chúng ta có thể nói rằng chức vụ thật sự cho thế giới của ông bắt đầu từ đây. Tất cả những gì xảy ra trước đó chỉ là dự bị.

Trong những buổi nhóm của Bác sĩ Cullis, ông nghe nhiều người làm chứng được chữa lành do quyền năng từ Chúa. Nhu cầu quá lớn của chính mình đã bắt ông phải nghe kỹ những lời làm chứng. Không phải bài giảng hay tài hùng biện của người giảng hoặc lời kêu gọi nhiệt thành, mà là lời làm chứng của những người đã được chữa lành. " Tôi nghe rất nhiều người làm chứng họ được chữa lành chỉ bởi tin cậy lời của Đấng Christ cũng giống như họ đã tin Ngài để được cứu rổi".

Cánh buồm đã hiện ra ở chân trời ! Một điểm sáng, dù mờ nhạt, đã xuất hiện giữa bóng tối. Với sự phối hợp chặt chẻ giữa cái đầu và tấm lòng của con người đặc biệt này, ông suy xét những dữ kiện trước mắt. Ông lý luận rằng những người làm chứng không có động cơ nào để bóp méo sự kiện. Họ không được lợi gì cả trong lời làm chứng. Những động cơ xấu bị loại ra. Dĩ nhiên họ có thể sai lầm nhưng có hai sự kiện không nằm trong giả thuyết này : Thứ nhất là họ đã bị đau. Thứ hai là bây giờ họ đứng đó hoàn toàn lành mạnh. Họ tin rằng chính Chúa đã đụng đến họ và giải cứu họ thoát khỏi hoạn nạn. Nếu họ được chữa lành thì tại sao ông không được ? Ông bắt đầu hy vọng.

Ông hành động đúng theo cá tính mình. Bây giờ ông có niềm xác tín, và khám phá một giáo lý nhưng phải có một chứng thực thuộc linh bằng không ông không thể tiếp tục. Lý trí không đủ. Ông phải gặp Chúa và kinh nghiệm quyền năng của giáo lý này. Đức Thánh Linh phải ban cho chứng cớ, chứng tỏ ông hiểu đúng Kinh Thánh và không sai lầm trong chỗ đứng của mình.Thế là, một buổi chiều thứ Sáu, ông đi ra ngoài, dưới khung trời lồng lộng, đau đớn, chậm chạp vì trong thời gian này ông luôn luôn bị yếu mệt và hụt hơi. Một lối nhỏ dẫn vào rừng thông mời mọc ông như cánh cửa mở vào giáo đường. Tại đó, trên thảm lá thông mềm, có khúc cây ngã làm bàn thờ, với tiếng gió vi vu thổi qua hàng cây như tiếng đàn tự nguyện, ông quì xuống và tìm kiếm mặt Đức Chúa Trời.

Thình lình quyền năng của Đấng Christ đến trên ông. Dường như chính Đức Chúa Trời ở cạnh ông, chung quanh ông; sự hiện diện của Ngài làm cả khu nhà thờ thơm ngát này tràn ngập vinh hiển. Sau này ông nói : "Cảm nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời làm linh hồn tôi náo nức." Đưa tay lên về phía vòm cây xanh ở trên, ông thốt lên lời hứa nguyện là lời sẽ cứu ông khỏi xuống mồ sớm. Tiếp theo là những diển tiến đã thay đổi toàn thể đường hướng chức vụ của ông và biến ông trở thành người trình bày về sự chữa bệnh từ thiên thượng vĩ đại nhất của hội thánh trong suốt cả khoảng thời gian một ngàn năm. Là một người quen giảng nên lời hứa nguyện của ông phải chia ra từng "điểm", có ba phần, gồm tóm đức tin ông đặt nơi lời Chúa và sự vui lòng tin cậy Lời đó mãi mãi. Ông nói : "Tin cậy Chúa là điều quá rạng rỡ" và ông hứa nguyện như sau : 1. Ông long trọng chấp nhận chân lý của sự chữa bệnh từ thiên thượng như một phần của Lời Đức Chúa Trời và của Tin Lành Đấng Christ. 2. Ông sẽ nhận Chúa Giê-xu làm sự sống thuộc thể của ông, cho tất cả mọi nhu cầu của thân thể ông cho đến khi tất cả công việc của đời sống ông được hoàn tất. 3. Ông long trọng hứa sẽ dùng sự chúc phước này cho sự vinh hiển của Chúa và cho lợi ích của người khác. Với lòng yêu mến tôn kính và run rẩy ông hứa sẽ sốt sắng thực hiện những điều này cho đến "khi con sẽ gặp Chúa trong ngày ấy."

Rời khu nhà thờ bằng thông xanh, ông là một người đã được biến đổi trong thể xác. Vài ngày sau ông, vâng, người mục sư yếu đuối mà mồ mả hăm hở chờ đợi này, đi bộ thật xa ngoài đồng và trèo lên ngọn núi cao ba ngàn bộ. Ông vui mừng kể lại : "Khi trèo đến đỉnh núi tôi như bước đến cửa thiên đàng, cả thế giới yếu đuối và sợ hãi nằm dưới chân tôi. Từ ngày đó tôi có một trái tim mới trong lòng ngực". Bệnh cũ không còn trở lại với ông nữa.

Đây là một người yếu đuối và tan vỡ, đi lại không nổi nhưng đã khám phá trong Kinh Thánh một giáo lý mang lại hy vọng cho thân thể, ông tin giáo lý đó và được lành mạnh tức khắc và hoàn toàn.

A. W. Tozer