Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 1 | Hướng Dẫn

Bài 2

CHÚA BAN MỌI ĐIỀU

II PHI-E-RƠ 1:3-4

 

Kính chào quý vị, chỉ mấy tháng trước đây, có một sinh viên thần học cùng lớp với tôi tại chủng viện Talbot đã thú nhận là anh ghiền xem những hình ảnh đồi trụy trên Internet. Cũng mới đây, trong một buổi họp hàng tuần tại nhà tôi, có một người tín đồ mới tin Chúa kéo tôi ra, nói, “Mục sư ơi, tôi mới tin Chúa. Tôi bỏ được rất nhiều điều, nhưng có một điều tôi chưa bỏ được. Bây giờ tôi cần phải có một điếu thuốc. Có chỗ nào tôi hút thuốc được không?” Mặc dầu đã tin Chúa, đã được sự cứu rỗi, nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với bao nhiêu tội lỗi, và nó làm cho chúng ta cảm thấy như là mình bị trói buộc vào trong đó, không dứt ra được. Thế thì có cách nào để mình giải thoát được khỏi vòng tội lỗi, để có thể sống đời sống đẹp lòng Chúa hay không? Có bí quyết nào khiến chúng ta có thể lìa bỏ tội lỗi đang vấn vương tâm hồn, để có thể tự do đến với Chúa? Hôm nay, chúng ta sẽ học một bài học về vấn đề này trong thơ Phi-e-rơ thứ hai.

Tuần trước, chúng ta đã học về cái nhìn của Phi-e-rơ đối với trách nhiệm trong phần còn lại của đời ông. “1:12-15, Dầu anh em biết rõ ràng và chắc chắn trong lẽ thật hiện đây, tôi cũng sẽ nhắc lại những điều đó cho anh em chẳng thôi. Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm nầy bao lâu, thì coi sự lấy lời rao bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy; vì tôi biết tôi phải vội lìa nhà tạm nầy, như Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta đã bảo cho tôi. Nhưng tôi ân cần rằng sau khi tôi đi, anh em có thể hằng nhớ điều tôi đã nói.” Có ít nhất hai điều mà Phi-e-rơ muốn nhắc. Điều thứ nhất ở trong quá khứ: chúng ta “đã lãnh phần đức tin đồng quí báu” như của các sứ đồ. Điều thứ hai ở trong hiện tại. Ông muốn nhắc nhở là, muốn được sự ân điển và sự bình an tràn đầy, chúng ta phải có “sự nhận biết sâu nhiệm (epignosis) Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, là Chúa chúng ta!” Bây giờ chúng ta qua câu thứ 3 và câu thứ 4

3. Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhơn đức mà gọi chúng ta,

4. và bởi vinh hiển nhơn đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta, hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến, mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.

Hôm nay, chúng ta sẽ tìm cách trả lời những câu hỏi như, “Chúa muốn chúng ta như thế nào?” “Ngài làm gì để giúp chúng ta làm được điều Ngài muốn đó?” và “Chúng ta phải làm gì để đáp ứng lại điều Ngài đã làm cho chúng ta?”

I. Chúa muốn chúng ta như thế nào?

Chúa muốn chúng ta "lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến.” Ngài không muốn chúng ta bận tâm vì những mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời. Ngài muốn chúng ta không còn vương vấn những tội lỗi, như là những hình ảnh dâm dục, hút thuốc để tự làm hủy hoại thân thể... Ngài muốn chúng ta vượt ra khỏi những điều xấu xa, ô uế, băng hoại của thế gian này, để “trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.” Ngài muốn chúng ta trở nên giống như Chúa: Chúa là tình yêu thương, và Ngài muốn chúng ta có tình yêu thương. Chúa là chân lý, và Ngài muốn chúng ta không có sự dối trá trong lòng. Chúa là trong sạch, và Ngài muốn chúng ta cũng trong sạch vẹn toàn. Hội thánh của Chúa được ví như là người vợ hứa của Ngài, và Chúa muốn người vợ hứa đó sẵn sàng dọn mình, chờ ngày Ngài trở lại để đón mình lên thiên đàng.

Đó là ý muốn của Đức Chúa Trời, và có lẽ cũng là ý muốn của mỗi người tín đồ chúng ta. Người tín đồ nào cũng muốn làm điều đó: muốn làm đẹp lòng Chúa, muốn phản ảnh được sự vinh quang của Chúa, để người ta thấy Chúa trong đời sống của chúng ta. Đây không phải là những điều bên ngoài, chỉ để đóng kịch, để người ta thấy. Để có thể “dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời,” chúng ta cần phải thay đổi tận bên trong tâm hồn. Chúng ta không thể chỉ nói yêu thương bằng miệng, nhưng trong lòng vẫn có những âm mưu độc hại, hay sự cay đắng.

II. Chúa làm gì để giúp chúng ta?

1. Ngài ban lời hứa

Phi-e-rơ không chỉ đòi hỏi chúng ta lánh khỏi sự hư nát của thế gian, rồi ngừng lại ở đó. Chúa Giê-xu không chỉ muốn chúng ta trở thành người dự phần bổn tánh của Đức Chúa Trời, rồi ngừng lại ở đó. Nhưng cám ơn Chúa, là Ngài đã giúp chúng ta hoàn thành những điều Ngài muốn chúng ta làm. Ngài đã ban cho chúng ta những “lời hứa rất quí rất lớn.” Khi chúng ta hiểu rõ những lời hứa trong cuốn kinh thánh, và tin rằng Ngài đã hay sẽ hoàn thành chúng, chúng ta có thể sống một đời sống đẹp lòng Chúa.

Chúa hứa là, nếu chúng ta biết đặt niền tin nơi Chúa, thì sẽ được sự cứu rỗi, được làm hòa thuận với Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ coi chúng ta như con cái Ngài. Chúa hứa sẽ ban cho ta Đức Thánh Linh, để ngự trị trong lòng chúng ta. Nếu để Đức thánh Linh hoàn toàn tự do hoạt động trong lòng chúng ta, chúng ta có thể chống trả được những cạm bẫy, những sự cám dỗ của thế gian. Chúng ta có để lòng lắng dịu, nghe những lời cáo trách, chỉ bảo của Đức Thánh Linh hay không? Trong đoạn thứ ba của thơ Phi-e-rơ này, có một lời hứa rất quý và rất lớn nữa là Chúa sẽ trở lại để đoán xét thế gian. Khi đối diện với những khó khăn trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải nhớ là, một ngày nào đó, mỗi người chúng ta sẽ phải khai trình trước Chúa về những hành động, những tư tưởng sâu kín trong tâm hồn chúng ta, và chúng ta có sẵn sàng chưa?

2. Ngài ban mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính

Chúa còn làm hơn là chỉ hứa. Đọc câu trên, chúng ta thấy “Ngài ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính.” Sự sống đây là sự sống thuộc linh. Khi nói đến sự sống, Phi-e-rơ nói đến việc chúng ta sống có niềm tin để chờ ngày lên thiên đàng vĩnh cửu với Chúa. Nhưng khi nói đến sự tin kính, ông nói đến việc chúng ta thể hiện niềm tin trong đời sống hằng ngày, để làm sáng danh Chúa ngay trong đời sống chúng ta hôm nay. Sự sống là sự cứu rỗi; tin kính là sự sống đạo. Sự sống nói đến ân điển của Chúa; nhưng tin kính nói đến sự vinh quang của Chúa, được thể hiện qua đời sống chúng ta. Sự sống là nền tảng, sự tin kính là tòa nhà chúng ta xây dựng đó. Nếu chúng ta chỉ có sự sống, mà không có sự tin kính, thì cũng giống như Gia-cơ nói “2:26, đức tin không có việc làm là đức tin chết.” Có sự tin kính, mà không có sự sống, thì chúng ta chỉ là những người giả hình, làm bộ trong hội thánh.

Thế thì bằng cách nào để Chúa ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính? Thưa, bằng quyền năng của Ngài: “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính.” Chúng ta nói đến quyền phép của Đấng sáng tạo vũ trụ ở đây. Chúng ta nói đến quyền phép của Đấng biết tất cả mọi điều, từ điều nhỏ nhất đến điều lớn nhất trên thế gian. Và chính Đấng có quyền phép đó đã ban cho chúng ta tất cả mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính. Nhiều người tín đồ chúng ta sống một đời sống là nhàm chán, thiếu quyền năng vì nghĩ là mình không có quyền năng đó. Nhưng tuần trước Phi-e-rơ nói là mình có “đức tin đồng quí báu” như của ông, và gói ghém trong cùng đức tin đó là quyền năng của Đức Chúa Trời. Đôi khi, mình biết mình có quyền năng, nhưng vẫn muốn tìm thêm. Tuần trước, một người nói với tôi, “Tôi đi nhóm ở một hội thánh khác, và ở đó có nhiều quyền năng của Chúa. Mục sư đụng một cái là ai cũng té nhào!” Họ đi tìm những sự thể hiện quyền năng như thế, nhưng không biết là quyền năng đã có trong mỗi người tín đồ.

Mỗi đầu năm, tại Rose Parade, có nhiều xe hoa trang hoàng rất đẹp. Mấy năm trước, có một chiếc xe hoa chạy nửa đường thì bị tắt máy, đứng khựng lại vì thiếu xăng. Quý vị biết xe hoa này đại diện cho công ty nào không? Thưa, hãng xăng Standard Oil! Chiếc xe hoa đại diện cho một hãng xăng lớn, lại đứng đường, chết máy trước mắt bao triệu người, chỉ vì thiếu xăng! Chúng ta cười, nhưng đôi khi đời sống của chúng ta cũng giống như vậy. Chúng ta là đại diện cho Thượng Đế quyền năng, nhưng chúng ta “hết xí quách,” thiếu quyền năng của Chúa.

III. Chúng ta phải làm gì?

Bây giờ câu hỏi là, “Có bí quyết gì để chúng ta có thể dùng quyền năng của Đức Chúa Trời đó trong đời sống?” Rất tiếc là bản dịch Việt Nam lại dịch sai, nên mình không thấy được bí quyết đó. Thay vì dịch là “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính, khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhơn đức mà gọi chúng ta,” chúng ta phải dịch là, “Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính, qua sự thông biết Đấng... “ (Bản NIV dịch, “Through the true knowledge of Him...) Chữ “khiến” hàm ý Đức Chúa Trời ban cho mọi điều trước, để chúng ta biết. Nhưng chữ “qua” hàm ý là chúng ta phải có sự thông biết, trước khi có quyền năng. Chữ “thông biết” là chữ epignosis tôi nói tuần trước, khi Phi-e-rơ nói chúng ta có “ân điển và sự bình an ... bởi sự thông biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu.” Tôi xin nhắc lại là sự thông biết đòi hỏi trái tim, chứ không phải là cái đầu không. Sự thông biết không chỉ là trên lý thuyết, để đứng lên giảng, để làm giáo sư, nhưng cũng là trên thực hành, để giúp mình làm đầy tớ cho những người khác.

Bây giờ, Phi-e-rơ nói là Chúa ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính nhờ sự thông biết đó. Nếu chúng ta thông biết “Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta,” thì chúng ta sẽ có tất cả mọi điều Chúa ban. Đó là bí quyết của một đời sống chiến thắng. Nếu hai vợ chồng sống chung với nhau lâu dài, thì mình thấy họ giống nhau. Và cũng vậy, nếu chúng ta thông biết Chúa, sống với Chúa lâu ngày, thì hình ảnh của Chúa sẽ thể hiện trong đời sống chúng ta.

Hôm nay tôi có đeo cái băng này có mấy chữ WWJD trên đó. Tiếng Anh có nghĩa là “What Would Jesus Do?” “Chúa Giê-xu sẽ làm gì trong trường hợp này?” Khi đối diện với mỗi hoàn cảnh trong đời sống, chúng ta phải tự hỏi câu này. Nếu có sự thông biết Chúa, chúng ta sẽ có câu trả lời cho câu hỏi đó, và vui vẻ làm theo, chiến thắng được tất cả mọi cám dỗ trên thế gian. Không, đây không phải là lý thuyết. Khi muốn bấm nút để nhìn những hình ảnh đồi trụy trên internet, chúng ta hỏi “Chúa Giê-xu sẽ làm điều gì trong trường hợp này?” và sẽ không thèm lên đó nữa. Nếu muốn hút một điếu thuốc, chúng ta hỏi “Chúa Giê-xu sẽ làm điều gì trong trường hợp này?” và sẽ quăng điếu thuốc ngay.

Mục Sư Đỗ Lê Minh