Trang Đầu | Mục Lục | Hướng Dẫn
I GIĂNG 1:1-4
Kính thưa quý vị, chúng ta đã học xong hết cuốn sách Phi-e-rơ thứ nhì. Quý vị nhớ, Phi-e-rơ kết luận bằng cách khuyên chúng ta “Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết của Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ.” Bây giờ chúng ta bắt đầu học thư Giăng thứ nhất. Giăng viết thư này như thể muốn tiếp tục điều Phi-e-rơ đã nói. Xin chúng ta đọc trước thơ Giăng thứ nhất, đoạn 1, từ câu 1 tới câu 4:
1. Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ, về Lời sự sống;
2. vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi;
3. Chúng tôi lấy điều đã thấy đã nghe mà truyền cho anh em, hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Và, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ.
4. Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.
I. Tin lành là gì?
Nếu Phi-e-rơ khuyên chúng ta hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa, thì Giăng nói ông viết thơ này để chúng ta có được sự thông công với Chúa. Chúng ta phải có sự thông công đó, trước khi có thể tấn tới. Và sự thông công đó là căn bản tin lành. Giờ dây, xin chúng ta trở lại căn bản tin lành, và hỏi, “Tin lành là gì?”
Trước hết, trái với nhiều người nghĩ, tin lành không dạy chúng ta ăn hiền ở lành. Tin lành không phải là một lý thuyết, hay là sự giác ngộ của một người. Nhưng như Giăng nói ở đây, tin lành là “điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ.” Tin lành là một điều mà ông chứng kiến, và giờ đây ông muốn làm chứng, rao truyền lại tin tức tốt lành đó cho chúng ta.
Câu hỏi kế tiếp là, “Tin tức đó là gì, mà Giăng muốn rao truyền?” Tóm tắt, Giăng nói đó là “sự sống đời đời vốn trước ở cùng Đức Chúa Cha.” Giăng muốn chia xẻ với mọi người rằng có một Đấng đã hiện hữu đời đời trước kia, bây giờ đã trở thành người.
Xin chúng ta nghĩ về chữ “điều đã có trước hết” trong câu 1. Trước hết là như thế nào? Đang sống trong một thời gian một chiều, chúng ta nghĩ có một lúc nào đó là bắt đầu của thời gian, và không có gì trước đó. Nhưng khi Giăng dùng chữ “trước hết” ở đây, ông nói đến trước mọi sự, kể cả thời gian. Trước khi thời gian bắt đầu, đã có “Lời của Sự Sống.”
Xin chúng ta đễ ý đến thứ tự ở đây: “Điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã rờ.” Nghe trước. Có nhiều người đã nghe về Chúa, nhưng không làm gì thêm. Nhưng không những Giăng đã nghe, ông cũng đã thấy, ngắm nhìn, suy xét, phân tích. Không những thế, ông đã rờ vào sự sống đó nữa. Đấng Sáng Tạo thế gian đã trở thành người, đã chọn Giăng làm môn đệ, để ông có dịp ngồi chung, nói chuyện với Ngài, và để học hỏi từ Ngài. Giăng hàm ý ở nơi khác là có lúc ông đã nghiêng mình trên ngực của Ngài. Sau khi Ngài đã chết trên thập tự giá, và sống lại, Giăng cũng có dịp rờ bàn tay đâm thủng của Ngài. Giăng muốn loan báo cho mọi người biết rằng Đấng-có-từ-trước bây giờ đã trở thành người, một nhân vật lịch sử cụ thể, chứ không phải là một huyền thoại. Tin lành là tin tức tốt đẹp nói đến việc Thượng Đế đã trở thành người, mang tên Giê-xu. Đó là căn bản của niềm tin chúng ta.
II. Tin lành để làm gì?
1. Để chúng ta có sự thông công với Đức Chúa Trời
Câu hỏi kết tiếp là, “Giăng rao truyền tin lành để làm gì?” Chúng ta thấy bức thơ này của Giăng khác với các bức thơ khác trong Tân Ước. Những thơ khác thường bắt đầu bằng những lời chào đón như, “Tôi là Phao-lồ, tôi tớ của Đức Giê-xu Christ...” Nhưng Giăng không rào trước đón sau; ông nhập đề: “Tôi có niềm vui muốn rao truyền cho anh em, ấy là Thượng Đế đã trở thành người, và mang tên Giê-xu.” Tại sao ông hăng hái như vậy? Ông nói rõ mục đích lời truyền rao của ông là “hầu cho anh em cũng được giao thông với chúng tôi. Và, chúng tôi vẫn được giao thông với Đức Chúa Cha, và với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Christ.” Tin lành không ngừng ở chỗ dạy chúng ta một số tín điều trong đầu. Tin lành không ngừng ở chỗ Chúa đã chết để đền tội lỗi chúng ta trên thập tự giá, để chúng ta được sự tha tội. Nhưng Giăng đem tin lành đến cho chúng ta, cũng để nhờ đó chúng ta có sự thông công với Thượng Đế, là Đấng sáng tạo chúng ta.
Tôi có một người đồng nghiệp trong trường đại học. Trong văn phòng của anh có treo một tấm hình anh chụp với tổng thống Reagan. Những ai có dịp thăm Washington DC đều biết rằng trước tòa bạch ốc có nhiều thợ chụp hình, với những tấm hình bằng giấy của tổng thống. Mình có thể đứng cạnh bên, choàng vai tấm hình giấy đó, và chụp hình. Mặc dầu đây là điều không thật, anh bạn của tôi vẫn chưng tấm hình trong văn phòng. Tuần trước, khi học về sự tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết, chúng ta nói sự tấn tới không dừng ở chỗ là bỏ bớt tội này, tội kia, nhưng là do sự thông biết Chúa càng ngày càng đậm đà hơn. Giăng rao truyền tin lành cho chúng ta, để chúng ta không chỉ thành bạn thân của tổng thống nước Mỹ, nhưng để có được sự thông công với Đức Chúa Trời.
Sự thông công này đòi hỏi nhiều hơn là tình bạn. Nó đòi hỏi một điều gì sâu đậm, gắn bó hơn. Sự thông công là sự đồng hành, sự thông cảm, sự hiểu biết, và có cùng một nhịp đập trong tim. Hiểu như thế, chúng ta mới thấy một điều có thể làm ngăn cách sự thông công. Đó là tội lỗi. Nếu có tội lỗi nào chen giữa hai bên, sự thông công như thế sẽ không còn. Thay vì sáng tạo chúng ta như một cái máy, Chúa cho chúng ta tự do. Nhưng vì con người lạm dụng sự tự do đó và phạm tội, và vì Chúa thánh khiết không chấp nhận được tội lỗi, sự thông công giữa Ngài với chúng ta đã bị sứt mẻ. Chúa không còn thân thiện với con người tội lỗi nữa. “Trời đất từ đây xa cách mãi.”
Nhưng như Giăng nói, 2000 năm trước đây, khi ông còn sống trên thế gian, Thượng Đế đã trở thành con người, và đã chết trên thập tự giá, để phá vỡ sự ngăn cản giữa hai bên, để nối lại nhịp cầu giữa Trời và người. Bức màn ngăn cách hai bên đã bị xé toạc làm hai. Giờ đây, khi nhìn chúng ta, Chúa không thấy chúng ta tội lỗi nữa, vì dòng huyết của Chúa Giê-xu đã bao phủ, rửa sạch tội lỗi chúng ta. Ngược lại, nhờ Chúa Giê-xu, áng mây che phủ Thượng Đế đã tan di, khiến chúng ta có thể thấy Ngài. Giờ đây, chúng ta có một hình ảnh rõ ràng về Ngài qua Chúa Giê-xu. Chúng ta không còn thấy Ngài quá tàn ác, chỉ muốn trừng phạt chúng ta. Chúng ta bắt đầu ý thức được Thượng Đế không chỉ là một quan tòa thanh liêm, nhưng cũng là một người cha hiền, một Đấng Yêu Thương. Ngài không còn ở bên ngoài kia, không lưu tâm gì đến chúng ta, nhưng Ngài cho chúng ta cuốn kinh thánh, để chúng ta biết rõ về Ngài. Chúng ta có thể đến với Ngài trong sự cầu nguyện khi gặp khó khăn. Và Ngài cũng ở cùng chúng ta, và ban cho chúng ta sức lực để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong đời sống này.
Có một câu chuyện mà chắc nhiều người biết: Có một người đi dọc theo bờ biển. Nhìn lại đoạn đường đời của mình, ông ta thấy có hai dấu chân. Ông biết một dấu chân là của mình, và dấu kia là của Chúa. Nhưng nhìn kỹ lai, ông bỗng thấy có một điều lạ lùng: Có lúc có hai dấu chân đi song song, nhưng có lúc chỉ còn một dấu. Nhìn kỹ hơn, ông thấy những lúc còn một dấu chân lại là những lúc đau khổ nhất trong đời ông. Ông ta mới hỏi Chúa. “Chúa ơi, Chúa hứa cùng đi với con trong suốt đời con. Thế mà, trong những lúc con gặp khó khăn, con chỉ thấy có một dấu chân thôi! Có phải Chúa bỏ con trong những lúc đó hay không?” Chúa trả lời, “Không, đó là những lúc Ta ẵm con trong lòng.”
2. Để chúng ta có sự sống đời đời
Sự thông công với Đức Chúa Trời không chấm dứt khi chúng ta lìa đời, nhưng kéo dài đến vô cực. Thứ tư vừa rồi, má tôi tắm trong buồng tắm, té, và mất. Hôm qua, chúng tôi làm lễ an táng cho bà. Nhưng lễ an táng nay đối với tôi không có gì đau buồn hết, vì bà đã tin nhận Chúa mấy năm về trước. Khi bà biết tin nhận Chúa rồi, không những bà có Chúa đi cùng trong đời sống này, nhưng bà cũng có sự sống đời đời. Như hôm qua tôi chia xẻ với hội thánh. Thân xác của bà chỉ là cái áo tạm để bà mặc trên đời này mà thôi. Khi mất đi, bà cởi áo đó ra, bỏ lại trên thế gian. Khi một người chưa biết Chúa, chưa có sự thông công với Ngài, bỏ cái áo-thể-xác này ra, họ trở thành trần truồng, không có áo mới để mặc vào. Nhưng người biết đặt niềm tin vào Chúa có một cái áo khác, áo mới từ nơi Chúa, để sống đời đời với Ngài.
3. Để chúng ta có sự vui mừng
Giăng kết luận trong câu 4, “Chúng tôi viết những điều đó cho anh em, hầu cho sự vui mừng của chúng tôi được đầy dẫy.” Trong nguyên bản không có sự phân biệt giữa sự vui mừng của chúng tôi, hay của chúng ta. Chúng ta nên dịch là, “hầu cho sự vui mừng của chúng ta được đầy dẫy.” Sự vui mừng đến, vì chúng ta có Chúa cùng đi trên đường đời này, và chúng ta biết mình đi về đâu sau khi chết. Chúng ta có sự vui mừng, và sự bình an mà không có gì mua được.
Khi có sự thông công vơi Chúa rồi, chúng ta cũng sẽ có sự thông công với nhau. Chữ thông công theo tiếng Mỹ là fellowship, mà có người nói là có hai fellows ở trong cùng một ship, hay hai người ở trong cùng một chiếc tàu. Muốn có sự thông công, chúng ta phải có cái gì chung, để có thể chia xẻ với nhau. Chúng ta đều là người Việt Nam, có cùng một ngôn ngữ, tập quán, và vì thế có thể thông cảm những khó khăn của nhau. Sách Phi-e-rơ thứ hai dạy là tất cả mọi người tín đồ đều mang bổn tánh của Đức Chúa Trời. Giăng giờ đây nói là chúng ta đều có sự thông công với Đức Chúa Trời, không những trên đời này, nhưng kéo dài đến đời đời. Nhờ có sự bình an với Chúa đó, giờ đây chúng ta có sự vui mừng, bình an của Chúa trong tâm hồn, và sự bình an với nhau.
Tôi xin những ai ngồi trong phòng này, mà chưa có lần tin nhận Chúa Giê-xu, nói với Ngài, “Chúa ơi, con tin Ngài. Con muốn nhận Ngài làm Chúa Cứu Thế cho đời con.” Xin hãy làm điều này ngày hôm nay. Vì chỉ khi đã làm điều đó, chúng ta mới thấy được sự bình an vui vẻ trên đời này, cũng như mới biết chắc được là sau khi chết mất, mình sẽ đi về đâu.
Mục Sư Đỗ Lê Minh