Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 1 | Hướng Dẫn

Bài 2

NGÔI LỜI TRỞ NÊN XÁC THỊT

GIĂNG 1:14

 

Kính thưa quý vị, sau khi nói một số điều về Ngôi-lời,  Giăng nói, “1.14 Ngôi-lời đã trở nên xác thịt.” Cùng nhau suy nghĩ về điều này, chúng ta sẽ thấy sự mầu nhiệm của đạo Chúa. Khác với tất cả mọi tôn giáo khác, trong đó người ta dạy là con người phải cố gắng ăn hiền ở lành, may ra đến một ngày nào đó được giác ngộ thành “ông trời,” đạo Chúa lại nói Ngôi-lời, tức là Thượng Đế, đã trở thành người và ở giữa chúng ta. Ðây là điều mình không thể nào tưởng tượng được: Ðấng-sáng-tạo-thế-gian lại trở thành một em bé, sanh ra trong một máng cỏ lạnh lẽo ở Bết-lê-hem. Bao nhiêu năng lượng điều khiển vũ trụ, cho nó sự tuần hoàn, trật tự lại trở thành bất lực, nằm chờ tay mẹ ẵm bồng. Ðấng sáng tạo từng tế bào, từng phân tử lại khóc đòi sữa mẹ.

Tại sao Thượng Ðế lại trở thành một người biết nói, biết ăn, biết ngủ, biết khóc, biết giận, biết buồn, biết vui, biết cô đơn, và biết bị ruồng rẫy? Tại sao Thượng Ðế lại phải đi học nghề thợ mộc? Tại sao Thượng Ðế lại cần có đệ tử để tâm sự, dạy dỗ. Tại sao Thượng Ðế lại để người ta phản bội mình, bắt mình vác thập tự giá, để treo thân mình trên đó? Tại sao Thượng Ðế lại phải chết như bao người khác? Nếu muốn cho con người biết về Ngài, tại sao Ngài không gởi sứ giả xuống? Hôm nay tôi xin chia sẻ với quý vị ba lý do tại sao Ngôi-lời lại trở nên xác thịt.

 

1.         Để Ngài cứu chúng ta

 

Lý do thứ nhất Ngôi-lời trở nên xác thịt là để cứu chúng ta, bằng cách đền tội cho chúng ta. Hê-bơ-rơ 2:17 viết, “Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Ðức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân.”

Có hai vị lãnh tụ trong chiến tranh Iraq vừa qua: Saddam Hussein và George W. Bush. Saddam Hussen có hai con trai tên là Uday và Qusay. Uday là một người tàn ác, dã man. Tại sao như vậy? Vì Saddam Hussen có quyền và thương con mình không đúng cách. Có một lúc nào đó trong quá khứ, Uday phạm tội nhưng Saddam Hussein ngoảnh mặt làm ngơ. Uday vì đó như được khuyến khích, cứ tiếp tục phạm tội. Ðó là hình ảnh một người có quyền, yêu thương con mình, nhưng thiếu sự thánh khiết. Khác với Saddam Hussein, Thượng Ðế thánh khiết. Mặc dầu yêu thương con người, Ngài không thể làm ngơ trước tội lỗi của con người, và quyết định là con người phải chịu chết vì tội lỗi mình. Bên kia cuộc chiến là tổng thống Bush. Ông có hai con gái sinh đôi tên là Jenna và Barbara. Vào ngày 29-5-2001 vừa qua, hai cô này bị cảnh sát bắt vì phạm luật của Texas, mua rượu khi còn 19 tuổi, chưa đủ 21 tuổi. Khác với hai con của Saddam Hussen, ngoài những hình phạt khác, cô Barbara bị phạt tám giờ làm việc cho cộng đồng; cô Jenna bị phạt nặng hơn vì phạm tội này lần thứ hai. Nhưng tổng thống Bush không lạm dụng quyền lực của mình để can thiệp. Con tổng thống cũng phải đền tội mình như những người khác. Dầu thế, giả thử luật pháp Texas cho phép điều này, tổng thống Bush cũng không nói với con, “Thôi, con ở nhà chơi, để ba đi làm việc cộng đồng thế cho con.” Chức vụ tổng thống không cho phép ông làm như thế. Nhưng khác tổng thống Bush, vì Thượng Ðế quá yêu chúng ta, mặc dầu chúng ta phải chịu chết vì tội lỗi mình, Ngài nói, “Ðể ta chết thế cho con.” Ðó là lý do tại sao Thượng Ðế lại trở thành người. Nếu Ngài không làm điều này, con người vẫn phải chết cho tội lỗi của mình.

Nói như vậy rồi, tôi phải nói thêm một điều rất quan trọng, đó là dầu trở thành người, Chúa Giê-xu vẫn là Thượng Ðế (hay Con Thượng Ðế). Mặc dù sanh ra từ tử cung của một người đàn bà, nhưng người đàn bà đó chưa hề biết đến đàn ông. Mặc dầu sinh ra trong máng cỏ nghèo nàn, lúc đó trên không trung có tiếng thiên sứ báo tin cho mọi người rằng có một Ðấng được sinh ra để đem bình an thật sự đến cho nhân loại. Khi ra hành đạo, Ngài làm bao nhiêu phép lạ và nói nhiều lời khôn ngoan đến nỗi người ta phải hỏi nhau, “Người này không đi học, mà sao nói được những lời uyên bác như thế?” (Giăng 7:15-17) Dầu cố gắng hết sức, không ai có thể tìm được một điều gì để buộc tội Ngài. Rồi khi Ngài chết trên thập tự giá, có bao nhiêu hiện tượng khác thường xảy ra như động đất, trời trở nên tối đen, hay tấm màn trong đền thờ bị xé toạc làm hai.... Ba ngày sau khi Ngài đã chết, không ai tìm thấy thân xác của Ngài. Chúng ta chỉ có thể giải thích được là Ngài đã chiến thắng sự chết và sống lại. Sau đó, Ngài thăng thiên trước mắt nhiều người.

Ðây là sự hòa đồng nhiệm mầu mà chúng ta không hiểu được: 100% con người, và 100% Thượng Ðế. Nhờ đó mà chúng ta mới được cứu. Phải là Thượng Ðế hoàn toàn vô tội, Chúa Giê-xu mới có thể đền tội cho chúng ta. Nếu không, Ngài chỉ có thể đền tội cho chính mình. Nếu tổng thống Bush cũng bị phạt làm việc cộng đồng vì một tội nào đó của ông, thì ông chỉ có thể đền tội cho chính mình khi làm việc này, không phải cho con mình. (Tôi xin nói lạc đề ở đây: Ông Bush trước kia cũng bị phạt vì say rượu lái xe, nhưng Chúa đã làm việc trên đời sống ông. Từ ngày tin Chúa, ông không đụng đến một giọt rượu.)

Trong nguyên bản Hy-lạp, câu 14, “Ngôi-Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta” có nghĩa là Ngài đang “đóng trại” ở giữa chúng ta. Thượng Ðế cao sang quyết định dựng lều giữa chúng ta. Ðể làm gì? Thưa, để một ngày nào đó, chúng ta có cái nhà ở trên trời. Chữ “lều” nói đến một nơi tạm bợ. Ngài xuống đây, sống và chết trong một thân xác tạm bợ, để chúng ta có một ngôi nhà vĩnh viễn đời đời trên thiên đàng.

 

2.         Để chúng ta có sự thông công với Ngài

 

Lý do thứ hai Ngôi-lời trở nên xác thịt là để chúng ta có thể đến với Thượng Ðế. Như khi nãy tôi nói, chữ “ở giữa” có nghĩa là “đóng lều.” Nghe đến chữ này, chúng ta liên tưởng đến những cái lều của người Do-thái trong đồng vắng, sau khi họ lìa khỏi Ai-cập. Giữa những lều đó, Chúa bảo họ dựng một cái lều đặc biệt, để làm nơi Chúa ngự, ở đó Ngài gặp và nói chuyện với con người. Dần dần, lều đó thành ngôi đền thờ tại Jerusalem. Chính giữa đền thờ này có một nơi gọi là “Nơi Chí Thánh,” hay “Nơi Rất Thánh.” Muốn vào đó, người ta phải bước qua một bức màn. Tối thứ sáu hôm đó, khi Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá, bức màn trong đền thờ bị xé toạc làm hai. Từ đó không còn điều gì ngăn cách nơi chí thánh và bên ngoài nữa.

Cũng vậy, tác giả Hê-bơ-rơ ví sánh bức màn đó với thân thể của Chúa Giê-xu: “10:19-20, Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Ðức Chúa Giê-xu được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài.” Vì thân thể của Chúa Giê-xu đã bị tan nát như bức màn đã bị xé, không còn gì ngăn cản chúng ta bước vào Nơi Chí Thánh trên trời nữa. Giờ đây, chúng ta không cần phải nhờ các vị mục sư, hay linh mục, hay một giáo chức nào khác để nói chuyện với Thượng Ðế cho chúng ta. Chúng ta có thể đến thẳng với Thượng Ðế trong sự cầu nguyện và có sự thông công trực tiếp với Ngài.

Ông ngoại thằng Tâm sống cạnh nhà nó. Thường nó qua nhà ông chơi, nhưng hôm nọ ông chờ hoài không thấy nó. Khi ông điện thoại hỏi lý do, nó cho ông biết rằng, vì nó đã làm một điều lầm lỗi, má nó phạt, không cho nó ra khỏi nhà. Thấy nó quá buồn, mặc dầu đã già, ông ngoại lụm khụm từng bước một đi qua nhà nó. Nếu nó không đến nhà ông chơi với ông được, ông đến nhà nó chơi với nó. Cũng vậy, Thượng Ðế không chỉ ngồi xa vời trên kia, nhưng đã xuống đây làm người để làm bạn với chúng ta, vì chúng ta tự mình không thể lên với Ngài.

 

3.         Để Ngài hiểu chúng ta

 

Ðể có được sự thông công giữa Trời và Người, hai bên phải hiểu nhau. Vì thế, lý do thứ ba Ngôi-lời trở nên xác thịt là để hiểu chúng ta. Trong thân thể con người, Ngài đã bị người ta ruồng bỏ và chửi rủa. Ngài đã đối diện với những kẻ vô ơn: Sau khi Ngài làm phép lạ chữa lành cho họ, họ yêu cầu Ngài đi chỗ khác. Ngài đã đối diện với những người Pha-ri-si giả hình như những ngôi mồ sơn trắng. Ngài hiểu những đòi hỏi về xác thịt trong chúng ta. Ngài đã nhịn đói bốn mươi ngày trong đồng vắng, và biết thế nào là cái đói trong thân thể. Ngài hiểu sự cô đơn, trống vắng trong chúng ta. Ngài hiểu con người hơn ai hết.

Có một điểm rất đặc biệt là Chúa Giê-xu đã bị thử thách nhiều hơn chúng ta bội phần. Sự thử thách đến liên tục trong suốt đời hành đạo của Ngài, đến giây phút cuối cùng của Ngài trên đất. Trên thập tự giá, Ngài vẫn bị thử thách để không tuân theo chương trình của Thượng Ðế, cầu xin chén đau khổ lìa khỏi Ngài. Nhưng cám ơn Chúa là Ngài không bao giờ bỏ cuộc, chịu thua những thử thách. Hê-bơ-rơ 4:15 viết, “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối của chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội.” Nếu chỉ bị thử thách sơ sơ mà chúng ta đã vội bỏ cuộc, thì cuộc đời chúng ta không chịu thử thách bao nhiêu. Nhưng vì Chúa Giê-xu kiên trì đứng vững trong chương trình của Chúa Cha, cuộc đời Ngài là một chuỗi thử thách liên tục. Nhờ đó, Ngài thấu hiểu sự thử thách hơn ai hết.

Nhờ hiểu chúng ta như vậy, Ngài mới là người bạn thân của chúng ta. Biết nhu cầu của chúng ta, Ngài cung cấp. Biết đời sống chúng ta vô nghĩa, Ngài ban cho ý nghĩa. Biết sự cô đơn của chúng ta, Ngài làm bạn qua dạng Ðức Thánh Linh. Ðã từng trải những sự thử thách đến với con người, Ngài không để chúng ta bị thử thách nhiều hơn khả năng chống trả của chúng ta, và Ngài sẵn sàng ban cho chúng ta khả năng thích ứng để đối phó với những thử thách đó.

Có một người da trắng tên là John Howard Griffin muốn hiểu người da đen, nhưng không hiểu được vì khác màu da. Vì thế, trước khi ra đi tiếp xúc với những người da đen, ông tìm mọi cách làm cho da mình đậm lại như da của họ, chẳng hạn như uống thuốc, phơi nắng,... Năm 1959 ông viết một cuốn sách mang tựa đề Black Like Me. Nhờ sách đó, nhiều người da trắng mới hiểu thêm một phần nào người da đen. Cũng vậy, vì Thượng Ðế đã có lần mang thân phận con người, Ngài hiểu chúng ta hơn, và nhờ đó có thể giúp đỡ chúng ta nhiều hơn.

 

Còn thêm hai lý do nữa khiến Ngôi-lời trở nên xác thịt. Tuần tới chúng ta sẽ bàn về chúng. Nhưng tuần này, chúng ta chỉ cần suy gẫm đến ba lý do trên, để trước hết, chúng ta không xem mình như không có giá trị. Thật ra, chúng ta quá sức quan trọng trước mặt Thượng Ðế, đến nỗi Ngài phải xuống trần gian chết cho chúng ta. Có thể, sống ở nước Mỹ này mình là “phó thường dân,” bị người ta xem thường, ra đường không ai để ý. Nhưng Thượng Ðế luôn để ý đến chúng ta.

Xin chúng ta cũng đừng xem thường thân xác mình. Thượng Ðế xuống trần gian không mang hình ảnh của một thiên sứ, nhưng mang xác thịt con người. Nếu Thượng Ðế cao sang như vậy mà chịu mang thân xác con người, thân xác này không phải là vô giá trị, nhưng là một tác phẩm vĩ đại của Thượng Ðế, là một đền thờ để Ngài ngự vào. Sáng Thế Ký 1:31 kể rằng, sau khi Thượng Ðế sáng tạo con người, Ngài “thấy các việc Ngài làm thật rất tốt lành.”

Có một điều càng suy nghĩ tôi càng không hiểu. Tôi biết là Ngôi-lời trở nên xác thịt để cứu tôi, để tôi có sự thông công với Ngài, để hiểu tôi và để tôi hiểu Ngài, nhưng tại sao Chúa yêu thương tôi quá nhiều như thế? Tôi không hiểu nỗi. Tôi chỉ biết đón nhận tình yêu đó, và cám ơn Ngài.

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh