Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 12 | Hướng Dẫn

Bài 13

ÐỘNG LỰC YÊU THƯƠNG

I GIĂNG 4:7-21

 

Kính thưa quý vị, học sách I Giăng, chúng ta thấy Giăng cứ lặp đi lặp lại điều ông muốn nhấn mạnh. Ðể có Chúa làm bạn với chúng ta, ông nói, trước nhất, chúng ta không phạm tội; sau đó, chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài, đặc biệt là phải yêu thương lẫn nhau; cuối cùng, chúng ta phải coi chừng những thầy giáo giả. Giăng lặp lại điều cuối cùng trong đoạn 4:1-6. Tôi đi qua đoạn này vì chúng ta đã bàn quá nhiều về điều này. Hơn nữa, chắc quý vị không nghĩ tôi là giáo sư giả.

Hôm nay chúng ta tiếp tục học từ I Giăng 4:7 đến cuối đoạn. Cho tôi đọc nguyên đoạn dài ở đây trước:

“4:7 Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Ðức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Ðức Chúa Trời và nhìn biết Ðức Chúa Trời.

4:8 Ai chẳng yêu, thì không biết Ðức Chúa Trời; vì Ðức Chúa Trời là sự yêu thương.

4:9 Lòng Ðức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Ðức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống.

4:10 Nầy sự yêu thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Ðức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta.

4:11 Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Ðức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau.

4:12 Chưa hề có ai thấy Ðức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Ðức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta.

4:13 Bởi điều nầy chúng ta biết mình ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta, là Ngài đã ban Thánh Linh Ngài cho chúng ta.

4:14 Chúng ta lại đã thấy và làm chứng rằng Ðức Chúa Cha đã sai Ðức Chúa Con đặng làm Cứu Chúa thế gian.

4:15 Ví bằng có ai xưng Ðức Chúa Giê-xu là Con Ðức Chúa Trời, thì Ðức Chúa Trời ở trong người, và người ở trong Ðức Chúa Trời.

4:16 Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Ðức Chúa Trời đối với chúng ta. Ðức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Ðức Chúa Trời, và Ðức Chúa Trời ở trong người ấy.

4:17 Nầy vì sao mà sự yêu thương được nên trọn vẹn trong chúng ta, hầu cho chúng ta được lòng mạnh bạo trong ngày xét đoán, ấy là Chúa thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian nầy.

4:18 Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương, nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt, và kẻ đã sợ hãi thì không được trọn vẹn trong sự yêu thương.

4:19 Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước.

4:20 Vì có ai nói rằng: Ta yêu Ðức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Ðức Chúa Trời mình chẳng thấy được.

4:21 Chúng ta đã nhận nơi Ngài điều răn nầy: Ai yêu Ðức Chúa Trời, thì cũng phải yêu anh em mình.

Nguyên đoạn này nói về sự yêu thương. Hôm nay tôi xin dựa theo đoạn này để chia sẻ với quý vị lý do tại sao chúng ta phải yêu thương anh em mình. Trước khi vào vấn đề, tôi có một câu chuyện vui muốn kể. Vì chuyện vui này không liên quan gì đến điều tôi chia sẻ nên tôi xin kể trước. Lâu rồi có một cặp nọ làm đám cưới, và nhận được điện tín chúc mừng. Cuối điện tín có một câu Kinh Thánh để tặng cặp vợ chồng mới. Nhưng người đánh điện tín đánh thiếu một con số thôi, thành Giăng 4:18, thay vì I Giăng 4:18. Xin chúng ta mở Giăng 4:18 để xem: “Vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy.”

1. Tình yêu chẳng đến từ sự sợ hãi

Tại sao chúng ta phải yêu thương lẫn nhau? Lý do thứ nhất không phải là vì sợ hãi. Có nhiều người giảng rằng chúng ta phải yêu thương lẫn nhau vì, nếu không, Ðức Chúa Trời sẽ trừng phạt chúng ta. Không, không đúng. Giăng nói ở đây là sự sợ hãi không thể đem đến sự yêu thương. “18 Quyết chẳng có điều sợ hãi trong sự yêu thương.” Sự sợ hãi có cái tốt của nó. Nó giúp cho chúng ta có thể sống còn trong những trường hợp nguy khốn. Nhưng sự sợ hãi không thể nào khiến chúng ta yêu thương người khác. Nó không thể làm chúng ta có sự tha thứ, sự rộng lượng. Sự sợ hãi không thể nào dẹp bỏ mọi hận thù, cay đắng trong lòng chúng ta. Bị sợ hãi, thường mình rút lại, như con đồi mồi rút đầu vào trong vỏ, không muốn ló đầu ra. Gặp một người lạ mà mình sợ, mình không thể mời họ về nhà trong tình yêu thương được. Tôi không biết những người lính Việt Nam có kinh nghiệm này hay không, nhưng có người lính Mỹ nói rằng, trong chiến trận Việt Nam, khi có một người lính mới gia nhập vào tiểu đội, người đó thường bị hất hủi rất nhiều. Người ta không thích làm bạn với người lính mới, vì nếu lỡ thành bạn với người đó, rồi nếu người đó chết đi thì mình đau đớn nhiều. Thành ra sự sợ hãi, dầu sợ Chúa, sợ người khác, hay sợ điều gì khác không thể đưa đến tình yêu thương được. Ðặc biệt là sự yêu thương không thể đến từ luật pháp. Martin Luther King, Jr. nói rằng luật lệ không thể khiến một người da trắng yêu ông, chỉ có thể ngăn cản người da trắng giết ông mà thôi.

Không những thế, Giăng còn nói thêm, “18 Nhưng sự yêu thương trọn vẹn thì cất bỏ sự sợ hãi.” Bắt đầu bằng sự sợ hãi, chúng ta không thể yêu thương; nhưng nếu bắt đầu bằng sự yêu thương, chúng ta sẽ không còn sợ hãi. Cho tôi kể lại một câu chuyện của Bà Corrie Ten Boom. Bà viết một cuốn sách tên là The Hiding Place, kể lại đời sống của bà. Có một cuộn phim dựa theo sách này. Nếu có dịp, xin quý vị mướn phim đó về xem. Là người Hòa lan, trong thế chiến thứ hai bà giấu một số người Do thái trong nhà, và đã bị Ðức quốc xã bắt giam. Chị bà bị chết trong tù. Chỉ vài ngày sau khi bà được thả ra, có lịnh giết tất cả những người đàn bà cùng tuổi với bà trong trại giam đó. Sau chiến tranh, bà đi giảng đạo và kể lại kinh nghiệm sống của mình. Ngày nọ, sau khi nói về tình yêu thương của Chúa, bà gặp một người muốn bắt tay bà, cám ơn về bài giảng của bà. Nhưng khi nhìn mặt người đó, bà nhận ra ngay đây là người lính cai tù ngày xưa, người đã hành hạ bà bao nhiêu năm trong tù. Bà đứng đó không biết mình phải làm gì. Ngày xưa bà rất sợ người đó; bây giờ bà cảm thấy rất bực dọc. Nhìn mặt người đó, bà nhớ lại bao nhiêu thảm cảnh trong tù. Khi người lính đó đưa tay ra, bà thấy mình không thể nào bắt tay ông được. Tay bà cứng ngắc; lòng bà căm giận. Nhưng bà cầu nguyện, “Chúa ơi, xin Chúa cho con biết yêu thương, tha thứ cho người này.” Cuối cùng, bà bắt tay người đó. Tôi xin dịch thoáng điều bà viết như sau: “Khi tôi bắt tay ông đó thì có một điều thật lạ lùng xảy ra. Như có một luồng điện chạy từ vai của tôi, qua tay tôi, đến tay ông đó. Ðồng thời trong tim tôi tràn ngập một tình yêu dành cho ông. Vì thế tôi khám phá ra rằng, sự hàn gắn trên thế gian này không dựa vào sự tha thứ hay sự tốt lành trong chúng ta, nhưng dựa vào Chúa. Khi Ngài bảo chúng ta yêu thương kẻ thù mình, thì Ngài ban cho chúng ta tình yêu đi đôi với lời răn đó.”

2. Tình yêu đến vì Ðức Chúa Trời là sự yêu thương

Chúng ta yêu thương vì, như Giăng nói trong câu thứ 7-8: “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Ðức Chúa Trời, kẻ nào yêu, thì sanh từ Ðức Chúa Trời và nhìn biết Ðức Chúa Trời. Ai chẳng yêu, thì không biết Ðức Chúa Trời; vì Ðức Chúa Trời là sự yêu thương.”

Có hai điều tôi muốn giải thích. Thứ nhất Ðức Chúa Trời là tình yêu thương, chứ tình yêu thương không phải là Ðức Chúa Trời. Có nhiều người không biết Chúa thần thánh hóa, thổi phồng tình yêu thương. Có một bài hát rất nổi tiếng bởi nhóm Beatles là All You Need Is Love. All You Need Is Love, Love Love Is All Your Need. Chúng ta chỉ cần tình yêu thương mà thôi. Nhưng thưa không đúng như vậy. Thật ra, All You Need Is God; chúng ta chỉ cần Ðức Chúa Trời mà thôi. Vì khi có Chúa, chúng ta có tất cả, kể cả tình yêu thương. Ngược lại, có tình yêu thương mà không có Chúa nhiều khi đem lại nhiều điều rất tệ hại. Có bà vợ quá yêu chồng đến nỗi ghen, tạt a-xít vào tình địch. Có người thanh niên quá yêu một cô gái đến nỗi theo dõi, hãm hiếp, và nhiều khi giết người mình yêu nữa. Nếu tình yêu thương không đem đến những điều tệ hại như vậy, thì nó có thể đưa đến sự dâm loạn. Người ta ngủ với nhau trong danh nghĩa tình yêu thương. Nếu yêu nhau thì cứ tự do làm tình với nhau, có gì mà sợ?

Thứ hai, một mặt Chúa là tình yêu thương, nhưng mặt khác Chúa rất thánh khiết; và tình yêu thương và sự thánh khiết đôi khi khó hòa đồng với nhau. Nhiều người hỏi, “Nếu Chúa yêu thương loài người thì tại sao Ngài không cho tất cả mọi người lên Thiên đàng?” Thưa, tình yêu thương của Chúa phải đi đôi với sự thánh khiết của Ngài. Vì Thượng Ðế yêu thương chúng ta, Ngài phải trừng phạt chúng ta. Là cha mẹ, chúng ta biết rõ điều này. Dầu yêu thương con cái hết lòng, chúng ta vẫn phải trừng phạt chúng, vì tình yêu thương cũng phải biết phân biệt giữa điều phải và điều trái, điều tốt lành và điều sai trật. Vì thế Chúa phải xuống thế gian để chết thế cho chúng ta.

Tại sao vì Chúa là tình yêu thương mà chúng ta phải yêu nhau? Câu 12: “Chưa hề có ai thấy Ðức Chúa Trời; nếu chúng ta yêu nhau, thì Ðức Chúa Trời ở trong chúng ta, và sự yêu mến Ngài được trọn vẹn trong chúng ta.” Chưa ai thấy Ðức Chúa Trời. Người ta chỉ thấy Ngài qua Hội thánh của Ngài mà thôi, vì Hội thánh là thân thể của Ngài, và Ngài thể hiện những đức tính của Ngài qua thân thể đó. Vì thế, chỉ khi nào tình yêu thương của Chúa được thể hiện qua Hội thánh, nó mới được trọn vẹn. Chỉ khi nào người ta thấy tình yêu thương trong Hội thánh, người ta mới thấy Chúa. Nếu một người đến Hội thánh này mà không thấy tình yêu thương, thì người ấy không thấy Chúa. Chúa Giê-xu dạy trong Tin Lành Giăng 13:35, “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”

Tôi dùng chữ “yêu thương” theo định nghĩa của Chúa. Nếu một người đến đây, nhìn quanh, và thấy mình yêu những người đáng yêu, mà không để ý đến người không đáng yêu, thì họ sẽ không thấy gì lạ cả. Ði đến những tổ chức khác họ cũng thấy như vậy. Nhưng xin quý vị nhớ đến bài học trước, trong đó chúng ta học tình yêu là một quyết định. Chúng ta phải quyết định yêu một người, mặc dầu người đó không đáng yêu.

Có một ông da đen nọ luôn muốn đến thờ phượng tại một Hội thánh người da trắng. Nhưng ông cứ bị đuổi đi: “Xin ông đến những Hội thánh của những người như ông.” Bị đuổi hoài, ông cầu nguyện với Chúa, “Chúa ơi, con muốn gia nhập Hội thánh này mà họ cứ đuổi con hoài. Xin Chúa mở đường cho con.” Một hôm ông nghe Chúa nói, “Con ơi, chính Chúa đây muốn gia nhập Hội thánh đó mà cũng không được, thì huống chi con?”

Hơn nữa, tình yêu thương phải được thể hiện trong đời sống chúng ta, thì người ngoài mới thấy được, và tình yêu Chúa mới được trọn vẹn. Ði làm chứng, chúng ta thường chỉ nói đến Tin lành của Giăng, của Ma-thi-ơ, của Mác, của Lu-ca. Nhưng có nhiều người không thích đọc các sách Tin lành đó. Sách Tin lành người ta thích đọc nhất là sách tin lành của Mục Sư Ðỗ Lê Minh, hay của quý vị, được thể hiện trong đời sống của tôi hay của quý vị. Người ta không để ý sự yêu thương của Chúa trong các sách Tin lành của các sứ đồ, trừ khi họ thấy có sự yêu thương trong sách Tin lành của chính tôi.

3. Tình yêu đến vì Ðức Chúa Trời “đã yêu chúng ta dường ấy”

Lý do khác khiến chúng ta phải yêu nhau là ở trong câu 11, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, nếu Ðức Chúa Trời đã yêu chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu nhau.” Vì Chúa đã hy sinh quá sức cho chúng ta, đã chết thế cho chúng ta, chúng ta phải yêu thương lẫn nhau. Nhận được tình yêu thương từ Chúa, chúng ta phải có bổn phận yêu thương anh em mình. Người nào không yêu thương anh em mình, là không yêu Chúa, không cảm nhận được sự hy sinh của Chúa trên thập tự giá cho mình. Có nhiều mục sư Việt Nam dùng câu là “trả nợ yêu thương” nói đến việc chúng ta đi ra chia sẻ Tin lành cho người khác, để họ biết Chúa. Nhưng tôi nghĩ, theo Giăng, chúng ta trả nợ yêu thương bằng cách yêu thương người khác.

Ðó là ba lý do khiến chúng ta phải yêu nhau. Lý do thứ nhất là tiêu cực; lý do thứ hai và thứ ba tích cực. Trở lại câu 7, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau.” Chữ “yêu mến lẫn nhau” này ở thể hiện tại, nói đến một việc kéo dài liên tục. Chúng ta không thể trả nợ yêu thương một lần cho xong, để rồi không cần phải bận tâm đến nó nữa. Hơn nữa, câu này không phải là một đề nghị, nhưng là một mệnh lệnh.

Thưa quý vị, tuần này là tuần Thanksgiving, và đây là dịp tốt để chúng ta bắt đầu trả nợ yêu thương. Ðây là dịp tốt để chúng ta có thể nói với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã yêu chúng con quá nhiều. Bây giờ chúng con muốn trả lại tình yêu thương đó bằng cách yêu thương lẫn nhau.”

Mục Sư Ðỗ Lê Minh