Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 15 | Hướng Dẫn

Bài 16

BIẾT MÌNH ÐƯỢC NGHE

I GIĂNG 5:14-17

 

Kính thưa quý vị, trong vài tuần nữa chúng ta sẽ học hết sách I Giăng, và Giăng kết luận sách này bằng lời dạy về sự cầu nguyện. Thật ra, cầu nguyện là điều mà mỗi người chúng ta, dầu biết Chúa hay không, đều làm một cách rất tự nhiên. Khi gặp một hoàn cảnh nguy khốn, không thể tự cứu mình được, tự nhiên mình cầu nguyện. Có ba người bàn với nhau về cách cầu nguyện. Một người nói cách cầu nguyện đúng nhất là phải quỳ xuống; người khác nói là mình phải đứng lên, như một em bé đưa tay xin Chúa; nhưng người thứ ba nói, “Tôi cầu nguyện hay nhất khi tôi bị rớt chổng đầu xuống giếng.” Có tấm bảng dán sau một chiếc xe, “Không có cách nào cấm cầu nguyện trong trường học. Hễ còn thi là còn cầu nguyện.”

Có một mục sư nọ chết đi và lên thiên đàng. Lên trước ông là một người tài xế xe bus. Khi Phi-e-rơ cho người tài xế đó ở trong một căn nhà tuyệt đẹp trên thiên đàng, ông mục sư này nghĩ là mình sẽ được một căn nhà đẹp hơn. Nhưng không, ông chỉ được ở trong một căn nhà tồi tàn hơn nhiều. Ông mục sư phản đối, “Tôi hầu việc Chúa bao nhiêu năm, giảng đạo cho bao nhiêu người, thế sao Ngài cho tôi ở căn nhà quá tồi tàn so với nhà của ông tài xế?” Phi-e-rơ trả lời, “Ông biết không? Khi ông giảng đạo, tín đồ ngủ gục; nhưng khi ông tài xế đó lái xe, hành khách nào cũng cầu nguyện hết.”

Một đằng, cầu nguyện là một điều tự nhiên của con người, nhưng đằng khác, nó rất khó hiểu. Hôm nay chúng ta sẽ học thêm về sự cầu nguyện theo I Giăng 5:14-17:

“14 Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.

15 Nếu chúng ta biết không cứ mình xin điều gì, Ngài cũng nghe chúng ta, thì chúng ta biết mình đã nhận lãnh điều mình xin Ngài.

16 Vì có kẻ thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Ðức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.

17 Mọi sự không công bình đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết.”

A. Cầu nguyện theo ý Chúa

1. Chúa không trả lời mọi điều

Trước hết, Chúa không hứa là Ngài sẽ cho chúng ta bất cứ điều gì chúng ta xin. Ðể lời cầu nguyện có hiệu lực, chúng ta phải cầu nguyện theo ý muốn của Chúa. Giăng hứa, “Nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.” Chúng ta không thể thưa với Ngài, “Chúa ơi, ngày mai con ăn cướp nhà băng. Xin Chúa cho con được thành công.” Có nhiều mục sư, đặc biệt là các vị có những chương trình trên ti-vi, thường tự nhận là bất cứ điều gì họ cầu nguyện đều được trả lời hết. Thưa không, Chúa không phải là người đầy tớ, nhưng là chủ của chúng ta. Ngài không phải là một cái máy bán hàng. Khi mình bỏ đồng tiền cầu nguyện vào, thì món hàng phải rớt xuống. Chúa không phải là cây đèn thần của ông A-la-đên. Ðể mỗi lần mình ma-sát vào đó, thì có một ông thần hiện ra làm thỏa mãn mọi điều mình muốn.

2. Chúa trả lời theo ý Ngài

Khi cầu nguyện xong, chúng ta thường nói, “Trong danh Chúa Giê-xu Christ.” Ðây không phải là dấu hiệu cho người khác biết rằng, “Tôi cầu nguyện xong rồi đó. Anh nói 'Amen' đi.” Nhưng đây có ý nói là, “Chúa ơi, con muốn dẹp bỏ tất cả những ham muốn của con, để con biết ý Chúa, cầu nguyện theo ý Chúa, và đi theo ý Chúa.”

Ðôi khi, điều chúng ta cầu xin không phải là xấu, nhưng vì nằm ngoài ý Chúa, Chúa không trả lời. Xin chúng ta nhìn đến chính Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê, như ghi lại trong Ma-thi-ơ 26:39-42 “Rồi Ngài bước tới một ít, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Song không theo ý muốn của Con, mà theo ý muốn Cha.... Ngài lại đi lần thứ hai, mà cầu nguyện rằng: Cha ơi! Nếu chén này không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống, thì xin ý Cha được nên.” Lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu không có gì xấu, nhưng không được trả lời, vì nằm ngoài ý muốn của Chúa Cha. Trong II Cô-rinh-tô, Phao-Lồ nói đến cái giằm xóc trong thân xác ông, “Ðã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi.” Hai năm trước, mục sư Nguyễn Bá Quang về với Chúa. Trước đó, có rất nhiều người cầu nguyện thiết tha cho ông hết bịnh. Nhưng Chúa nói “Không, đầy tớ Ta đã làm việc trên thế gian đủ rồi. Bây giờ Ta muốn ông về thiên đàng với Ta.”

Câu hỏi rất khó cho chúng ta là làm sao chúng ta biết được ý của Chúa để cầu nguyện. Có nhiều điều mình biết rất rõ ràng là ngoài ý muốn của Chúa. Nhưng nếu không biết, thì mình cứ cầu nguyện, với một thái độ là mong ý Chúa được nên. Nếu lời cầu nguyện không được Chúa trả lời, chúng ta biết nó nằm ngoài ý Chúa.

Như thế thì cầu nguyện để làm gì, nếu Chúa không theo ý tôi, mà chỉ theo ý Ngài? Giăng muốn khuyến khích chúng ta cầu nguyện, và lời dạy ở đây không để ngăn cản chúng ta cầu nguyện, nhưng để giải thích tại sao có lời cầu nguyện không được trả lời. Thật ra, có rất nhiều cách Chúa trả lời theo ý Ngài. Ý Chúa có thể rất bao quát, trong sự bao quát đó, Chúa cho chúng ta quyền chọn lựa qua sự cầu nguyện. Cho tôi nói thêm về mục sư Quang. Chúng ta không biết ý Chúa trong việc này, và không muốn thấy ông ra đi. Vì thế chúng ta cầu nguyện để ông sống. Nhưng nếu biết Chúa muốn ông về Thiên đàng, thì có phải chúng ta bỏ cuộc, không cầu nguyện không? Thưa không, vì vẫn còn có rất nhiều điều để chúng ta cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu nguyện để Chúa đưa ông đi mà không bị đau đớn. Chúng ta có thể cầu nguyện cho gia đình ông không quá đau buồn. Chúng ta có thể cầu nguyện để sự ra đi của ông làm vinh danh Chúa. Tất cả những điều đó nằm trong ý muốn của Chúa muốn đem ông về. Nếu tôi cầu nguyện, “Chúa ơi, xin Chúa cho con lấy được cô A, mặc dầu cô chưa tin Chúa. Lấy rồi con sẽ thuyết phục cô tin.” Chúa phán, “Không, điều con xin nằm ngoài ý Ta.” Nhưng nếu tôi cầu nguyện, “Chúa ơi, giữa bao nhiêu cô gái biết tin Chúa, xin Chúa cho con lấy được một cô thích hợp.” Chúa sẽ trả lời, vì Chúa muốn chúng ta lập gia đình trong vòng người tin Ngài, và trong đó có rất nhiều người, chứ không phải chỉ có một.

3. Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta

Câu 14 “Nầy là điều chúng ta dạn dĩ ở trước mặt Chúa, nếu chúng ta theo ý muốn Ngài mà cầu xin việc gì, thì Ngài nghe chúng ta.” Một lần nữa, Giăng dùng chữ “dạn dĩ” trong sách này. Trước kia, tôi đã bàn về chữ này như thái độ của những người con của tổng thống Kennedy trước mặt ông. Bây giờ cũng vậy, là con của Chúa, chúng ta có thể dạn dĩ đến trước mặt Chúa để cầu nguyện lên Ngài, biết rằng Ngài sẽ nghe lời của chúng ta.

Nhưng chúng ta cũng cần phải biết là, đôi khi Chúa không trả lời tức khắc. Giô-sép bị anh em bán đi làm nô lệ bên Ai-cập. Có lẽ lúc đó ông cầu nguyện xin Chúa cho ông ra thoát khỏi cảnh huống đó liền. Nhưng không, phải chờ đến bao nhiêu năm sau, ông mới thấy là Chúa không trả lời liền lại là cách trả lời hay nhất cho ông. Trong Sáng Thế Ký 50:20, ông nói với anh em ông, “Các anh toan hại tôi, nhưng Ðức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người....”

Tôi có làm một bài-thơ-con-cóc, và tôi xin đọc cho quý vị nghe:

“Không theo ý Chúa, Ngài nói, Không.

Theo ý Chúa mà không đúng thời, Ngài nói, Khoan.

Theo ý Chúa và đúng thời, Ngài nói, Xong.”

B. Tội đến nỗi chết

Bàn về việc cầu nguyện theo ý Chúa như vậy rồi, Giăng đưa ra một ví dụ trong câu 16-17, “Vì có kẻ thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Ðức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin. Mọi sự không công bình đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết.”

Câu này rất khó hiểu, và tôi sẽ tìm cách giải thích sau. Nhưng trước hết, tôi xin nhấn mạnh là chủ đích của đoạn này không phải để dạy chúng ta về tội lỗi, nhưng để cho chúng ta một thí dụ về vấn đề cầu nguyện. Giăng nói đến việc chúng ta cầu nguyện cho một người trong Hội thánh khi người ấy phạm tội. Là phần tử trong Hội thánh, chúng ta không sống riêng rẽ, nhưng phải cầu nguyện cho nhau. Ðặc biệt nếu có người tín đồ nào phạm tội, chúng ta phải cầu nguyện cho người đó, chứ không viết một lá thơ nặc danh gởi cho người đó, hay gởi cho mục sư, cũng không điện thoại thông tin cho mọi người biết. Ðiều chúng ta phải làm trước nhất là cầu nguyện, xin Chúa giúp người đó không tiếp tục phạm tội.

1. Chết vì phạm trọng tội?

Tội nào là tội “đến nỗi chết” và tội nào là tội “không đến nỗi chết?” Có nhiều cách giải thích. Một cách là phân biệt tội nặng và tội nhẹ. Nếu một người phạm trọng tội như giết người thì phải chết. Còn nếu phạm một tội nhẹ như ăn cắp thì không đến nỗi chết. Ðây là lối giải thích của Giáo hội La-mã. Thưa quý vị, chúng ta đã học điều này rồi, và biết là tội nào cũng là tội. Hơn nữa, làm sao chúng ta phân biệt được tội nào nặng và tội nào nhẹ? Ðồng ý, giết người là quá nặng, ăn cắp tương đối nhẹ. Nhưng có những tội ở giữa làm sao mình phân biệt được? Chúng ta phải nhớ thêm là tội mà Chúa ghét nhất lại là điều mà người đời không coi là tội. Ðó là việc thờ thần tượng và lòng kiêu hãnh. Hơn nữa, Ða-vít phạm một tội rất lớn là giết người, nhưng được Chúa tha thứ, và không chết vì tội đó.

2. Chết thuộc linh vì phạm đến Ðức Thánh Linh?

Lời giải thích thứ hai nói tội đến nỗi chết là tội phạm thượng, phạm đến Ðức Thánh Linh. Cái chết đây là cái chết thuộc linh. Lời giải thích này dựa vào một câu nói của Chúa Giê-xu cũng khó hiểu không kém trong Ma-thi-ơ 12:31, “Ấy vậy, Ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha, song lời phạm thượng đến Ðức Thánh Linh sẽ chẳng được tha đâu. Nếu ai nói phạm đến Con Người thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Ðức Thánh Linh thì dầu đời này hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.” Nhưng nghĩ lại, người tín đồ chúng ta trước kia ai cũng có lần chống lại Chúa, cũng có lần nói phạm đến Ðức Thánh Linh. Phao-lồ thú thật trong I Ti-mô-thê 1:13, “Ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo....” Dầu mỗi người chúng ta ai cũng đều có lúc phạm thượng, chống lại Chúa, nhưng hễ ai ăn năn đều được sự cứu rỗi. Dựa theo tinh thần của những nơi khác trong Kinh Thánh, chúng ta phải luôn cầu nguyện cho những người chưa ăn năn. Nếu Giăng dạy chúng ta đừng cầu nguyện cho những người phạm tội đến nỗi chết thuộc linh (“16. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.”) chắc ông không nói đến tội phạm thượng của những người không biết Ngài.

Có người giải thích hơi khác chút xíu, cho rằng câu này chỉ áp dụng cho những người không thật lòng tin Chúa trong Hội Thánh. Những giáo sư giả này trà trộn vào trong Hội Thánh. Họ biết được chân lý cứu rỗi; họ đứng lên thờ phượng Chúa; họ ca hát ngợi khen Chúa. Nhưng rồi họ bỏ Chúa, vì không bao giờ họ thực sự tin Chúa. Ðó là những người phạm thượng, phạm đến Ðức Thánh Linh. Nhưng để ý là Giăng bảo chúng ta phải cầu nguyện cho “anh em mình.” Giăng không bao giờ dùng chữ này nói đến những người chưa thật sự tin Chúa. Cũng vậy, nếu biết có người không thật sự tin Chúa trong Hội thánh, tại sao Giăng bảo chúng ta đừng cầu nguyện cho họ?

Nếu Giăng nói đến cái chết thuộc linh thì chúng ta ai cũng đã chết về thuộc linh trước khi sanh ra. Làm sao ngưòi chưa tin Chúa có tội đến nỗi phải chết về thuộc linh, nếu đã chết về thuộc linh rồi?

3. Chết thể xác?

Có nhiều người đồng ý lời giải thích này: Ở đây Giăng nói về cái chết thể xác, chứ không phải thuộc linh. Giăng nói rằng, có người tín đồ phạm tội đến nỗi Chúa phải cho thể xác họ chết, không để họ sống trên thế gian này nữa. Nếu thế, lời cầu nguyện của chúng ta cho họ là vô ích, vì là ngoài ý Chúa.

Cho tôi đưa ra hai ví dụ trong Kinh Thánh. Ví dụ thứ nhất là ông Môi-se. Ông phạm một tội với Chúa. Chúa bảo ông “nói cùng hòn đá trước mặt hội chúng thì hòn đá sẽ chảy nước ra.” Nhưng Môi-se lại “giơ tay lên, đập hòn đá hai lần bằng cây gậy mình.” (Dân Số Ký 20:8,11) Chúa phạt ông phải chết, không cho ông vào đất hứa. Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 3:25-26 kể lại việc Môi-se năn nỉ Chúa: “Tôi xin Chúa cho phép tôi đi qua xem xứ tốt tươi, núi đẹp đẽ này, và Li-ban ở bên kia sông Giô-đanh. Nhưng Ðức Giê-hô-va, bởi cớ các ngươi, nổi giận cùng ta, không nhận lời ta, bèn phán rằng: Thôi, chớ còn nói về việc này cùng Ta nữa.” Chúa nói gì? Ðừng cầu nguyện thêm nữa, vì tội này là tội đến nỗi chết.

Ví dụ thứ hai liên quan đến vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra trong sách Công Vụ Các Sứ Ðồ. Họ là tín đồ, biết dâng hiến, nhưng phạm tội nói dối cùng Ðức Thánh Linh. “5:3-10. Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia sao quỷ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Ðức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó? Nếu ngươi chưa bán ruộng đó, há chẳng phải là của ngươi sao?... A-na-nia nghe nói bấy nhiêu lời, thì ngã xuống và tắt hơi.... Khỏi đó độ ba giờ, vợ người bước vào, vốn chưa hề biết việc mới xảy đến. Phi-e-rơ cất tiếng nói rằng: Hãy khai cho ta, ngươi đã bán đám ruộng giá có ngần ấy phải không? Thưa rằng: Phải, giá có ngần ấy đó. Phi-e-rơ bèn nói rằng: Sao các ngươi dám đồng minh để thử Thánh Linh của Chúa? Kìa chân những kẻ chôn chồng ngươi đương ở ngoài cửa, họ sẽ đem ngươi đi luôn. Chính lúc đó, nàng té xuống nơi chân Phi-e-rơ và tắt hơi.” Hai người phạm một tội đến nỗi chết, chết trong thể xác, chứ không phải chết trong thuộc linh. Cũng như Môi-se, hai người vẫn sẽ được cứu, vì họ tin Chúa.

Bàn về tiệc thánh của Chúa trong sách I Cô-rinh-tô, Phao-lồ viết, “11:28. Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh và uống chén ấy; vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh và uống chén đó, tức là ăn uống sự xét đoán cho mình. Ấy vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ tật nguyền, đau ốm và có lắm kẻ ngủ.”

Chúng ta ai cũng phải chết trong thể xác vì tội lỗi của A-đam. Nhưng có những tội mình phạm trên thế gian khiến Chúa muốn đem mình về sớm hơn. Một người có hai đứa con chơi với nhau ngoài vườn. Sớm muộn gì chúng cũng về nhà, nhưng vì chúng cứ đánh nhau hoài, ông kêu chúng về nhà liền, không cho chơi thêm nữa. Cũng vậy, Chúa muốn ngươi tín đồ sống làm sáng danh Chúa trên thế gian. Nếu không, Chúa sẽ kêu chúng ta về sớm trong cái chết của thể xác. Trong trường hợp đó, cầu nguyện cũng vô ích.

Có nhiều tội khác nhau, và chúng ta không biết tội nào đưa đến cái chết trong thể xác. Chúng ta chỉ biết rằng Chúa cho Môi-se, A-na-nia và Sa-phi-ra biết ý Ngài rất rõ ràng, nhưng họ cố tình đi ngược lại. Xin nhớ rằng A-na-nia và Sa-phi-ra sống trong giai đoạn đầu tiên của Hội thánh, và những gì sai trật trong đó sẽ đưa Hội thánh theo con đường sai trật trong lịch sử. Chúng ta cũng phải để ý rằng A-na-nia và Sa-phi-ra lăn đùng ra chết tức khắc, nhưng bao nhiêu năm sau Môi-se mới chết.

Nhiều khi chúng ta nghĩ Chúa quá bất công với vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra. Họ dâng tiền cho Hội thánh, nhưng chỉ nói dối một tý mà bị Chúa cho về liền! Nhưng là tín đồ, chúng ta phải có một cái nhìn cao rộng hơn, lâu dài hơn. Nếu Chúa để họ ở lại trên thế gian, có thể họ sẽ phạm nhiều điều xấu xa hơn nữa. Hơn nữa, chúng ta phải thấy việc về với Chúa là một diễm phúc mà đáng lẽ mỗi người chúng ta phải mong chờ. Nếu Chúa cho chúng ta sống trên thế gian này thêm 30 năm hay 50 năm nữa, chúng ta có thể không có diễm phúc bằng người về với Chúa ngày hôm nay. Ðể chúng ta ở đây, Chúa có chương trình cho chúng ta. Nếu chúng ta phạm tội đến nỗi không hoàn thành được sứ mạng Chúa giao, tốt hơn Chúa cho chúng ta về. Phao-Lồ tâm sự trong Phi-líp 1:23 “Tôi bị ép giữa hai bề: muốn đi ở với Ðấng Christ là điều rất tốt hơn, nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em.”

Tóm lại, trong đoạn này Giăng muốn dạy chúng ta nên dạn dĩ đến trước mặt Ðức Chúa Trời trong sự cầu nguyện, đồng thời cũng muốn giải thích cho chúng ta biết tại sao có những lời cầu nguyện không được Chúa trả lời. Khi chúng ta cầu nguyện ngoài ý muốn của Ngài, Chúa sẽ không trả lời. Ðặc biệt là khi một người tín đồ phạm tội đến nỗi Chúa phải đem họ về với Ngài sớm, thì cầu nguyện cũng vô ích. Nhưng nói như vậy rồi, Giăng muốn chúng ta cầu nguyện trong tất cả mọi trường hợp, biết rằng Chúa có thể không trả lời vì Ngài có một chương trình tốt hơn cho chúng ta, vì ý của Ngài là ý tốt lành cho chúng ta.

Ðó là điều Giăng khuyến khích, và cũng là điều tôi xin khuyến khích quý vị. Bây giờ, xin chúng ta cầu nguyện lên Chúa. Sau khi tôi cầu nguyện, xin chúng ta đọc bài cầu nguyện chung. Xin chúng ta để ý đến từng chữ một trong bài cầu nguyện chung đó, nhất là khi chúng ta nói xin “Ý Cha được nên.”

Mục Sư Ðỗ Lê Minh