Trang Đầu | Mục Lục | Hướng Dẫn
Ê-phê-sô 1:3
Kính thưa quý vị: Hôm nay chúng ta bắt đầu học sách Ê-phê-sô. Trước hết chúng ta đọc lời chào thăm của Phao-lồ trong đoạn 1 từ câu 1 đến câu 2:
“1Phao-lô, theo ý muốn Ðức Chúa Trời, làm sứ đồ của Ðức Chúa Giê-xu Christ, gởi cho các thánh đồ ở thành Ê-phê-sô, cho những kẻ trung tín trong Ðức Chúa Giê-xu Christ:
2nguyền xin ân điển và sự bình an được ban cho anh em từ nơi Ðức Chúa Trời, Cha chúng ta, và từ nơi Ðức Chúa Giê-xu Christ!
Sau lời chào thăm này, Phao-lồ viết một câu rất dài mà hôm nay chúng ta phải dịch ra đến 11 câu, từ câu thứ 3 đến câu 14. (Nếu là giáo sư Anh văn hay Việt văn, có lẽ chúng ta sẽ phải đánh rớt ông!) Mặc dầu tôi sẽ đọc nguyên đoạn, hôm nay chúng ta chỉ học câu 3 thôi, như phần nhập đề cho đoạn này. Trong những tuần tới chúng ta sẽ phân tích những câu sau:
“3Ngợi khen Ðức Chúa Trời, Cha Ðức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Ðấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.
4trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Ðấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Ðức Chúa Trời,
5bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Ðức Chúa Giê-xu Christ, theo ý tốt của Ngài,
6để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!
7Ấy là trong Ðấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài,
8mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng,
9khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhân từ Ngài
10để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn, hội hiệp muôn vật lại trong Ðấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất.
11Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Ðấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán,
12hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Ðấng Christ trước nhất mà được ngợi khen.
13Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Ðức Thánh Linh là Ðấng Chúa đã hứa,
14Ðấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài.”
I Chúa ban phước cho chúng ta
Phao-lồ bắt đầu đoạn này trong câu 3, “Ngợi khen Ðức Chúa Trời, Cha Ðức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Ðấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.” Ðức Chúa Trời ban phước cho chúng ta ngay từ khi sáng thế. Sáng Thế Ký 1:26-28 kể lại rằng, khi Ðức Chúa Trời dựng nên con người, Ngài ban phước cho con người; “Ðức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Ðức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Ðức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. Ðức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” Câu 28 có chữ “ban phước” đầu tiên.
Nhưng chúng ta biết rằng, lạm dụng sự tự do Chúa ban, con người phạm tội, và vì thế, thay vì có thể thụ hưởng được những phước lành Chúa ban, phải xa và mất Chúa. Nhưng cám ơn tình yêu thương của Ngài, Ðức Chúa Trời đã không bỏ chúng ta. Ngài đã sai Chúa Giê-xu xuống thế gian để chết thế cho chúng ta, nhờ đó chúng ta được sự cứu rỗi. Ngày hôm nay, như tất cả mọi người, chúng ta được Ðức Chúa Trời ban cho những điều kiện thuận lợi để có thể sinh tồn, chẳng hạn như khí hậu thích hợp, hay thức ăn hàng ngày. Nhưng là tín đồ, chúng ta còn có một số ơn phước quan trọng khác mà người không tin vào Ngài không có, đó là những điều mà Phao-lồ gọi là “mọi thứ phước thiêng liêng.”
Trước hết, phước thiêng liêng khác với phước vật chất. Khi nói đến chữ “phước,” người Việt Nam chúng ta thường nghĩ đến những điều mà chúng ta có thể đếm được, rờ được, hay thấy được, như trong “Phước, Lộc, Thọ.” Tú Xương chế nhạo ý nghĩ này trong bài “Chúc Tết:”
“Lẳng
lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu
Lẳng
lặng mà nghe nó chúc giầu
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu
Phen này chắc hẳn gà ăn bạc
Ðồng rụng đồng rơi lọ phải cầu
Lẳng
lặng mà nghe nó chúc sang
Ðứa thì mua tước đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng
Lẳng
lặng mà nghe nó chúc con
Sinh năm đẻ bẩy được vuông tròn
Phố phường chật hẹp người đông đúc
Bồng bế nhau lên nó ở non”
Tôi phải nói rằng ngay cả trong giới tín đồ chúng ta cũng có cái nhìn vật chất như vậy. Khi gặp một người được may mắn, thành công, chúng ta thường khen, “Ông (hay bà) này được Chúa ban phước!” Chúng ta phải nhớ là Chúa có thể ban cho chúng ta ơn phước vật chất, nhưng phần nhiều Ngài không làm điều đó. Có người đi nói về Tin Lành với người ngoại, hay có mục sư giảng trên bục giảng, hứa hẹn với người nghe nhiều điều vật chất như vậy. Thưa, đó là tà đạo, vì đi ngược lại với Kinh Thánh. Kinh Thánh không bao giờ hứa hẹn những điều đó. Chúng ta phải biết rằng Phao-lồ viết lá thơ Ê-phê-sô này khi ông bị xiềng xích, đói kém trong tù. Dầu vậy, ông vẫn ca ngợi, cám ơn Chúa là Ngài “đã xuống phước cho chúng ta trong Ðấng Christ đủ mọi thứ phước.” Hơn nữa, lá thư này không chỉ viết cho những tín đồ ở những nơi “đượm sữa và mật” như đất Mỹ, nhưng cho mọi tín đồ trên toàn thế giới trong bao thế kỷ, kể cả những người tín đồ Việt Nam ở miền Thượng. Trong sự khổ cực vô cùng, thơ này viết, “Anh em ơi, Ðức Chúa Trời đã ban cho anh em bao nhiêu ơn phước.” Rõ ràng Phao-lồ không nói đến những điều vật chất.
Có một mục sư tên là Jack Hinton đến thăm một trại cùi ở Tobago, một hòn đảo nhỏ tại Nam Mỹ. Trong lúc hướng dẫn thờ phượng Chúa, ông hỏi những người trong trại cùi muốn ông hát bài gì. Có một người đàn bà, với thân hình bị bịnh cùi làm rất xấu xa đáng sợ, đưa tay lên yêu cầu, “Xin ông hát bài ‘Hãy đếm các ơn phước Chúa ban’.” Nghe lời yêu cầu này, ông quá xúc động, chạy ra ngoài, không thể tiếp tục điều khiển buổi thờ phượng đó nữa. Một người bạn của ông chạy theo, và nói, “Chắc anh sẽ không bao giờ anh hát lại bài hát này.” Ông trả lời, “Không, tôi sẽ tiếp tục hát bài này, nhưng với một tinh thần khác.” Chúa ban ơn phước trên tất cả mọi người, dầu giàu, hèn, cùi hủi hay khỏe mạnh. Mọi người đều được Chúa ban phước lành như nhau, vì phước đây không là những điều vật chất.
Chúng ta phải biết là phước lành Chúa ban là phước thiêng liêng. Ðây không phải là những ơn phước giới hạn trong những gì thấy được, nhưng là những điều không thấy được, như sự bình an, sự khôn ngoan trong Ngài, sự kiên nhẫn để đi qua những thử thách trên đời, và quan trọng hơn hết, sự cứu rỗi. Ơn phước vật chất chỉ là tạm bợ, và sẽ qua đi. Tôi biết có nhiều cặp vừa làm đám cưới xong, thì hôm sau bị trộm vào nhà lấy sạch tất cả những quà cưới. Cũng vậy, vật chất có đó, mất đó. Ðồng ý rằng chúng ta phải cám ơn Chúa về những điều vật chất Ngài ban cho mình, nhưng nếu chỉ nhìn đến chúng không, thì chúng ta thật thiếu sót. Hơn nữa, như thế chúng ta sẽ so sánh với người khác. Thấy người khác giàu có, thành công hơn, chúng ta sẽ cho rằng Chúa không công bằng, hay không ban phước cho mình.
Ðây là những ơn phước đem lại nhiều điều tốt lành cho chúng ta trong lâu dài, vĩnh cửu. Là cha mẹ, chúng ta chỉ ban cho con cái những điều có lợi về sau, hơn là những điều nó muốn mà chúng ta biết là sẽ có hại trong tương lai. Cũng vậy, Gia-cơ 1:2-4 dạy chúng ta “hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.”
Ðược Chúa ban cho những ơn phước thiêng liêng, chúng ta là người giàu có nhất trên đời, dầu có thể rất nghèo đói về phương diện vật chất. Có một ông nhà giàu nọ, tên là Phú. Hôm nọ, ông đi trong làng và gặp một người tín đồ nghèo nhất làng tên là Bần đang cầu nguyện cám ơn Chúa về thức ăn ông sắp ăn. Nhìn thức ăn, ông Phú nói: “Thấy thức ăn của ông, tôi không thể nào cám ơn Chúa được! Thức ăn này chó tôi cũng không thèm ăn!” Ông Bần này nói, “May quá hôm nay tôi gặp ông, vì có một điều lạ mà tôi muốn nói cho ông biết. Ấy là tối hôm qua tôi nằm mơ, và thấy thiên sứ đến cho tôi biết rằng tối hôm nay người giàu nhất trong làng này sẽ chết.” Ông Phú nói bâng quơ, “Chuyện mơ mộng, để ý làm gì?” Nhưng vì câu nói sau đó cứ ám ảnh ông hoài, ông đi khám bác sĩ. Mặc dầu bác sĩ cho ông biết ông vẫn còn mạnh khỏe lắm, ông năn nỉ người bác sĩ về nhà với ông tối đó. Bác sĩ đồng ý, và hai người chờ suốt đêm, nhưng không có điều gì xảy ra cho ông nhà giàu. Sáng hôm sau, người ta báo cho ông Phú biết là ông Bần đã chết tối hôm đó. Ðối với Chúa, ông Bần là người giàu nhất trong làng, chứ không phải là ông Phú.
Câu hỏi kế tiếp là “Ai ban cho chúng ta những phước thiêng liêng này?” Thưa, “Ðức Chúa Trời, Cha Ðức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.” Chúng ta không thể tìm được những phước thiêng liêng này ngoài đời, hay từ người nào khác. Chỉ có Ðức Chúa Trời mới có thể ban cho chúng ta những phước thiêng liêng này mà thôi.
Bằng cách nào Ðức Chúa Trời ban phước thiêng liêng cho chúng ta? Thưa, “trong Ðấng Christ.” Nếu chưa biết Ðấng Christ, chưa nhận Ngài làm Chúa của chúng ta, chúng ta sẽ không nhận được phước thiêng liêng. Chúng chỉ đến trong Ðấng Christ mà thôi. Bất cứ ai tin vào Ngài cũng sẽ nhận được mọi phước thiêng liêng.
Khi nào Chúa ban cho chúng ta những phước thiêng liêng? Thưa, “Ngài đã xuống phước cho chúng ta” rồi. Ðôi khi người tín đồ chúng ta chỉ nghĩ đến những ơn phước trong tương lai, như việc mình sẽ về với Chúa, mà không để ý đến những ơn phước hiện tại. Chúng ta vì thế có thể đang sống trong sự nghèo nàn thuộc linh, sống qua ngày, khô cằn, mà không biết là mình đang thật giàu có.
Nước Mỹ trước đây có một người đàn bà tên Hetty Green. Lúc bà mất vào năm 1916, tức là trên 100 năm trước, bà để lại khoảng 100 triệu đô-la, một số tiền kếch xù lúc đó. Nhưng lịch sử ghi lại là bà là người bần tiện, hà tiện nhất. Buổi sáng bà ăn oatmeal lạnh, vì sợ tốn tiền gas. Con của bà bị đau chân, và bà chần chờ để kiếm một bịnh viện rẻ tiền. Kết quả là người ta phải cưa chân nó đi, vì quá trễ. Bà sống như một người nghèo, trong lúc có bao nhiêu tiền trong ngân hàng. Nghe về bà, chúng ta cười; nhưng đó cũng là hình ảnh của phần nhiều chúng ta. Chúa đã ban cho chúng ta bao nhiêu phước thiêng liêng trên trời. Chúng ta đã có chúng, nhưng phần nhiều vẫn sống như những người nghèo nàn, thiếu ơn phước.
Tại sao vậy? Có thể vì hai lý do. Thứ nhất là vì chúng ta không biết. Có câu chuyện của một người sống một cách nghèo nàn trên nước Mỹ, trong khi người ta đi tìm ông, vì ông đã được kế tự một gia tài lớn bên Anh. Hôm nay tôi xin nhắc chúng ta nhớ là chúng ta đã được Chúa ban cho bao nhiêu ơn phước thiêng liêng, như sự bình an, vui vẻ, hạnh phúc, hay sự khôn ngoan thuộc linh. Chúng ta đã có sẵn chúng, và chỉ cần áp dụng vào đời sống mình.
Lý do thứ hai chúng ta sống trong sự nghèo nàn thuộc linh là vì chúng ta không tin. Chúng ta nghĩ Phao-lồ chỉ nói chơi cho vui. Hôm nay tôi muốn báo cho quý vị biết rằng, có một mạng lưới (website) mà nếu biết vào trong đó, quý vị có thể rút ra bao nhiêu tiền cũng được. Ðiều quan trọng là, để đăng nhập vào đó, chúng ta cần biết password là “Giê-xu Christ.” Nếu không tin tôi, quý vị sẽ không vào đó. Cũng vậy, Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta bao nhiêu ơn phước thiêng liêng trên trời, đang chờ chúng ta lấy và áp dụng vào đời sống chúng ta. Nhưng nếu không tin, chúng ta sẽ không nhận chúng.
II Chúng ta “ban phước” cho Chúa
Bây giờ câu hỏi là phản ứng chúng ta là như thế nào đối với những phước thiêng liêng đó. Trước nhất, chúng ta phải tin Chúa. Nếu chưa, quý vị sẽ không có những phước thiêng liêng đó, và như thế vẫn còn ngụp lặn trong đời sống vật chất này, chỉ biết lo kiếm tiền, sống qua ngày trong một đời sống giới hạn từ lúc nằm trong nôi và cho đến lúc nhắm mắt nằm trong quan tài. Quý vị sẽ không thấy được, và không biết được là có bao nhiêu phước thiêng liêng trên trời đang chờ quý vị.
Sau khi tin Chúa, điều chúng ta có thể làm được là biết ơn Ngài, vì Ngài đã quá thương chúng ta đến nỗi đã chọn và cho chúng ta bao nhiêu ơn phước, khiến chúng ta trở thành những người giàu có nhất trên đời.
Phao-lồ còn nói thêm trong câu 3, “Ngợi khen Ðức Chúa Trời, Cha Ðức Chúa Giê-xu Christ chúng ta.” Chữ “ngợi khen” không hoàn toàn đúng theo nguyên bản. Bản NASB dịch là “Blessed be the God and Father of our Lord Jesus Christ.” Tôi có thể dịch thoáng là “Nguyện xin Ðức Chúa Trời, Cha Ðức Chúa Giê-xu Christ chúng ta được ban phước.” Trong nguyên bản, chữ “xuống phước” trong câu “Ngài đã xuống phước cho chúng ta” và chữ “ban phước” trong câu tôi vừa dịch là một.
Chúng ta phải tự hỏi là làm sao chúng ta có thể “ban phước” cho Chúa được. Vâng, chúng ta không thể nào ban phước được cho Ngài, ở điểm là chúng ta không có thể làm được điều gì cho Ngài. Ngài có tất cả; và Ngài là nguồn của tất cả mọi phước lành. Chữ “ban phước” ở đây chỉ nói lên phản ứng của chúng ta đối với tình yêu dạt dào của Chúa, tức là hết sức làm điều gì để đền đáp lại phần nào ơn yêu thương đó. Chúng ta ban phước cho Chúa bằng cách ngợi khen Ngài. Khi nãy chúng ta đọc Thi Thiên 150, câu cuối cùng viết, “Phàm vật chi thở, hãy ngợi khen Ðức Giê-hô-va.” Ðây cũng là một trong những lý do mà chúng ta họp lại đây ngày hôm nay.
Nhưng nếu dừng lại ở chữ “ngợi khen” thì không đủ. Sự ban cho của Chúa đòi hỏi nhiều hơn từ chúng ta. Chúng ta cũng phải dâng hiến đời sống mình lên Ðức Chúa Trời. Nếu không thể “ban phước” được cho cái đầu, chúng ta vẫn có thể “ban phước” cho cái thân, tức hội thánh của Chúa. Nếu không làm được gì cho Chúa, chúng ta vẫn có thể làm được nhiều điều cho anh chị em ngồi bên cạnh mình. Tuần trước chúng ta học Gia-cơ đoạn 5, bàn đến trách nhiệm hỗ tương trong hội thánh. Khi anh chị em mình yếu đuối, chúng ta cầu nguyện cho họ; khi họ gặp khó khăn, chúng ta nâng đỡ họ. Chúng ta xưng tội cùng nhau, cầu nguyện cho nhau, và khuyến khích nhau trong niềm tin. Chúng ta không những chỉ lo lắng, chăm sóc cho nhau trong vấn đề thuộc linh, nhưng cũng trong vấn đề thuộc thể, vật chất nữa. Ðó là cách chúng ta ban phước cho thân thể của Ðức Chúa Trời.
Có một cách nữa để chúng ta có thể ban phước cho thân thể của Chúa, ấy là đem tin lành đến cho những người xung quanh. Nếu đã nhận được những món quà quá lớn, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta như vậy, chúng ta không thể nào ngồi yên, nhưng phải đem ra chia sẻ với người khác. Ðem tin lành đến những người xung quanh là cách chúng ta đền bù lại với tình yêu thương của Ðức Chúa Trời.
Chúa đã ban cho chúng ta quá nhiều ơn phước, câu hỏi là chúng ta làm gì với những ơn phước đó. Có thể chúng ta không đụng đến chúng, hay chỉ dùng cho riêng mình. Nhưng đó không phải là thái độ đúng đắn. Chúa muốn chúng ta ban phước lại cho thân thể của Ngài, bằng cách chia sẻ những ơn phước đó với những anh chị em trong hội thánh, và với người ngoài hội thánh.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh