Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 9 | Hướng Dẫn
GIĂNG 4:1-26
Kính thưa quý vị: Tuần trước chúng ta học về cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu với một người được trọng vọng nhất trong xã hội Do-thái lúc đó tên Ni-cô-đem. Hôm nay chúng ta sẽ học về cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-xu với một người bị coi thường nhất lúc đó, được ghi trong sách Tin-lành Giăng đoạn 4, từ câu 1 đến câu 26:
1 Khi Chúa đã hay rằng người Pha-ri-si có nghe đồn Ngài gọi và làm phép báp tem được nhiều môn đồ hơn Giăng,
2 (kỳ thiệt không phải chính Ðức Chúa Giê-xu làm phép báp tem, nhưng là môn đồ Ngài),
3 thì Ngài lìa xứ Giu-đê trở về xứ Ga-li-lê.
4 Vả, Ngài phải đi ngang qua xứ Sa-ma-ri.
5 Vậy Ngài đến một thành thuộc về xứ Sa-ma-ri, gọi là Si-kha, gần đồng ruộng mà Gia-cốp cho Giô-sép là con mình.
6 Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Nhân đi đường mỏi mệt, Ðức Chúa Giê-xu ngồi gần bên giếng; bấy giờ độ chừng giờ thứ sáu.
7 Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy cho ta uống.
8 Vì môn đồ Ngài đã đi ra phố đặng mua đồ ăn.
9 Người đàn bà Sa-ma-ri thưa rằng: Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao? (Số là, dân Giu-đa chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri.)
10 Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Ðức Chúa Trời, và biết người nói: “Hãy cho ta uống” là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống.
11 Người đàn bà thưa: Hỡi Chúa, Chúa không có gì mà múc, và giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy?
12 Tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp để giếng nầy lại cho chúng tôi, chính người uống giếng nầy, cả đến con cháu cùng các bầy vật người nữa, vậy Chúa há lớn hơn Gia-cốp sao?
13 Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi;
14 nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.
15 Người đàn bà thưa: Lạy Chúa, xin cho tôi nước ấy, để cho tôi không khát và không đến đây múc nước nữa.
16 Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây.
17 Người đàn bà thưa rằng: Tôi không có chồng. Ðức Chúa Giê-xu lại phán: Ngươi nói rằng: Tôi không có chồng, là phải lắm;
18 vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy.
19 Người đàn bà thưa rằng: Lạy Chúa, tôi nhìn thấy Chúa là một đấng tiên tri.
20 Tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi nầy; còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem.
21 Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Hỡi người đàn bà, hãy tin ta, giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem.
22 Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến.
23 Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.
24 Ðức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.
25 Người đàn bà thưa: Tôi biết rằng Ðấng Mê-si (nghĩa là Ðấng Christ) phải đến; khi Ngài đã đến, sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta.
26 Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta, người đang nói với ngươi đây, chính là Ðấng đó.
Trước hết, xin chúng ta tìm hiểu bối cảnh của câu chuyện. Người Do-thái lúc đó rất ghét và khinh bỉ người Sa-ma-ri. Như Giăng nói ở trong câu 9: “Số là, dân Giu-đa chẳng hề giao thiệp với dân Sa-ma-ri.” Khoảng chừng 700 trăm năm trước đó, miền Bắc Do-thái bị mất vào tay người Assyrians, và đa số dân vùng này phải chịu tản mác khắp nơi. Ðồng thời, người Assyrians cũng cho người từ những vùng khác đến định cư nơi đây. Người Do-thái ở lại tiếp cận, giao díu với những người từ xa lại, và trở thành một giống dân không còn thuần túy Do-thái, nhưng có thể gọi là “mất gốc.” Không những họ mất gốc về phương diện dân tộc, nhưng cũng về phương diện tôn giáo nữa: Chịu ảnh hưởng của người ngoại quốc, họ không còn thờ phượng Ðức Giê-hô-va tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem nữa, nhưng lại xây một đền thờ riêng trên núi Ga-ri-xim. Người Do-thái vì thế khinh bỉ người Sa-ma-ri, đến nỗi không thèm tiếp xúc với họ. Trong bản đồ tôi chiếu ở đây, phía dưới là xứ Giu-đa thuộc người Do-thái; phía trên là xứ Ga-li-lê cũng thuộc người Do-thái; và chính giữa là xứ Sa-ma-ri. Dầu đường đi ngắn nhất từ Giu-đa đến Ga-li-lê phải băng qua xứ Sa-ma-ri, người Do-thái tránh làm điều này, nên chẳng thà băng qua sông Giô-đanh, để đi bên ngoài xứ Sa-ma-ri, rồi lại băng qua sông trở vào Ga-li-lê.
Trong câu chuyện Giăng kể ở đây, Chúa Giê-xu đã đi ngang qua vùng Sa-ma-ri, như thể sẵn sàng tiếp xúc với người xứ đó. Không những thế, Ngài còn sẵn sàng nói chuyện với một người đàn bà, dầu lúc đó người ta không coi đàn bà ra gì hết. Hơn nữa, đây là một người đàn bà có thành tích rất xấu xa, bị chính dân Sa-ma-ri khinh bỉ. Câu 6 cho biết, “bấy giờ độ chừng giờ thứ sáu,” tức khoảng giữa trưa nắng. Thông thường, người ta chỉ đi múc nước vào buổi sáng hay chiều, vì trời mát. Chỉ có những người bị xã hội khinh bỉ, chê bai mới phải đi múc nước giữa trưa nắng để tránh người khác.
Giăng kể tiếp, “6Tại đó có cái giếng Gia-cốp. Nhân đi đường mỏi mệt, Ðức Chúa Giê-xu ngồi gần bên giếng; bấy giờ độ chừng giờ thứ sáu. 7Một người đàn bà Sa-ma-ri đến múc nước. Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy cho ta uống.” Trong lúc mỏi mệt, thấy một người đàn bà đến múc nước giếng, đáng lẽ làm lơ, ngó đi chỗ khác như mọi người, Chúa Giê-xu lại nói chuyện với bà. Bài học chúng ta học được ở đây là, đối diện với người chưa tin Chúa, những điều như sắc tộc, nghề nghiệp, bằng cấp không thành vấn đề. Tôi mong là chúng ta không coi thường một người nào đến nỗi không nói chuyện với họ, đặc biệt là không chia sẻ Tin-lành với họ.
Nói chuyện với người đàn bà đi gánh nước đó, Ngài không bắt đầu bằng vấn đề thuộc linh không thấy được, nhưng với một điều cụ thể mà người nghe có thể hiểu được: “7 Hãy cho ta uống.” Ðây cũng là điều chúng ta cần học khi chia sẻ Tin-lành. Chẳng hạn như khi nói chuyện với một người thích nấu ăn, chúng ta có thể bắt đầu với việc nấu ăn. Không những đây là một bí quyết thành công trong việc làm chứng, nhưng cũng là một phương cách khôn ngoan trong giao tế hàng ngày.
Người đàn bà Sa-ma-ri trả lời một cách mai mỉa, “9Ủa kìa! ông là người Giu-đa, mà lại xin uống nước cùng tôi, là một người đàn bà Sa-ma-ri sao?” Xin để ý rằng, dầu bắt đầu bằng điều vật chất mà người đàn bà đó hiểu được là nước uống, Chúa Giê-xu không dừng lại lâu ở đó, và cũng không để ý đến sự mai mỉa của bà, nhưng vội nâng cuộc đối thoại lên cao hơn, và nói đến điều thuộc linh, tức là nước hằng sống, “10Ví bằng ngươi biết sự ban cho của Ðức Chúa Trời, và biết người nói: “Hãy cho ta uống” là ai, thì chắc ngươi sẽ xin người cho uống, và người sẽ cho ngươi nước sống.”
Dĩ nhiên là, như bao người khác, bà chỉ biết những điều vật chất thôi, và không hiểu được ý nghĩa thuộc linh của chữ “nước sống.” Ðối với bà, đó là “nước chảy,” khác với “nước tù,” như nước trong giếng. Nếu nước tù mà Chúa còn không có gáo để múc uống, thì làm sao Ngài có nước sống để cho bà? Vì thế bà trả lời, “11Hỡi Chúa, Chúa không có gì mà múc, và giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy? 12Tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp để giếng nầy lại cho chúng tôi, chính người uống giếng nầy, cả đến con cháu cùng các bầy vật người nữa, vậy Chúa há lớn hơn Gia-cốp sao?” Cũng vậy, khi nghe chúng ta nói đến những điều thuộc linh như sự bình an, trong đầu người chưa biết Chúa chỉ thấy một cách để có nó, tức là kiếm tiền: Càng có nhiều tiền chừng nào thì càng vui chừng đó, càng bình an chừng đó. Có một căn nhà, một chiếc xe càng lớn, càng được hạnh phúc. Vì chỉ nghĩ đến gáo múc nước để uống, đến cần câu cá để ăn, xem công ăn việc làm, bằng cấp, danh vọng như những phương tiện để có sự vui vẻ trên đời, nghe chúng ta làm chứng, phản ứng đầu tiên trong đầu một người có thể là, “Nghèo rớt mồng tơi như anh thì làm sao có thể dạy tôi về vấn đề bình an, hạnh phúc!”
Như mọi người, người đàn bà này chỉ nhìn đời theo cái nhìn vật chất. Vì thế, Chúa cho bà thấy sự thật: “13Phàm ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi.” Nếu xem những điều vật chất như phương tiện để tìm kiếm sự bình an, sự thỏa lòng, thì các ngươi sẽ không bao giờ kiếm được. Xin đừng nghĩ rằng mình sẽ được thỏa mãn khi có một ngàn đồng. Nếu có một ngàn đồng, mình sẽ muốn có hai; có hai ngàn, mình sẽ muốn có mười.... Xin đừng nghĩ rằng tối nay về nhà tôi cầm chén rượu uống say sưa là sẽ quên đời và được bình an. Thưa không, ngày mai sự chán đời sẽ trở lại, và mình phải uống thêm chai rượu khác. Càng ngày mình càng phải uống nhiều thêm, nhiều thêm, và càng ngày càng cảm thấy thêm khát khao.
Ðiều chúng ta phải học ở đây là chúng ta phải cho người khác ý thức được sự khao khát thuộc linh trong lòng mình. Linh hồn chúng ta có một sự trống rỗng, một hố thẳm. Ðiều đáng buồn là, vì tội lỗi, chúng ta không ý thức được rằng mình có sự khao khát thuộc linh, giống như một người bệnh biết thân thể mình cần một điều gì đó, nhưng không biết điều gì. Nếu chúng ta nói về Chúa cho một người mà không cho họ thấy nhu cầu thuộc linh trong linh hồn họ trước, thì cố gắng của chúng ta sẽ thành vô ích. Nếu họ vẫn còn để mắt chăm chăm nhìn vào công ăn, việc làm, hết điều vật chất này đến điều vật chất kia, thì chúng ta không thể nói với họ điều gì về Thượng Ðế.
Sau khi cho người đàn bà đó thấy căn bịnh thuộc linh trong lòng mình, Chúa cho bà một giải pháp: “14nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời.” Ngài không có ý nói rằng chúng ta sẽ bao giờ biết khát nữa, nhưng khi chúng ta khát, Ngài là một nguồn nước vô tận sẽ làm thỏa mãn sự khát khao của mình. Có một người Ả-rập tên Lawrence-xứ-Arabia. Sau thế chiến thứ nhất, ông sống tại Paris và có một số bạn của ông từ sa mạc qua thăm. Quý vị biết Paris có điều gì làm các bạn ông ngạc nhiên nhất không? Thưa, đó là vòi nước. Chỉ cần vặn một cái là nước chảy ra! Trước khi về lại sa mạc, họ tìm cách gỡ vòi nước đem về, tưởng rằng về đó thì họ cũng chỉ cần vặn nó là có nước chảy ra. Họ không biết rằng vòi nước đó phải được nối với một hồ nước để cung cấp nước cho vòi. Cũng vậy, con người chúng ta cũng cần phải được nối liền với nguồn sống là Ðức Chúa Trời. Ngài sẽ cho một dòng suối thuộc linh tuôn chảy vào chúng ta, để biến đời sống chúng ta từ một sa mạc khô cằn thành một đồng cỏ xanh tươi.
Trong lúc Chúa muốn đưa bà lên cao để có thể thấy điều cao hơn, bà vẫn trì Chúa xuống những điều vật chất, trước mặt: “15Người đàn bà thưa: Lạy Chúa, xin cho tôi nước ấy, để cho tôi không khát và không đến đây múc nước nữa.” Dầu sao đi nữa, sự suy nghĩ của bà cũng được nâng lên cao hơn một tí. Ban đầu bà gọi Chúa Giê-xu là “ông,” như trong câu 9, “Ông là người Giu-đa,” nhưng bây giờ bà thưa, “Lạy Chúa.” Bà bắt đầu thấy có điều gì lạ lùng, khác thường trong Chúa Giê-xu, nhưng vẫn không hiểu được ý nghĩa thuộc linh mà Ngài muốn nói đến.
Sau khi cho người đàn bà đó thấy nhu cầu thuộc linh của mình, Chúa Giê-xu cho bà biết mình là người tội lỗi. “16Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây. 17Người đàn bà thưa rằng: Tôi không có chồng. Ðức Chúa Giê-xu lại phán: Ngươi nói rằng: Tôi không có chồng, là phải lắm; 18vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy.” Như chúng ta học tuần trước, ông Ni-cô-đem là một người cao trọng trong xã hội Do-thái lúc đó. Dầu vậy, Chúa vẫn cho ông biết ông là người tội lỗi, những thành tích trên đời của ông không giúp được ông, và ông phải bắt đầu lại từ đầu, phải được sanh lại. Cũng vậy, sau khi làm người ta biết khao khát những điều thuộc linh, chúng ta phải nhìn vào mình, để biết rõ chân tướng tội lỗi của mình trước khi có thể nhìn lên Chúa. Nếu chỉ nói những điều ngọt ngào, nhằm nịnh hót tâng bốc người khác, người giảng đạo Tin-lành không làm tròn trách vụ của mình. Chúng ta phải thách thức người khác trước hết nhìn vào lòng mình, vào đời sống mình, và chấp nhận mình là người tội lỗi. Chỉ khi biết mình bị bệnh, chúng ta mới mới đi tìm bác sĩ, tìm thuốc chữa. Ðây là liều thuốc đắng, nhưng dã tật. Nếu vẫn nghĩ mình hoàn hảo, luôn ăn hiền ở lành, làm bao nhiêu việc thiện, thì người ta sẽ không bao giờ thấy Chúa.
Sau khi Chúa cho bà biết mình tội lỗi, bà liền làm gì? Thưa, đổi đề tài, đánh trống lảng. Ðang nói về những người chồng của bà, bà nói: “20Tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi nầy; còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem.” Ðây cũng là thái độ của rất nhiều người khi đối diện với đạo Chúa, với sự thật về con người mình. Họ bắt đầu đưa ra những vấn đề như sự khác nhau giữa Công-giáo và Tin-lành, giữa các giáo phái.... Vì thế Chúa không trả lời, không để bà đưa vào sự cãi vã vô ích. Chúng ta phải học điều này, đừng để người khác đặt những câu hỏi bên lề, liên hệ đến những tổ chức tôn giáo hơn là đến Ðức Chúa Trời, rồi bắt đầu cải tới cải lui, đưa chúng ta vào một mê hồn trận mà không biết mình đi đâu.
Chúng ta phải đưa họ về Chúa Giê-xu, về sự thờ phượng thật, như Chúa Giê-xu đã làm ở đây. Ngài trả lời rằng nơi thờ phượng không là vấn đề: “21Hỡi người đàn bà, hãy tin ta, giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem.” Trong khi chúng ta đang thờ phượng trong một ngôi đền thờ khang trang này, có nhiều tín hữu ở Việt-nam phải chen chúc thờ phượng ở một góc kẹt trong một căn nhà nhỏ. Ðiều này không làm sự thờ phượng của chúng ta làm đẹp lòng Thượng Ðế hơn. Vấn đề quan trọng là thờ phượng bằng cách nào và thờ phượng ai. Về cách nào, Chúa dạy: “23Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. 24Ðức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” Thờ phượng Chúa bằng tầm thần và lẽ thật tức là thờ phượng bằng cả trái tim (nói đến tình cảm chân thành, không hời hợt) và đầu óc (nói đến chân lý, không phải bạ ai cũng thờ). Thờ phượng bằng tâm thần nhưng thiếu lẻ thật là cuồng tín, tà đạo, cuối cùng chỉ làm hại cho chính mình và người khác. Thờ phượng bằng lẻ thật nhưng thiếu tâm thần là thiếu yêu thương, cứng đờ, cãi lẫy, lý thuyết.
Về vấn đề thờ phượng ai, Chúa Giê-xu trả lời trong phần đối thoại sau: “25Người đàn bà thưa: Tôi biết rằng Ðấng Mê-si (nghĩa là Ðấng Christ) phải đến; khi Ngài đã đến, sẽ rao truyền mọi việc cho chúng ta. 26Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Ta, người đang nói với ngươi đây, chính là Ðấng đó.” Trong những câu chuyện hàng ngày, chúng ta có thể thay đổi đề tài, và không biết mình chấm dứt với đề tài gì, nhưng sự chia sẻ Tin-lành của chúng ta cuối cùng phải được tập trung, tụ hội về Chúa Giê-xu. Chính Ngài là nguồn của sự sống, là nguồn nước tuôn chảy trong đời sống chúng ta, để thỏa mãn những khao khát trong tâm hồn chúng ta, để nó thôi khô cằn, rạn nứt. Chỉ qua Ngài, chúng ta mới có thể đến với Thượng Ðế, để có một đời sống vĩnh viễn, đời đời. Chúng ta có thể bỏ cả tuần lễ, cả tháng, cả năm để cho một người có sự khao khát về những điều thuộc linh, biết mình tội lỗi và cần sự cứu rỗi, biết rằng sự thờ phượng phải lẽ phải bằng tâm thần và lẽ thật, nhưng nếu không đưa họ đến Chúa Giê-xu, chúng ta thất bại hoàn toàn. Chúng ta có thể đưa một người đến hội thánh này để thấy sinh hoạt của hội thánh, nhưng nếu không đưa họ đến Chúa Giê-xu, chúng ta thất bại hoàn toàn. Chúng ta có thể đứng trước hội-thánh giảng thuyết về kinh tế, chính trị, xã hội nhưng nếu người nghe không biết gì thêm về Chúa Giê-xu, chúng ta thất bại hoàn toàn.
Tóm lại, qua mẫu đối thoại giữa Chúa Giê-xu với người đàn bà Sa-ma-ri, chúng ta học được những điều gì? Chúng ta thấy có ba giai đoạn rất quan trọng khi chia sẻ Tin-lành với người khác. Ðầu tiên, chúng ta phải làm họ ý thức được những điều thuộc linh mà họ không biết. Chúng ta phải cho họ thấy trong tâm hồn họ có một sự trống vắng, một sự thiếu thốn những gì cao hơn những điều vật chất bên ngoài. Sau đó, chúng ta phải cho họ biết là họ là người tội lỗi. Cuối cùng, họ cần phải biết rằng họ không thể nào tự làm thỏa mãn những nhu cầu thuộc linh của họ, không thể nào tự cứu họ được. Họ phải đến với Chúa Giê-xu, vì chỉ có Ngài mới có thể làm linh hồn họ tái sanh, mới có thể thỏa mãn những nhu cầu thuộc linh trong họ.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh