Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 5 | Hướng Dẫn
Ê-phê-sô 1:15-23
Kính thưa quý vị: Có bao giờ quý vị thấy là, mặc dầu là tín đồ, mình cảm thấy như đời sống mình không khác người thường, và sự tin kính của mình nghèo nàn, yếu đuối? Khi mới tin Chúa, chúng ta rất hăng say và nóng sốt, nhưng nguội lạnh dần dần. Mấy tuần trước chúng ta học thơ Ê-phê-sô đoạn 1, nói rằng Ðức Chúa Trời “đã xuống phước cho chúng ta trong Ðấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.” Phao-lồ sau đó liệt kê những ơn phước đó: Thứ nhất, Ngài đã chọn chúng ta để làm con nuôi của Ngài; thứ hai, Ngài đã cứu chuộc và tha thứ tội lỗi chúng ta; thứ ba, Ngài ban cho chúng ta sự khôn sáng để biết được chương trình của Ngài, ấy là trong ngày cuối cùng muôn vật hội hiệp lại trong Ðấng Christ; và thứ tư, chúng ta đã được Chúa ấn chứng, để thành cơ nghiệp của Ngài và nhận cơ nghiệp từ Ngài. Nếu có những ơn phước đó, tại sao chúng ta vẫn còn cảm thấy như có điều gì sai trật trong chúng ta, vì không thấy chúng trong đời sống hàng ngày?
Phao-lồ hiểu vấn đề này. Và vì thế ông cho chúng ta biết là Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi ơn phước thiêng liêng. Một đằng Chúa ban ơn phước cho chúng ta, nhưng đằng khác chúng ta cũng phải biết mình có chúng. Có một nhà tỷ phú tên là William Randolph Hearst. (Ông có một lâu đài ở giữa Los Angeles và San Fransisco mà nhiều người chúng ta đã có dịp thăm viếng.) Ông thích sưu tầm tranh vẽ của các họa sĩ danh tiếng. Hôm nọ, nghe về một bức tranh nổi tiếng, ông sai người đi kiếm mua. Sau một thời gian, người đó cho ông biết là đã kiếm được rồi, và bức tranh đó đang nằm trong kho của ông từ lâu mà ông không nhớ. Ðó cũng là tình trạng của chúng ta: Chúng ta có bao nhiêu ơn phước thiêng liêng Chúa ban cho, nhưng không biết, hay không nhớ đến, nên không dùng.
Như tôi thưa với quý vị trước kia, trong nguyên bản, Ê-phê-sô 1:1-14 là nguyên cả một câu văn dài, liệt kê bao nhiêu ơn phước thiêng liêng Chúa ban cho chúng ta. Hôm nay chúng ta học đoạn kế tiếp, từ câu 15 đến câu 23, cũng là nguyên cả một câu văn dài, trong đó ghi lại lời cầu nguyện của Phao-lồ cho người Ê-phê-sô:
15 Vậy nên, sau khi tôi có nghe đức tin anh em hướng về Ðức Chúa Giê-xu và tình yêu thương đối với các thánh đồ,
16 thì tôi vì anh em cảm tạ không thôi, thường nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện.
17 Tôi cầu Ðức Chúa Trời của Ðức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài,
18 lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao,
19 và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình,
20 mà Ngài đã tỏ ra trong Ðấng Christ, khi khiến Ðấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời,
21 cao hơn hết mọi quyền, mọi phép, mọi thế lực, mọi quân chủ cùng mọi danh vang ra, không những trong đời nầy, mà cũng trong đời hầu đến nữa.
22 Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Ðấng Christ, và ban cho Ðấng Christ làm đầu Hội thánh,
23 Hội thánh là thân thể của Ðấng Christ, tức là sự đầy đủ của Ðấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài.
Trước khi học lời cầu nguyện trên của Phao-lồ, xin chúng ta để ý rằng, thông thường, khi cầu nguyện, chúng ta bắt đầu ngay bằng những khó khăn của mình hay của người khác. Nhưng Phao-lồ đếm các ơn phước Chúa ban và cám ơn Ngài trước. Rồi trong lời cầu nguyện cho người Ê-phê-sô, ông cũng ghi nhận những ưu điểm của họ trước. Phao-lồ viết bức thơ này khi ông đang ngồi trong tù, và cũng đã khoảng chừng bốn hay năm năm sau khi ông gặp người Ê-phê-sô. Nhưng khi nghe về đức tin của họ hướng về Ðức Chúa Giê-xu Christ, không phải về ông, hay A-pô-lô, hay hội thánh, hay một tổ chức tôn giáo, ông cám ơn Chúa. Không những như vậy, Phao-lồ còn cám ơn Chúa về tình yêu thương đối với các thánh đồ của họ. Chữ “tình yêu thương” này là chữ agape, nói đến thứ tình-yêu-mặc-dầu, dành cho tất cả mọi tín đồ, chứ không chỉ cho một vài người đáng yêu trong hội thánh. Niềm tin và tình yêu thương phải đi đôi với nhau. Niềm tin phải được thể hiện qua tình yêu thương. Nói rằng mình có niềm tin mà không có tình yêu thương, lời nói đó là vô nghĩa và vô ích.
Có một người cầu nguyện xin Chúa cho ông biết sự khác nhau giữa thiên đàng và địa ngục. Chúa đưa ông xuống địa ngục, cho ông thấy mọi người ai cũng ốm yếu vì đói. Nhưng có điều lạ lùng là, giữa cảnh đói kém đó có một cái nồi rất lớn chứa đầy thức ăn. Ðiều oái oăm là không ai ăn được thức ăn này, vì mỗi người được cung cấp một cái muỗng thật dài, và họ không có thể dùng muỗng này đưa thức ăn lên miệng. Sau đó Chúa đưa ông lên thiên đàng, cho ông thấy cũng có một nồi thức ăn, và mỗi người cũng được cung cấp một cái muỗng dài như vậy. Nhưng trên thiên đàng ai nấy đều có vẻ mập mạp mạnh khỏe. Hỏi ra, ông mới biết rằng, ở trên thiên đàng người ta dùng cái muỗng dài của mình để đút thức ăn cho người khác, trong lúc ở dưới địa ngục ai cũng tìm cách tự đút thức ăn cho mình, vì thế không ai ăn được. Trong hội thánh này, nếu chúng ta biết yêu thương nhau, đút cho nhau từng miếng ăn, chia sẻ ngọt bùi cho nhau, chúng ta đã kinh nghiệm được thiên đàng trên hạ giới.
Bây giờ Phao-lồ đi thẳng vào vấn đề trong những câu 17-18, “Tôi cầu Ðức Chúa Trời của Ðức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em.” Phao-lồ cầu nguyện để người Ê-phê-sô có thần trí của sự khôn sáng. Ðây không phải là sự khôn sáng thế gian, nhưng là sự khôn sáng và “sự tỏ ra,” khiến chúng ta biết nhìn mọi vấn đề theo cái nhìn thuộc linh, qua lăng kính của Thượng Ðế để thấy những gì mà người khác không thấy, và biết áp dụng chúng vào trong đời sống hằng ngày. Chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến thuộc linh giữa ma quỷ và thiên sứ của Ðức Chúa Trời, nhưng lắm khi chúng ta không thấy, hay đã quên điều này.
Thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra không thể nào đến từ con người, nhưng chỉ có thể đến từ Ðức Chúa Trời. Lời cầu nguyện của Phao-lồ ở đây cũng giống như lời cầu nguyện của Ê-li-sê trong sách Các Vua thứ hai 6:15-17, “Tôi tớ của người Ðức Chúa Trời chổi dậy sáng sớm đi ra, thấy một đạo binh cùng ngựa và xe đang vây thành. Người nói với Ê-li-sê rằng: Hỡi ôi! chúa, chúng ta sẽ làm sao? Ê-li-sê đáp rằng: Chớ sợ, những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó. Ðoạn, Ê-li-sê cầu nguyện mà rằng: Ðức Giê-hô-va ôi, xin mở mắt kẻ tôi tớ tôi, để nó thấy được. Ðức Giê-hô-va mở mắt người ra, thì người thấy núi đầy những ngựa và xe bằng lửa ở chung quanh Ê-li-sê.” Như Ê-li-sê, Phao-lồ cầu xin Ðức Chúa Trời mở con mắt thuộc linh của người Ê-phê-sô. Hôm nay cũng vậy, lo nhìn những điều vật chất trên thế gian, chúng ta không còn sự nhậy cảm với những điều thuộc linh, và chúng ta cũng phải cầu nguyện cho nhau, để Ðức Chúa Trời cho chúng ta thấy những điều cao hơn những điều vật chất trước mắt.
Phao-lồ cầu nguyện để người Ê-phê-sô có thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra để làm gì? Có phải để họ biết được tương lai, hay những bí mật của vũ trụ, hay con số gì mình mua ngày mai để trúng số? Thưa không, “để nhận biết Ngài.” Nhận biết Chúa là bí quyết tối quan trọng trong đời sống thuộc linh của chúng ta. Không biết Ngài, chúng ta không biết gì hết.
Nhưng thế nào là “nhận biết Ðức Chúa Trời?” Khi giảng sách Phi-e-rơ thứ nhì, tôi có phân biệt hai chữ trong tiếng Hy lạp: chữ gnosis nói về kiến thức, và chữ epignosis nói đến sự hiểu biết sâu đậm mà chúng ta có thể dịch là “sự thông hiểu.” Chữ thứ hai là chữ mà Phao-lồ dùng ở đây. Ông cầu nguyện để chúng ta có sự thông hiểu Ðức Chúa Trời. Ðây không phải chỉ là sự hiểu biết trên đầu, nhưng trong trọn vẹn con người chúng ta, đặc biệt là trong trái tim. Chúng ta cũng có thể dịch thoát câu này là “để kinh nghiệm Ngài.” Chúng ta có thể biết về âm nhạc bằng cách nhìn nốt nhạc trên trang giấy, bằng cách nghiên cứu tần số của những nốt nhạc, những công thức vật lý đằng sau âm thanh, nhưng chúng ta sẽ không thông hiểu được một bản nhạc cho đến khi biết lắng lòng nghe và kinh nghiệm nó. Chúng ta cũng sẽ không hiểu được một bài ca dao Việt Nam nếu chỉ nghiên cứu luật bằng trắc. Chúng ta phải nghe và để lòng mình rung động với bài ca dao đó. Chúng ta sẽ không hiểu được những món ăn ngon nếu chỉ phân tích những hóa chất trong đó, nhưng phải bỏ món ăn đó vào miệng, và thưởng thức nó. Có người nói rằng, vì tôi rời nước nhà trước năm 1975, tôi không hiểu Cộng sản. Vâng, dầu tôi có đọc sách và nghe nhiều về chế độ này, tôi không hiểu vì chưa có kinh nghiệm sống trong đó. Cũng vậy, chúng ta chỉ có sự thông hiểu Chúa nếu kinh nghiệm được Ngài. Thi Thiên 34:8 viết, “Khá nếm thử xem Ðức Giê-hô-va tốt lành dường bao!” Ðó là điều mà Phao-lồ cầu nguyện cho người Ê-phê-sô, và cũng là điều mà chúng ta cần phải cầu nguyện cho nhau, và khuyến khích lẫn nhau làm.
1. Biết niềm hy vọng
Có ba điều mà Phao-lồ muốn nói rõ ràng hơn trong việc nhận biết Ðức Chúa Trời. Thứ nhất, “hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào.” Theo nguyên bản, chúng ta phải dịch là “hầu cho biết niềm hy vọng về sự kêu gọi của Ngài là thể nào.” (Bản NASB dịch, “So that you may know what is the hope of His calling.”) Nhìn xung quanh, chúng ta thấy đời sống này quả thật là vô vọng: Sáng đi làm, chiều về coi ti-vi, rồi đi ngủ. Mỗi ngày như mọi ngày. Trước kia, người ta còn đặt niềm tin vào khoa học; ngày hôm nay, với quan niệm được gọi là post-modernism, người ta không còn đặt hy vọng vào bất cứ điều gì. Nhưng người tín đồ Ðấng Christ có hy vọng. Trong lúc người ngoại dùng chữ “hy vọng” để nói đến điều có thể không xảy ra, như hy vọng trúng số biết rằng có thể sẽ không trúng, người trong Chúa dùng chữ “hy vọng” khi nói đến một điều chắc chắn sẽ xảy ra. Vì thế chữ “trông cậy” ở đây cũng có ý nghĩa của nó, vì nó nói đến một điều chắc chắn mình đang trông chờ.
Chúng ta có hy vọng chắc chắn vào tương lai và đó là hy vọng vào “sự kêu gọi của Ngài.” Xin chúng ta ôn lại một ơn phước Chúa đã ban cho chúng ta: Ngài đã chọn chúng ta trước khi sáng thế để làm con nuôi của Ngài, và chúng ta có sự hy vọng về sự chọn lựa đó. Chết đi, linh hồn chúng ta không bị vất vơ vất vưởng, nhưng sẽ về trong bàn tay Ðức Chúa Trời toàn năng.
Chúng ta biết chắc chắn là điều này sẽ xảy ra, vì chúng ta biết Chúa. Chỉ khi chúng ta có sự thông hiểu đậm đà mật thiết với Chúa, kinh nghiệm Ngài, chúng ta mới biết Ngài là Ðấng thành tín. Hứa điều gì, Ngài sẽ làm điều đó, và vì thế chúng ta mới có sự trông cậy vững chắc vào sự kêu gọi chúng ta trong tương lai.
Chỉ khi có sự hy vọng vào tương lai đó, chúng ta mới thấy tất cả những điều trên đời này chỉ là con số không, so với điều chúng ta sẽ nhận được. Phao-lồ viết thư này trong lúc ông đang ngồi trong tù, và với sự hy vọng tối hậu, ông không thấy việc tù tội đáng nói đến. Ông viết trong thơ Cô-rinh-tô thứ 2 đoạn 4 câu 8, “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập nhưng không đến chết mất.” Tất cả những khó khăn đó ông chịu đựng được, vì ông có một hy vọng chắc chắn vào tương lai.
2. Biết sự giàu có của cơ nghiệp Ngài
Thứ nhất, Phao-lồ muốn chúng ta có một niềm hy vọng; thứ hai, ông cầu nguyện để chúng ta “biết sự giàu có của cơ nghiệp vinh hiển Ngài cho các thánh đồ là làm sao.” Ðây cũng liên quan đến một trong những ơn phước thiêng liêng mà chúng ta học trước kia: Chúng ta là cơ nghiệp của Chúa Giê-xu, ngày nào đó Chúa Giê-xu sẽ nhận lãnh chúng ta. Bản tiếng Việt dịch là “sự giàu có ... cho các thánh đồ,” nhưng hầu hết mọi bản tiếng Anh đều dịch là “sự giàu có ... trong các thánh đồ,” như bản NASB dịch, “the riches of the glory of His inheritence in the saints.” Ðây có nghĩa là trong ngày cuối cùng, Ngài sẽ nhận lãnh chúng ta như cơ nghiệp của Ngài, và coi đây như sự giàu có, sự vinh hiển mà Ngài muốn nhận được. Xin hãy suy nghĩ điều này: Theo cái nhìn vật chất, chúng ta thật nhỏ nhoi, không đáng gì hết so với vũ trụ mênh mông. Nhưng theo cái nhìn thuộc linh, dầu chúng ta thất học, hay nghèo đói, hay bị tù tội như Phao-lồ, mỗi người chúng ta có một giá trị quá lớn lao đối với Chúa Giê-xu Christ, và là sự giàu có mà Ngài trông chờ. Ngày cuối cùng, Chúa không coi vũ trụ này là điều mà Ngài muốn nhận lãnh, nhưng Ngài muốn nhận lãnh quý vị và tôi.
Phải biết như vậy, chúng ta mới biết Chúa yêu chúng ta đến chừng nào. Càng ý thức tình yêu thương sâu đậm của Ngài dành cho chúng ta chừng nào, chúng ta mới càng thấy đời sống chúng ta có giá trị, có ý nghĩa chừng đó. Chúa chết cho chúng ta trên thập tự giá để ngày nay chúng ta được cứu. Chúa chết cho tôi! Ðối với Chúa, tôi quá lớn lao. Trước mặt Chúa, tôi có giá trị.
3. Biết quyền vô hạn của Ngài
Giờ đây Phao-lồ cầu nguyện để người Ê-phê-sô biết “quyền vô hạn của Ngài.” Từ câu 20 đến câu 23, Phao-lồ dùng những chữ như “quyền, phép, năng lực.” Ðặc biệt trong đoạn này Phao-lồ nói đến việc Ngài “khiến Ðấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời.” Nếu có ai còn nghi ngờ về quyền năng của Thượng Ðế, tôi xin đề nghị quý vị nghiên cứu sự sống lại của Ðức Chúa Giê-xu Christ. Ðây là một điều thật sự đã xảy ra trong lịch sử, và đã hơn hai ngàn năm nay có biết bao nhiêu người tìm kiếm cách phá vỡ bằng chứng của sự sống lại này (nhưng không có ai thành công), vì họ biết là nếu Chúa Giê-xu không sống lại, cả tòa nhà niềm tin của chúng ta sẽ bị sụp đổ và Tin lành sẽ không còn. Ðây là bằng chứng quan trọng nhất để cho chúng ta thấy quyền năng của Thượng Ðế.
Càng kinh nghiệm Chúa chừng nào, chúng ta càng cảm nhận được quyền năng siêu việt của Ngài chừng đó. Càng biết quyền năng của Ngài, chúng ta mới càng có lòng tin vào Ngài. Ngài có quyền năng và Ngài cho chúng ta một phần quyền năng đó, để chúng ta có thể sống đời sống vinh quang.
Vấn đề ở đây là Chúa đã cho chúng ta tất cả rồi, nhưng chúng ta không biết chúng, và sở dĩ chúng ta không biết chúng là vì chúng ta không biết Chúa. Biết Chúa là có hy vọng; biết Chúa là biết mình có giá trị trước mặt Ngài; biết Chúa là biết mình có quyền năng trên đời, vì Ngài có quyền.
Có một thành phố nhỏ ở Texas tên là Ataska. Trước thế chiến thứ hai, một trường học trong thành phố này bị cháy, và có trên 200 em bị chết. Sau đó, khi xây lại ngôi trường, điều quan tâm lớn nhất của họ là làm sao để trường không bao giờ bị cháy nữa. Họ bỏ bao nhiêu tiền để thiết lập một hệ thống phòng hỏa rất tối tân. Một thời gian sau, vì họ cần xây thêm một tòa nhà, họ phải đập một vài bức tường trong trường. Lúc đó họ mới khám phá ra rằng bộ phận chính trong hệ thống phòng hỏa này chưa bao giờ được gắn điện! Buồn thay, đời sống của nhiều người chúng ta cũng vậy. Ðức Chúa Trời đã cho chúng ta bao nhiêu ơn phước thiêng liêng, nhưng vì chúng ta chưa được “cắm điện,” để có thể áp dụng những ơn phước đó vào đời sống mình, đời sống của chúng ta không khác gì đời sống của người ngoài. Chúng ta vẫn không có hy vọng vào tương lai, cho mình không có giá trị gì trước mặt người khác và trước mặt Ðức Chúa Trời, và cũng không thấy quyền năng làm Chúa Giê-xu sống lại của Ðức Chúa Trời. Tất cả chỉ vì chúng ta chưa kinh nghiệm Chúa. Chỉ khi nào chúng ta làm được điều này, chúng ta mới có thể sống đời sống chiến thắng, làm người khác thèm khát được như vậy, đến nỗi họ phải tìm đến Ðức Chúa Trời và được sự cứu rỗi như chúng ta.
Phao-lồ không có khả năng làm người Ê-phê-sô biết Chúa. Ông chỉ có thể cầu nguyện cho họ. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện cho mình và cho nhau, để mỗi chúng ta thật sự kinh nghiệm được Ðức Chúa Trời.
Mục Sư Ðỗ Lê Minh
Bài7