Trang Chủ :: Chia Sẻ

Bài 230

Chuyện... Giữa Hai Con Số Không

Kinh Thánh: Gióp 14: 1, 2; Thi-thiên 16: 2; Ma-thi-ơ 16: 26; Phi-líp 3: 8; I Ti-mô-thê 6: 7 (*)

Kính chào quý độc giả,

Mỗi một con người chúng ta khi sống trên đời nầy, dù giàu hay nghèo, dù sang hay hèn, dù sướng hay khổ... thì cũng đều giống nhau một điều ở hai thời điểm ra đời và qua đời, hay khởi đầu và kết thúc.

Các bạn có biết điều giống nhau đó là gì không?

Điều giống nhau đó chính là, mỗi một người đều ra đời với... hai bàn tay trắng, và rồi sau một quãng thời gian cũng sẽ... qua đời trắng hai bàn tay.

Kinh Thánh cho biết: “Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được.” (Sách 1 Ti-mô-thê, chương 6, câu 7 - BTT)

Bạn và tôi chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều đứa trẻ ra đời không thấy có bất cứ đứa nào cầm vàng bạc, của cải hay bất cứ thứ gì trong tay cả.

Bạn và tôi cũng đã chứng kiến nhiều người khi qua đời cũng... trắng hai bàn tay chứ không ai đem theo vàng bạc hay của cải gì để vào thế giới bên kia.

Khi ra đời với con số không thứ nhất, mỗi chúng ta bắt đầu với tiếng khóc “oe oe” để... chào mọi người mà người ta thường gọi bằng một từ khá lịch sự là... chào đời; dù lúc ấy “người ấy” chẳng biết gì là... lịch sự cả.

Dường như mọi người đều phải... chào đời bằng tiếng khóc “oe oe”, chứ không có ai... chào đời bằng... tiếng cười “khà khà”. Có lẽ, chỉ có hai con người đầu tiên trên trần gian nầy là ông bà A-đam và Ê-va được Đức Chúa Trời sáng tạo là... không chào đời bằng tiếng khóc “oe oe” mà thôi, vì lúc bấy giờ, tội lỗi chưa vào trong thế gian; nhưng không biết là hai ông bà có... cười sau khi được Đức Chúa Trời phú hơi sống của Ngài vào hay không?

Kinh Thánh chép về việc tạo nên loài người như sau: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí (tức hơi sống của Ngài-nv) vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 7)

Từ con số không đầu tiên ấy, “người ấy” bắt đầu cuộc sống của mình trên trần gian đầy đau khổ nầy. Có lẽ, từ sau hai con người đầu tiên trên thế gian nầy là ông bà A-đam và Ê-va, con người bắt đầu... chào đời bằng tiếng khóc, vì sau khi ông bà A-đam và Ê-va phạm tôi với Đức Chúa Trời, thì tội lỗi vào trong thế gian, và sự đau khổ bắt đầu đến với con người chúng ta.

Đó có lẽ là lý do vì sao con người phải... chào đời bằng tiếng khóc mà không bằng tiếng cười?

Thánh Tổ Gióp xác nhận rằng: “Loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy dẫy sự khốn khổ. Người sanh ra như cỏ hoa, rồi bị phát; người chạy qua như bóng, không ở lâu dài.” (Sách Gióp, chương 14, câu 1, 2)

Cuộc đời của con người “bị đầy dẫy sự khốn khổ” thì làm sao có thể... chào đời bằng... tiếng cười được, nên con người ta phải... khóc mà chào đời là vậy.

Sau khi cất tiếng khóc... chào đời rồi là “người ấy” bắt đầu cuộc đời của mình trên trần gian đầy dẫy sự khốn khổ nầy cho đến khi... qua đời trong tiếng khóc (lại tiếng khóc) không phải của “người ấy”, mà là của những người thân yêu dành cho “người ấy”.

Như vậy là có... hai loại tiếng khóc khác nhau. Một là tiếng khóc... ra đời của “người ấy”, và hai là... tiếng khóc của những người thân yêu “người ấy” tiễn đưa “người ấy” qua đời.

Hai tiếng khóc... mở ra và... đóng lại cho cuộc đời của một con người. Ôi, nghe sao mà... buồn quá phải không bạn? Nhưng đó là một thực tế không ai chối cãi được, dù cho đó là một thực tế phủ phàng.

Dường như Phật Thích Ca đã nói: “Đời là bể khổ” là không sai vậy.

Giữa hai tiếng khóc... mở và đóng cho cuộc đời của một con người, là một khoảng thời gian ước chừng bảy mươi hoặc tám mươi năm cho “con người ấy” như nhà lãnh tụ vĩ đại của người Do-thái là Môi-se đã nói: “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; song sự kiêu căng của nói bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua rồi chúng tôi bay mất đi.” (Sách Thi-thiên, chương 90, câu 10)

Nhạc sĩ Y Vân thì lại có cái nhìn... bi quan hơn. Ông cho rằng cuộc đời một con người chỉ chừng... sáu mươi năm mà thôi, nên ông đã có bài hát khá nổi tiếng “Sáu mươi năm cuộc đời”, có đoạn lời như sau:

“Em ơi, có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời. Hai mươi năm đầu, sung sướng không bao lâu. Hai mươi năm sau, sầu vương cao vời vợi. Hai mươi năm cuối là bao... ”

Thi Sĩ Cao Bá Quát thì... lạc quan hơn. Ông cho rằng cuộc đời một con người chừng một trăm năm (ba vạn sáu ngàn ngày), nên đã có thơ:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy

Cảnh phù du trông nghĩ cũng nực cười

Trong cái khoảng thời gian trên dưới một trăm năm của cuộc đời một con người, thì có người ăn nên làm ra trở nên giàu có, sang trọng; có người thì “gánh cực mà đổ lên non. Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo”; hay như câu ông cha ta thường nói “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.

Trong cái khoảng thời gian trên dưới một trăm năm ấy, có người được làm quan, làm vua, đi đâu cũng có người hầu kẻ hạ; có người thì mãi mãi là... thường dân, chẳng cần người hầu, chẳng có ai hạ hết.

Trong cái khoảng thời gian trên dưới một trăm năm ấy, có người được hưởng đủ mọi vinh hoa, phú quý của đời; có người thì phải sống cuộc đời trăm đắng ngàn cay mà không biết tỏ cùng ai.

Thưa bạn, trong cái khoảng thời gian trên dưới một trăm năm giữa số không... ra đời với số không... qua đời ấy, có một điều rất quan trọng mà bạn và tôi đều cần phải biết và có quyết định cho cuộc đời mình, trước khi... qua đời.

Điều quan trọng ấy chính là niềm tin.

Dù bạn là người thành công hay thất bại, làm vua hay thường dân, sống trong vinh hoa, phú quý, hay sống trong đắng cay, tủi nhục trong cái khoảng thời gian trên dưới một trăm năm ấy; nếu bạn không có một niềm tin đúng đắn vào một đối tượng đúng đắn, thì kể như cuộc đời bạn toàn là... số không: Số không khi ra đời, số không khi qua đời và số không ở trong cõi đời đời.

Nhưng nếu trong khoảng thời gian trên dưới một trăm năm ấy, bạn có được một niềm tin đúng đắn vào một đối tượng đúng đắn, thì cuộc đời bạn là một cuộc đời thành công theo đúng ý nghĩa đích thực của nó. Bạn chỉ ra đời với tay trắng, qua đời trắng tay; nhưng bạn sẽ không trắng tay khi bước vào trong cõi đời đời.

Kinh Thánh cho biết về đức tin đúng đắn và đối tượng đức tin đúng đắn cho con người, đó chính là đức tin đặt nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Vua Đa-vít đã khẳng định: “Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi. Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác.” (Sách Thi-thiên, chương 16, câu 2)

Đức tin của Đa-vít không đặt vào ngai vàng mà ông đang có, mà đặt vào Chúa là Đấng ông đang tôn thờ.

Thánh Phao-lô tuyên bố rất dứt khoát rằng: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Giê-xu Christ là quý hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.” (Sách Phi-líp, chương 3, câu 8)

Với Phao-lô, “Đấng Christ là mọi sự và trong mọi sự” (Sách Cô-lô-se, chương 3, câu 11)

Với Phao-lô, “Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.” (Sách Phi-líp, chương 1, câu 21)

Có thể khẳng định một cách chắc chắn mà không sợ sai lầm rằng:

Giữa hai số không: không có gì cả khi ra đời và không đem theo được gì cả khi qua đời, nếu bạn có đầy đủ mọi sự mà không có Chúa Giê-xu thì coi như là bạn sẽ không có gì cả, bạn sẽ qua đời trong tuyệt vọng mãi mãi, vì không có Chúa Giê-xu.

Nhưng nếu giữa hai số không ấy, dù bạn không có gì trong cuộc đời nầy, mà bạn có Chúa Giê-xu, thì kể như bạn sẽ có tất cả, vì bạn sẽ qua đời trong hy vọng ngập tràn, bởi sẽ được ở với Chúa Giê-xu trong phước hạnh ngàn muôn năm không dứt.

Chính Chúa Giê-xu đã cảnh báo rất mạnh mẽ rằng: “Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?” (Sách Ma-thi-ơ, chương 16, câu 26)

Khi sống, có thể bạn được cả thế gian, nhưng nếu không có Chúa Giê-xu trong cuộc đời thì khi qua đời, linh hồn bạn sẽ bị hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa mãi mãi thì còn gì kinh khiếp hơn. Bạn sẽ không thể lấy chi để thay đổi được số phận của linh hồn bạn một khi đã qua đời rồi.

Tôi tạ ơn Chúa, tôi “đã được Đức Chúa Giê-xu Christ giựt lấy rồi.” Tôi đang có Chúa Giê-xu trong tâm hồn mình. Tôi đang ở trong khoảng thời gian giữa hai con số không của cuộc đời, và Chúa Giê-xu đang ngự trong tâm tôi, nên tôi biết chắc khi tôi qua đời, tôi sẽ được ở mãi với Chúa Giê-xu trong Thiên đàng phước hạnh tuyệt vời. Tôi thật được bình an!

Còn bạn, bạn đã có Chúa Giê-xu trong khoảng giữa hai con số không của cuộc đời mình chưa?

Hãy suy nghĩ và sớm có quyết định quan trọng nhất cho cuộc đời của mình trước khi số không thứ hai của cuộc đời sẽ đến với mình bạn nhé!

Thành phố Stockton, California, tháng 8/ 2021

Mục Sư Nguyễn - Đình - Liễu

(*): Những câu Kinh Thánh trong bài viết là trích từ Kinh Thánh Bản Truyền Thống (BTT)