Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 4 | Hướng Dẫn

Bài 5

ĐẤNG CHĂN GIỮ TÔI

THI-THIÊN 23

(BÀI GIẢNG NHÂN DỊP LỄ TẠ ƠN 2005)

 

Kính thưa quý vị, hôm nay đặc biệt là không hẹn với nhau nhưng tôi nghe rất nhiều người nhắc đến Thi Thiên 23. Thi Thiên 23 là một bài Thi Thiên mà chúng ta nhớ khi có dịp tạ ơn Chúa. Và hôm nay tôi xin cùng học với quý vị Thi Thiên 23 để chúng ta lại càng biết ơn Chúa nhiều hơn.

1. Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi:

tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.

2. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi,

Dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.

3. Ngài bổ lại linh hồn tôi,

Dẫn tôi vào các lối công bình,

vì cớ danh Ngài.

4. Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết,

Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào;

vì Chúa ở cùng tôi;

Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.

5. Chúa dọn bàn cho tôi

Trước mặt kẻ thù nghịch tôi;

Chúa xức dầu cho đầu tôi,

Chén tôi đầy tràn.

6. Quả thật, trọn đời tôi Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi;

Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài.

Ai cũng nghĩ Đa-vít là tác giả của Thi Thiên 23. Và nếu ông thật sự là tác giả thì điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vì trước khi làm vua ông đã từng làm người chăn chiên. Trong lúc chăn chiên, ông có dịp suy nghĩ về vai trò của người chăn, và có thể ví von Đức Chúa Trời như một người chăn. Hôm nay trong dịp tạ ơn, chúng ta học lại Thi Thiên 23, để cám ơn Chúa về những ơn phước mà Ngài đã làm cho chúng ta.

I. Chúa thỏa mãn

1. Nhu cầu thuộc thể

Đức Chúa Trời ban cho chúng ta rất nhiều điều, và điều trước nhất mà Ngài thỏa mãn chúng ta là những nhu cầu thuộc thể của chúng ta. Là người chăn, Đa-vít biết đàn chiên chỉ cần có hai điều mà thôi, đó là cỏ và nước. Nếu được hai điều đó, chiên sẽ thỏa mãn. “1. Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. 2. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.” Cỏ xanh tươi và nước bình tịnh. Sở dĩ ông nói đến “nước bình tịnh” vì chiên rất sợ dòng nước chảy mạnh. Nếu bị té xuống một dòng nước chảy mạnh, thì với bộ lông nặng nề của nó, chiên phải chết thôi. Người chăn mà thương chiên phải làm một cái đập để có một dòng nước bình tịnh cho chiên uống.

Chiên có một điều hơn chúng ta là nó biết điều nó cần, tức là nước và cỏ, và khi có điều nó cần là nó thỏa mãn. Con người mong muốn có sự thỏa mãn trong tâm hồn, nhưng thế gian này luôn muốn làm chúng ta không thỏa mãn, bằng cách dùng những phương tiện như quảng cáo trên ti-vi để làm chúng ta ước muốn những điều mình không có. Vì vậy chúng ta phải biết phân biệt giữa nhu cầu với những điều chúng ta ham muốn, giữa điều chúng ta có với điều chúng ta ham có. Chúng ta chỉ có sự thỏa mãn khi chúng ta thích những điều mình đang có, hơn là những điều mình chưa có. Khi Đa-vít nói, “Tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì,” ông nói đến sự không thiếu thốn những nhu cầu cần thiết trong đời sống, chứ không phải sự không thiếu những điều ông thèm khát. Là người tín đồ, nhìn Đức Chúa Trời như người chăn, chúng ta phải có thái độ cám ơn Chúa, thỏa mãn với những gì Chúa ban cho chúng ta. Tôi vẫn thường nói là người tín đồ chúng ta trên nước Mỹ này cần phải cám ơn Chúa nhiều hơn ai hết, vì ở đây chúng ta quá sung túc.

”Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi.” Chiên chỉ có thể an nghỉ được nếu nó no lòng, và con người chúng ta chỉ có thể có được sự an nghỉ nếu có được sự thỏa mãn. Nếu chúng ta biết Thượng đế cung cấp tất cả những nhu cầu trong đời sống chúng ta, và thỏa mãn với những gì mình có, thì chúng ta mới có được sự an nghỉ đó.

2. Nhu cầu thuộc linh

Điều thứ nhất chúng ta cám ơn Chúa là Ngài thỏa mãn những nhu cầu thuộc thể của chúng ta. Nhưng quan trọng hơn là Chúa cũng thỏa mãn nhu cầu thuộc linh của chúng ta nữa. Chúa để ý đến linh hồn của chúng ta, và muốn cứu linh hồn của chúng ta, làm cho linh hồn của chúng ta cũng được thỏa mãn. Câu 3, “Ngài bổ lại linh hồn tôi, dẫn tôi vào các lối công bình, vì cớ danh Ngài.” Chữ bổ này có lẽ không được rõ nghĩa. Tiếng Anh là to restore, hoàn phục lại. Đôi khi chiên bị té vào một cái thế mà tôi chỉ có thể gọi là thế “trồng cây chuối,” với bốn chân chổng lên trời. Trong thế này, với bộ lông nặng nề, nó không làm gì được, chịu thua, và chỉ nằm chờ muôn sói đến ăn. Thấy chiên như vậy, người chăn đến lật nó lại, để nó trở lại tư thế bình thường. Đó là ý nghĩa của chữ bổ lại, hoàn phục lại. Chúng ta sanh ra trong đời sống mà mọi giá trị đều bi đảo ngược: cái gì quan trọng nằm phía dưới, cái gì không quan trọng lại được đặt bên trên. Trong đời sống đó, chúng ta nằm chịu trận để ma quỷ tới làm thịt. Nhưng Đức Chúa Trời không để chúng ta như vậy. Là người chăn chiên, Ngài đến lật chúng ta lại một thế đứng vững vàng. Ngài bổ lại linh hồn tôi bằng cách chết trên cây thập tự giá, để ngày nay chỉ cần tin vào Ngài tôi được tái sanh, thành một người mới.

Không những Chúa cứu chúng ta, Ngài cũng không để chúng ta bơ vơ một mình. Ngài dẫn tôi vào các lối công bình. Chúng ta đã học trong Thi Thiên 16 rằng có con đường xem ra có vẻ tốt lành nhưng chỉ đưa đến sự chết, và có con đường của Chúa. Chúa chỉ cho chúng ta thấy con đường nào là con đường đẹp lòng Chúa mà chúng ta phải theo, và con đường nào không làm đẹp lòng Ngài. Như người chăn chiên, Ngài không ép tôi đi, không lấy dây kéo tôi, nhưng Ngài dẫn tôi, chỉ cho tôi con đường sống của Ngài.

3. Nhu cầu tình cảm

Sau khi chúng ta tin Chúa rồi, Đức Chúa Trời cũng không để chúng ta sống trên đời này giống như bao nhiều người khác. Để ý rằng, bắt đầu từ câu 4 tác giả không còn nói về Đức Chúa Trời như ngôi thứ ba nữa, nhưng ông nói chuyện thẳng với Đức Chúa Trời như thế này, “4. Dầu khi con đi trong trũng bóng chết, con sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng con.” Ông muốn nói là bây giờ trong đời sống của ông, ông có Chúa ở cùng. Tôi cảm thấy ngạc nhiên thích thú là trong những bài giảng của tôi trong mấy tháng vừa qua, từ sách Công Vụ qua những Thi Thiên, tôi cứ luôn nghe một sứ điệp là “Chúa ở cùng, Cha ở cùng.” Không để chúng ta bơ vơ, Ngài luôn ở cùng với chúng ta trong mọi bước đường của chúng ta.

“Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi con.” Cây trượng khác với cây gậy. Cây trượng là cây người mục đồng dùng để chống lại những con thú hoang khác; cây gậy mỏng manh hơn, có cái đầu cong cong. (Quý vị thấy ông Giáo Hoàng thường cầm cái cây có đầu cong đó.) Cây trượng là để đối nghịch với kẻ thù, nhưng cây gậy để kéo con chiên lại, lừa nó đi chỗ này chỗ kia. Chúa dùng cây trượng để đối nghịch với những kẻ chống chúng ta, dùng cây gậy để hướng dẫn, dìu dắt, nâng đỡ chúng ta.

Khi nãy chúng ta nghe lời làm chứng của nhiều người, và thấy rằng người tín đồ đối diện với những khó khăn trong đời sống mình khác người khác. Ngay cả khi họ đối diện với cái chết cũng vậy. “Dầu khi con đi trong trũng bóng chết, con cũng chẳng sợ tai họa nào, vì Chúa ở cùng con.” Đúng hơn chúng ta phải dịch là “đi qua trũng bóng chết,” chứ không phải “đi trong trũng bóng chết.” Bóng chết chỉ là cái gì tạm thời mà thôi. Chúng ta chỉ đi ngang qua đó mà thôi.

Có một chữ hay nữa mà chúng ta cần phải để ý là chữ bóng chết. Chúng ta thực sự không là nạn nhân của cái chết. Cái chết không có quyền trên người tín đồ chúng ta nữa; bây giờ nó chỉ còn là cái bóng. Cái bóng của con thú không có làm gì được trên chúng ta hết, chỉ dọa để chúng ta sợ mà thôi. Mỗi người chúng ta đều phải đi qua cái bóng của sự chết, nhưng chúng ta không sợ nữa, vì biết rằng cuối cùng chúng ta sẽ chiến thắng được sự chết.

Đời sống tình cảm của chúng ta không còn là đời sống đau buồn nữa, nhưng là đời sống chiến thắng, không có lo lắng, ngay cả khi chúng ta đối diện với sự chết. Tại vì sao chúng ta không lo lắng? Tại vì Chúa ở cùng chúng ta. Ngay cả trong khi đi qua trũng bóng chết, Chúa ở cùng. Chúa không để chúng ta phải đối diện với cái chết một mình. Và khi mình biết Chúa ở cùng, chúng ta đối diện với cái chết cách khác.

Tuần vừa rồi, tôi có nhận được tin một người thân trong gia đình của tôi bị bệnh ung thư lần thứ hai, và có vẻ không chữa được. Là người không tin Chúa, ông ta đối diện với cái chết khác với chúng ta là những người đã tin Chúa. Vào 4 giờ sáng thứ tư, tôi thức dậy viết một bài hát tặng người thân này, để chia xẻ tin lành với ông, hy vọng ông sẽ tin Chúa và có được sự bình an khi đối diện với cái chết...

Tôi mới được cho biết là Anh lâm cơn trọng bệnh.

Tôi kinh hoàng khi thấy rằng Anh đang khá nguy vong.

Tôi không là bác sĩ cho Anh phương cơ trị liệu.

Tôi không hề được biết nơi đâu có thuốc trường sinh.

Tôi chỉ là một tín đồ trong Đức Chúa Giê-xu.

Xin dâng hồn, thân xác của Anh vào bàn tay Chúa.

Tôi van nài Thiên Chúa quyền năng xoa hết cơn đau.

Tôi xin Ngài thương xót cho Anh mau sớm phục hồi.

Tôi chỉ là một tín đồ trong Đức Chúa Giê-xu.

Xin lau dòng nước mắt của Anh bằng tình yêu Chúa.

Tôi van nài Thiên Chúa bình an an ủi tâm Anh,

cho tâm thần Anh thấy yên ninh trong cánh tay Ngài.

Xin chúng ta đừng đòi hỏi Chúa cất chúng ta ra khỏi những sự đau đớn, khỏi sự bệnh hoạn, ngay cả cái chết. Điều quan trọng là chúng ta biết rằng, giữa những cái chết, đau đớn, bệnh hoạn đó, Chúa ở cùng chúng ta, như người chăn chiên không bỏ đàn chiên. Và đây là điều an ủi nâng đỡ chúng ta.

Câu thứ 5, “Chúa dọn bàn cho con, trước mặt kẻ thù con.” Có thể đây là hình ảnh của người chủ nhà tiếp khách, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đây là hình ảnh của người chăn chiên lo cho chiên mình. Mình cũng có những kẻ thù, những người không thích mình, nhưng người có Chúa có sự bình an ngồi ăn trước mặt kẻ thù, không sợ.

“Chúa xức dầu cho đầu tôi, chén tôi đầy tràn,” như người chăn chiên xức dầu cho đầu con chiên, để trừ những con bọ chét, hay để xoa dịu những vết thương.

Khi người tín đồ nhìn lại bao nhiêu ơn phước Chúa đã ban cho mình rồi thì chỉ có thể nói một điều với Chúa, đó là “Trọn đời con phước hạnh và sự thương xót sẽ theo con.” Xin để ý chữ theo. Mình không cần phải chạy đuổi theo phước hạnh và sự thương xót nữa, nhưng tự nhiên chúng chạy theo mình. Không cần tìm kiếm, tự nhiên đời mình có đầy ơn phước khi mình có Chúa, có một người chăn cho đời sống mình.

4. Nhu cầu đời đời

Tôi vẫn thường nói là nếu chúng ta tin Chúa chỉ để có sự bình an hay sự thỏa lòng trên đời sống này thì đây là điều thiếu sót vô cùng. Tin Chúa, chúng ta sẽ có một sự sống đời đời về sau.

Vài người tín đồ nghĩ là nếu tin Chúa thì mình sẽ sống dài dài, còn những người không tin Chúa thì sẽ chết mất. Thưa, không đúng như vậy. Mỗi người chúng ta đều sống dài dài sau cái chết của thể xác. Sự tồn tại của linh hồn không tùy thuộc vào thể xác này. Chúng ta chết đi chỉ giống như chúng ta dời nhà. Nhưng dời đi đâu? Địa chỉ mới của chúng ta ở đâu? Điều quan trọng chúng ta phải biết là, sau cái chết, người tín đồ có địa chỉ khác, và người không tin Chúa có địa chỉ khác. Trong Giăng đoạn 14, câu 2-3, Chúa Giê-xu hứa như thế này, “Trong nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở, và chẳng vậy Ta đã nói với các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi Ta đã đi và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, Ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với Ta, hầu Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó.” Chúa Giê-xu đã dọn sẵn cho chúng ta một chỗ ở để chúng ta về đó sau cái chết của thể xác. Chúng ta có thể nói với Chúa rằng, “Con sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va cho đến lâu dài.”

II. Điều kiện

Quý vị thấy, Chúa ban chúng ta quá nhiều ơn phước. Không phải chúng ta giàu sang hơn sau khi tin Chúa, nhưng chúng ta biết thỏa mãn với những điều mình có. Chúng ta có sự bình an, ngay cả giữa sự đau đớn, hay bóng chết, vì chúng ta biết là đằng sau cái chết đó có một chỗ ở mà Đức Chúa Trời đã dọn sẵn cho chúng ta.

Điều kiện quan trọng là chúng ta phải nói câu thứ nhất của Thi Thiên 23 này trước khi nói những câu khác. Nếu quý vị cảm thấy đời sống mình chưa có sự bình an, thỏa mãn, quý vị chưa sẵn sàng đối diện với các chết, xin quý vị nhìn lại câu thứ nhất để coi mình có thể nói câu này hay không. Câu thứ nhất của Thi Thiên 23 viết như thế này, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.”

Ai là Đấng chăn giữ tôi? Đức Giê-hô-va. Chữ Giê-hô-va có một ý nghĩa rất lớn. Người Do Thái rất kính sợ tên riêng này của Đức Chúa Trời. Thiệt ra, họ không dám viết nguyên chữ Giê-hô-va trong Kinh Thánh, và họ phải đi tắm trước khi viết một phần của chữ đó. Vậy mà Đa-vít nói, Đức Giê-hô-va (một Đấng cao trọng nhất như vậy!) là người chăn tôi. Đức Giê-hô-va, chứ không phải ai hết, là Đấng chăn giữ tôi. Chúng ta có thể nói Đức Chúa Trời là đấng chăn giữ mình hay không? Hay là mình chỉ có thể nói cái nhà này chăn giữ tôi, công ăn việc làm này chăn giữ tôi, ông chủ này chăn tôi và tôi làm mọi cho ông.

Tôi có sẵn sàng đặt mình vào dưới quyền của Đức Giê-hô-va hay không? Hay là tôi không thuộc về đàn chiên của Ngài, chỉ đứng ở bên ngoài dòm? Trước khi có được bình an trong cuộc sống này, trước khi thấy ý nghĩa cho đời sống này, trước khi có thể nhìn cái chết một cách ngạo nghễ, mình phải nói Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ chính cá nhân của tôi, không ai khác.

Là Đấng chăn giữ tôi, trong hiện tại chứ không phải trong quá khứ. Tôi không thể nói trước kia có lần tôi nói Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi là đủ rồi. Là Đấng chăn giữ tôi trong hiện tại, chứ cũng không phải là trong tương lai. Nếu quý vị chưa nói được câu Đức Giê-hô-va hiện nay là Đấng chăn giữ tôi, thì quý vị vẫn chưa có sự bình an, và ý nghĩa trong đời sống này.

Nếu trong phòng này có người nào chưa có lần nào thực sự xin Đức Chúa Trời làm Đấng chăn giữ mình, đây là lúc quý vị có thể nói lên điều này. Nếu quý vị đến đây với tinh thần cảm tạ cám ơn Chúa, đây là việc làm cảm tạ lớn nhất mà quý vị có thể làm được, và hành động này sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống còn lại của quý vị trên thế gian này, cũng như sau khi quý vị lìa đời. Điều quý vị cần phải làm là nói Đức Giê-hô-va rằng, “Con muốn xin Chúa Giê-xu làm Đấng chăn giữ chính cá nhân con, và con muốn bước vào chung với đàn chiên của Chúa ngay lúc này.” Nếu quý vị muốn thấy cuộc sống mình thực sự thay đổi, có sự bình an, thỏa mãn, nếu quý vị muốn thấy mình có thể đối diện với cái chết một cách nhẹ nhàng, coi cái chết chỉ là cái bóng đi qua đời mình mà thôi, tôi mời quý vị đưa tay lên như một cách để nói với Chúa là "Giờ đây con muốn làm một con chiên trong đàn chiên của Ngài."

Mục sư Đỗ Lê Minh