Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 2 | Hướng Dẫn
THI-THIÊN 8
1. Hỡi Đức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, Danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao; Sự oai nghi Chúa hiện ra trên các từng trời!
2. Nhơn vì các cừu địch Chúa, Chúa do miệng trẻ thơ và những con đương bú, Mà lập nên năng lực Ngài, Đặng làm cho người thù nghịch và kẻ báo thù phải nín lặng.
3. Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa, Mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt,
4. Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến? Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?
5. Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, Đội cho người sự vinh hiển và sang trọng.
6. Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm, Khiến muôn vật phục dưới chơn người:
7. Cả loài chiên, loài bò, Đến đỗi các thú rừng,
8. Chim trời và cá biển, Cùng phàm vật gì lội đi các lối biển.
9. Hỡi Đức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, Danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao!
I. Vũ trụ lớn
Tác giả của Thi Thiên 8 là Đa-vít. Có lẽ ông viết Thi Thiên này khi ngồi chăn giữ đàn chiên trên đồi trong một đêm vắng vẻ. Nhìn lên bầu trời với bao vì sao đang diễn hành trước mặt, ông cảm nhận được sự lớn lao của vũ trụ. Nó quá to lớn, quá tuyệt vời đối với ông. Và sau khi nhìn lên vũ trụ như vậy, ông nhìn vào con người mình và hỏi: “Quá nhỏ mọn trước vũ trụ bao la như vậy, mình là ai? Loài người là ai? Có giá trị gì trong con người của mình hay không?”
Hôm nay chúng ta cũng nhìn lên trời, cám ơn Chúa là chúng ta thấy nhiều hơn nữa. Khoa học bây giờ đã tiến bộ đến nỗi khám phá ra bao nhiêu điều mình không thể tưởng tượng được. Người ta nói có tới hàng tỉ tỉ ngôi sao ở trên trời, và ngôi sao xa nhất trái đất này phải cần đến hàng triệu năm ánh sáng mới đến được. Vũ trụ quá lớn lao, vĩ đại, và mình chỉ là một hạt bụi nhỏ nhất không đáng gì hết. Và khi nghĩ đến sự lớn lao đó, mình cũng đặt những câu hỏi tương tự như những câu hỏi của Đa-vít. “Mình là ai trong vũ trụ bao la này?” “Đời sống mình có ý nghĩa gì hay không?”
Có rất nhiều người tìm cách trả lời câu hỏi này. Người có Chúa tìm cách trả lời, và người không có Chúa cũng tìm cách trả lời. Tôi xin nói đến câu trả lời của những người không có Chúa trước.
II. Chúa nhỏ, người nhỏ
Nếu Chúa không hiện hữu thì con người cũng không đáng hiện hữu. Những khoa học gia không có Chúa chỉ thấy con người là con số không, ngoại trừ một vài điều trong lãnh vực chuyên môn của họ mà thôi. Tiếng Anh có chữ là nothing-but. Một hóa học gia không có Chúa nhìn con người không thấy gì hết, ngoài những điều về hóa học mà thôi, nothing-but chemistry. Có một hóa học gia phân tích con người của chúng ta để tìm những hóa chất. Ông thấy cơ thể của chúng ta chỉ có đủ chất béo để làm 7 cục xà bông, chỉ có đủ chất sắt để làm một cái đinh nhỏ, chỉ có đủ chất đường để bỏ vào một lọ đường nhỏ, chỉ có đủ chất vôi để quét lên tường cho trắng, chỉ có đủ chất phosphorus để làm 2200 đầu diêm, chỉ có đủ chất magnesium để làm một viên thuốc nhỏ, chỉ có đủ chất lưu huỳnh để tẩy bọ chét trong một con chó, và chỉ có đủ chất muối để rẩy lên thịt heo. Cộng tất cả những vật đó lại, ông tính ra con người chỉ đáng giá US$1.98 mà thôi. Nhà tâm lý nhìn con người chỉ thấy một đứa con nít: sanh ra là con nít, lớn lên cũng là con nít, suốt đời sinh hoạt như con nít. Người theo phái tiến hóa nhìn con người không hơn gì con vật. Sở dĩ mình được như ngày hôm nay thật ra cũng do sự tình cờ.
Không có Chúa, mình thấy con người không có giá trị, hoàn toàn vô bổ. Mình đi qua thế gian này như mò mẫm trong bóng tối; không ai biết mình đi đâu. Và trong bóng tối người ta giành giựt, đâm chém lẫn nhau. Cái nhìn của người không có Chúa như vậy chỉ đưa con người đến bạo lực, hay chán đời tự tử.
III. Chúa lớn, người lớn
Ngược lại đối với những tín đồ, chúng ta cũng phải biết rằng nếu Chúa chúng ta lớn thì chúng ta cũng lớn. Còn nếu Chúa của mình nhỏ thì mình cũng nhỏ.
Nhìn lên bầu trời, mặc dù Đa-vít không biết nhiều về khoa học như những nhà khoa học gia ngày này, ông có một điều hơn những khoa học gia đó: ông có Chúa, ông có đức tin. Ông nói, “Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt...” Ông biết vũ trụ vạn vật này là công việc của ngón tay Chúa. Chỉ ngón tay Chúa mà thôi, chứ không phải bàn tay Ngài nữa. Đức Chúa Trời chỉ cần nhích ngón tay, chứ không cần phải đổ mồ hôi để sáng lập vũ trụ.
Chúng ta biết Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Chúng ta nghe nhiều về lời nói của ông rằng đây là một bước vĩ đại cho nhân loại. Nhưng chúng ta ít nghe nói đến một người bạn đồng hành của ông tên là Buzz Aldrin. Trước khi ra khỏi phi thuyền, ông giở Kinh Thánh đọc, và sau khi đặt chân xuống mặt trăng, ông bẻ bánh, uống chén để nhớ đến sự chết của Thiên Chúa.
Frank Borman là phi hành trưởng của phi thuyền Apolo thứ 8. Bay 250 ngàn dặm trên trái đất, ông đánh về một sứ điệp trong Sáng Thế Ký, “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất...” Nhìn vũ trụ xung quanh như vậy, ông biết có một sự bắt đầu, và sự bắt đầu đó là do Chúa tạo ra.
Chúng ta cũng nghe đến phi hành gia John Glenn, sau đó là thượng nghị sĩ. 36 năm sau chuyến phi hành lần thứ nhất, ông bay chuyến thứ hai. Trở về, ông nói rằng ra ngoài nhìn vũ trụ như vậy, không thể nào mình tưởng tượng được là không có Đức Chúa Trời.
Khi nhìn những dữ kiện khoa học, người tín đồ chúng ta có thể diễn dịch khác với người không có Chúa. Người tín đồ thấy Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong mọi biến cố trong đời sống; còn người không có Chúa, mặc dầu thấy những hiện tượng như sự tuần hoàn của vũ trụ, vẫn đẩy Chúa qua một bên, cố tình giải thích những điều họ thấy theo cái nhìn của con người.
Có những dữ kiện về thuyết tiến hóa mà người không có Chúa diễn dịch cách khác, còn người có Chúa diễn dịch cách khác. Tôi theo một học thuyết trong khoa học gọi là Intelligent Design, nói là vạn vật không đến bằng sự tình cờ, nhưng bởi một bàn tay tạo dựng nên. Tôi cũng có viết một bài về xác suất học chứng tỏ sự sai lầm của thuyết tiến hóa, và đang tìm cách đăng trên báo khoa học.
1. Chúa nhớ
Khi nãy tôi nói người không có Chúa nhìn vũ trụ thấy đời mình vô nghĩa, nhưng ngay cả một người nghĩ rằng Chúa sáng lập vũ trụ nhưng rồi bỏ đi cũng đi đến chỗ chán chường, tuyệt vọng mà thôi. Nhưng người tín đồ chúng ta không nghĩ như vậy. Chúng ta biết là Chúa có chương trình cho con người. Đa-vít biết điều này khi ông nói trong câu thứ 5, “Chúa làm người kém Đức Chúa Trời một chút, đội cho người sự vinh hiển và sang trọng.”
Phải thấy như vậy chúng ta mới thấy cái ý nghĩa của đời sống. Chúa lớn lao vĩ đại như vậy, búng một ngón tay là có vũ trụ như vậy, nhưng đã chọn con người và làm con người chỉ kém Ngài một chút thôi. Khác hẳn với bao nhiêu vạn vật trên vũ trụ này, con người mang hình ảnh của Đức Chúa Trời ở điểm con người có linh hồn. Con người được Chúa thổi linh hồn vào mình nên biết có Thượng Đế. Trong lúc không ai khám phá ra được các con vật biết cầu nguyện, con người cầu nguyện. Con người mang hình ảnh Đức Chúa Trời ở điểm là con người có một bản ngã giống Đức Chúa Trời. Trong bản ngã đó, con người biết suy nghĩ, biết cái gì đúng cái gì sai. Trong bản ngã đó, con người có tình cảm, biết buồn, biết giận, biết vui, biết yêu, biết ghét. Trong bản ngã đó, con người có quyền quyết định, có sự tự do chọn lựa làm điều này điều kia. Con người mang hình ảnh Đức Chúa Trời ở điểm là con người có đời sống đạo đức. Khi A-đam và Ê-va được dựng nên, họ có một đời sống đạo đức khiến họ có thể trần truồng trước mặt Đức Chúa Trời mà không bị xấu hổ. Nhưng chúng ta biết A-đam và Ê-va mang hình ảnh của Đức Chúa Trời như vậy không lâu, và phạm tội đến nỗi cảm thấy mình bị xấu hổ và lấy lá che thân.
Nhưng cám ơn Chúa, mặc dầu con người phạm tội như vậy, Đức Chúa Trời không quên con người, như chúng ta đọc trong câu 4, “Loài người là gì, mà Chúa nhớ đến?”
Ngài nhớ đến con người và Ngài hiện ra hứa hẹn với A-bra-ham về dòng giống của ông. Trong lúc người Do Thái bị làm nô lệ xứ Ê-díp-tô, Chúa đến và giải cứu họ. Chúa nhớ đến và hiện ra với Đa-vít, hứa lại với Đa-vít những lời Chúa đã hứa trước kia với A-bra-ham. Vào thế kỷ thứ I, Chúa cũng đã không quên con người đến nỗi sai con Ngài là Chúa Giê-xu Christ xuống để chết cho chúng ta. Và ngày hôm nay Chúa không quên chúng ta là con cái của Ngài, nên đang ở cùng chúng ta mỗi ngày, để nâng đỡ, khuyến khích chúng ta trên mỗi bước đường chúng ta đi.
Chúa nhớ đến con người, để ý đến con người, quan tâm đến con người, lo lắng cho con người, chứ không quên họ vì họ phạm tội. Vâng, trong tội ác của mình con người có thể quên Chúa, nhưng Chúa luôn luôn nghĩ đến con người.
2. Chúa thăm viếng
Chúa nhớ đến con người không ngừng ở chỗ là Ngài chỉ nghĩ đến mà thôi, nhưng làm một hành động cụ thể là thăm viếng con người. Đa-vít nói trong câu 4, “Con loài người là chi, mà Chúa thăm viếng nó?” Vâng, lúc Đa-vít viết câu này ông không hiểu ý nghĩa của “thăm viếng” là cái gì? Nhưng bây giờ chúng ta biết là Chúa thăm viếng con người trong hình thể Chúa Giê-xu Christ. Ngôi lời đã trở thành xác thịt - Ê-ma-nu-en. Chúa thăm viếng con người để chúng ta biết về Chúa nhiều hơn. Chúa thăm viếng con người để chúng ta đến dưới chân thập tự giá, thấy rõ tình yêu của Ngài đã dành cho chúng ta, đến nỗi đã chết thế cho chúng ta. Chúa thăm viếng con người để chúng ta bây giờ có thể được cứu.
3. Chúa ban quyền cai trị
Không những Thượng Đế thăm viếng chúng ta không, Ngài còn ban cho chúng ta quyền cai trị vạn vật vũ trụ. Câu 6-8, “Chúa ban cho người quyền cai trị công việc tay Chúa làm, khiến muôn vật phục dưới chơn người: Cả loài chiên, loài bò, đến đỗi các thú rừng, chim trời và cá biển, cùng phàm vật gì lội đi các lối biển.”
Khi Đa-vít viết câu này ông vẫn còn sống trong giai đoạn phôi thai. Có thể ông có thể điều khiển được con bò, con trâu, con chiên của ông, nhưng ông không thể điều khiển được nhiều điều như chúng ta ngày hôm nay. Ngày nay, bao nhiêu thú vật trên thế gian này, dầu lớn mạnh bao nhiêu, chạy nhanh bao nhiêu, cũng thua chúng ta. Nhưng Đa-vít không nói ở đây điều con người dùng sự khôn ngoan của mình để mình khắc phục vũ trụ. Vâng, chúng ta có sự khắc phục đó, nhưng những vật bị chúng ta khắc phục chống nghịch lại sự khắc phục của chúng ta. Chúng ta tưởng mình khắc phục được vũ trụ, nhưng khi nhìn lại những hành động của mình, nhiều khi chúng ta chỉ làm hại vũ trụ. Điển hình là sự ô nhiễm không khí, hay những thuốc trừ được căn bệnh này nhưng lại gây nên căn bệnh khác... Xin đừng nghĩ đến những thành quả của khoa học ngày hôm nay và nói là con người đã cai trị được thế gian.
Nếu chúng ta muốn biết rõ hơn, đọc Hê-bơ-rơ đoạn 2 câu 5, trong đó trích Thi Thiên 8 này: “Vả, thế gian hầu đến mà chúng ta nói đó, Đức Chúa Trời chẳng từng khiến nó phục dưới quyền các thiên sứ. Nhưng có kẻ đã làm chứng rằng: Loài người là gì mà Chúa nhớ đến? Con người là ai, mà Chúa săn sóc đến? Chúa đã đặt Người ở dưới thiên sứ một chút; Cho Người đội mão triều vinh hiển tôn trọng; Và đặt mọi vật dưới chơn người. Đức Chúa Trời đã khiến mọi vật phục Đức Chúa Giê-xu như vậy; thì chẳng để cho một vật nào chẳng phục Ngài.” Chúng ta nghe như tác giả Hê-bơ-rơ diễn tả điều khoa học đã làm ở đây, nhưng tác giả viết tiếp, “song hiện nay chúng ta chưa thấy mọi vật phục Ngài.” Nếu chúng ta chỉ nhìn những thành quả của khoa học mà nói rằng mọi vật đã phục dưới chân người thì quá thiếu thốn. Ơn phước Chúa ban cho chúng ta còn nhiều hơn mọi lần những điều mà chúng ta có khi khắc phục thế gian ngày hôm nay. Đa-vít muốn nói đến sự khắc phục thế gian trong tương lai. Ngày đó chúng ta sẽ chế ngự muôn vật, và muôn vật sẽ tình nguyện phủ phục dưới quyền cai trị của chúng ta.
Vì chưa thấy được, chúng ta không tưởng tượng được điều này, nhưng chúng ta có thể có một khái niệm khi nhìn đến Chúa Giê-xu. Khi còn ở trên thế gian này, Ngài điều khiển vũ trụ: Ngài chỉ cần quở một tiếng là sóng ngưng biển lặng, và Ngài làm điều này như một “Con Người” (The Son of Men) để chúng ta biết rằng trong một ngày nào đó, người tín đồ chúng ta sẽ kế tự một vũ trụ mới, trong đó chúng ta cũng có quyền năng cai trị giống như Chúa Giê-xu đã cai trị thế gian.
Tác giả Hê-bơ-rơ nói tiếp, “vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng.” Một ngày nào đó Chúa Giê-xu sẽ trở lại, và vũ trụ này sẽ hoàn toàn thuần phục dưới quyền Ngài. Chúng ta, là con người nhỏ bé ngày hôm nay, sẽ dự phần kế tự với Ngài, dự phần trong việc điều khiển vũ trụ này.
Xin quý vị cứ tưởng tượng một em bé sanh ra mới một tháng, còn nhỏ lắm, còn yếu đuối, non nớt lắm. Nằm trong nôi, nó nhìn cái bàn, cái tủ... Cái gì cũng lớn, và nó cảm thấy như mình quá nhỏ, không có giá trị gì. Nhưng khi nó nhìn gương mặt người mẹ và thấy ánh mắt người mẹ nhìn nó với bao sự trìu mến, ấm cúng, khác hẳn với cách bà nhìn những vật khác, nó biết là nó quan trọng. Một ngày nọ, nhà bị cháy và người mẹ đứng bên ngoài. Vâng, con của bà chỉ có mấy ký, nhỏ lắm; bà có cái nhà bự hơn, có chiếc xe bự hơn, có cái giường bự hơn. Nhưng chạy vào trong đó, bà không màng đến nữ trang. Điều đầu tiên bà làm là tìm cách đem đứa con của mình ra. Mặc dầu nó nhỏ bé, mặc dầu hóa chất ở trong con người nó chỉ đáng 2 đồng bạc, không bằng giá trị của nữ trang trong ngôi nhà, nhưng nó có giá trị trước mắt người mẹ, và nó quan trọng hơn tất cả những gì khác. Đó là hình ảnh mà Đa-vít nói ở đây: Nhìn bầu trời vĩ đại như vậy, ông thấy mình nhỏ nhoi. Nhưng ông chợt nhớ ra rằng mặc dầu mình nhỏ như vậy, mình có một giá trị rất là lớn trước mặt Thượng Đế, lớn hơn tất cả vũ trụ này.
Chúng ta là người được Thượng Đế yêu, ban cho hình ảnh của Ngài. Ngài nhớ chúng ta, thăm viếng chúng ta, và trong tương lai sẽ cho chúng ta quyền cai trị vạn vật vũ trụ giống như Chúa Giê-xu cai trị thế gian. Vì Chúa chúng ta lớn, đã sáng tạo vũ trụ và đã đặt chúng ta trên mọi vật, chúng ta phải biết mình quan trọng và đời mình có ý nghĩa.
Khi nhìn lên bầu trời, Đa-vít không ngừng ở chỗ chỉ hỏi “Loài người là gì?” rồi chấm dứt như là không có câu trả lời. Đa-vít nói thêm, “Khi tôi nhìn xem các tầng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng, ngôi sao mà Chúa đã đặt, loài người là gì mà Chúa nhớ đến, con người là chi mà Chúa đến viếng thăm nó.” Đa-vít ngược lại ghi nhận loài người được Chúa nhớ đến, được Chúa thăm viếng. Đây không còn là một câu hỏi nữa, nhưng là một câu tán thán: Loài người là chi mà Chúa nhớ đến! Con người là chi mà Chúa thăm viếng! Quý vị thấy, trước sự lớn lao của vũ trụ, người tín đồ bộc lên lời tán thán, hơn là một câu hỏi mà không có câu trả lời.
IV. Hãy ca tụng Chúa
Tóm tắt lại, chúng ta thấy Thi Thiên này đưa chúng ta lên trên cao để nhìn vũ trụ bao la. Nếu thiếu Chúa, chúng ta phải đi đến chỗ tuyệt vọng, chán đời. Nhưng Đa-vít không để chúng ta bi quan, cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng nhắc chúng ta rằng mình có Chúa, và Đấng chúng ta thờ phượng đã không quên chúng ta, đã cho chúng ta quyền điều khiển vạn vật vũ trụ trong tương lai. Đức Chúa Trời chúng ta lớn lao, và Ngài làm chúng ta chỉ thua Ngài một tí thôi; chúng ta vì thế thật ra không nhỏ bé, nhưng có một giá trị lớn lao trước mặt Đức Chúa Trời.
Chúng ta phải nhớ bài học ngày hôm nay trong Thi Thiên 8, để mỗi khi thấy mình yếu đuối nhỏ mọn, chúng ta cứ tự nhắc nhở rằng mình là con Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời yêu thương, để ý. Mỗi lúc chúng ta cảm thấy cô đơn, không có người thân thuộc, hãy nhớ rằng Chúa đang ở cùng chúng ta. Mỗi buổi sáng khi thấy mình không muốn thức dậy đón chào một ngày mới, chúng ta cứ tự nhắc nhở rằng trong ngày Đức Chúa Trời ban cho mình, Ngài có một chương trình tốt đẹp cho mình và muốn mình hầu việc Ngài.
Chúng ta phải hiểu là nếu Chúa chúng ta lớn thì chúng ta cũng lớn, và chúng ta phải biết ca tụng, cám ơn Ngài, vì Ngài thật sự vĩ đại.
1. Hỡi Đức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, Danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao; Sự oai nghi Chúa hiện ra trên các từng trời!
9. Hỡi Đức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, Danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao!
Mục sư Đỗ Lê Minh