Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Hướng Dẫn

Bài 4

Ðược Chúa Cho Biết

Ê-phê-sô 1:8-10

 

Kính thưa quý vị: Như quý vị nhớ, Ê-phê-sô đoạn 1 nói đến những ơn phước thiêng liêng mà Ðức Chúa Trời đã ban cho mỗi chúng ta. Trước hết, Ngài đã chọn chúng ta để làm con nuôi của Ngài; sau đó, Ðức Chúa Giê-xu đã cứu chuộc chúng ta bởi huyết của Ngài, làm chúng ta được tha tội. Bây giờ chúng ta tiếp tục học câu 8-10:

 

8 mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng,

9 khiến chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài, theo ý định mà Ngài đã tự lập thành trước trong lòng nhân từ Ngài

10 để làm sự định trước đó trong khi kỳ mãn, hội hiệp muôn vật lại trong Ðấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất.

 

Hôm nay chúng ta học thêm một ơn phước thiêng liêng khác, ấy là Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta sự khôn ngoan thông sáng. Ðây không phải là sự “lõi đời,” biết ganh đua tranh cạnh, nhưng là sự khôn ngoan trong Chúa. Người có sự khôn ngoan thông sáng có cái nhìn thuộc linh, thấy chiều sâu của vấn đề, chứ không phải chỉ có cái nhìn hời hợt bên ngoài. Người có sự khôn ngoan thông sáng là người biết nhìn đời qua lăng kính của Thượng Ðế, có cái nhìn về sự sống và sự chết, về Thượng Ðế và con người, về tội lỗi khác hẳn với người khác. Người có sự khôn ngoan thông sáng cũng biết áp dụng những điều mình biết vào trong đời sống hằng ngày. Sự khôn ngoan thông sáng này không thể được đo lường bởi trình độ học vấn, hay tiền bạc. Khi chúng ta tin và kính sợ Ðức Chúa Trời, Ngài đã ban cho chúng ta đủ mọi thứ phước thiêng liêng, và một trong những phước thiêng liêng đó là sự khôn ngoan thông sáng.

 

Câu hỏi kế tiếp là Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan thông sáng để làm gì? Có phải là chỉ để chúng ta thành người khôn ngoan? Hay có phải để người khác ngưỡng mộ chúng ta? Thưa không, như Phao-lồ viết trong câu 9, để “chúng ta biết sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài.” Thế nào là sự “mầu nhiệm?” Có một vị giáo sư cho một bài thi rất khó. Không biết câu trả lời, một sinh viên viết trong bài, “Thầy cho bài thi khó quá! Ðây là cả một sự mầu nhiệm mà chỉ có Ðức Chúa Trời biết mà thôi. Làm sao tôi biết được?” Vị giáo sư trả lời, “Ðúng vậy, bài thi này khó lắm. Vì Ðức Chúa Trời biết nên tôi cho Ngài con 'A'; nhưng vì anh không biết nên tôi cho anh con 'F'.” Sự mầu nhiệm Phao-lồ nói đến ở đây không có nghĩa như vậy. Nó không phải là những điều huyền bí, vượt trên sự hiểu biết của tất cả mọi người, hay của hầu hết mọi người, mà chỉ một số người có sự “giác ngộ” mới hiểu được. Nhưng sự mầu nhiệm đây là sự bí mật mà bây giờ đã được “bật mí” cho người tín đồ. Ê-phê-sô 3:5 giải thích sự mầu nhiệm ấy như thế này, “Là lẽ mầu nhiệm trong các đời khác, chưa từng phát lộ cho con cái loài người, mà bây giờ đã được Ðức Thánh Linh tỏ ra cho các sứ đồ thánh và tiên tri của Ngài.”

 

Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan để biết sự mầu nhiệm, nhưng sự mầu nhiệm đó là gì? Có phải là vũ trụ được sáng tạo bằng cách nào hay không? Thưa không; đó không phải là điều chúng ta cần biết. Có phải là quá khứ hay tương lai của chúng ta sẽ như thế nào hay không? Cũng thưa không, Chúa muốn chúng ta đặt hết tất cả tương lai của chúng ta vào bàn tay của Ngài. Có phải là một số kinh kệ để chúng ta học thuộc lòng, đọc đi đọc lại mỗi ngày hay không? Thưa không, vì như câu 9 cho biết, đây là “sự mầu nhiệm của ý muốn Ngài.” Chúa muốn chúng ta biết ý muốn của Ngài.

Trong câu 10, Phao-lồ giải thích thêm là, ý muốn của Thượng Ðế là trong một ngày nào đó, Ngài sẽ “hội hiệp muôn vật lại trong Ðấng Christ, cả vật ở trên trời và vật ở dưới đất.” Phao-lồ có ý nói là Ðức Chúa Trời muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi trong danh Chúa Giê-xu. Hơn nữa, không chỉ những người tin vào Ngài, Ðức Chúa Trời muốn tất cả mọi người, dầu là Sa-tan hay người không tin Chúa, sẽ ghi nhận quyền năng của Thượng Ðế, và của Chúa Giê-xu Christ trong ngày cuối cùng. Ngày đó mọi đầu gối sẽ quỳ xuống, mọi lưỡi sẽ xưng nhận Chúa Giê-xu là Thượng Ðế. Ngài muốn thấy tất cả cho Chúa Giê-xu, và chỉ cho Chúa Giê-xu mà thôi. Xin chúng ta đừng nghĩ rằng đến ngày đó chúng ta sẽ thấy Chúa Giê-xu đứng cùng với những giáo chủ khác như Ðức Phật hay Môhamét. Thưa không, Thượng Ðế chỉ muốn thấy Chúa Giê-xu được vinh danh, và chỉ một mình Ngài mà thôi.

 

Ngài muốn việc này xảy ra khi nào? Thưa, khi “kỳ được mãn.” Lịch sử có nhiều giai đoạn, nhưng có hai thời điểm trong lịch sử mà Kinh Thánh coi như khi “kỳ được mãn.” Phao-lồ viết trong Ga-la-ti 4:4, “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Ðức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sinh ra, sanh ra dưới luật pháp.” Ðiều này đã xảy ra trên hai ngàn năm trước, và đã chia lịch sử nhân loại ra làm hai phần, một phần trước Chúa và một phần sau Chúa. Nhưng “kỳ được mãn” thứ hai, là ngày cuối cùng của lịch sử, chưa xảy ra. Lúc đó, con sông thời gian sẽ cạn khô, và mọi dòng nước sẽ tụ họp về biển cả mênh mông, đời đời. Lúc đó bức màn sẽ được hạ xuống, và vở bi hài kịch trên thế gian này sẽ chấm dứt. Lúc đó là chúng ta sẽ thấy Chúa Giê-xu trở lại để xét xử thế gian.

Có nhiều sử gia cho rằng lịch sử là những giai đoạn không có liên hệ với nhau, giống như quan niệm của thuyết hiện sinh. Những việc xảy ra ngày hôm nay không có ảnh hưởng đến ngày mai. Nhiều tôn giáo khác, chẳng hạn nhu đạo Phật, coi thời gian như không bao giờ chấm dứt, và con người sống từ đời này qua đời kia đến vô cực. Nhưng người tín đồ Ðấng Christ có sự khôn ngoan thông sáng để biết sự mầu nhiệm rằng lịch sử có một mục đích, và mỗi giai đoạn trong lịch sử đóng góp vào mục đích tối hậu đó. Người tín đồ Ðấng Christ biết lịch sử tiến triển để đưa đến một biến cố tối quan trọng trong ngày cuối cùng, chứ không phải những biến cố xảy ra hằng ngày tự nhiên vô cớ xảy ra. Mỗi ngày mỗi giờ trong đời sống chúng ta là một viên gạch, và Chúa dùng chúng để xây dựng một tòa lâu đài để ca ngợi, tôn thờ Ðức Chúa Giê-xu Christ trong ngày cuối cùng.

 

Thượng Ðế muốn chúng ta có sự khôn ngoan để biết là có một ngày nào đó, khi kỳ đã mãn, Chúa Giê-xu sẽ thành Chúa tể muôn loài. Ngài cũng muốn chúng ta biết rằng Ngài “làm sự định trước đó.” Chữ “làm” này ngắn gọn, làm chúng ta không thấy được ý nghĩa sâu đậm của nó. Trong nguyên bản Hy lạp, chữ này là nguồn gốc của chữ “economy.” Chúng ta có thể dịch là Ngài “điều động sự định trước đó,” để nó được thành tựu trong ngày cuối cùng. (Bản NASB dịch là “with view to an administration suitable to the fullness of time.”) Nhìn những việc đã và đang xảy ra trên thế gian, đôi khi chúng ta nghĩ là không có Thượng Ðế, hay Ngài không để ý đến con người, nhưng Kinh thánh khẳng định rằng Chúa đang điều hành mọi việc. Khi Chúa tạo dựng con người, có ý muốn của Ngài trong đó; ngay cả việc con người phạm tội là do Ngài cho xảy ra; rồi Ngài đã định từ lâu rằng Chúa Giê-xu sẽ xuống thế gian để chết thế chúng ta. Ngài cũng đã hướng dẫn tất cả mọi việc để Chúa Giê-xu được vinh danh, trở thành Chúa tể muôn loài trong ngày cuối cùng. Ðây cũng giống như việc xảy ra trên một chiếc tàu. Trên đó, người ta tự do làm ăn, buôn bán, đánh bài, nhậu nhẹt, và nhiều người quên rằng chiếc tàu đang được một người thuyền trưởng điều khiển để đến bến đến bờ.

 

Tóm tắt, những ơn phước thiêng liêng mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta là: Ngài đã chọn chúng ta làm con nuôi của Ngài, đã cứu chuộc chúng ta bằng dòng huyết của Chúa Giê-xu, và cho chúng ta biết ý muốn của Ngài trong tương lai, chương trình Ngài dành cho nhân loại. Ðây là những sự mầu nhiệm, những điều bí mật mà ngay cả người Do Thái trong thời Cựu Ước cũng không biết. Chỉ có những người có vinh dự lớn được Thượng Ðế cho một nhân sinh quan qua lăng kính của Chúa Giê-xu mới thấy được.

 

Chúng ta phải có phản ứng như thế nào trước mầu nhiệm này? Trước hết, mỗi người chúng ta phải tin vào Chúa Giê-xu, để được sự cứu rỗi. Và chúng ta cũng phải biết là mình đã được sự cứu rỗi nữa. Xin đừng có ai tin Chúa Giê-xu mà còn nghi ngờ, không biết mình có được cứu hay không. Không những thế, chúng ta cũng phải biết tại sao mình được cứu, hay được cứu để làm gì? Thưa, một vinh dự của người được cứu là được Chúa cho biết chương trình của Ngài dành cho nhân loại và được Ngài cho phép dự phần vào trong chương trình đó. Bây giờ sắp có giải túc cầu thế giới. Có hai hạng người tham dự giải này: Một hạng người đến xem, rồi ra về; hạng khác đến để tranh tài. Khi cho chúng ta biết ý muốn của Ngài, Ðức Chúa Trời muốn chúng ta trở thành người góp phần vào đó, chứ không phải chỉ là khán giả.

Chúng ta cũng có thể nhìn vấn đề như thế này: Chúa muốn chúng ta viết một luận án, và Ngài cho chúng ta đề tài là “Tất cả mọi việc hội hiệp lại để Chúa Giê-xu Christ được vinh hiển trong ngày cuối cùng.” Ngài cũng cho một vài quy luật để chúng ta viết luận án đó. Những quy luật đó có thể được gói ghém trong mười điều răn trong Cựu Ước, hay hai điều răn trong Tân Ước, tức là yêu Chúa và yêu người. Chúa cho chúng ta sự tự do viết luận án của mình, trên giấy thời gian. Khi sanh ra, bài luận án của chúng ta còn là tờ giấy trắng, và chúng ta viết bài luận án bằng đời sống mình. Chúng ta phải nhớ rằng có một vị chủ bút tối hậu. Ngày cuối cùng vị chủ bút này sẽ đọc luận án của chúng ta, và sẽ gạch bỏ, quăng vào lò lửa tất cả những gì bị lạc đề, mặc dù câu văn hay ý tứ có hay bao nhiêu đi nữa. Ðặc biệt, chúng ta lạc đề khi làm những việc để phục vụ cá nhân mình, hay cho thế gian này. Những điều mà Chúa giữ lại đời đời có thể là những câu văn không được văn hoa, nhưng thích hợp với đề tài lớn của Ngài.

Chúng ta cũng phải biết rằng Chúa không cần chúng ta. Ngài đã có sẵn chương trình, và có quyền năng lèo lái lịch sử đi theo dự tính của Ngài. Nếu chúng ta không đóng góp vào chương trình của Thượng Ðế, Ngài sẽ dùng người khác, và chúng ta đánh mất vinh dự lớn được đóng góp vào chương trình đó.

Tóm tắt lại, Chúa đã nhận chúng ta làm con nuôi của Ngài, đã cứu chuộc chúng ta và cho chúng ta sự khôn ngoan để biết sự mầu nhiệm lớn, ấy là trong ngày cuối cùng, mọi sự hội hiệp lại dưới Chúa Giê-xu Christ. Chúa đang điều động lịch sử để đạt đến mục đích tối hậu đó. Câu hỏi cho chúng ta ngày hôm nay là đời sống của chúng ta có đóng góp được gì vào mục đích đó hay không.

 

Mục Sư Ðỗ Lê Minh