Trang Đầu | Mục Lục | Hướng Dẫn

Bài 1

TRÁCH NHIỆM NHẮC NHỞ

II PHI-E-RƠ 1:1-2, 12-15

 

I. Nhắc nhở lẽ thật

Kính thưa quý vị, đây là lần đầu tiên chúng ta có buổi thờ phượng, và lần đầu tiên tôi chia xẻ lời Chúa với quý vị. Tôi xin chọn vài câu kinh thánh trong sách Phi-e-rơ thứ nhì để nói lên tâm tình của mình. Về già, sau khi đã trải qua nhiều biến đổi trong đời sống, Phi-e-rơ tâm sự trong đoạn 1, từ câu 12, như thế này:

12. Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi.

13. Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm nầy bao lâu, thì coi sự lấy lời rao bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy;

14. vì tôi biết tôi phải vội lìa nhà tạm nầy, như Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đã bảo cho tôi.

15. Nhưng tôi ân cần rằng sau khi tôi đi, anh em có thể hằng nhớ điều tôi đã nói.

Thưa quý vị, đó là câu kinh thánh tôi sẽ dựa vào để làm căn bản cho việc hầu việc Chúa của tôi. Tôi được huấn luyện để sáng tác, khám phá điều này, điều kia, trong khoa học. Nhưng khi được kêu gọi đi hầu việc Chúa, chỉ có một điều tôi muốn làm mà thôi, đó là nhắc nhở quý vị những điều trong kinh thánh. Chúng ta thường quên. Làm thầy, tôi biết học trò tôi quên rất nhiều. Quý vị có biết tại sao tôi biết hay không? Vì chính ông thầy cũng quên nữa! Đầu óc chúng ta có giới hạn. Nếu nhớ điều này, thì chúng ta lại quên điều khác. Hơn nữa, có điều chúng ta thích nhớ, có điều không. Có người nói như thế này, “Tôi nghe một điều tục tĩu hai mươi năm về trước, nhưng vẫn nhớ; trong lúc tôi nghe lời Chúa mỗi tuần, thì lại quên.” Vì thế chúng ta phải nhắc nhở lẫn nhau về đạo Chúa. Không những thế, ngay cả từ thế kỷ đầu tiên, Phi-e-rơ cũng đã ghi nhận là có những giáo sư giả len lỏi vào hội thánh, để dạy những điều sai lầm. Nếu chúng ta không nhắc nhở lẫn nhau về những điều trong kinh thánh, thì chúng ta sẽ bị những giáo sư giả đó hướng dẫn theo con đường lầm lạc.

Phi-e-rơ nói, “12. Bởi vậy cho nên, dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật...” Không nói với những người không biết Chúa, ông nói chuyện với những người đã biết rõ ràng lẽ thật, nhưng ông vẫn muốn nhắc đi nhắc lại tin lành. Giả sử chúng tôi có một người con gái. Tôi chắc là vợ tôi sẽ dặn đi dặn lại, “Nếu có người lạ nào rủ lên xe, đừng lên.” Giả sử thêm là, hôm nọ trường học gởi một lá thơ về nhà, khuyến cáo cha mẹ phải đề phòng, vì có một người lảng vảng xung quanh vùng, dụ dỗ con gái. Vợ tôi chắc sẽ càng nhắc nhở con tôi phải cẩn thận. Mặc dù nó cứ nói, “I Know! I Know!” nhưng vợ tôi vẫn nhắc, vì biết rằng, có thể lúc bình thường mình nhớ, nhưng trong lúc đối diện với vấn đề, mình lại quên. Và đó là thái độ của Phi-e-rơ, và cũng là của tôi. Mặc dầu chúng ta đã biết rõ ràng và chắc chắn về sự thật của tin lành, nhưng trong đời sống còn lại của tôi, tôi vẫn chỉ muốn nhắc đi nhắc lại sự thật đó cho người tín hữu.

Chúng ta thấy trách nhiệm nhắc nhở được nói đến từ đầu đến cuối cuốn kinh thánh. Trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký, trước khi dân sự của Chúa vượt qua sông Giô-đanh để bước vào đất hứa, Môi-se luôn nhắc lại những điều đã xảy ra trước đó, để người Do Thái không quên những điều Chúa đã làm cho họ. Chẳng hạn như

• đoạn 8, câu 2, “Hãy nhớ trọn con đường nơi đồng vắng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã dẫn ngươi đi trong bốn mươi năm nầy;

• đoạn 8, câu 11, “Ngươi khá cẩn thận, e quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, không giữ gìn những điều răn, mạng lịnh và luật lệ của Ngài, mà ngày nay ta truyền cho ngươi chăng; lại e sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng, và mọi tài sản mình dư dật rồi, thì bấy giờ lòng ngươi tự cao, quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, là Đấng đã đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, tức khỏi nhà nô lệ chăng;”

• đoạn 8, câu 18, “Hãy nhớ lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vì ấy là Ngài ban cho ngươi sức lực đoạt được những sản nghiệp, để làm trọn sự giao ước Ngài đã thề cùng tổ phụ ngươi, y như Ngài đã làm ngày nay. Nếu ngươi quên Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà theo các thần khác, hầu việc và quì lạy trước các thần ấy, thì ngày nay ta cáo quyết rằng: Các ngươi hẳn sẽ bị diệt mất!”

• đoạn 16, câu 3, “Với lễ Vượt-qua, chớ ăn bánh pha men; trong bảy ngày ngươi sẽ ăn bánh không men, tức là bánh hoạn nạn, đặng giữ lễ ấy, vì ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô vội vàng; hầu cho trọn đời ngươi nhớ ngày mình đã ra khỏi xứ Ê-díp-tô.”

Giữa cuốn Cựu Ước là những Thi Thiên. Đọc Thi Thiên dài nhất trong đó, là Thi Thiên 119, chúng ta thấy đầy dẫy những câu hứa nguyện không quên lời Chúa:

• câu 16, “Tôi sẽ chẳng quên lời của Chúa;”

• câu 83, “Nhưng tôi không quên các luật lệ Chúa;”

• câu 93, “Tôi chẳng hề quên giềng mối Chúa;”

• câu 109, “Nhưng tôi không quên luật pháp Chúa;” và

• câu cuối cùng, “Tôi không quên điều răn của Chúa.”

Qua phần Tân Ước, khi lập nên tiệc thánh, Chúa Giê-xu dạy, “Này là thân thể Ta, hãy làm điều này để nhớ đến Ta.”

Trách nhiệm nhắc nhở không chỉ là trách nhiệm của người mục sư trong hội thánh, hay của những giáo sư trường Chúa nhật, nhưng phải là của mỗi người trong hội thánh. Chúng ta phải ân cần nhắc nhở lẫn nhau sự thật, để chúng ta không quên, để có những phản xạ tự nhiên, làm đẹp lòng Chúa, khi đối diện với những biến cố trong đời. Xin Chúa tiếp tục ban ơn cho chúng ta, để chu toàn trách nhiệm này.

II. Lẽ thật của sự cứu rỗi

Phi-e-rơ nói trong câu 12, “Tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi.” Xin chúng ta hãy trở ngược lại phần đầu của chương thứ nhất, để xem những “điều đó” là điều gì. Hôm nay, tôi chỉ xin nói đến hai điều: một điều liên quan đến quá khứ, và một điều liên quan đến hiện tại.

1. Quá khứ

Phi-e-rơ nói đến quá khứ trong câu đầu tiên, “Si-môn Phi-e-rơ, làm tôi tớ và sứ đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ, gởi cho những kẻ cậy sự công bình của Đức Chúa Trời chúng ta và của Cứu Chúa là Đức Chúa Giê-xu Christ, đã lãnh phần đức tin đồng quí báu như của chúng tôi.” Ông nhắc là chúng ta đã có một đức tin đem lại sự cứu rỗi, và chúng ta nên quý đức tin đó. Giống như nhiều tình nhân đã để mối tình nguội dần theo năm tháng, là người tin Chúa 10 năm, 20 năm về trước, ngày nay chúng ta có thể đã quên, ngay cả quên là mình đã có lần có đức tin đó.

a. Lãnh phần đức tin

Thứ nhất, Phi-e-rơ dùng chữ “lãnh phần.” Chữ này chỉ được dùng 4 lần trong Tân Ước, và nói đến việc bốc thăm, như người lính La Mã bốc thăm để lấy áo xống của Chúa. Phi-e-rơ hàm ý là đức tin của chúng ta không phải là do công đức hay việc làm của mình, nhưng đến như mình đã “trúng số.” Vài năm trước tôi đưa gia đình về Việt Nam, về một nơi “khỉ ho cò gáy” là Tháp Chàm ở Phan Rang. Tôi nói với các con tôi rằng tôi cám ơn Chúa, vì mặc dầu tôi sinh trưởng ở đó, một nơi không ai biết Chúa, ngày nay Chúa cho tôi biết Ngài. Thành ra, biết được Chúa là một vinh dự lớn. Cám ơn Chúa, là Ngài đã chọn mỗi người chúng ta từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, và đặt chúng ta lại đây để cùng nhau thờ phượng Ngài. Tất cả những điều đó đến như chúng ta đã trúng số. Nếu quý vị bỏ 5 đồng, 10 đồng mua vé số bên ngoài, niềm hy vọng thành triệu phú của quý vị rất mong manh. Nhưng nếu quý vị chưa biết là mình đã trúng một gia tài kết xù, nhiều hơn triệu triệu đô-la bên ngoài, thì xin quý vị biết là Chúa yêu thương quý vị, đang chờ quý vị đưa tay ra nhận vé số đã trúng từ Ngài, không cần phải xổ số gì hết! Trong tình yêu thương dành cho chúng ta, Chúa cho chúng ta lãnh phần một đức tin quí giá.

b. đức tin đồng quí-báu

Tôi nghe rất nhiều người nói là họ mong có được một đức tin giống như mục sư này, hay tín hữu kia. Và có lẽ không bao giờ mình mong có được một đức tin giống như các vị sứ đồ của Chúa. Nhưng tôi có một tin mừng cho quý vị, ấy là Phi-e-rơ nói trong câu một rằng chúng ta có đồng một đức tin, đồng hạng, đồng loại, cùng quý báu, không thua kém gì, so với đức tin của ông. Khi chúng ta đã biết đặt niềm tin vào Chúa rồi, thì thế đứng của chúng ta trước mặt Chúa giống nhau, và cũng giống như thế đứng của Phi-e-rơ. Trong hội thánh, không còn sự phân biệt giữa người nô lệ hay người tự chủ, người Do Thái hay người ngoại, người có học thức hay không, người bệnh hoạn hay không.... Không bao giờ có giai cấp trong niềm tin; không bao giờ có 144 ngàn người được chọn. Xin đừng ai nghĩ mình là “phó thường dân,” trong hội thánh. Ngay cả nếu quý vị đã tin Chúa nhưng chưa nhận phép báp-têm, xin đừng cho là đức tin của mình thua kém. Phi-e-rơ gọi chúng ta “là những kẻ cậy sự công bình của Đức Chúa Trời.” Vì Ngài là công bình, mỗi người được chọn đều ngang hàng, bình đẳng với nhau.

2. Hiện tại: Có sự nhận biết sâu nhiệm

Bây giờ Phi-e-rơ nói thêm một điều về niền tin trong hiện tại. Ông cầu nguyện trong câu 2, “Nguyền xin ân điển và sự bình an được gia thêm cho anh em.” Nhưng ông không chấm dứt ở đây. Ông muốn nhắc nhở chúng ta thêm một điều khác, đó là bí quyết để có sự bình an trong Chúa là “bởi sự nhận biết sâu nhiệm Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, là Chúa chúng ta!” Nhiều người tín đồ không có sự bình an, và Phi-e-rơ nhắc là, sở dĩ chúng ta thiếu sự bình an là vì chúng ta không nhận biết Đức Chúa Trời.

Tôi ghi thêm chữ “sâu nhiệm” sau chữ “nhận biết” ở đây. Đúng ra, chúng ta phải dịch như vậy. Tôi xin chỉ quý vị hai chữ Hy Lạp trong kinh thánh: thứ nhất là chữ gnosis, tức là sự hiểu biết (bây giờ tiếng Anh có chữ knowledge); thứ hai là chữ epignosis, tức là sự hiểu biết sâu nhiệm. Phi-e-rơ muốn nói rằng, nếu muốn có sự bình an, chúng ta phải có epignosis về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, chứ không phải chỉ có gnosis. gnosis đòi hỏi sự hiểu biết về Chúa trên đầu, nhưng epignosis đòi hỏi thêm sự hiểu biết trong trái tim. Không những chúng ta phải biết về Chúa, nhưng cũng phải có sự liên hệ mật thiết với Ngài trong đời sống hằng ngày. gnosis đến từ bên ngoài, nhưng epignosis đến từ tận trong đáy lòng chúng ta. gnosis đến từ việc học, nhưng epignosis đến từ vừa học vừa hành. Chúng ta phải áp dụng những điều chúng ta học được vào đời sống hàng ngày, để có sự hiểu biết sâu nhiệm về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu. Có gnosis, chúng ta có thể làm thầy, làm mục sư, làm giáo sư trường Chúa nhật; nhưng có epignosis, chúng ta làm đầy tớ, để phục vụ Chúa và người khác.

Nếu chúng ta có epignosis về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ nói là chúng ta phải có sự bình an. Nếu thiếu sự bình an, đó là vì chúng ta không có epignosis đó.

Để chấm dứt bài giảng hôm nay, tôi xin chia xẻ với quý vị một đoạn kinh thánh. Trong sách Khải Huyền đoạn 2, Giăng ghi lại lời Chúa Giê-xu nói về hội thánh Ê-phê-sô. Chúa ngợi khen hội thánh Ê-phê-sô rất nhiều: “Này là lời phán của Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu, và đi chính giữa bảy chân đèn vàng: Ta biết công việc ngươi, sự khó nhọc ngươi, sự nhịn nhục ngươi.” Ta biết ngươi xông xáo làm việc này việc kia, ngươi làm mục sư, làm giáo sư trường Chúa nhật,... Ta biết gnosis của các ngươi. “Ta biết ngươi không thể dung được những kẻ ác.” Ta biết các ngươi rất trong sạch, không dung thứ tội ác, biết sửa trị người tội lỗi trong hội thánh. “Ta biết ngươi đã thử kẻ tự xưng là sứ đồ mà không phải là sứ đồ, ngươi đã rõ rằng chúng nó giả dối.” Ta biết các ngươi có một nền thần học rất vững, dạy dỗ rất đúng. Câu 6, “Ngươi có điều này khá, là ngươi ghét những việc làm của đảng Ni-cô-la, mà ta cũng ghét nữa.” Nhưng xin chúng ta đọc câu 4, “Nhưng điều ta trách ngươi, là ngươi đã bỏ lòng kính mến ban đầu.” Bây giờ ngươi đã đánh mất epignosis, chỉ còn gnosis! Và ta trách ngươi điều đó. Ta nhắc ngươi hãy trở lại niềm tin ban đầu, khi ngươi mới tin ta, muốn dâng hiến trọn vẹn đời ngươi cho ta, muốn đi ra nói với người khác về ta.

Xin quý vị đứng lên để tái dâng cuộc đời cho Chúa, và nói rằng, “Chúa ơi con muốn bắt đầu lại, với tình yêu ban đầu của con. Con muốn có epignosis về Chúa....

Mục Sư Đỗ Lê Minh