Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Hướng Dẫn
GIĂNG 1:14-18
Kính thưa quý vị, tuần trước, tôi đưa ra ba lý do tại sao “1:14 Ngôi-lời đã trở thành xác thịt, ở giữa chúng ta.” Lý do thứ nhất là để Ngài cứu chúng ta; lý do thứ hai là để chúng ta có sự thông công với Thượng Ðế, và lý do thứ ba để Ngài hiểu chúng ta. Tuần này tôi xin đưa ra thêm hai lý do khác dựa theo Giăng 1:14-18:
14. Ngôi-lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.
16. Vả, bởi sự đầy dẫy của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn.
17. Vì luật pháp đã ban cho Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Ðức Chúa Giê-xu Christ mà đến.
18. Chẳng hề ai thấy Ðức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Ðấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết.
4. Để chúng ta hiểu Ngài
Tuần trước chúng ta nói là Ngôi-lời đến để chúng ta có sự thông công với Thượng Ðế. Vì sự thông công cần sự thông cảm với nhau, chúng ta đã nói đến lý do kế tiếp là Ngôi-lời đến để Thượng Ðế hiểu chúng ta. Hôm nay, chúng ta bàn đến một lý do quan trọng hơn, đó là để chúng ta hiểu Thượng Ðế.
Sau khi tạo dựng con người, Thượng Ðế có sự thông công mật thiết với con người. Ngài ngự xuống trò chuyện với A-đam và Ê-va. Nhưng từ khi con người phạm tội, có một bức màn ngăn cách, một hố sâu giữa con người với Thượng Ðế. Từ đó, con người không còn biết Thượng Ðế nữa. Vì thế Giăng nói, “18. Chẳng hề ai thấy Ðức Chúa Trời.” Khi Môi-se xin được thấy sự vinh hiển của Thượng Ðế, Ngài phán trong Xuất Ê-díp-tô Ký 33:20, “Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt Ta, vì không ai thấy mặt Ta mà còn sống.”
Dầu vậy, con người vẫn mang hình ảnh của Ðức Chúa Trời, vẫn có linh hồn, và vì thế vẫn luôn tìm kiếm Thượng Ðế. Nhưng nếu con người tội lỗi, sanh ra trong bóng tối, không thể nào tự sức mình với lên để thấy được Ðức Chúa Trời, thì chỉ có còn một cách, đó là Thượng Ðế không để con người quờ quạng tìm Ngài trong bóng tối, nhưng tạo điều kiện thuận lợi cho con người thấy Ngài. Trước hết, Ngài cho chúng ta thấy Ngài bằng luật pháp trong Cựu Ước, đặc biệt là mười điều răn. Như Giăng nói đây, “17. Luật pháp đã ban cho Môi-se.” Qua luật lệ của Ngài, chúng ta biết một phần nào về Thượng Ðế.
Gần đây thế giới có một căn bệnh lạ, đó là bệnh SARS. Vừa rồi, tổ chức World Health Organization khuyên mọi người không nên đến thành phố Toronto. Ðó là luật, nhưng để làm gì? Một phần, để ngăn cản sự bành trướng của bệnh, phần khác để chúng ta thấy sự nguy hiểm của căn bệnh và phải cẩn thận. Cũng vậy, Thượng Ðế cho chúng ta luật pháp để chúng ta biết mình quá tội lỗi, và biết Ngài không xem thường tội lỗi của chúng ta. Nhưng khuyến khích người ta không vào thành phố Toronto có cứu được người bệnh trong đó hay không? Thưa không, đó chỉ là phòng bịnh chứ không phải chữa bịnh. Cũng vậy, luật pháp trong Cựu Ước cho chúng ta thấy mình tội lỗi, nhưng không làm chúng ta trong sạch được. Chúng là tia quang tuyến X soi vào chúng ta, để chúng ta biết mình không đạt được tiêu chuẩn thánh sạch của Thượng Ðế, nhưng không chữa lành được căn bệnh tội lỗi của chúng ta.
Làm chúng ta biết mình tội lỗi, nhưng không tự cứu mình được, luật pháp càng làm chúng ta khao khát có được một Ðấng Cứu Rỗi đến để cứu chúng ta. Trong Cựu Ước, ngoài luật pháp, Chúa cũng cho con người một số lời tiên tri để giúp chúng ta có thể nhận ra Ðấng Cứu Rỗi đó. Hơn hai ngàn năm trước, Ðấng đó đã đến, và mang tên Giê-xu, mà Giăng cũng gọi là Ngôi-lời. Không những Ngôi-lời đến để cứu chúng ta, cho chúng ta sự thông công với Thượng Ðế, để Thượng Ðế hiểu chúng ta, nhưng cũng đến để cho chúng ta có thể hiểu Thượng Ðế.
Lời nói là cách chúng ta bộc lộ kiến thức và suy nghĩ của mình. Nếu không có lời nói, chúng ta không thể hiểu nhau, thông cảm nhau được. Ðàm thoại với một người, lần lần chúng ta không những chỉ biết những gì trên đầu người đó, nhưng cũng biết toàn diện người đó. Diễn tả Chúa Giê-xu là Ngôi-lời (của Ðức Chúa Trời), Giăng cho chúng ta biết là nhờ Ngài mà chúng ta biết Ðức Chúa Trời như thế nào, và Ðức Chúa Trời suy nghĩ như thế nào.
Hội thánh chúng ta bây giờ có hai bà đang mang thai. Chúng ta phải đợi đến đúng thời điểm, khi những em bé sanh ra, mới thấy được chúng. Nhưng bây giờ người ta có những kỹ thuật chụp hình bào thai trong bụng me. Cũng vậy, còn bị giam hãm trong con người xác thịt, chúng ta không thể nào thấy được Thượng Ðế, nhưng Ngài cho chúng ta hình ảnh của Ngài qua Chúa Giê-xu. Ðồng ý là, trong thân thể này, chúng ta không thể nào hoàn toàn biết được Thượng Ðế, nhưng Chúa Giê-xu là hình ảnh độc nhất và rõ ràng nhất mà qua đó con người có thể thấy Thượng Ðế. Không ai khác ngoài Chúa Giê-xu có thể cho chúng ta biết về Ðức Chúa Trời. Giăng nói, “18. Chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Ðấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết.” Ngài làm chúng ta thấy được điều mà trước kia mình không thấy, hiểu được điều mà trước kia mình không hiểu. Nhìn Chúa Giê-xu Christ, chúng ta thấy Thượng Ðế. Nghe những lời dạy dỗ của Ngài, chúng ta nghe lời của Thượng Ðế. Nhìn những hành động của Ngài, chúng ta thấy việc làm của Thượng Ðế.
Khi dùng chữ Ngôi-lời, Giăng không chỉ nói đến những lời dạy dỗ của Chúa Giê-xu, nhưng nguyên cuộc đời của Ngài. Nhìn cuộc đời của Ngài, chúng ta biết Thượng Ðế muốn gì, thương gì, ghét gì. Theo chân Ngài, nghe những lời dạy dỗ của Ngài, chúng ta nghe lời của Ðức Chúa Trời. Nhìn thái độ và hành động của Ngài trên cây thập tự, chúng ta thấu hiểu sự thánh khiết và lòng yêu thương của Ngài. Tin Ngài sống lại ba ngày sau khi chịu chết, chúng ta biết quyền năng của Ðức Chúa Trời, và biết rằng Ngài cũng muốn chúng ta có sự sống đời đời.
Vâng, chúng ta có thể nhìn lên vũ trụ, thế gian, núi đồi để thấy quyền năng sáng tạo của Thượng Ðế. Nhưng những điều đó không cho chúng ta biết được sự thánh khiết của Ngài. Không nhìn đến cái chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, chúng ta không thể nào biết được tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.
Giăng nói thêm, “14 Chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.” Nếu trước kia Môi-se không thể nào thấy được sự vinh hiển của Thượng Ðế, hôm nay Ngôi-lời xuống thế gian, để chúng ta có thể ngước đầu lên ngắm nhìn sự vinh hiển của Ngài. Ngôi-lời vâng phục Ðức Chúa Trời trọn vẹn chỉ để làm vinh hiển Ngài. Khi thấy sự vinh hiển của Ngôi-lời, chúng ta biết sự vinh hiển đó đến từ Ðức Chúa Trời. Sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời được bày tỏ khi Chúa Giê-xu nhận phép báp-têm: Từ trên trời cao, Ðức Chúa Trời phán, “Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng!” (Ma-thi-ơ 4:1) Sự vinh hiển này được bày tỏ bằng những phép lạ trong đời hành đạo của Ngài. Sự vinh hiển này được bày tỏ khi Ngài hóa hình trên núi cao: Các sứ đồ lúc đó chỉ biết sụp mình quỳ lạy Ngài. Sự vinh hiển này được bày tỏ nhiều hơn khi Ngài sống lại và thăng thiên. Chỉ qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu, chúng ta mới thấy quyền năng của Ðức Chúa Trời đã chiến thắng sự chết và biết rằng là chỉ có Ðức Chúa Trời, trong sự vinh hiển của Ngài, mới có khả năng làm điều đó.
Chúa Giê-xu có những đức tính gì khác thường khiến Ngài có thể cho chúng ta biết về Ðức Chúa Trời? Ðọc những điều diễn tả Chúa Giê-xu trong Tân Ước, chúng ta không thấy có chỗ nào nói đến hình vóc của Ngài: Ngài giống ai? Ðẹp trai hay xấu trai? Cao bao nhiêu thước?... Những điều đó không thành vấn đề, và không phải là điều mà Thượng Ðế muốn chúng ta biết. Ngài muốn chúng ta thấy đức tính, và việc làm của Ngài. Giăng cho diễn tả, “14. Ngôi-lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật.”
Tôi xin đưa ví dụ này để giải thích chữ “ơn” hay “ân điển” tiếng Anh là “grace.” Giả sử tôi phạm pháp và bị đưa ra tòa. Nếu quan tòa phạt tôi ba tháng tù, đó là luật pháp, là thánh khiết. Nhưng nếu ông nói, “Ngươi quả thật đã phạm tội, nhưng ta tha cho ngươi,” đó là nhân từ (mercy). Không những thế, nếu ông còn đem tôi về nhà, nhận tôi làm con nuôi, đó là ơn điển. Luật pháp của Thượng Ðế nói tôi phải chết; nhưng nhờ ân điển qua Chúa Giê-xu, không những Thượng Ðế đã tha tội cho tôi, Ngài còn nhận tôi làm con của Ngài, dầu tôi không xứng đáng.
Khi còn sống trên thế gian, đời sống Chúa Giê-xu tràn đầy sự tha thứ và ân điển. Ngài làm bạn với những người không đáng làm bạn, như người thâu thuế, người đàn bà Samari.... Ðáng lẽ người đàn bà phạm tội tà dâm bị trừng phạt, Ngài tha thứ người đó. Ngay cả khi chịu chết, Ngài xin Thượng Ðế tha thứ những người giết Ngài, vì họ không biết điều họ làm (Lu-ca 23:34).
Không ngừng ở chữ “ơn” khi diễn tả Chúa Giê-xu, Giăng còn nói Chúa Giê-xu “đầy lẽ thật.” Chúng ta phải biết rằng con người không bao giờ biết được lẽ thật một cách tuyệt đối. Chúng ta thường nghĩ là khoa học biết tất cả mọi điều. Nhưng là một khoa học gia, tôi biết rõ là khoa học chưa đạt được trình độ này, và sẽ không bao giờ đạt được. Khoa học có thể đưa chúng ta càng ngày càng gần chân lý hơn, nhưng sẽ không bao giờ khám phá hoàn toàn mọi chân lý. Khi tìm ra những nguyên tử, người ta nghĩ đây là tối cùng, không còn gì nhỏ hơn nữa. Nhưng giờ đây người ta biết rằng có những điều nhỏ hơn hạt nguyên tử. Trong lúc con người không bao giờ thấy mọi chân lý, Giăng nói Chúa Giê-xu có đầy chân lý. Ở đây Giăng không muốn nói đến những điều phụ thuộc, không quan trọng, như lẽ thật trong khoa học, nhưng nói đến những lẽ thật tối quan trọng về con người và Thượng Ðế. Nhờ luật pháp của Chúa, con người có được một ít khái niệm về tội lỗi mình, nhưng chỉ khi đối diện với Chúa Giê-xu, là “đường đi, lẽ thật và sự sống,” con người mới thấy rõ ràng tội lỗi mình, biết mình không tự cứu mình được, và vì thế phải trông cậy sự cứu rỗi từ Chúa.
Ơn và lẽ thật phải đi đôi với nhau. Nếu chỉ có ơn, vị quan tòa trong thí dụ trên tha thứ tội lỗi của tôi và nhận tôi làm con, nhưng không thanh liêm vì không theo đúng luật pháp. Nếu cũng có lẽ thật, ông phải tìm cách này hay cách khác để làm thỏa mãn những hình phạt mà đáng lẽ tôi phải gánh chịu. Chỉ qua Chúa Giê-xu, đặc biệt là cái chết của Ngài, chúng ta mới thấy ơn và lẽ thật hòa đồng một cách nhiệm mầu. Lẽ thật đòi hỏi hình phạt, và Chúa Giê-xu trả hình phạt đó bằng cách chết thế cho chúng ta trên thập tự giá. Lẽ thật cho chúng ta thấy sự thánh sạch của Thượng Ðế, còn ơn điển trong Chúa Giê-xu cho chúng ta thấy tình yêu thương của Ngài. Nếu đứng trước núi Si-nai, chúng ta sợ sệt vì biết mình không thỏa mãn được luật pháp Chúa ban; đứng trước núi Si-ôn, chúng ta vui mừng vì đã được tha thứ (Khải Huyền 14:1). Chỉ qua Chúa Giê-xu, chúng ta mới thấy ân điển và tình yêu thương của Ðức Chúa Trời .
Trước khi biết Chúa Giê-xu, chúng ta đoán là có Thượng Ðế, nhưng thấy Ngài như xa vời vợi, không cảm nhận được Ngài, không biết sự vinh quang, thánh khiết, và lòng yêu thương của Ngài. Nhưng khi thấy chân lý và ân điển trong Chúa Giê-xu, chúng ta nhìn Thượng Ðế cách khác. Giờ đây, không những chúng ta thấy Ngài thánh khiết, oai nghi, lẫm liệt, đòi hỏi chúng ta phải đền tội lỗi của mình, nhưng cũng thấy Ngài yêu thương chúng ta, đến nỗi chịu chết cho chúng ta trên thập tự giá. Chỉ có qua Chúa Giê-xu, chúng ta mới có được sự liên hệ mật thiết với Thượng Ðế, có thể đến với Ngài trong sự cầu nguyện
5. Để chúng ta được ơn càng thêm ơn
Có một lý do khác tại sao Ngôi-lời trở nên xác thịt: nhờ đó mà chúng ta nhận được ơn của Ngài. Giăng nói tiếp, “16. Vả, bởi sự đầy dẫy của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn.” Vâng, khi biết được Thượng Ðế qua Chúa Giê-xu, chúng ta mới thấy là Ngài ban cho chúng ta bao nhiêu ơn phước, và ơn càng thêm ơn. Ơn đến trước nhất trong sự cứu rỗi, khiến chúng ta biết chắc Thượng Ðế sẽ đem mình lên thiên đàng, nhận mình làm con của Ngài, dầu mình không xứng đáng. Ơn đến ngay trong đời sống này, khi chúng ta không còn buồn tủi, oán trách. Vâng, chúng ta vẫn còn có khó khăn, bệnh hoạn, thất nghiệp, tai nạn. Nhưng chúng không thành vấn đề nữa, vì chúng ta biết ơn phước có thể đến bằng những điều xem ra bất hạnh đó. Chúng ta biết là, vì giờ đây chúng ta là con cái của Thượng Ðế, Ngài luôn gìn giữ, bảo vệ chúng ta và ban cho chúng ta tất cả mọi điều để chúng ta càng ngày càng tăng trưởng trong Ngài, trở nên giống Ngài. Và đây cũng là một ơn phước lớn: Biết là đời sống mình có đầy ơn phước từ Thượng Ðế
Tóm tắt lại, Ngôi-lời trở thành xác thịt để cứu chúng ta, để chúng ta có sự thông công với Thượng Ðế, để Ngài hiểu chúng ta, để chúng ta hiểu Ngài và để chúng ta nhận được ơn càng thêm ơn. Tôi không biết quý vị suy nghĩ như thế nào, nhưng tôi thấy đây là một vinh dự lớn lao vô cùng cho tôi. Tôi là ai, mà Thượng Ðế làm những điều này cho tôi? Hy vọng rằng khi ra về hôm nay, chúng ta cảm nhận được những vinh dự này, mà Thượng Ðế đã cho chúng ta qua Ngôi-lời, Chúa Giê-xu Christ Con Ngài.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh