Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Hướng Dẫn
II PHI-E-RƠ 1:8-11
Kính chào quý vị, hôm nay tôi không đeo kiếng, nên không thấy đường. Hồi nhỏ, mỗi lần tôi đọc sách, mẹ tôi thường bảo đừng đọc quá gần, sợ lớn lên cận thị. Đúng vậy, tôi bị cận thị thiệt. Muốn hết cận thị thì mình phải làm gì? Mình đeo kiếng vào. Cũng vậy, trong đời sống thuộc linh, nhiều khi mình thấy mù mờ như bị cận thị. Và hôm nay, chúng ta sẽ phân tích chữ “cận thị thuộc linh,” để xem mình nên đeo kiếng gì để thấy rõ ràng hơn.
Chúng ta đã bắt đầu học một loạt bài học theo sách Phi-e-rơ thứ nhì. Sau khi bắt đầu học về sự thông biết Chúa, chúng ta biết Chúa cho chúng ta tất cả mọi điều về sự sống và sự tin kính. Giờ đây chúng ta nghe lại Phi-e-rơ nói gì trong đoạn 1 từ câu 5, “Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tôn kính, thêm cho tôn kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.”
Hôm nay chúng ta sẽ học sách Phi-e-rơ thứ nhất, đoạn 1, từ câu 8, đến câu 11:
8. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu.
9. Nhưng ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù; quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước.
10. Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình. Làm điều đó anh em sẽ không hề vấp ngã;
11. dường ấy, anh em sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta.
I. Người cận thị
Phi-e-rơ nói, sau khi Chúa đã ban cho chúng ta mọi điều rồi, “các điều đó... ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đâu”(câu 8).
Nói như vậy, nhưng khi nhìn lại đời sống mình, chúng ta thấy đôi khi mình không làm được những điều trên. Và Phi-e-rơ nói, như thế phải có cái gì sai trật. Có phải Chúa đã không ban cho mình tất cả mọi điều chăng? Thưa không. Nhưng trong trường hợp đó, Phi-e-rơ nói chúng ta là những người cận thị. Ông viết, “Nhưng ai thiếu những điều đó, thì thành ra người cận thị, người mù”(câu 9).
1. quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước.
Có nhiều lý do khiến một người bị cận thị. Nhưng có lẽ một trong những lý do đó là mình đọc sách quá gần. Con mắt mình quen điều chỉnh để đọc gần, đến chừng phải nhìn xa, mình không thấy rõ. Người cận thị thuộc linh cũng vậy. Sống trên đời, mình cứ mải mê nhìn những gì trước mắt, cứ bận tâm lo nhà, xe, công ăn việc làm của mình. Đến chừng nhìn lên những điều thuộc linh, chúng ta thấy nó mờ mờ ảo ảo. Nhìn về quá khứ, mình “quên hẳn sự làm sạch tội mình ngày trước.” Mình quên là, có một lúc nào đó, Chúa đã kêu gọi mình bước vào một con đường mới, để lên thiên đàng. Rời nhà để đi một cuộc hành trình mới, mình có bản đồ chỉ đường. Nhưng trên đường đi, vì mải mê nhìn những cảnh vật xung quanh, mình quên mất lý do tại sao mình ra đi.
Phao-lồ luôn nhớ tới việc Chúa cứu ông, và nhờ đó ông có một đời sống kết quả, làm đẹp lòng Chúa. Trong thơ thứ nhất gởi cho Ti-mô-thê, đoạn 1, Phao-lồ viết, “13. Ta ngày trước vốn là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo, nhưng ta đã đội ơn thương xót, vì ta đã làm những sự đó đương lúc ta ngu muội chưa tin.... 15. Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy; trong những kẻ có tội đó ta là đầu.”
2. nên ở dưng, hoặc không kết quả
Phi-e-rơ nói là, nếu cận thị, quên mất sự làm sạch tội mình ngày trước, chúng ta sẽ “ở dưng, hoặc không kết quả.” Ở dưng là thất nghiệp thuộc linh, không làm được gì hết; không kết quả là không đem lợi ích gì cho Chúa. Chúa muốn mỗi người chúng ta phải kết quả. Chúng ta nghe đến trái của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22) và chúng ta biết Chúa Giê-xu quở trách cây vả vì nó không ra trái (Ma-thi-ơ 21:19 -22, Lu-ca 13:6-9). Chúng ta nhớ đến câu chuyện Chúa ban cho các người đầy tớ các ta-lâng. Có người đem dấu đi, và Chúa nói:” Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia... (Ma-thi-ơ 25:14-30).
Tuần trước chúng ta học là, để việc làm của chúng ta có giá trị, chúng phải luôn nhớ đến điều căn bản là Chúa đã ban cho chúng ta “mọi điều thuộc về sự sống và sự tôn kính.” Nếu không, Chúa sẽ coi tất cả những việc mình lăng xăng làm trong nhà thờ là không đáng kể, chỉ là rơm rạ.
II. Người không cận thị
1. chú ý về sự kêu gọi
Nếu thấy đời sống mình không kết quả, thì mình phải làm gì? Phi-e-rơ nói thêm, trước nhất, “10. Vậy, hỡi anh em, hãy chú ý cho chắc chắn về sự Chúa kêu gọi và chọn lựa mình.” Sự kêu gọi và chọn lựa chắc chắn đã đến với tất cả những người tin Chúa. Khi tin Chúa, chúng ta không còn bị hư mất nữa. Tôi muốn phân biệt một cách rõ ràng ở đây, thứ nhất là chúng ta sẽ được sự cứu rỗi; thứ hai là chúng ta biết chắc chắn về lẽ thật đó. Vấn đề Phi-e-rơ nói đây là, nhiều người tín đồ chúng ta không có sự chắc chắn về lẽ thật đó. Ngay cả có nhiều người còn không biết mình có được lên thiên đàng hay không.
Và sở dĩ chúng ta không có sự chắc chắn là vì chúng ta không làm gì, để “thêm cho đức tin mình sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tôn kính, thêm cho tôn kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.” Xin chúng ta đọc thơ Giăng thứ nhất, đoạn 2, từ câu 3, “ Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài... 5. Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.” Giăng khuyên chúng ta hãy giữ các điều răn của Chúa, thì chúng ta sẽ biết mình ở trong Ngài. Giăng viết trong thơ thứ nhất, đoạn 3, “14. Chúng ta biết rằng mình đã vượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình.... 18. Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật. Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài.”
2. không nản lòng
Phi-e-rơ cũng nói thêm nữa là, nếu làm những điều trên, chúng ta sẽ “không hề vấp ngã.” Vấp ngã ở đây không có nghĩa là phạm tội. Phi-e-rơ không nói là chúng ta sẽ không phạm tội nữa. Nhiều nhà giải kinh giải thích rằng, theo nguyên bản Hy Lạp, đây hàm ý “nản lòng.” Nếu không có sự bảo đảm về việc lên thiên đàng, mình dễ bị nản lòng, nghi ngờ.
3. vào nước Chúa cách rộng rãi
Nhưng Phi-e-rơ không ngừng ở đây. Ông nói thêm là, nếu làm những điều trên, chúng ta “11. sẽ được cho vào cách rộng rãi trong nước đời đời của Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa và Cứu Chúa của chúng ta.” Quan trọng ở đây là những chữ “một cách rộng rãi.” Lần nữa, khi đặt niềm tin nơi Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ được lên thiên đàng, dù có cận thị thuộc linh hay không. Những người bị cận thị thuộc linh chỉ thấy đời này, thành quên sự cứu rỗi của mình, hay không biết chắc sự cứu rỗi, vì thế không có được sự bình an, và không có sự tự tin để chia xẻ phúc âm với người khác. Những người đó cũng sẽ được lên thiên đàng, nhưng như là đi qua lửa, như len lén đi vào ngõ sau. Còn những người không bị cận thị thuộc linh sẽ được Chúa đón mời vào nước Ngài một cách rộng rãi. Chúng ta có chắc chắn là, khi mình trút hơi thở cuối cùng, mình sẽ đến thiên đàng như một người lực sĩ chạy đua đến đích, đưa ngực ra để đụng sợi dây hay không? Hay chúng ta đi đến như người bị đắm thuyền, thều thào, bò lên bờ?
Người ta nói, người hầu việc Chúa cả đời sẽ được ở nhà lầu trên thiên đàng, còn những người hầu việc Chúa ít hơn sẽ ở nhà trệt. Thưa, không có chuyện đó. Thiên đàng không có nhà lầu, nhà trệt. Theo ý riêng của tôi, điều khác nhau là, trên thiên đàng, có người sẽ tận hưởng được Chúa lâu dài, có người không. Người chăm chỉ hầu việc Chúa trên đời đã nếm được hương vị thiên đàng rồi, ngay trên thế gian này. Có thể về phương diện vật chất họ không có gì hết, nhưng về tinh thần họ có tất cả. Sau một ngày hầu việc Chúa cực nhọc, họ về nhà, cám ơn Chúa là họ được Chúa dùng, và có sự bình yên, và đó là thiên đàng. Còn người chỉ lo đời sống vật chất, sau một ngày làm việc cực nhọc về, lăn xuống ngủ, than cực, không muốn nghĩ đến việc phải “đi cày” lại ngày mai. Đó chỉ có thể là hình ảnh của địa ngục. Phi-e-rơ muốn chúng ta hầu việc Chúa trên đời sống này, để nếm ít nhiều hương vị của thiên đàng, và nhờ thế biết tận hưởng thiên đàng triệu triệu lần nhiiều hơn khi bước vào đó.
Kết luận, Phi-e-rơ bảo, nếu chúng ta chỉ nhìn những gì trước mắt, mà không nhìn lên Thiên Chúa, chúng ta sẽ thở thành người cận thị thuộc linh. Thành ra bây giờ chúng ta phải khuyến khích lẫn nhau đừng nhìn những gì bên ngoài, vật chất, tạm bợ trên đời này. Khi tôi đi khám bác sĩ mắt, ông cho tôi một cái gọng không kính. Rồi ông bỏ thử một cái kính vào. “Thấy rõ không?” Nếu không, ông bỏ chồng thêm một cái kính nữa,... cho đến chừng tôi thấy rõ. Cũng vậy, Phi-e-rơ nói, “Anh em đã có cái gọng cứu rỗi rồi. Giờ đây “phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhơn đức, thêm cho nhơn đức sự học thức, thêm cho học thức sự tiết độ, thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tôn kính, thêm cho tôn kính tình yêu thương anh em, thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.” Khi đã làm chuyện đó, anh em sẽ thấy rõ vô cùng. Anh em sẽ thấy rõ sự cứu rỗi của mình ngày trước, anh em sẽ thấy rõ đường lên thiên đàng ngày hôm nay, và anh em sẽ thấy rõ đời sống kết quả của mình trong tương lai. Và anh em sẽ thấy rõ rằng, sau khi trút hơi thở cuối cùng, anh em sẽ bước vào thiên đàng cách rộng rãi. Xin chúng ta khuyến khích nhau, để đeo những cái kính đó trong đời sống chúng ta. Xin chúng ta luôn giúp đỡ lẫn nhau, cầu nguyện cho nhau, để thấy không những mình, nhưng cũng những người trong Hội Thánh này nửa, bước vào thiên đàng một cách rộng rãi.
Mục Sư Đỗ Lê Minh