Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 4 | Hướng Dẫn
Ê-phê-sô 1:11-14
Kính thưa quý vị: Bắt đầu lá thơ Ê-phê-sô, Phao-lồ nói là Chúa đã ban cho chúng ta tất cả mọi phước thiêng liêng. Sau đó ông liệt kê những ơn phước đó: Thứ nhất, Ðức Chúa Trời đã chọn chúng ta từ trước khi sáng thế để làm con nuôi của Ngài; thứ hai, Ngài đã cứu chuộc, và rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta; thứ ba, Ngài ban cho chúng ta sự khôn ngoan thông sáng để biết ý muốn của Ngài là trong ngày cuối cùng, tất cả mọi người và vật sẽ phục dưới chân Chúa Giê-xu Christ. Bây giờ chúng ta học thêm một ơn phước khác mà Phao-lồ nói đến trong thơ Ê-phê-sô 1:11-14,
11 Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên kẻ dự phần kế nghiệp, như đã định trước cho chúng ta được điều đó, theo mạng của Ðấng làm mọi sự hiệp với ý quyết đoán,
12 hầu cho sự vinh hiển của Ngài nhờ chúng ta là kẻ đã trông cậy trong Ðấng Christ trước nhất mà được ngợi khen.
13 Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Ðức Thánh Linh là Ðấng Chúa đã hứa,
14 Ðấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài.
I. Dự phần kế nghiệp và nên phần kế nghiệp
Chúng ta phải để ý đến danh xưng mà Phao-lồ dùng ở đây: Trong câu 11 và 12, Phao-lồ dùng chữ “chúng ta,” nói đến những người Do Thái. Qua câu 13 ông đổi sang chữ “anh em,” nói đến những “người ngoại,” tức là những người không thuộc dân Do-thái, như người Việt Nam chúng ta. Bản dịch Việt Nam dịch câu 11 như có ý là người Do Thái sẽ được phần kế nghiệp. Ðây cũng là lối dịch của nhiều bản tiếng Anh. Bản NASB dịch, “Also we have obtained an inheritance.” Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể dịch câu này theo thể thụ động (passive) hơn là chủ động (active) như sau, “Ấy cũng là trong Ngài mà chúng ta đã nên phần kế nghiệp,” có nghĩa là trong ngày cuối cùng Chúa Giê-xu sẽ nhận những người Do Thái như phần kế nghiệp của Ngài. Bản American Standard Version dịch, “In whom also we were made a heritage.” Bản Amplified Bible dịch theo hai nghĩa, “In Him we also were made [God's] heritage (portion) and we obtained an inheritance.” Tôi xin nhấn mạnh nghĩa thứ hai nhiều hơn trong bài này.
Ðọc câu 13, chúng ta phải để ý một chữ nhỏ trong đó, là chữ “cũng;” “Ấy cũng tại trong Ngài.” Phao-lồ nói một điều rất mới lạ đối với sự suy nghĩ của người Do Thái lúc đó. Họ cho là chỉ có họ mới được cứu mà thôi. Nhưng Phao-lồ nói rằng “anh em,” tức là chúng ta, cũng được cứu, cũng “nên kẻ dự phần kế nghiệp” hay “nên phần kế nghiệp” như vậy. Ðây là điều mà Phao-lồ gọi là sự mầu nhiệm, tức là sự bí mật mà bây giờ đã được bật mí cho chúng ta. Trước thời Chúa Giê-xu, người Do Thái không thể nào tưởng tượng được là người ngoại cũng sẽ được cứu như họ. Ðối với họ, những người ngoại là “đồ bỏ, hết sài, hết thuốc chữa.” Nhưng sứ mạng của Phao-lồ là truyền giảng cho người ngoại, để họ cũng được cứu, cũng trở thành phần kế nghiệp hay dự phần kế nghiệp trong Chúa Giê-xu Christ.
Trong thời Cựu Ước giữa vòng bao nhiêu người, Chúa chỉ chọn người Do Thái mà thôi, nhưng giờ đây Ngài cũng chọn chúng ta, với bao nhiêu tội lỗi nhớp nhơ, để làm phần thưởng, hay cơ nghiệp, cho Chúa Giê-xu trong ngày cuối cùng. Ðây thật là một vinh dự lớn. Người Việt Nam chúng ta lo âu rất nhiều về kiếp sau. Nhiều người sợ rằng sau khi chết đi, linh hồn họ vất vơ vất vưởng, phải lang thang kiếm thức ăn. Ðó là lý do tại sao người Việt Nam cúng cô hồn, tức là cúng những linh hồn đi lang thang. Nhưng chúng ta phải biết là, sau khi chúng ta chết đi, linh hồn người tín đồ Ðấng Christ sẽ không vất vơ vất vưởng, nhưng sẽ được Chúa Giê-xu đón nhận từ Ðức Chúa Trời, như người con đón nhận quà kế tự từ cha mình. Chữ “kế tự” hàm ý rằng chúng ta không phải là điều mà Chúa Giê-xu miễn cưỡng nhận lấy, nhưng Ngài trông chờ và muốn có chúng ta. Và theo Phao-lồ, đây là một phước thiêng liêng mà Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.
Phao-lồ giải thích thêm làm sao những người ngoại như chúng ta có thể trở thành của kế tự cho Ðấng Christ trong câu 13, “Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em.” Ðiều đầu tiên để một người ngoại biết Chúa là họ phải nghe đạo chân thật, là đạo Tin Lành. Chúng ta ai cũng biết rằng một người không thể tin Chúa nếu không nghe đạo Chúa. Là tín đồ, chúng ta phải luôn được nhắc nhở rằng người khác chỉ nghe được đạo nếu có người nói về đạo. Trách nhiệm chung của mỗi chúng ta là đi ra nói về đạo chân thật cho người khác, để họ được cứu. Phao-lồ cũng viết trong Rô-ma 10:14, “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao?” Khi chúng ta nhận lấy vinh dự được dự phần vào cơ nghiệp của Chúa, chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm đem tin lành đến những người xung quanh.
Phao-lồ nói thêm trong câu 13, “Ấy là trong Ngài mà anh em đã tin.” Thứ nhất là nghe và thứ hai là tin. Hai điều này đi đôi với nhau. Nếu nghe tường tận tin lành của Chúa, và hiểu rõ tất cả mọi khúc mắc trong đó mà không tin thì cũng vô ích. Chúng ta không thể chỉ lấy nghe làm đủ, nhưng phải tin, phải chấp nhận điều mình nghe.
II. Ðược ấn chứng bằng Ðức Thánh Linh
Sau khi tin, như Phao-lồ nói, chúng ta sẽ được bao nhiêu ơn phước thiêng liêng Chúa ban, và hôm nay chúng ta học thêm một ơn phước mới, như Phao-lồ viết, “được ấn chứng bằng Ðức Thánh Linh là Ðấng Chúa đã hứa.” Ðược ấn chứng có nghĩa là “được đóng dấu.”
Tôi muốn nói rõ là, khi tin Chúa, chúng ta đã được ấn chứng của Ðức Thánh Linh. Phao-lồ không nói là, sau khi tin Chúa một thời gian, một số người trong anh em sẽ được ấn chứng, và dấu hiệu của ấn chứng là biết nói tiếng lạ khi cầu nguyện, tức là nói thứ tiếng mà mình không hiểu. Xin đừng để ai dạy quý vị rằng khi tin Chúa, chúng ta được sự cứu rỗi, nhưng sau đó chúng ta cần phải cầu nguyện, kiêng ăn thật nhiều, để được phép báp-tem lần thứ hai bằng Ðức Thánh Linh. Những lời dạy dỗ như thế chỉ làm chia rẽ hội thánh, làm những người không nói tiếng lạ bị mặc cảm, cảm thấy như mình không được “thiêng liêng” bằng những người nói tiếng lạ. Xin quý vị nhớ rằng nói tiếng lạ là một ơn tứ, có nghĩa là có người tín đồ có ơn này và có người không.
1. Bảo đảm sự cứu rỗi
Có hai ý nghĩa về ấn chứng ở đây mà chúng ta cần thấy. Ðể hiểu ý nghĩa thứ nhất của sự ấn chứng, chúng ta so sánh với việc một vị vua gởi một văn kiện ra ngoài. Ông cho gói nó lại, rồi niêm lại bằng cách đóng ấn lên trên sáp bên ngoài. Như thế, không ai dám mở văn kiện này để xem, trừ người được vua gởi văn kiện đến. Cũng vậy, sau khi chúng ta tin Chúa, Chúa đã đóng dấu vào tận linh hồn của chúng ta, và chỉ có người Chúa cho phép mở mới được mở, và người đó là Chúa Giê-xu. Ðây cũng hàm ý rằng, nếu Chúa đóng dấu ấn Thánh Linh vào chúng ta, tuyên bố rằng chúng ta thuộc về Ngài, không ai có thể phá dấu ấn đó. Ma quỷ vì thế sẽ không có quyền năng trên chúng ta nữa.
Có một câu chuyện về A-lịch-sơn Ðại đế. Ngày nọ ông gởi một người đại sứ qua xứ Ai Cập. Ông ra đi đơn thân độc mã, không người hộ vệ hay khí giới, nhưng chỉ với con dấu của A-lịch-sơn. Gặp vua Ai Cập trong triều đình của vua, với bao nhiêu lính tráng vũ khí xung quanh, vị đại sứ này nói: “Tôi yêu cầu vua đừng phá chương trình của A-lịch-sơn Ðại đế.” Vị vua nói, “Cho tôi suy nghĩ lại.” Vị đại sứ lấy một cây gậy, vẽ một vòng tròn quanh vua Ai Cập, và nói, “Vua không được bước ra khỏi vòng này cho đến khi trả lời cho tôi biết.” Dầu không có một vũ khí trong tay, vị đại sứ này dám làm điều này, vì ông có con dấu của A-lịch-sơn. Vua Ai cập biết là, khi đến với ấn chứng đó, vị đại sứ này không đến một mình, nhưng đến với cả quyền lực của A-lịch-sơn. Vì thế, mặc dầu có bao nhiêu lính tráng hộ vệ, vua Ai-cập không dám bước ra khỏi vòng tròn, và cuối cùng trả lời, “Vâng, về nói với A-lịch-sơn Ðại đế rằng tôi xin vâng lời.” Cũng vậy, chúng ta có dấu ấn của Ðức Thánh Linh trong lòng, và không ai, kể cả Sa-tan, có thể lôi kéo, ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của Ðức Chúa Trời được.
Như tôi đã nhắc đi nhắc lại trong mấy tuần vừa rồi, xin đừng ai nghi ngờ điều này: Khi Chúa chọn chúng ta, Ngài sẽ gìn giữ, bảo vệ chúng ta, để chúng ta trở thành của kế tự cho Ðức Chúa Giê-xu Christ trong ngày cuối cùng. Không có ai hay điều gì có thể làm Ngài bỏ chúng ta. Chúng ta có thể sa ngã, nhưng Chúa vẫn yêu thương chúng ta, tìm kiếm để đem chúng ta về lại với Ngài.
2. Của cầm về cơ nghiệp
Ðể hiểu ý nghĩa thứ hai của ấn chứng, chúng ta so sánh với việc người ta ấn những thanh sắt nóng đỏ vào da con bò, như một dấu hiệu rằng con bò thuộc về họ. Cũng vậy, sau khi Chúa Giê-xu đã mua chuộc chúng ta bằng dòng huyết của Ngài, Ðức Thánh Linh sẽ ngự vào linh hồn chúng ta như một dấu ấn, chứng tỏ rằng giờ đây linh hồn chúng ta sẽ không còn vất vơ vất vưởng, nhưng đã thuộc về Ðức Chúa Trời, và sẽ trở thành của kế tự cho Chúa Giê-xu Christ.
Phao-lồ viết thêm, “14Ðấng ấy là của cầm về cơ nghiệp chúng ta.” Chúng ta có thể dịch một cách đơn sơ rằng “Ðấng ấy là tiền đặt cọc.” Sau khi đi xem một căn nhà và muốn mua, chúng ta có thể ký một ngân phiếu để đặt cọc. Nếu chúng ta có lý do chính đáng để rút lui, người bán có thể hoàn số tiền đặt cọc này lại cho chúng ta, nhưng nếu vô cớ rút lui, chúng ta sẽ mất nó. Chúa đã cứu chuộc chúng ta, tức là đã mua chúng ta về, để chúng ta trở thành cơ nghiệp của Ngài trong ngày cuối cùng. Nhưng giờ đây, Ngài đặt tiền cọc bằng cách cho Ðức Thánh Linh ngự trong lòng chúng ta. Nhiều người mua nhà tìm cách này hay cách kia để cuối cùng khỏi mua, nhưng chúng ta biết chắc là khi Chúa đặt tiền cọc, Ngài sẽ mua chúng ta, đem chúng ta về với Ngài, không đổi ý để linh hồn chúng ta thành vất vơ vất vưởng.
Chúng ta cũng có thể hiểu chữ “của cầm” theo một nghĩa khác, tức là chiếc nhẫn đính hôn. Chúa gởi cho chúng ta chiếc nhẫn kim cương, tức là dòng huyết của Ngài, và nói rằng, “Ðây là chiếc nhẫn Ta trao cho ngươi, như một lời hứa rằng Ta sẽ cưới ngươi làm vợ.” Khi một cô gái nhận được chiếc nhẫn đính hôn từ một chàng trai, cô biết là sẽ có một ngày trong tương lai chàng trai sẽ cưới cô làm vợ. Cũng vậy, vì ngày hôm nay chúng ta có Ðức Thánh Linh trong lòng như một của cầm, như một chiếc nhẫn đính hôn, chúng ta trông chờ một ngày trong tương lai khi được chàng rể Giê-xu Christ rước về.
Xin hãy nghĩ đến những ơn phước Chúa ban cho chúng ta trên đời sống này, như sự bình an, thỏa lòng. Xin hãy nghĩ đến những lúc chúng ta tương giao mật thiết với Ðức Chúa Trời trong giây phút cầu nguyện. Những điều đó chỉ là những điều Chúa cho chúng ta “nếm thử” mà thôi, chỉ là “của cầm” mà Chúa “đặt cọc” trong chúng ta mà thôi. Ngày chúng ta gặp Chúa, thật sự trở thành của kế tự của Ngài, được Chúa Giê-xu thật sự nhận làm vợ, chúng ta sẽ kinh nghiệm được ơn phước triệu triệu lần lớn hơn điều chúng ta nhận được ngày hôm nay.
III. Chúng ta làm gì?
Thế thì phản ứng của chúng ta là như thế nào? Có hai điều tôi xin chia sẻ với quý vị. Thứ nhất là bây giờ đã được ấn chứng, chúng ta trở thành đại sứ của Ðức Chúa Trời, và phải sống một đời sống thích hợp với vinh dự làm đại sứ đó. Ơn phước hay quyền lợi luôn luôn đi đôi với trách nhiệm, và vì thế chúng ta không thể ỷ lại vào sự cứu chuộc của Chúa, nhưng phải sống xứng đáng với ấn chứng mà Chúa đã đóng trong linh hồn chúng ta.
Thứ hai, chúng ta phải nhớ rằng Chúa đã đặt tiền cọc cho chúng ta. Nếu tôi bán nhà, và có người đến đặt tiền cọc mua, tôi không đem số tiền cọc đó treo lên tường. Cũng vậy, bất cứ ai tin Chúa Giê-xu cũng có Ðức Thánh Linh trong lòng, như một ấn chứng, một của cầm. Chúng ta không thể chỉ dùng Ngài như một vật trang hoàng, bỏ quên và đẩy Ngài vào góc kẹt trong đời sống chúng ta. Làm như thế là làm buồn Ðức Thánh Linh, như Phao-lồ viết trong Ê-phê-sô 4:30, “Anh em chớ làm buồn Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc.” Chúng ta phải tận dụng những ơn tứ Chúa ban để phục vụ hội thánh và để nói với người khác về đạo chân thật, là đạo Tin Lành, để họ cũng có thể trở thành phần kế nghiệp, hay dự phần kế nghiệp, trong Chúa Giê-xu Christ.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh