Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 3 | Hướng Dẫn
THI-THIÊN 16
Có điều gì quan trọng đối với chúng ta ngày hôm nay mà chúng ta có thể tìm được từ Thi Thiên 16 này? Thưa, điều mà chúng ta hằng mong muốn, tìm kiếm là hạnh phúc. Có thể Đa-vít viết Thi Thiên 16 này để nói về chính mình; có thể Đa-vít nói về Chúa Giê-xu. Nhưng hôm nay chúng ta học Thi Thiên 16 để thấy Đa-vít nói với mỗi chúng ta, và cho chúng ta một phương cách đi tìm hạnh phúc.
Tiếng Anh có 2 chữ “hạnh phúc,” nhưng ý nghĩa hơi khác một chút: một chữ là happy và một chữ là joy. Happy là cái gì đến từ ngoại cảnh. Có sinh nhật thì mình happy birthday; được người ta tặng quà, được lên chức thì mình happy.... Nhưng happy không phải là điều mà con người thật sự mong muốn. Con người thật sự mong muốn joy, tức là sự vui mừng đến từ bên trong, không tùy thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Nó giống như một dòng suối tuôn tràn từ trong con người của mình, khiến mình luôn được tươi mát.
Hạnh phúc sung mãn là điều mọi người tìm kiếm. Nhưng hạnh phúc cũng là điều mà chúng ta khó tìm thấy. Nhiều người đi tìm hạnh phúc trong tiền bạc, danh vọng, nhưng cuối cùng chỉ thấy thất vọng. Người ta nói chỉ có 20% người sống ở bên Mỹ này có thể được gọi là có hạnh phúc trong đời sống. Có một ông nọ cảm thấy chán đời lắm, nên đến gặp một nhà tâm lý học. Nhà tâm lý học bèn giới thiệu cho ông một người hề danh tiếng trong thành phố. Khi bệnh nhân của ông cảm thấy buồn chán thì ông gởi đến người hề đó. Bệnh nhân chỉ cần xem người hề đó một hai suất thì thấy mình vui vẻ ngay. Ông bệnh nhân này buột miệng nói, “Tôi chính là người hề đó!” Ông làm trò vui cho người khác, nhưng trong lòng ông không vui.
1. Đức Chúa Trời ôi! xin hãy phù hộ tôi, vì tôi nương náu mình nơi Chúa.
2. Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi; Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác.
3. Tôi lấy làm thích mọi đàng các người thánh trên đất, và những bực cao trọng.
4. Sự buồn rầu của những kẻ dâng của lễ cho thần khác sẽ thêm nhiều lên: Tôi sẽ không dâng lễ quán bằng huyết của chúng nó, cũng không xưng tên chúng nó trên môi tôi.
5. Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi: Ngài gìn giữ phần sản tôi.
6. Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành; Phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ.
7. Tôi sẽ ngợi khen Đức Giê-hô-va, là Đấng khuyên bảo tôi; Ban đêm lòng tôi cũng dạy dỗ tôi.
8. Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi.
9. Bởi cớ ấy lòng tôi vui vẻ, linh hồn tôi nức mừng rỡ; Xác tôi cũng sẽ nghỉ yên ổn;
10. Vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, cũng không để người thánh Chúa thấy sự hư nát.
11. Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.
I. Con Đường Sự Sống
Tác giả Thi Thiên kết luận trong câu 11, “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường của sự sống, trước mặt Chúa có sự khoái lạc, tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.” Sống trong thế gian này giống như đi trên một con đường. Chúng ta có thể chọn nhiều con đường: có con đường đưa tới sự sống, hạnh phúc, nhưng cũng có con đường đưa tới sự chết, sự buồn rầu chán nản. Châm Ngôn 14:12, “Có một con đường coi dường như chính đáng cho loài người, nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.” Vậy nếu muốn có sự khoái lạc, hạnh phúc trong đời sống, chúng ta phải đi trong con đường mà Đa-vít gọi là “con đường sự sống.”
Con đường sự sống này từ đâu đến? Câu 11 nói, “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường của sự sống.” Chúa sẽ chỉ cho chúng ta con đường này. Mặc dầu chúng ta phạm tội cùng Ngài, Thượng Đế không để chúng ta bơ vơ, lạc lõng, mò mẫm không biết mình đi về đâu. Thượng Đế chỉ cho chúng ta một con đường. Con đường này đến từ Thượng Đế. Vì Thượng Đế tạo dựng con người nên Ngài biết con người cần điều gì, và điều gì tốt nhất cho con người.
Chúa đã chỉ cho chính cá nhân tôi con đường này, không phải cho người khác, cho ba tôi, má tôi hay con tôi, để họ đi, còn tôi đứng bên ngoài dòm. Nếu cả gia đình tôi đều đi theo con đường của Chúa mà tôi không đi theo con đường đó, thì tôi cũng chỉ đi đến sự hư mất mà thôi.
Con đường chúng ta đi được định nghĩa bằng cái đích chúng ta nhắm đến; con đường đúng hay không là tùy cái đích của nó đúng hay không. Vị phi công trên một chuyến máy bay nọ loan báo với mọi người rằng: “Thưa quý vị, tôi có một tin vui và một tin buồn cho quý vị. Tin vui là chúng ta bay đúng theo chương trình; nhưng tin buồn là bây giờ tôi bay lạc rồi, không biết mình đi đâu.” Nếu mình lạc đường thì đi nhanh cũng vô ích.
Nếu mục đích đời sống chúng ta sai lầm, thì dù chúng ta có thành thật tôn sùng mục đích đó bấy nhiêu, cũng vô ích mà thôi. Đặt Mô-ha-mét làm mục đích của đời sống chúng ta, dù chúng ta có bỏ cả đời sống mình để dâng hiến cho ông đi nữa cũng vô ích mà thôi. Không phải là mình chỉ cần thành khẩn không là đủ.
Thi Thiên này nói rằng mục đích của đời sống mình là Đức Giê-hô-va. Câu 11, “Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc;” câu 8, “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi.” Tôi đặt Đức Giê-hô-va trước mặt, và cứ nhắm Ngài mà tiến. Nói như vậy không có nghĩa là tôi chọn con đường trước, rồi đem Đức Giê-hô-va đặt trước mặt. Có người thường hay đi lạc ngoài biển, cho nên bạn bè ông đã mua tặng ông một kim chỉ nam. Khi ông ra biển với kim chỉ nam rồi, bạn bè ông tưởng lần này ông có thể về bình an. Nhưng ông ta vẫn bị lạc. Khi bạn bè hỏi tại sao ông không đem kim chỉ nam ra dùng, ông trả lời: “Tôi đi đúng hướng nam, nhưng cứ thấy kim chỉ hướng tây. Khi tôi bẻ cái kim lại theo hướng của tôi đi, nó không chịu theo nên tôi giận, quăng nó và đi theo hướng của tôi.” Thưa không, đặt Chúa trước mặt mình không phải là tạo cho mình một con đường, rồi ép Chúa vào con đường đó.
Thượng Đế cho chúng ta con đường qua Chúa Giê-xu. Đã một lần trở thành con người, sống như con người và chết như con người, Chúa Giê-xu biết con người cần gì. Ngày hôm nay chúng ta có Đức Thánh Linh ở trong lòng để thỏ thẻ nhỏ nhẹ hướng dẫn đời sống chúng ta. Chúng ta cũng có Kinh Thánh, vì thế chúng ta phải đọc Kinh Thánh.
Tôi hằng để Đức Giê-hô-va ở trước mặt tôi, chứ không phải chỉ những lúc tôi thích; khi nào không thích thì tôi dẹp Ngài qua một bên; gặp túng thiếu khốn cùng thì tôi có Chúa Giê-xu trước mặt và kêu gọi Ngài; khi sung túc thì tôi không cần Ngài nữa.
1. Nương náu nơi Chúa
Đi trên con đường của Thượng Đế trước hết là nương náu nơi Chúa. Đa-vít nói trong câu thứ nhất, “Đức Chúa Trời ôi! xin hãy phù hộ tôi, vì tôi nương náu mình nơi Chúa.” Nương náu là như thế nào? Vâng, lúc gặp khốn cùng, nguy biến, bị người ta chê cười, tôi đến bên bệ chân Chúa, và tìm sự bảo vệ từ Chúa, giống một con gà con núp dưới cánh con gà mẹ. Nhưng chữ nương náu này có một ý nghĩa đậm đà hơn. Đó là chúng ta ở trong Ngài. Chúng ta sẽ đi ra ngoài đời lúc này lúc kia, nhưng luôn luôn chúng ta phải trở về trong nhà Chúa. Mỗi tuần chúng ta đến với Hội Thánh. Đây là điều tốt chúng ta cần phải làm. Nhưng điều này không đủ. Chúng ta không thể chỉ đợi mỗi sáng chủ nhật mới đến nhà thờ để kiếm thêm năng lượng cho tuần đến. Chúng ta phải trở lại với Chúa luôn luôn mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút trong đời sống chúng ta. Trên con đường đi của tôi, Chúa là nguồn năng lượng, và tôi phải trở về nguồn năng lượng đó để có thể vững bước trên đường đời.
2. Hầu việc Chúa
Đa-vít nói trong câu 2, “Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi.” Đọc qua câu này chúng ta không thấy rõ ý nghĩa của nó. Nhưng nếu đọc nguyên bản Hê-bơ-rơ, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa của nó rất rõ ràng. Trong câu này có hai chữ "Chúa:" chữ thứ nhất là Đức Giê-hô-va, mà các bản tiếng Anh đôi khi dịch là LORD, với bốn chữ viết hoa; chữ thứ hai là Adonai, mà các bản tiếng Anh đôi khi dịch là Lord, với chữ L viết hoa, còn các chữ khác viết thường. Đây có nghĩa là “Đức Giê-hô-va là Adonai, là chủ của đời sống tôi.” Trên con đường sự sống, tôi hầu việc Chúa. Tôi sống để hầu việc Ngài. Là ông chủ, Ngài biểu tôi làm điều gì tôi làm điều đó. Không chỉ đợi đến lúc gặp khó khăn, nguy biến mình mới chạy đến Chúa để tìm sự nương náu nơi Ngài, ngay cả lúc thịnh vượng vui vẻ, mình hầu việc Chúa, coi Ngài như ông chủ của đời.
Câu kế tiếp viết như thế này, “Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác.” Thiệt ra, câu này có thể hiểu theo nhiều nghĩa. Bảng dịch Việt Nam dịch chữ "phước" có vẽ không đúng. Mình phải dịch là "điều tốt lành," như trong bản dịch NIV, Apart from you I have no good thing,” hay mình cũng có thể dịch như trong bản dịch New King James Version, My goodness is nothing apart from You.
Điều này có ý nghĩa gì đối với việc hầu việc Chúa của chúng ta? Ngoài Chúa, những việc làm tốt lành của mình là vô ích, không có ý nghĩa trước mặt Chúa. Hồi nãy chúng ta nói rằng đời sống của mình là đời sống hầu việc Chúa, nhưng chúng ta phải nhớ rằng nếu mình lăng xăng làm việc trong Hội Thánh chỉ để thỏa mãn tự ái của mình, thì mặc dầu người ta không biết, nhưng Chúa biết và mình biết, và mình cũng đi theo con đường lầm lạc mà thôi.
Đi trên con đường sự sống đòi hỏi mình phải liên tục hầu việc Chúa với thái độ khiêm nhường, biết rằng tất cả mọi điều mình làm là do Chúa ban cho. Ngoài Chúa ra, tôi không làm được gì hết; không có điều gì tốt lành đến từ tôi hết.
3. Thông công với tín đồ
Trên con đường sự sống mình cũng có những người bạn đồng hành nữa. Và hầu việc Chúa là đi chung với những người đó, để khuyến khích, phục vụ họ. Câu thứ 3, “Tôi lấy làm thích mọi đàng các người thánh trên đất, và những bực cao trọng.” Nói đến những người trong Hội Thánh, ông dùng chữ các người thánh, những bậc cao trọng. Tôi là bậc cao trọng, là người thánh! Quý vị là bậc cao trọng, là người thánh! Không phải chúng ta là những người cao trọng ở trên xã hội này, nhưng chúng ta cao trọng trước mặt Chúa, và được Chúa yêu thương, vì chúng ta mang hình ảnh của Chúa, được dòng huyết của Chúa rửa sạch. Chúng ta cao trọng vì có Chúa trong lòng, và có một ngày chúng ta sẽ thừa tự một món quà rất lớn từ Thiên Chúa. Thành ra mỗi người chúng ta là hoàng tử, là công chúa trước mặt Chúa, và chúng ta phải kính trọng những người hầu việc chung với chúng ta đó.
Chúng ta cám ơn Chúa là mình không đi một mình trên con đường sự sống. Chúng ta có những người bạn đồng hành bên cạnh. Ít người thôi, không nhiều người so với những tổ chức bên ngoài; nhưng đây là những bậc cao trọng dưới con mắt của Chúa, và chúng ta phải yêu kính những người đi bên cạnh, ngồi bên cạnh chúng ta trong Hội Thánh.
4. Chỉ thờ phượng Chúa
Hồi nãy giờ tôi nói đến con đường của Chúa, con đường mà trong đó chúng ta núp dưới chân Chúa, phục vụ Chúa một cách khiêm nhường, và nâng đỡ những người đi bên cạnh. Nhưng có một điểm khác rất quan trọng mà chúng ta phải để ý. Câu 4, “Sự buồn rầu của những kẻ dâng của lễ cho thần khác sẽ thêm nhiều lên: Tôi sẽ không dâng lễ quán bằng huyết của chúng nó, cũng không xưng tên chúng nó trên môi tôi.” Trên con đường sự sống, chúng ta thờ phượng Chúa và chỉ một mình Chúa mà thôi.
Nhiều khi chúng ta nói mình đi trên con đường của Chúa, nhưng thật ra mình đi trên con đường của Chúa và các chúa khác nữa (những chúa với c viết thường). Chúng ta một đàng đi trên con đường của Chúa, nhưng cũng đi trên con đường của tiền bạc, của danh vọng. Chúng ta nói rằng mình hầu việc Chúa, nhưng đôi khi mình hầu việc mình. Chúa Giê-xu nói là một người không thể làm tôi hai chủ, nhưng đôi khi mình làm tôi nhiều chủ.
Khi gặp khó khăn, thay vì chỉ đến núp dưới bóng Chúa Giê-xu mà thôi, chúng ta tìm đến chùa nữa; vừa cầu nguyện đến Chúa Giê-xu, vừa cầu nguyện đến ông Phật thì chắc ăn hơn. Nhưng Chúa muốn chúng ta đi trên con đường của Chúa, và chỉ con đường của Chúa mà thôi.
II. Con Đường Khoái Lạc
Đa-vít nói trong câu 11, “Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc.” Bây giờ cho tôi nói tại sao con đường của Chúa đưa chúng ta đến sự phước hạnh. Tại sao nhắm đến Chúa mà đi, phục vụ Chúa cùng với những tín hữu chung quanh, và chỉ thờ phượng Chúa mà thôi lại đưa đến hạnh phúc mà mình hằng tìm kiếm. Chúa Giê-xu hứa là theo Ngài, đời sống chúng ta sẽ là đời sống sung mãn, trọn vẹn tràn đầy.
Sự tiêu khiển, khoái lạc ở ngoài đời không trọn lành, liên tục như sự khoái lạc của Đức Chúa Trời. Có một bà rất giàu kể lại câu chuyện như thế này: Hôm nọ chồng bà tặng bà một hạt kim cương rất lớn, và bà thích nó lắm. Sau đó bà đi chỗ này chỗ kia để kiếm sợi dây chuyền để đeo hạt kim cương đó. Nhưng không bao giờ bà kiếm được sợi dây chuyền thích hợp. Hôm nọ bà bước vào Disneyland, và bà thấy các em nhỏ nó cũng giống như bà vậy. Thấy trò vui này, các em đòi cha mẹ cho chơi. Chơi xong rồi, các em lại đòi chơi trò vui khác. Chúng cứ nhảy từ trò vui này tới trò vui kia. Đến một lúc nào đó, cha mẹ nói “Thôi đủ rồi con,” thì chúng lại giận, khóc, phàn nàn, như thể là những trò vui mà chúng đã chơi hơn mấy tiếng đồng hồ vừa rồi không đáng kể.
Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng. Đây là phước hạnh không bao giờ chấm dứt, nó cứ tiếp tục tuôn tràn trong đời sống chúng ta, không tùy thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài. Sự khoái lạc mà người đời cho chúng ta không như vậy. Vâng, cầm chai rượu uống mình cũng cảm thấy quên đời, tiêu sầu. Nhưng mình chỉ khuây khỏa trong chốc lát. Nó chỉ giúp mình quên tạm thời qua đêm, nhưng khi thức dậy sáng hôm sau, cơn sầu của mình nhiều khi càng lớn hơn nữa. Đằng sau sự tiêu sầu đó là một mối sầu lớn mà không thể nào khuây khỏa được.
1. Thỏa lòng
Câu 5-6, “Đức Giê-hô-va là phần cơ nghiệp và là cái chén của tôi: Ngài gìn giữ phần sản tôi. Tôi may được phần cơ nghiệp ở trong nơi tốt lành; Phải, tôi có được cơ nghiệp đẹp đẽ.” Đọc chữ “phần cơ nghiệp,” chúng ta nghĩ đến điều Đức Chúa Giê-xu sẽ ban cho chúng ta khi chúng ta gặp Ngài. Nhưng trong bối cảnh này, nó không có ý nghĩa đó. Chữ “cơ nghiệp” đây, giống như chữ số phận, nói đến việc Chúa đã an bài mọi việc cho mỗi người. Khi các chi phái Do Thái bước vào trong đất hứa, họ được chia đất. Chúa muốn chia cho chi phái này đất này, chi phái kia đất kia; Chúa muốn chi phái Lê-vi không có đất; và đó là cơ nghiệp của họ.
Trên con đường sự sống, biết Chúa quá yêu thương chúng ta, gìn giữ chúng ta, ban cho chúng ta quá nhiều, chúng ta có sự thỏa lòng. Và khi có sự thỏa lòng rồi, thì sự vui mừng của chúng ta không còn tùy thuộc vào ngoại cảnh. Việc mình lên voi xuống chó không còn quan trọng nữa, vì mình không còn tùy thuộc vào những gì mình có nữa. Bất cứ những gì mình có, mình cám ơn Chúa, và nhờ đó mình có được sự vui mừng.
Khi chúng ta chỉ nhìn Chúa, không nhìn những gì khác, thì chúng ta có sự thỏa lòng. Chúng ta cám ơn Chúa vì tất cả những cơ nghiệp, những cái chén mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ở bên Mỹ này, chúng ta đặc biệt cám ơn Chúa về điều này, vì chúng ta không cần phải lo ngày mai mình có thức ăn hay không. Mình chỉ lo phải chọn món gì, món nào ngon, và món nào không ngon. Đi trong con đường của Chúa, mình sẽ thấy mình may mắn hơn những người không có Chúa nhiều lắm. Chúng ta chỉ có được sự thỏa lòng đó nếu chúng ta chỉ nhìn Chúa mà thôi. Nhìn người khác, mình sẽ so sánh với họ, và sẽ không có được sự thỏa lòng.
2. Vững lòng
Thứ nhất mình có được sự thỏa lòng, thứ hai mình có được sự vững lòng. Trên con đường của Chúa, khi gặp sóng gió khó khăn, mình nương náu nơi Chúa. Và khi tìm sự bảo vệ của Chúa, mình sẽ vững lòng, vì biết Đức Chúa Trời quyền năng. Mình có thể nói như Đa-vít, “Tôi hằng để Đức Giê-hô-va đứng ở trước mặt tôi; Tôi chẳng hề bị rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi.” Quý vị để ý, mình đặt Chúa trước mặt, nhưng khi mình gặp khó khăn thì Chúa đến ở bên hữu mình, bên cạnh mình. Chúa đến để nâng đỡ, để dìu dắt mình, và vì thế mình không còn bị nao lòng, rung động nữa. Trong sự sung túc mình thỏa lòng với tất cả những điều mình có; trong sự khó khăn mình cũng không bị rúng động.
3. Hy vọng
Không chỉ ban cho mình phước hạnh ở trên thế gian này, Chúa còn ban cho mình nhiều hơn nữa. Nghĩ rằng tin Chúa chỉ được sự bình an trong đời sống này là quá thiếu sót. Không những Chúa chỉ cho mình bàn tiệc ngày hôm nay, nhưng cũng ban cho mình một bàn tiệc trong tương lai, bàn tiệc của chiên con mà trong đó chúng ta sẽ đến dự cùng với Đức Chúa Trời. Đa-vít cũng nói đến niềm hy vọng của người tin Chúa trong tương lai. Câu 9-10, “Bởi cớ ấy lòng tôi vui vẻ, linh hồn tôi nức mừng rỡ; Xác tôi cũng sẽ nghỉ yên ổn; vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ, cũng không để người thánh Chúa thấy sự hư nát.”
Mình có một sự an tâm là Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi mình trong sự hư nát. Người ta nói một trong những điều con người sợ nhất là bị bỏ rơi. Một đứa con nít mới sanh thấy cha mẹ bỏ đi thường hay khóc. Một hình ảnh trong đầu óc tôi mà tôi không thể quên được là khi con tôi là Tim con nhỏ, tôi dắt Tim đi mua đồ. Chỉ trong một phút thôi, tôi không thấy Tim, và đi tìm nó. Gặp lại Tim, tôi thấy rõ ràng trên mặt của Tim một sự sợ hãi - sợ bị bỏ rơi. Mỗi người chúng ta đều có sự sợ hãi đó. Sợ một ngày nào đó, khi chết đi, linh hồn của mình không biết đi về đâu, bị bỏ rơi, vất vơ vất vưởng. Bởi vậy bên người theo Phật giáo cần con cháu cúng tế, để chứng tỏ rằng con cháu không bỏ bê họ. Nhưng khi chúng ta biết Chúa không bỏ rơi chúng ta, chúng ta không cần con cháu cúng tế. Đa-vít nói một cách rõ ràng, “Xác tôi cũng sẽ nghỉ yên ổn; vì Chúa sẽ chẳng bỏ linh hồn tôi trong âm phủ.”
Đi trên thế gian này, mình có một mục đích, đó là Chúa Giê-xu. Và phần thưởng của chuyến đi của mình cũng chính là Chúa Giê-xu. Mình sẽ có phần thưởng đó khi mình tin vào phần thưởng đó. Mình sẽ có được sự tha thứ, sự hy vọng, và sự bình an trọn vẹn khi mình biết chắc là Chúa đã chết cho mình. Và điều này mình chỉ tìm thấy trên con đường của sự sống tức là con đường của Chúa Giê-xu mà thôi, không ở bất cứ con đường nào khác.
Đây là bài học cho chúng ta. Xin đừng chỉ nghe hết bài giảng này qua bài giảng kia rồi về nhà cảm thấy mình thiếu sự bình an. Chúng ta phải áp dụng bài học ngày hôm nay trong đời sống chúng ta: chỉ nhìn Chúa mà đi, tìm sự nương náu trong Chúa, hầu việc Chúa với các tín hữu, và luôn luôn hỏi, “Chúa ơi, Ngài muốn con làm gì, để con làm theo ý Ngài?” Đa-vít nói nếu chúng ta làm những điều đó, chúng ta sẽ có được sự bình an vui mừng trọn vẹn.
Mục sư Đỗ Lê Minh