Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 11 | Hướng Dẫn

Bài 12

NGƯƠI CÓ MUỐN LÀNH CHĂNG?

GIĂNG 5:1-15

 

Kính thưa quí vị: Học sách Tin-lành Giăng, chúng ta đã thấy một vài phép lạ Chúa Giê-xu làm, như Ngài đổi nước thành rượu trong Giăng đoạn 2. Cuối đoạn 4 cũng có ghi lại một phép lạ khác của Chúa, trong đó Ngài chữa lành con trai của quan thị vệ bằng một lời phán từ xa. Bây giờ chúng ta học một phép lạ khác Ngài làm, đó là chữa lành một người bị bại đã 38 năm trường. Trước hết, tôi xin đọc Giăng 5:1-15:

 

1Kế đó, có một ngày lễ của dân Giu-đa, Ðức Chúa Giê-xu lên thành Giê-ru-sa-lem.

2Số là, tại thành Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Bê-tết-đa, xung quanh ao có năm cái vòm cửa.

3Những kẻ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xụi nằm tại đó rất đông, [chờ khi nước động;

4vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành].

5Nơi đó, có một người bị bịnh đã được ba mươi tám năm.

6Ðức Chúa Giê-xu thấy người nằm, biết rằng đau đã lâu ngày thì phán: Ngươi có muốn lành chăng?

7Người bịnh thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi.

8Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi.

9Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi. Vả, bấy giờ là ngày Sa-bát.

10Các người Giu-đa bèn nói với kẻ được chữa lành rằng: Nay là ngày Sa-bát, ngươi không phép mang giường mình đi.

11Người trả lời rằng: Chính người đã chữa tôi được lành biểu tôi rằng: Hãy vác giường ngươi và đi.

12Họ hỏi rằng: Người đã biểu ngươi: Hãy vác giường và đi, là ai?

13Nhưng người đã được chữa lành không biết là ai: vì Ðức Chúa Giê-xu đã lẫn trong đám đông tại chỗ đó.

14Sau lại, Ðức Chúa Giê-xu gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.

15Người đó đi nói với các người Giu-đa rằng ấy là Ðức Chúa Giê-xu đã chữa lành cho mình.

 

1.      Bên bờ ao Bê-tết-đa

 

Về thời điểm, Giăng cho biết câu chuyện xảy ra trong “một ngày lễ của dân Giu-đa,” nhưng không nói lễ gì, rất có thể là một trong ba lễ lớn, tức là lễ Vượt-qua, lễ Ngũ-tuần hay lễ Lều-tạm. Chúa Giê-xu luôn luôn tôn trọng những lễ đó. Về địa điểm, thành Giê-ru-sa-lem có nhiều cửa, trong đó có một cửa mang tên là “cửa Chiên.” Người ta nghĩ rằng những con chiên dâng trong đền thờ để làm của lễ chuộc tội được đem vào thành qua cửa này. Gần cửa chiên có một cái ao, được gọi theo tiếng Hê-bơ-rơ là Bê-tết-đa, có nghĩa là “Ân-điển.” Giăng cho biết “2xung quanh ao có năm cái vòm cửa.” Trong Cựu-ước, con số năm cũng thường tượng trưng cho “ân điển.” Dầu có tên như vậy, những người thường lui tơi ao này là những kẻ bất hạnh hơn ai hết: Ðây là những người đau ốm, mù lòa, tàn tật, bại xụi... Họ đến để làm gì? Có lời giải thích rằng ở đó họ “chờ khi nước động; 4vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành.” Chúng ta phải để ý rằng trong nhiều bản Kinh-thánh, kể cả bản dịch Việt-nam, câu này được đặt trong một dấu ngoặc vuông. Nhiều bản dịch tiếng Anh bây giờ không còn câu này nữa. Ðây là vì người ta không thấy nó trong những bản Kinh thánh đầu tiên, nên cho rằng nó đã được thêm vào về sau. Ðiều nầy có nghĩa là hiện tượng “một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao” chỉ là điều người ta đồn và tin đã xảy ra, chứ không phải là sự thật. (Khi còn nhỏ, tôi ở Nha Trang, và người ta có lần đồn rầm rầm rằng nước lấy từ một nơi tên Ba Hồ có thể chữa tất cả mọi bệnh tật. Mẹ tôi bị bịnh run và rất yếu. Vậy mà bà có thể lặn lội đến đó để uống nước.) Ðó là bối cảnh câu chuyện: Những người đến một nơi mang tên là “Ân điển” không phải là những người may mắn, lành lặn, nhưng là những người bất hạnh. Họ đến không phải để thờ phượng Thượng Ðế, nhưng chỉ vì đặt hy vọng vào một tin đồn không thật.

Ðây cũng là tình trạng chung của con người: Chúng ta là những người mù lòa thuộc linh, không biết chân lý, sống trong tăm tối. Như người mù dắt người mù quờ quạng trong bóng tối, chúng ta nghe người ta đồn điều này điều kia, và rủ nhau chạy đến ngồi quanh ao “Công-đức,” dầu ao này thật sự không giúp chúng ta được gì. Người ta đồn rằng, trong số những người bất hạnh ngồi trong ao Bê-tết-đa, có người được chữa lành. Ðây là những người tương đối khỏe mạnh hơn, có thể nhào xuống ao trước những người khác khi thấy nước động. Cũng vậy, là người ngồi bên ao Công-đức hôm nay, chúng ta giành giật nhau, đè nén nhau để có thể xuống ao trước, nhờ đó tìm được liều thuốc cho tâm hồn, dầu rằng những điều chúng ta giành nhau làm đó không thật sự giúp chúng ta. Chúng ta nghĩ là, nếu được may mắn, sẽ có một điều gì đó xảy ra trong đời sống mình, làm mình thoát khỏi kiếp đọa đầy. Chúng ta đặc biệt giống như một người bị bệnh bại đã 38 năm nằm bên ao Bê-tết-đa. Tình trạng người này thật bi đát, vì tự mình không thể nhảy xuống ao như những người bị bịnh khác. Rồi ngày này qua ngày kia, người tủi thân kéo dài đời sống hẩm hiu bên bờ ao, cứ nuôi một hy vọng hão huyền!

Xin nhớ rằng đây là một lễ lớn, trong đó người ta rủ nhau đến đền thờ. Chúa Giê-xu lần này không vào nơi cao sang, đông đúc nhộn nhịp của đền thờ, nhưng lại đến một nơi có những người bịnh đang tuyệt vọng chăm chăm nhìn ao chờ nước động, xoay lưng khỏi cửa Chiên, nên không thấy Chiên Con của Ðức Chúa Trời đang bị đem vào hàng làm thịt. Vào đó, giữa bao nhiêu người bệnh hoạn, Chúa Giê-xu đến với một người bị bệnh đã 38 năm, dầu người này không có gì đáng cho Ngài để ý hết. Cũng vậy, Chúa Giê-xu lìa bỏ Thiên-đàng, là đền thờ của Thượng Ðế, giáng sinh tìm đến bờ ao Công-đức của chúng ta hơn hai ngàn năm trước. Hơn nữa, dầu tôi không có gì hơn người khác, Ngài thấy và chọn tôi để nói chuyện. Quý vị cũng thế, giữa bao nhiêu người đang tuyệt vọng trong cộng đồng Việt Nam, Chúa đang để ý và nói chuyện với quý vị trong ngôi đền thờ này hôm nay.

 

2.      Ngươi có muốn lành chăng?

 

Giăng nói “6Ðức Chúa Giê-xu thấy người nằm, biết rằng đau đã lâu ngày.” Ðến với người bại tại ao Bê-tết-đa, Ngài không hỏi thăm ông bị bịnh gì, vì Ngài đã biết. Cũng vậy, không cần phải hỏi, Ngài biết tình trạng của mỗi chúng ta, biết những đau đớn, buồn phiền, và nhu cầu trong đời chúng ta. Không hỏi thăm bịnh tình của người bại, Ngài lại hỏi, “6Ngươi có muốn lành chăng?” Thấy người bịnh ngồi chờ bên ao mà lại hỏi câu này thì thật là “vô duyên” quá! Nhưng khi phân tích, chúng ta mới thấy câu hỏi này thâm thúy vô cùng, vì có nhiều người trong cảnh huống như vậy không muốn được giúp.

Có thể một trong những lý do là đây đã trở thành một lối sống quá quen thuộc đối với họ, và họ biết rõ tương lai mình, dầu nó đen tối đến đâu. Ngày nào cũng vậy, họ biết ban mai có người đến giúp, khiêng họ đến bờ ao; rồi tối có người đưa về một xó kẹt nào đó ngủ. Họ không muốn thay đổi đời sống, sợ rằng sự thay đổi làm họ phải đối diện với những điều khác lạ mà họ không biết xử trí làm sao. Họ sợ điều họ không biết. (Nhiều người sợ chết cũng vì lý do đó.) Sau 38 năm ngồi ở đây, nếu được chữa lành tôi sẽ làm gì? Có lẽ bạn bè không giúp tôi nữa, nhưng tôi phải đi kiếm việc làm. Nhưng có bao giờ tôi thật sự làm việc trong đời? Nhiều người biết là Thượng Ðế sẽ thay đổi đời sống họ, và có thể vì đó mà không muốn tin Ngài. Vì bạn bè, gia đình họ đã quá quen thuộc với con người cũ của họ, họ không muốn thay đổi. Nếu tôi tin Chúa, không biết gia đình tôi sẽ đối xử với tôi như thế nào? Có hất hủi, chống đối tôi không? (Tôi cũng đã đi qua sự sợ hãi đó trước kia, không biết ba má tôi có buồn vì tôi “theo đạo” hay không. Nhưng cám ơn Chúa, nhờ tôi tin Ngài mà cuối cùng ba má tôi cũng được cứu.)

Thay đổi hàm ý chấp nhận mình đã sai lầm trước kia. Hơn nữa, có một số lợi ích nào đó trong khi chúng ta bị bịnh. Lúc nhỏ, đôi khi tôi thích bị bịnh, vì mỗi lần bịnh, tôi khỏi đi học, được má chiều chuộng, lấy nước cho uống, mua phở cho ăn.... Không tin Chúa, chúng ta có những thú vui, những thói quen, những trò giải trí mà không thể tiếp tục nếu tin Ngài. Tin Chúa, chúng ta “phải” đi nhà thờ mỗi chúa nhật, “phải” dâng hiến,...

Có một lý do nữa khiến nhiều người không muốn thay đổi: Họ thất bại, nhưng có cớ để thất bại. Nếu được thay đổi, họ không còn cớ đó, và phải chịu trách nhiệm cho đời sống mới của mình. Xin chúng ta để ý người bại không trả lời, “Chúa ơi, con xin Chúa chữa lành bịnh cho con,” nhưng ông tìm một cái cớ để đổ thừa cho sự thất bại của mình: “7Lạy Chúa, tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi.” Tôi làm ăn thất bại vì bị chủ “đì,” chứ không phải vì tôi bất tài. Nếu đổi việc làm mà vẫn thất bại thì biết bào chữa làm sao?

 

3.      Hãy đứng dậy, vác giường và đi.

 

Sau khi nghe người bịnh than thở, Chúa không an ủi, “Ông chịu đựng được 38 năm rồi. Thôi ráng thêm vài năm nữa.” Ngài không nói, “Tội nghiệp quá! Ðể ta giúp mang ngươi đến gần ao hơn,” hay “Ðể ta cho ngươi một cái giường tốt hơn.” Chúng chỉ là những giải pháp của con người giúp con người, giới hạn trong những phương tiện tâm lý, vật chất, để kéo dài thêm niềm hy vọng hão huyền, hầu giúp nhau sống qua ngày, chờ đến khi đời mình chấm dứt, thoát khỏi đời sống đọa đầy. Nhưng Ngài lại nói một cách khác hẳn. Ðúng hơn, Ngài ra lệnh, “8Hãy đứng dậy.” Nếu câu hỏi đầu tiên của Ngài “6Ngươi có muốn lành chăng?” có vẽ vô duyên, thì mạng lệnh này càng vô duyên hơn, như để chọc tức, trêu ghẹo: Ra lệnh cho một người đã bao nhiêu năm không đi được đứng dậy và đi. Nhưng hàm ý trong lời mệnh lệnh “Hãy đứng dậy” là mệnh lệnh “Hay tuân lệnh.” Niềm tin phải được thể hiện trong sự vâng lời, dầu mệnh lệnh có vẽ vô lý. Niềm tin biết Chúa Giê-xu không phải là người bình thường. Sai bảo ai làm làm điều gì, Ngài ban cho người đó thêm quyền năng để vâng lời.

Mặc dầu người bại nầy trả lời câu hỏi của Chúa như còn muốn kéo dài đời sống cũ, Giăng ghi rằng, “9Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi.” Ðời sống của người tín đồ có sự hòa đồng nhiệm mầu giữa những điều Chúa làm và những điều chúng ta làm. Một đằng Chúa cho người bại có quyền năng đứng dậy, nhưng đằng khác người đó phải tin và làm theo. Một đằng Chúa chết cho chúng ta trên thập tự giá, nhưng đằng chúng ta phải tin vào Ngài. Một đằng Chúa cho Ðức Thánh Linh để giúp chúng ta càng ngày càng giống Ngài, nhưng đằng khác chúng ta phải bám víu lấy quyền năng của Ngài để bước trên đường đời.

Không những bảo người bịnh đứng dậy và đi, Chúa Giê-xu còn bảo ông “8vác giường” mình. Tai sao Ngài không cho phép ông bỏ giường lại? Mặc dầu Giăng không nói thêm, chúng ta biết Chúa muốn ông vác giường quăng đi, chớ không phải đi nơi khác ngủ. Chúa muốn ông làm một hành động dứt khoát, để không trở lại nằm dài bên bờ ao Bê-tết-đa đó nữa. Cũng vậy, khi tin Chúa, Ngài muốn chúng ta quăng cái giường mình đã từng nằm bên bờ ao “Công đức,” từ bỏ những gì có thể lôi kéo, quyến rũ mình trở lại đời sống cũ. Một cách chúng ta “vác giường” mình là công khai tuyên bố, đặc biệt trong lễ báp-têm, rằng chúng ta đã chết và đã sống lại với Chúa Giê-xu, và sẽ không bao giờ trở lại đời sống cũ.

 

4.      Ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa

 

Giăng ghi thêm, “14Sau lại, Ðức Chúa Giê-xu gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.” Trước hết, tôi xin giải thích vắn tắt phần sau của câu này. “Sự gì càng xấu xa” có thể nói đến sự trừng phạt thuộc linh hay thể xác. Nếu thể xác, đây hàm ý rằng bịnh tật trong thân thể đến từ tội lỗi. (Nếu chơi bời trác táng, thân thể sẽ tiều tụy.) Nhưng đây hoàn toàn không có nghĩa là những người bị bịnh có tội nhiều hơn người mạnh khỏe.

Chúa không nói, “Ngươi đi được rồi.” Ngài không chữa chỉ đôi chân của ông, nhưng biến toàn con người ông thành trọn vẹn, lành lặn. Quan trọng hơn là thứ tự trong câu nói: “Ngươi đã được sanh lại, đừng phạm tội nữa.” Chỉ sau khi một người tin Chúa và được sanh lại, Chúa mới để ý đến đời sống đạo đức của người đó. Không bao giờ Ngài bảo một người chưa tin Ngài sống đạo đức. Ðiều này hoàn toàn không giúp ích gì cho họ trong sự cứu rỗi, và càng làm họ thêm kiêu hãnh.

Cuối cùng, lời răn “Ðừng phạm tội nữa” không có nghĩa là đừng bao giờ làm một điều gì tội lỗi, nhưng là phải luôn luôn cố gắng không tiếp tục phạm tội. Sau khi tin Chúa, người tín đồ không tức thì biến thành những ông thánh, bà thánh. Ðiều quan trọng là giờ đây có Ðức Thánh Linh trong lòng, chúng ta phải biết để ý nghe lời Ngài nhỏ nhẹ dạy dỗ, khuyến khích, khuyên lơn để sống một đời sống cao đẹp hơn mỗi ngày.

Giăng kết luận câu chuyện trong câu 15, “Người đó đi nói với các người Giu-đa rằng ấy là Ðức Chúa Giê-xu đã chữa lành cho mình.” Xin nhớ lời Chúa phán với người bại này: “8Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi.” Nhưng đi đâu? Thưa, đi nói với người khác về Chúa, rằng Ngài đã thay đổi hoàn toàn đời sống ông, đem ông đến ao “Ân-điển” thật sự trên thiên đàng. Và lần nữa, ông vâng lời.

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh