Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 1 | Hướng Dẫn
THI-THIÊN 2
Kính thưa quý vị, chúng ta đã đi qua sách Công vụ, và bây giờ xin quí vị cho tôi học với quí vị một số Thi Thiên. Đây là những Thi Thiên rất hay và đã được dùng để ca tụng Chúa trong bao nhiêu thế kỷ nay. Chúng ta sẽ có dịp học lần lượt, mặc dầu không hết các Thi Thiên. Hôm nay tôi muốn chia xẻ với quý vị về Thi Thiên 2. Thi Thiên 2 là Thi Thiên được trích nhiều lần trong Tân Ước, và nói đến thái độ của con người nói chung đối với Thượng Đế và đối với Chúa Giê-xu.
1. Nhơn sao các ngoại bang náo loạn? Và những dân tộc toan mưu chước hư không?
2. Các vua thế gian nổi dậy, Các quan trưởng bàn nghị cùng nhau nghịch Ðức Giê-hô-va, và nghịch Ðấng chịu xức dầu của Ngài, mà rằng:
3. Chúng ta hãy bẻ lòi tói của hai Người, Và quăng xa ta xiềng xích của họ.
4. Ðấng ngự trên trời sẽ cười, Chúa sẽ nhạo báng chúng nó.
5. Bấy giờ Ngài sẽ nổi thạnh nộ phán cùng chúng nó, dùng cơn giận dữ mình khuấy khỏa chúng nó, mà rằng:
6. Dầu vậy, ta đã lập Vua ta trên Si-ôn là núi thánh ta.
7. Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Ðức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; Ngày nay ta đã sanh Ngươi.
8. Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, Và các đầu cùng đất làm của cải.
9. Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm.
10. Vì vậy, hỡi các vua, hãy khôn ngoan; Hỡi các quan xét thế gian, hãy chịu sự dạy dỗ.
11. Khá hầu việc Ðức Giê-hô-va cách kính sợ, và mừng rỡ cách run rẩy.
12. Hãy hôn Con, e Người nổi giận, và các ngươi hư mất trong đường chăng; Vì cơn thạnh nộ Người hòng nổi lên. Phàm kẻ nào nương náu mình nơi Người có phước thay!
1. Lối nhìn của người đời
Từ câu 1 đến câu 3, Thi Thiên 2 diễn tả thái độ của con người nói chung như thế này, “Nhơn sao các ngoại bang náo loạn? Và những dân tộc toan mưu chước hư không? Các vua thế gian nổi dậy, Các quan trưởng bàn nghị cùng nhau nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài, mà rằng: Chúng ta hãy bẻ lòi tói của hai Người, và quăng xa ta xiềng xích của họ.”
Có những động từ ở đây mà chúng ta cần để ý. Náo loạn là động từ rất mạnh nói đến sự chống trả đối với Đức Chúa Trời. Không những thế, Thi Thiên này dùng động từ mưu toan. Đây là những hành động không phải lộ liễu ở bên ngoài, nhưng kín đáo ở bên trong. Người ta đóng cửa lại bàn luận, mưu toan với nhau để chống nghịch lại với Đức Chúa Trời.
Việc con người chống nghịch lại với Đức Chúa Trời không phải chỉ xảy ra ở thế kỷ này. Kinh Thánh ghi lại việc chống nghịch với Đức Chúa Trời từ khi mới có loài người. Sáng Thế Ký ghi câu chuyện A-đam và Ê-va đã chống nghịch lại Đức Chúa Trời. Cả hai muốn biết những điều mà Đức Chúa Trời biết. Bởi vậy, chúng ta phải gánh chịu những hậu quả của những hành động của hai người. Sau đó con cháu của A-đam và Ê-va cũng tiếp tục nổi loạn, chống nghịch lại Đức Chúa Trời, khiến Đức Chúa Trời phải đem một trận Đại Hồng Thủy đến để tiêu diệt nhiều người, chỉ để lại gia đình ông Nô-ê. Con cháu ông Nô-ê cũng không tránh khỏi mưu đồ chống lại Chúa. Tại tháp Ba-bên họ đã chống nghịch lại với Đức Chúa Trời, vì thế Đức Chúa Trời mới tản mát họ khắp nơi. Từ đó chúng ta đọc câu chuyện về Pha-ra-ôn cứng lòng. Sau Pha-ra-ôn, chúng ta đi theo những người Do Thái vào trong sa mạc và có nhiều người lại phàn nàn, chống nghịch với Đức Chúa Trời.
Đến thế kỷ thứ I Chúa Giê-xu ra đời. Chúng ta thấy những người Pha-ra-si và Sa-du-si chống nghịch lại với Ngài, bàn mưu giết Ngài. Như ở đây nói, “Các vua thế gian nổi dậy, các quan trưởng bàn nghị cùng nhau.” Mặc dầu những vua chúa lúc đó là Hê-rốt và Phi-lát trước kia là kẻ thù với nhau, nhưng vì một mục đích chung là chống nghịch lại với Đức Chúa Trời mà họ thành bạn, ngồi xuống bàn nghị cùng nhau đề giết Chúa Giê-xu.
Sau khi Chúa Giê-xu chết đi chuyện này vẫn không chấm dứt. Không còn Chúa Giê-xu nữa, người ta chống nghịch lại với Hội Thánh của Chúa. Đọc trong Cộng Vụ đoạn 4, từ câu 23 đến câu 28, chúng ta thấy những người lúc đó bắt hại các tín đồ. Đặc biệt hơn hết là trong đoạn này, các tín đồ trích dẫn Thi Thiên 2 này để chứng tỏ họ đang bị bách hại. “Khi chúng đã tha ra, hai người đến cùng anh em mình, thuật lại mọi điều các thầy tế lễ cả và các trưởng lão đã nói. Mọi người nghe đoạn, thì một lòng cất tiếng lên cầu Đức Chúa Trời rằng: Lạy Chúa, là Đấng dựng nên trời, đất, biển, cùng muôn vật trong đó, và đã dùng Đức Thánh Linh phán bởi miệng tổ phụ chúng tôi, tức là đầy tớ Ngài, là vua Đa-vít, rằng: Vì sao các dân nổi giận, Lại vì sao các nước lập mưu vô ích? Các vua trên mặt đất dấy lên, Các quan hiệp lại, Mà nghịch cùng Chúa và Đấng chịu xức dầu của Ngài. (Họ trích Thi Thiên 2 ở đây.) Vả, Hê-rốt và Bô-xơ Phi-lát, với các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ thánh Ngài là Đức Chúa Giê-xu mà Ngài đã xức dầu cho, để làm mọi việc tay Ngài và ý Ngài đã định rồi.”
Chuyện Hội Thánh của Chúa bị bách hại không chấm dứt ở thế kỷ thứ I; ngày hôm nay chúng ta vẫn thấy sự bách hại đang xảy ra. Chúng ta biết quá nhiều về những sự bách hại ở Việt Nam. Những người tín đồ ở Việt Nam bị bao nhiêu khó khăn vì niềm tin của họ. Ở bên Mỹ này, sự bách hại không thẳng thừng, không náo loạn, nhưng nó ngấm ngầm phía dưới; có sự chống đối từ trong gia đình, từ trong sở làm, ở bên ngoài xã hội.
Sự chống đối này sẽ không chấm dứt và mình không thể hứa hẹn với những người chưa tin Chúa rằng “Tin Chúa đi, rồi sẽ thấy đời sống thư thản như sống ở trên vườn hồng vậy.” Chúng ta phải nói cho họ biết là tin Chúa là không dễ, và sẽ gặp những sự chống đối.
Vì người ta chống đối Thiên Chúa, họ sẽ chống đối người tín đồ của Ngài, và sự chống đối càng ngày càng tệ. Chúng ta không thể hy vọng rằng, vì con người càng ngày càng có một nền văn minh cao hơn, con người sẽ có một đời sống đạo đức hơn. Thật ra, càng văn minh chừng nào thì con người càng có thể mất đạo đức chừng đó, và càng chống đối Thiên Chúa chừng đó.
Đọc lại câu thứ 3, “Chúng ta hãy bẻ lòi tói của hai Người, và quăng xa ta xiềng xích của họ.” Xiềng xích ở đây là những điều dạy dỗ trong Kinh Thánh. Những người chống đối Thượng Đế thường không nhận là mình chống đối Ngài. Nói đúng hơn, những điều mà họ chống đối là những lề luật của Ngài trong Kinh Thánh. Vì không chịu được những ràng buộc về đạo đức nên họ tìm cách xé những ràng buộc đó. Vào thập niên 60-70 có cuộc đảo lộn lớn về đạo đức, mà người ta gọi là một cuộc “cách mạng tình dục.” Người ta coi đây như là một sự giải thoát khỏi xiềng xích của Đức Chúa Trời, khỏi những điều mà Đức Chúa Trời cấm đoán trong Kinh Thánh. Nhưng bây giờ chúng ta thấy, tại vì cuộc "cách mạng" đó mà ngày nay bệnh AID lan tràn cả trên thế giới, và chúng ta có những sự phá thai, có những gia đình đổ vỡ.
Con người sẽ tìm hết lý do này đến lý do kia, hết cớ này đến cớ kia để chống nghịch lại với Thượng Đế. Nếu không có vấn đề tình dục thì sẽ có vấn đề khác. Mặc dầu có người nói là “Tôi chỉ nghịch với những luật lệ trong Kinh Thánh,” nhưng trong căn bản con người nghịch lại với Đức Chúa Trời. Sau khi con người đầu tiên A-đam phạm tội thì mỗi người chúng ta có tội lỗi trong mình, và mỗi người chúng ta chống nghịch lại với Đức Chúa Trời. Ý nghịch này khiến chúng ta muốn thành một “ông trời con,” coi thường Đức Chúa Trời, và muốn tự mình định đoạt lấy tương lai của mình. Mình coi sự hiện diện của Đức Chúa Trời là một gánh nặng, mặc dầu Chúa hứa là gánh của Ngài rất nhẹ nhàng. Chúng ta phải biết rằng nếu không ở trong Chúa, chúng ta sẽ nằm trong quyền lực của ma quỷ và sẽ không có sự tự do. Nhưng con người nói chung không biết điều đó và cứ chống nghịch lại với Thiên Chúa, chống nghịch lại với Chúa Giê-xu, và chống nghịch lại với Hội Thánh của Ngài, cũng như là chống nghịch lại với người tín đồ chúng ta.
Thế thì chúng ta có nên bi quan không? Chúng ta có bỏ Chúa hay không? Cám ơn Chúa là tác giả Thi Thiên 2 là Đa-vít không dừng ở câu 3, nhưng tiếp tục và cho chúng ta thấy có một giải pháp tốt đẹp hơn nhiều. Ông khuyên chúng ta đừng nhìn thế gian với bao nhiêu sự chống đối nữa, nhưng ông mời chúng ta bước lên thiên đàng. Trên thiên đàng, chúng ta sẽ thấy cách Thượng Đế nhìn xuống những vấn đề của chúng ta, và chúng ta sẽ có một một nhãn quan khác, khác hẳn với cái nhãn quan của một người đang ngụp lặn trong sự bách hại, chống đối từ mọi nơi.
Bây giờ tôi mời quý vị hãy theo Đa-vít lên thiên đàng và nhìn Đức Chúa Trời.
2. Lối nhìn của Đức Chúa Trời
Câu hỏi đầu tiên là Đức Chúa Trời làm gì đối với sự chống đối Ngài? Có phải Ngài ngủ? Có phải Ngài lo lắng đi qua đi lại, gãi đầu gãi tai vì không biết mình đã làm gì mà bị người ta chống đối như vậy? Có phải Đức Chúa Trời đi vắng? Thật ra, khi chúng ta lên thiên đàng, chúng ta sẽ thấy “Đấng ngự trên trời sẽ cười, Chúa sẽ nhạo báng chúng nó. Bấy giờ Ngài sẽ nổi thạnh nộ phán cùng chúng nó, dùng cơn giận dữ mình khuấy khỏa chúng nó, mà rằng: Dầu vậy, ta đã lập Vua ta trên Si-ôn là núi thánh ta.”
Khi lên thiên đàng chúng ta thấy gì? Ở dưới này người ta xào xáo chống cự mình, nhưng trên thiên đàng Đức Chúa Trời ngồi. Ngài ngự trên trời. Cứ tưởng tượng cảnh đó đi, thưa quý vị. Đức Chúa Trời ngồi, không đứng, không đi qua đi lại, không lo lắng. Đó là một cảnh thanh bình, tự tin, vì Ngài biết họ là ai, và Ngài là ai.
Rồi chúng ta thấy Ngài cười, Đấng ngự trên trời sẽ cười. Cười ở đây có nghĩa là gì? Có phải là cười vui, vì người ta đã chống lại mình hay không? Không, Ngài cười mỉm, cười nhạo báng, cười ngất, cười mũi, vì những kẻ chống nghịch lại với Ngài không biết người biết mình. Ngài cười giống như một người có một con nhỏ khoảng một hay hai tuổi, và đứa con đó vì lý do nào đó giận cha nó. Nó múa may quay cuồng, muốn đánh cha nó. Nhưng cha nó ẵm nó ra đằng xa, xa bằng tầm tay của mình, và cười, vì biết là nó không làm gì được hết, không có khả năng gì hết.
Không những Đức Chúa Trời cười vì thấy đây là chuyện khôi hài, Ngài giận và nổi cơn thịnh nộ. Nhưng sao Đức Chúa Trời không giết tất cả những người đang bách hại mình trong cơn thạnh nộ? Chúng ta thấy có vài trường hợp Chúa đã làm như vậy. Chúng ta nghe có những người bách hại Thiên Chúa bị Ngài trừng phạt ngay tức khắc. Nhưng việc này không xảy ra thường, và tôi sẽ giải thích sau tại sao đôi khi, trong chương trình của Ngài, Chúa muốn để cho chúng ta đi qua những sự bách hại.
Không luôn luôn trừng phạt tức khắc những người đàn áp Hội Thánh, Ngài nói một câu mà khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều, “Dầu vậy, ta đã lập Vua Ta trên Si-ôn là núi thánh Ta.” Mấy người đó có chống đối Ta bao nhiêu mặc kệ, Ta đã có một chương trình, đó là Ta lập Giê-xu Christ Con Ta làm Vua Ta. Mới nghe mình cũng "lùng bùng lỗ tai" vì Đức Chúa Trời kêu Chúa Giê-xu là Vua Ta, Vua của tôi. Vâng, đúng như vậy, để ý chữ đã ở đây, Đức Chúa Trời đã nhường quyền cai trị lại cho Đức Chúa Giê-xu Christ. Ngài đã trao Chúa Giê-xu quyền làm vua. Nếu tôi là một ông vua nhưng đã nhường ngôi lại cho con tôi, thì người con đó bây giờ là vua, và tôi sẽ kêu người con đó là vua của tôi.
Ba câu kế tiếp trong Thi Thiên 2 không phải là lời của Đức Chúa Trời nữa, nhưng là của vị Vua mà Đức Chúa Trời đã dựng nên, tức là Đức Chúa Giê-xu: “Ta sẽ giảng ra mạng lịnh: Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; Ngày nay ta đã sanh Ngươi. Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại bang làm cơ nghiệp, Và các đầu cùng đất làm của cải. Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó; Con sẽ làm vỡ nát chúng nó khác nào bình gốm.”
Đã được làm vua từ bao nhiêu năm trước, đến một lúc nào đó, khi thời điểm đã đến, Chúa Giê-xu trở thành người. Lúc đầu tiên người Do Thái coi thường Ngài, nhưng sau khi Chúa Giê-xu nhận báp-têm ở sông Giô-đanh, có tiếng vọng lại “Này là con Ta và đẹp lòng Ta mọi đàng,” thì từ đó người ta bắt đầu để ý tới Ngài. Sa-tan cũng để ý tới Chúa Giê-xu và bắt đầu chống nghịch lại với Ngài. Sa-tan đi theo Chúa, tìm cách dụ dỗ, gài bẫy, thách thức để Ngài từ bỏ chức vụ của mình. Nhưng Ngài vẫn bước theo tiếng gọi của đời sống mình, và vì thế Sa-tan dùng những người lãnh đạo Do Thái lúc đó để tìm cách giết Ngài. Khi giết được Chúa Giê-xu trên thập tự giá rồi, thấy việc bách hại Ngài thành tựu rồi, những người lãnh đạo Do Thái cười hả hả. Sa-tan cũng cười khi thấy Chúa Giê-xu trên cây thập tự khóc "Chúa ơi, Chúa ơi, sao Ngài lìa bỏ con!"
Nhưng chỉ ba ngày sau, Đức Chúa Giê-xu sống lại, và Sa-tan không còn cười nữa. Bây giờ Sa-tan mới biết được rằng những hành động giết Chúa Giê-xu trên thập tự giá của những người Pha-ra-si và Sa-du-si là nằm trong chương trình của Đức Chúa Trời.
Thành ra việc giết Chúa Giê-xu lúc đó, ngó ra có vẻ là việc bách hại, áp bức nhưng thật ra là chuyện tốt lành, đem lại sự chiến thắng cho Chúa Giê-xu, đem lại sự cứu rỗi cho bao nhiêu người. Thượng Đế cười, vì Sa-tan đã bị lừa, đã giết Chúa Giê-xu trên thập tự giá tưởng rằng mình thắng, nhưng lại trở thành khí cụ để Chúa Giê-xu cứu rỗi nhân loại. Sa-tan quá ngu, không biết Ngài “thí một con chốt, hốt mười con xe.”
Và sau khi Chúa Giê-xu lên thiên đàng ngồi bên hữu Đức Chúa Cha rồi, thấy mình thua, Sa-tan bèn bách hại Hội Thánh; bách hại từ thế kỷ thứ nhất tới ngày nay, từ Giê-ru-sa-lem cho đến Việt Nam. Ngày hôm nay, những người ở dưới tay của Sa-tan, những người phục vụ cho chính quyền cộng sản, nghĩ là mình làm được chuyện lớn, nhưng họ không biết rằng đây cũng là cách Đức Chúa Trời làm để cho Hội Thánh được vững mạnh. Dưới sự bách hại, Hội Thánh được thanh lọc, được tẩy sạch, được trau dồi, và vì thế càng được vững mạnh hơn bao giờ hết.
Chúng ta thấy điều này xảy ra trong lịch sử. Ở thế kỷ 20 này chúng ta thấy Hội Thánh bị bách hại rất nhiều. Nhưng xin hãy nhìn đến Phi Châu: đầu thế kỷ 20 có 8 triệu tín đồ; cuối thế kỷ 20 có 351 triệu tín đồ. Ở Nam Mỹ, đầu thế kỷ 20 có 700 ngàn; cuối thế kỷ 20 có 55 triệu. Ở Á Châu, đầu thế kỷ 20 có 20 triệu; bây giờ có 300 triệu người tin Chúa. Có một trường hợp rất là đặc thù là Trung Hoa. Vào năm 1949 chỉ có 1 triệu tín đồ. Sau năm 1949, Hội Thánh Trung Hoa đi qua một sự đàn áp khủng khiếp, hơn sự đàn áp ở Việt Nam rất nhiều. Vậy mà bây giờ người ta nói ở Trung Hoa có 50 triệu tín đồ. Hội Thánh Việt Nam bây giờ cũng đông hơn và mạnh hơn trước năm 1975 nhiều. Hội Thánh vẫn mạnh, vẫn đứng vững và Hội Thánh thanh lọc được những phần tử xấu len lỏi vào trong đó. Ma quỷ tưởng chống nghịch được với Đức Chúa Trời, với Chúa Giê-xu, với Hội Thánh, nhưng nó không biết rằng nó chỉ là khí cụ nhỏ mọn của Đức Chúa trời để Hội Thánh được thêm vững mạnh.
Phải có cái nhìn như vậy chúng ta mới hiểu được những điều đang xảy ra. Bị giới hạn trong thể xác này, chúng ta chỉ nhìn thấy những gì trước mắt, trong đời sống này mà thôi. Chúng ta nghĩ là đời sống này bắt đầu từ khi mình sanh ra nằm trong nôi, và chấm dứt khi mình chết đi và nằm trong quan tài. Nếu mình chỉ thấy chừng đó và bị người ta giết đi thì quả thật đây là một điều oan ức nhất. Nhưng bây giờ chúng ta đã được Đa-vít đem lên thiên đàng và thấy Đức Chúa Trời ngồi, thấy Ngài cười, thấy Ngài có một chương trình cao hơn sự suy nghĩ của con người, vượt khỏi thời gian, để đưa những tín đồ của Ngài tới cõi vĩnh hằng. Trong cái nhìn đời đời đó, chúng ta mới thấy rằng 100 năm trên thế gian này chỉ là một khoảnh khắc, và những sự bách hại trên thế gian này chỉ đem lại sự chiến thắng cho chúng ta trong tương lai.
Trong tương lai mình cũng sẽ gặp lại những đã người áp hại mình nữa. Và lúc đó họ mới phải trả giá đau đớn cho sự bách hại của họ, một cái giá mà mình sẽ không tưởng tượng được, và họ cũng sẽ không tưởng tượng được. Mình phải biết Đức Chúa Trời đã lập Chúa Giê-xu Christ làm Vua, Vua cho chúng ta là những tín đồ, và cũng là Vua cho những người đang bách hại Ngài. Một ngày nào đó Chúa sẽ trở lại. Và khi Ngài trở lại, những người đó chỉ mong những núi đồi xung quanh đến đè bẹp họ, giấu họ đi. Nhưng không có gì giấu họ được. Phải ứng hầu trước mặt Đức Chúa Giê-xu Christ, họ sẽ phủ phục xuống xưng Ngài là Vua, là Chúa. Nhưng lúc đó đã quá trễ, họ chỉ còn chịu án phạt đời đời. Những người tín đồ chúng ta lúc đó mới thấy là có lý do để Đức Chúa Trời cho những điều đã xảy ra xảy ra.
3. Lối nhìn của tín đồ
Bây giờ đã lên trên trời và đã nhìn thấy Thượng Đế như vậy rồi, đã thấy chương trình của Ngài, đã thấy Ngài đã cho Con Ngài làm Vua đời đời rồi, thì người tín đồ chúng ta phải làm gì? Câu 10-12, “Vì vậy, hỡi các vua, hãy khôn ngoan; Hỡi các quan xét thế gian, hãy chịu sự dạy dỗ. Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách kính sợ, và mừng rỡ cách run rẩy. Hãy hôn Con, e Người nổi giận, và các ngươi hư mất trong đường chăng; Vì cơn thạnh nộ Người hòng nổi lên. Phàm kẻ nào nương náu mình nơi Người có phước thay!”
Bây giờ chúng ta nhắc nhở, khuyến khích lẫn nhau hãy có sự khôn ngoan để chịu sự dạy dỗ như trong Thi Thiên 2 ngày hôm nay. Sự khôn ngoan là nhìn thấy những điều xa hơn những điều trước mắt. Sự khôn ngoan là thấy giá trị tương đối của đời sống này. Đừng nhìn những khó khăn tức thời, ngay cả đừng nhìn 100 năm của đời mình. Việc mình bị bách hại, ngay cả bị bắn chết, chỉ giới hạn trong 100 năm thôi. Sự khôn ngoan là thấy có cái gì lâu dài đời đời về sau, và thấy một ngày nào đó những kẻ bách hại mình sẽ phải quỳ phủ phục dưới Chúa Giê-xu, nài xin nhưng quá trễ. Hãy có sự khôn ngoan để có thể đứng vững trong sự bách hại, nhớ Chúa Giê-xu là Vua cho đến đời đời.
Bây giờ mình hầu việc Chúa vì thấy chương trình đời đời, thấy vòng tay yêu thương, và quyền năng của Ngài. Câu 11, “Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách kính sợ.” Để ý chữ kính sợ. Trong hội thánh nhiều khi mình nhấn mạnh quá nhiều vào tình yêu thương của Đức Chúa Trời, mà không để ý đến việc kính sợ Ngài. Đức Chúa trời ở trên đó, mình là hạt bụi ở dưới đây; mình phải có sự kính sợ Chúa, phải có sự run sợ khi hầu việc Ngài. Những người hầu việc Chúa trong Hội Thánh chỉ để thỏa mãn tự ái, hoành hành Hội Thánh của Đức Chúa Trời, hãy coi chừng. Chúng ta có thời gian để hoành hành Hội Thánh, nhưng sau này cũng sẽ có thời gian để đối diện với Đức Chúa Trời, trả lời về những hành động của mình trong Hội Thánh ngày hôm nay.
Tác giả Thi Thiên kết luận, “Hãy hôn Con.” Con đây là Chúa Giê-xu. Có phải mình ôm hôn Chúa Giê-xu chùn chụt không? Không, danh từ hôn trước kia có nghĩa khác. Khi một người công dân đến gặp một vị vua, người đó phủ phục dưới chân vua, hôn chân vua, hôn đất vua đi, để chứng tỏ sự tuân phục của mình. Đó là ý nghĩa của việc hôn Chúa Giê-xu. Trước nhất, nó có ý nghĩa là để dòng huyết của Chúa Giê-xu bao phủ lấy mình, để được làm lành, giải hòa với Đức Chúa Trời. Sau khi đã được giải hòa với Đức Chúa Trời rồi, mình phải có một thái độ thuần phục, vâng lời. Chúng ta hôn Chúa Giê-xu một cách kính cẩn vì Ngài là Vua, cũng như một người đàn bà lấy tóc xức dầu thơm cho Ngài. Và hôn Chúa Giê-xu cũng là yêu mến Ngài nữa.
Khi đi giữa khó khăn, xin quý vị hãy nhớ bài học ngày hôm nay, để nhìn lên trời thấy Thượng Đế, thấy Chúa Giê-xu, hôn Ngài và thấy rằng sự khó khăn bách hại trên đời này thật ra không có ý nghĩa so với sư sống đời đời. Chúng chỉ là những điều Đức Chúa Trời dùng, để ngày nào đó khi Chúa trở lại cách vinh quang, những người được Ngài chọn sẽ được sống trong vinh hiển đời đời, và những kẻ đang bách hại Ngài ngày hôm nay sẽ phải than khóc nghiến răng.
Mục sư Đỗ Lê Minh