Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 1 | Hướng Dẫn
Ê-phê-sô 1:4-6
Kính thưa quý vị: Rất nhiều người Việt Nam chúng ta tin vào “số mệnh.” Mình khổ vì số mình khổ; mình sướng vì số mình sướng. Mình lập gia đình với ai thì cũng do “duyên tiền định.” Nếu có số tốt thì mình vui hưởng; nếu không thì đành cúi đầu chấp nhận. Người tín đồ chúng ta cũng tin vào thuyết “tiền định,” ở điểm là chúng ta tin rằng chúng ta đã được Chúa ban cho nhiều ơn phước thiêng liêng, cao trong hơn tất cả những điều vật chất. Ðiều này khiến chúng ta luôn vui vẻ, thỏa lòng, hơn là chỉ biết chấp nhận những may rủi trên đời.
Như tôi chia sẻ với quý vị, Ê-phê-sô 1:3 là phần nhập đề của một câu rất dài của Phao-lồ, mà chúng ta nay dịch ra từ câu 3 đến câu 12, nói về những ơn phước thiêng liêng Ðức Chúa Trời đã dành sẵn cho chúng ta. Tuần trước chúng ta chỉ học câu đầu tiên; hôm nay xin chúng ta học tiếp từ câu 4 đến câu 6, để xem Phao-lồ cho chúng ta biết những ơn phước đó là gì.
4trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Ðấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Ðức Chúa Trời,
5bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Ðức Chúa Giê-xu Christ, theo ý tốt của Ngài,
6để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!”
Phao-lồ nói trong đoạn này rằng ơn phước lớn nhất mà Ðức Chúa Trời dành cho chúng ta là Ngài đã chọn chúng ta trước khi sáng thế. Ðây là một vấn đề rất khó, mà nhiều người đã bàn tới bàn lui trong bao nhiêu thế kỷ. Có hai trường phái. Một trường phái quan niệm rằng chúng ta có sự tự do trong việc tin Chúa. Không ai ép buộc chúng ta, kể cả Ðức Chúa Trời. Trường phái khác quan niệm rằng Ðức Chúa Trời đã định sẵn cho chúng ta từ lâu rồi: Nếu Ngài đã định rằng chúng ta sẽ tin Ngài thì dầu muốn hay không chúng ta cũng phải tin.
Nếu quý vị hỏi, tôi xin nói là cả hai đều đúng. Vì không thể nào chúng ta chỉ đứng một bên được. Kinh Thánh có những câu như Giăng 3:16, “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời,” nhưng cũng có đầy dẫy những câu như câu chúng ta đang học ngày hôm nay, nói rằng Chúa đã chọn lựa chúng ta trước khi sáng thế. Công Vụ Các Sứ Ðồ 13:48 cũng viết, “Những kẻ đã được định sẵn cho sự sống đời đời, đều tin theo.” Nếu hoàn toàn theo một trường phái, chúng ta sẽ phải bỏ qua một số câu Kinh Thánh dạy cách khác.
Có hai nhóm đang bàn về vấn đề tự do và tiền định. Không đồng ý với nhau, họ chia ra làm hai phe, mỗi phe vào một phòng riêng. Có một ông nọ không biết mình tin gì. Khi ông đến phòng của nhóm tiền định, họ hỏi ai bảo ông lại. Ông trả lời, “Không, tôi tự do lại. Không ai bảo tôi.” Họ nói, “Như vậy ông thuộc nhóm tự do. Xin ông qua phòng họp của nhóm đó.” Khi ông qua bên kia, người ta cũng hỏi ai bảo ông qua. Ông trả lời, “Nhóm tiền định gởi tôi qua đây.” Họ lại nói, “Ông không thuộc nhóm này, vì ông phải tự do đến mới được!”
Hội thánh có thể bị chia năm xẻ bảy chỉ vì có nhiều người nghĩ mình biết tất cả, và những điều mình biết là đúng, còn ai không đồng ý với mình là sai. Chúng ta phải chấp nhận là có nhiều điều thuộc linh chúng ta không hiểu được, chẳng hạn như kinh thánh dạy là Chúa Giê-xu vừa là Thượng Ðế vừa là con người. Có người giải thích như vậy, trước khi tin Chúa, chúng ta thấy một cánh cửa và có sự tự do bước vào. Nhưng sau khi đã bước vào, nhìn lại, chúng ta thấy có tấm bản cho biết chúng ta đã được chọn lựa để bước vào đó.
Chọn Áp-ra-ham, Chúa hứa với ông trong Sáng Thế Ký 12:2-3, “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” Giữa vòng con cái của Áp-ra-ham, Chúa chọn Y-sác. Giữa hai người con của Y-sác, Chúa chọn Gia-cốp. Ngày hôm nay cũng vậy, giữa bao nhiêu người Việt Nam, Chúa chọn chúng ta, để “5được trở nên con nuôi của Ngài,” để gọi Ngài là Cha. Chúng ta phải biết rằng việc con người chọn Thượng Ðế là điều dễ, nhưng việc Thượng Ðế chọn chúng ta rất khó xảy ra. Xác suất để Thượng Ðế cao sang, sáng tạo vũ trụ, chọn chúng ta ra giữa bao nhiêu triệu người là rất nhỏ. Ðây là điều làm chúng ta vui mừng, và hãnh diện.
Câu hỏi kế tiếp là khi nào Chúa chọn chúng ta. Thưa, Ngài không chọn chúng ta làm con nuôi của Ngài hôm qua, hay hai năm trước, nhưng như Phao-lồ nói trong câu 4, “trước khi sáng thế.” Ðọc Kinh Thánh, đôi khi chúng ta thấy như Chúa không biết điều gì đang và sẽ xảy ra. Ngài không dự đoán được A-đam và Ê-va sẽ phạm tội. Rồi khi họ phạm tội, vì chương trình nguyên thủy của Ngài không được thành tựu, Ngài vội đổi qua chương trình khác. Nhưng thưa không, chúng ta cám ơn Ðức Chúa Trời rằng Ngài là Ðấng không bị giới hạn trong thời gian một chiều, nên biết trước tất cả mọi điều, từ lúc sáng thế cho khi thời gian chấm dứt. Trước khi sáng thế, Ngài đã biết rằng trong thế kỷ 20 có một người tên Ðỗ Lê Minh, mà Ngài đã nhận làm con.
Trước khi sáng thế, Chúa chọn tôi, và việc tôi nay là người tốt hay xấu không thành vấn đề. Trước khi chúng ta ra đời, có thể gây dựng nên “công đức” cho mình, Chúa đã chọn lựa chúng ta. Chúa không để ý xem tôi có xứng đáng được Ngài chọn hay không. Thật ra, không ai trong chúng ta xứng đáng được chọn để làm con nuôi của Ngài.
Trước đây, tôi có nói đến việc Chúa chọn Gia-cốp. Bây giờ xin chúng ta đọc Rô-ma 9:10-13: “Về phần Rê-bê-ca, khi bà ấy bởi tổ phụ chúng ta là Y-sác mà có thai đôi cũng vậy. Vì, khi hai con chưa sanh ra, chưa làm điều chi lành hay dữ - hầu cho được giữ vững ý chỉ Ðức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài, chẳng cứ việc làm, nhưng cứ Ðấng kêu gọi - thì có lời phán cho mẹ của hai con rằng: Ðứa lớn sẽ làm tôi đứa nhỏ; như có chép rằng: Ta yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau.”
Ðáng lẽ mọi người chúng ta đều phải gánh chịu sự chết mất, Chúa không diệt chúng ta, mà lại cho chúng ta trở thành con nuôi của Ngài. Có một chữ có thể diễn tả được điều này, đó là chữ “ân điển,” và đó là điều mà Phao-lô nói trong câu 6, “sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!”
Cho tôi giải thích thêm ba chữ công bình, nhân từ và ân điển. Nếu tôi phạm một tội gì, và quan tòa bỏ tù tôi, đó là công bình. Công bình đòi hỏi tôi gánh chịu những hình phạt mà tôi phải trả. Nhưng dầu biết tôi phạm tội, quan tòa vẫn tha tội cho tôi, đó là nhân từ. Hơn nữa, không những tha tội tôi, nếu quan tòa còn cho tôi tiền, đó là ân điển. Cũng vậy, đáng lẽ chúng ta là những tội nhân phải bị chết mất, không những Chúa tha tội cho chúng ta, nhưng lại nhận chúng ta làm con nuôi, và cho chúng ta bao nhiêu ơn phước thiêng liêng; đó là ân điển.
Câu hỏi kế tiếp là Chúa chọn chúng ta để làm gì. Thưa, để “5trở nên con nuôi của Ngài.” Có một số điều chúng ta phải hiểu ở đây. Thứ nhất đây có nghĩa là chúng ta sanh ra trong tối tăm, trong tội lỗi và không thuộc vào gia đình của Thượng Ðế. Xin đừng có ai nói rằng, vì tôi sanh ra trong gia đình Tin Lành, tôi là con của Thượng Ðế. Dầu cha mẹ chúng ta là con nuôi của Thượng Ðế, chúng ta vẫn sanh ra bên ngoài gia đình của Ngài.
Thứ hai, đây có nghĩa là Chúa Giê-xu phải trả một giá, phải đi qua một số thủ tục, để nhận chúng ta làm con nuôi của Ngài, và Ngài đã thỏa mãn tất cả những điều kiện đó. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá, và việc đó Ngài đã làm xong rồi. Ngày nay chúng ta không cần phải làm thêm điều gì khác.
Thứ ba, khi trở thành con nuôi của Thượng Ðế, chúng ta có người Cha. Xin quý vị nghĩ đến một người cha nào đó tốt nhất trên đời này. Rồi xin quý vị nhân tình cảm người cha tuyệt vời đó dành cho con mình lên triệu lần. Lúc đó quý vị mới thấy tình cảm của người Cha Thượng Ðế dành cho mỗi chúng ta, là con nuôi của Ngài. Ngài chăm sóc, lo lắng cho chúng ta, và có quyền năng giải quyết mọi khó khăn của chúng ta. Ðiều quan trọng là chúng ta phải biết nhìn vấn đề theo con mắt thuộc linh, để thấy những ơn phước thiêng liêng cao trọng hơn những điều vật chất.
Ðược Thượng Ðế nhận làm con nuôi, chúng ta cũng có được tất cả những quyền lợi cũng như trách nhiệm của người con trong gia đình. Chúng ta được quyền kêu Thượng Ðế bằng Cha, và sẽ thừa hưởng tất cả những ơn thiên thượng từ Ngài. Khi linh hồn lìa khỏi thể xác, chúng ta sẽ được lên thiên đàng với Thượng Ðế, vì là con của Ngài.
Không những có người cha thiên thượng, chúng ta con có anh chị em trong hội thánh, vì mỗi người chúng ta đều là con nuôi của Thượng Ðế. Người ngồi cạnh chúng ta hôm nay là anh chị em của chúng ta, vì có cùng một Cha trên thiên đàng.
Lịch sử ghi lại câu chuyện của Hoàng đế La-mã Claudius. Ông nhận một người tên Nero làm con nuôi. Rồi muốn cho tình cha con thắm thiết hơn, Nero muốn thành hôn với con ruột của Claudius tên là Octavia. Trên thực tế, Nero và Octavia không có liên hệ máu mủ, nhưng theo luật pháp hai người là anh em. Thượng viện La-mã vì thế phải thông qua một đạo luật đặc biệt cho phép hai người này nên vợ chồng.
Như tôi nói khi nãy, nhiều người Việt Nam chúng ta tin vào thuyết tiền định, nhờ thế biết chấp nhận số phận hẩm hiu hay vui hưởng số phận nhàn hạ. Nhưng người tín đồ cũng tin vào thuyết tiền định và luôn cám ơn Chúa vì biết mình được may mắn bội phần, được Ngài chọn để làm con nuôi đời đời của Ngài.
Phao-lồ còn nói thêm, Ðức Chúa Trời chọn chúng ta, “đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Ðức Chúa Trời.” Chữ “nên thánh” có nghĩa là “biệt riêng ra.” Trong thời Cựu Ước, đền thánh là nơi được biệt riêng ra để thờ phượng Chúa; thầy tế lễ là người được biệt riêng ra để phụ trách việc thờ phượng. Trước đây má tôi theo đạo Phật, và ăn chay mỗi ngày rằm hay đầu tháng. Bà để riêng ra một bộ chén dĩa để ăn chay, không cho chung đụng với những chén dĩa khác. Bộ chén dĩa đó đối với bà là “nên thánh.” Cũng vậy, Chúa chọn chúng ta làm con nuôi của Ngài, và biệt riêng chúng ta để chúng ta thờ phượng Ngài.
Ngài biệt riêng chúng ta để chúng ta nên thánh, “không chỗ trách được.” Ðỗ Lê Minh là người không chỗ trách được? Vâng, đúng như vậy, vì khi nhìn tôi, Ðức Chúa Trời không còn thấy những tội lỗi của tôi nữa. Dòng huyết cứu rỗi của Chúa Giê-xu đã bao phủ tôi, làm tôi thánh sạch, không chỗ trách được trước mặt Ngài.
Không ngừng ở đây, Phao-lồ còn cho biết rằng Ðức Chúa Trời chọn chúng ta “6để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!” Xin chúng ta nhớ là chúng ta tin Chúa không phải vì để được sự cứu rỗi, nhưng vì Chúa là Chúa, và chúng ta tin Ngài để làm vinh hiển danh Ngài. Việc được cứu rỗi chỉ là một sản phẩm phụ (by-product). Giữa vòng những người Việt Nam, Chúa chọn và biệt riêng chúng ta để làm sáng danh Ngài, để những người chưa tin Ngài thấy “sự vinh hiển của ân điển Ngài,” và vì thế đến thờ phượng Ngài.
Chúng ta học được bài học gì qua những điều Phao-lô nói ở đây? Thứ nhất, chúng ta phải sống đời sống xứng đáng với chức phận làm con của Thượng Ðế. Ðời sống chúng ta phải phản ảnh được địa vị cao trọng này. Chúng ta phải càng ngày càng gần Chúa hơn.
Thứ hai, xin đừng có ai trong chúng ta lo sợ là một ngày nào đó mình sẽ mất niềm tin, mất địa vị làm con nuôi của Ðức Chúa Trời. Chúa chọn chúng ta không phải hôm qua, dựa vào những việc làm tốt lành của mình, để có thể “từ” chúng ta trong tương lai nếu chúng ta phạm tội. (Nhưng nói như thế cũng không có nghĩa là chúng ta giờ đay cứ tha hồ phạm tội.) Bị giam hãm trong xác thịt này, chúng ta sẽ còn phạm tội; và nếu lỡ lầm phạm tội, xin quý vị đừng vì đó mà đánh mất niềm tin, vì nghĩ rằng Chúa không còn yêu mình nữa. Chúa sẽ gìn giữ chúng ta cho đến giây phút cuối cùng.
Thứ ba, chúng ta phải có một thái độ khiêm nhường, vì Chúa chọn chúng ta không phải dựa vào công đức gì trong chúng ta. Ngài không chọn chúng ta vì chúng ta giàu sang, hay nghèo đói, học cao hay thấp. Ngài chọn chúng ta trước khi chúng ta có thể làm một điều lành nhỏ.
Thứ tư, ngược lại với sự suy nghĩ của nhiều người, chúng ta phải dạn dĩ bước ra làm chứng với người ngoài về Chúa. Nhiều người cho rằng, nếu Chúa đã chọn từ lâu, thì chúng ta không cần làm chứng với ai nữa! Nhưng nếu không có ai nói thì làm sao người khác tin? Chúa đã chọn họ, nhưng Chúa cũng đã chọn chúng ta để nói với họ về Ngài. Nếu có một người chịu nghe lời chứng của chúng ta, ấy là Chúa đã chọn người đó để nghe chúng ta, và đã chọn chúng ta để đem Tin Lành đến với họ. Khi chia sẻ niềm tin với một người, chúng ta phải biết rằng đằng sau khả năng yếu kém, lời nói vụng về của chúng ta là sự chọn lựa của Ðức Chúa Trời. Chúng ta không đánh trận bằng xác thịt, dựa vào khả năng riêng của mình, nhưng dựa vào sự chọn lựa của Chúa đã có sẵn từ trước.
Nhân tiện tôi cũng xin thưa rằng, nếu trong phòng này có người nào chưa tin Chúa, xin quý vị biết là không phải vì tình cờ mà quý vị đến ngồi trong ngôi đền thờ này. Chúa đã có chương trình cho quý vị trước khi sáng thế, và Ngài đã định rằng quý vị sẽ nghe Tin Lành ngày hôm nay. Quý vị đã đi xa hơn bao nhiêu người khác đang còn lầm lạc trên thế gian này. Chỉ có một điều quý vị cần làm ngày hôm nay, ấy là đặt niềm tin vào sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu. Chúa đã chuẩn bị tất cả mọi điều kiện thuận lợi để quý vị làm điều này.
Tóm tắt lại, vấn đề tự do hay tiền định là điều mà người ta hay cãi nhau. Chúng ta phải chấp nhận rằng đây là điều vượt ngoài khả năng hiểu biết của con người, và trong ngày cuối cùng mỗi người chúng ta đều sẽ ngạc nhiên về sự thật. Thay vì cãi nhau, chúng ta phải biết rằng con người có giới hạn, và cám ơn Ðức Chúa Trời về những ơn phước thiêng liêng mà Ngài đã ban cho chúng ta, đặc biệt là “4-6trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Ðấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Ðức Chúa Trời, bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con nuôi của Ngài bởi Ðức Chúa Giê-xu Christ, theo ý tốt của Ngài, để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!”
Mục Sư Ðỗ Lê Minh