Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 5 | Hướng Dẫn
I GIĂNG 2:15-17
Thưa quý vị, xin chúng ta nhớ lại chúng ta đã học được gì trong thơ Giăng thứ nhì. Trước nhất, Giăng nói chúng ta có sự thông công với Chúa. Sau đó, Giăng đưa ra một số điều ngăn cản sự thông công đó: Điều thứ nhất là tội lỗi. Nếu phạm tội, chúng ta phải xưng tội mình ra. Điều thứ hai là không tuân theo lời dạy của Ngài. Tuần trước, chúng ta học một điều răn đặc biệt của Chúa. Đó là chúng ta phải yêu nhau. Hôm nay, chúng ta nghe Giăng dạy một điều răn khác: Một đằng chúng ta phải yêu thương lẫn nhau, đằng khác chúng ta không được yêu thương thế gian. Xin chúng ta đọc đoạn 2, từ câu 15 đến câu 17,
15. Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu các vật ở thế gian nữa; nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy.
16. Vì mọi sự trong thế gian, như sự mê tham của xác thịt, sự mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời, đều chẳng từ Cha mà đến, nhưng từ thế gian mà ra.
17. Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.
I. Thế gian
Chúng ta tự hỏi chữ “thế gian” có nghĩa là gì? Trước hết, nó không phải là trái đất, núi non, mặt trăng, hay những cảnh đẹp... Sáng Thế Ký đoạn 1 câu 31 ghi lại rằng, sau khi Chúa tạo dựng thế gian, Ngài “thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành.” Thi Thiên 24 câu 1 nói, “Đất và muôn vật trên đất, thế gian và những kẻ ở trong đó, đều thuộc về Đức Giê-hô-va.” Thế gian cũng không phải là con người nữa. Giăng 3:16 nói rõ ràng, “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài...” Có lẽ nhiều người đã hiểu lầm như vậy, thành ra họ tự tách mình ra khỏi người khác, sống ẩn dật, nhốt mình vào trong tu viện.
Chúng ta phải hiểu chữ thế gian ở đây theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là những nhân sinh quan chống nghịch lại với Đức Chúa Trời. Đây là những triết lý và những lối sống cho rằng người ta bắt đầu khi sinh ra nằm trong nôi, và chấm dứt khi nhắm mắt nằm trong quan tài. Đây là quan niệm Duy Vật, cho là không có gì khác bên ngoài đời sống vật chất này. Nhiều người lầm lẫn nghĩ rằng “thế gian” là một vài tội lỗi nào đó. Nếu không còn uống rượu, hay đi xem xi-nê, nhảy đầm, là tôi không còn yêu thế gian nữa. Nhưng không, thế gian ở đây không phải chỉ là một vài hành động tội lỗi lẻ tẻ, nhỏ nhặt, nhưng là nguyên cả một nhân sinh quan, triết lý sống trên đời, được thể hiện trong đời sống hằng ngày.
Thế gian cũng có nghĩa là một lãnh vực, một môi trường nằm dưới quyền điều khiển của Sa-tan. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng con người, Ngài cho chúng ta quyền điều khiển vũ trụ, nhưng chúng ta đã bán quyền đó cho Sa-tan, để kiếm sự hiểu biết “như Đức Chúa Trời,” giống như Ê-sau bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp, chỉ để lấy một bát canh. Theo Lu-ca, đoạn 4 câu 6, lúc đến cám dỗ Chúa Giê-xu, Sa-tan nói, “Ta sẽ cho ngươi hết thảy quyền phép và sự vinh hiển của các nước đó; vì đã giao cho ta hết, ta muốn cho ai tùy ý ta.” Ít nhất, Sa-tan tự nhận là thế gian này thuộc quyền của hắn.
Thế thì “yêu thế gian” có nghĩa là gì? Chúng ta yêu thế gian khi chúng ta tự đặt mình vào trong sự điều khiển của thế gian, sống cho nó, tìm phần thưởng từ nó. Không phải chỉ khi phạm tội chúng ta mới yêu thế gian. Ngay cả khi chúng ta làm những điều tốt lành, nhưng coi thường Đức Chúa Trời, là chúng ta đã yêu thế gian. Xin chúng ta đừng nghĩ là mình có thể vừa yêu Đức Chúa Trời và vừa yêu thế gian. Tại sao không? Chúng ta có thể một lúc yêu nhiều thứ được mà! Thưa, Giăng nói, “Ai yêu thế gian thì sự kính mến Đức Chúa Trời chẳng ở trong người ấy.” Người yêu thế gian đẩy Đức Chúa Trời qua một bên, như thế không thể yêu Ngài. Chúa Giê-xu nói trong Ma-thi-ơ đoạn 6 câu 24, “Chẳng có ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người này mà yêu người kia, hoặc trọng người này mà khinh người kia.” Ngài không khuyên chẳng nên làm tôi hai chủ, nhưng Ngài nói chẳng có ai làm được điều đó. Người ta nghĩ là, người ngây thơ là người chỉ biết trắng đen thôi, không biết là giữa trắng và đen có nhiều màu sắc khác. Ở ngoài đời, đây là điều đúng, nhưng trong đời sống thuộc linh, chúng ta chỉ có thể hoặc yêu Chúa, hoặc yêu thế gian. Chúng ta không thể vừa đứng trong ánh sáng và trong bóng tối. Người nào tìm cách vừa đứng trong ánh sáng, vừa đứng trong bóng tối, đứng trong bóng tối.
II. Sự cám dỗ của thế gian
Hơn nữa, khi vừa yêu Chúa, vừa yêu thế gian, thế gian sẽ tìm cách quyến rũ, lôi kéo chúng ta chỉ yêu nó. Tôi không phải là đầu bếp, nhưng tôi mới học được cách luộc ếch. Khi con ếch con sống, mà mình bỏ nó vào nước nóng, thì nó sẽ nhảy ra ngoài. Mình phải bỏ nó vào nước lạnh, rồi hâm nước nóng lên. Ngồi trong nước lạnh, thấy nước ấm thêm, nó khoái lắm. Rồi đến lúc nào đó, nước thành nóng và luộc chín nó, mà nó không biết. Đó là cách thế gian quyến rũ, và giết chết người tín đồ.
Có người nói, cái lỗi lầm lớn của nhiều người tín đồ là, chúng ta chỉ yêu Chúa đủ để làm chúng ta cảm thấy sống theo thế gian không vui, nhưng không đủ để thấy sống với Chúa là vui. Thành ra chúng ta cuối cùng không thuộc về thế gian, cũng không thuộc về Đức Chúa Trời, sống một đời sống bị dằn vặt, thiếu sự bình an. Giăng dạy chúng ta đừng làm như vậy.
Bây giờ Giăng nói đến ba điều cụ thể có thể khiến chúng ta yêu thế gian của mình: Thứ nhất là sự ham mê của xác thịt, thứ hai là sự mê tham của mắt, và thứ ba là sự kiêu ngạo của đời.
1. Sự mê tham của xác thịt
Khi nghe đến sự mê tham của xác thịt, mình nghĩ ngay đến tình dục. Nhưng không chỉ nói đến tình dục, Giăng nói đến tất cả những đòi hỏi trong thân xác chúng ta. Tự nó, chúng không phải là xấu, có thể là tốt nữa. Chúng chỉ là xấu khi chúng ta lạm dụng chúng, hay chỉ quan tâm đến chúng mà thôi. Tình dục chẳng hạn. Chúa ban tình dục như một cách bày tỏ tình yêu thương đậm đà, thắm thiết giữa hai vợ chồng. Nhưng có khi chúng ta để tình dục điều khiển mình, khiến mình đi tìm tình dục bên ngoài vợ chồng, và nó trở thành sự tham mê của xác thịt mà Chúa muốn chúng ta tránh. Thức ăn cũng vậy. Là nhu cầu cần thiết của thân thể, tự nó không xấu. Nhưng nếu chúng ta cứ để ý đến chuyện ăn uống, trở thành tham lam, say xưa, nó sẽ trở thành sự ham mê của xác thịt. Ngay cả những nhu cầu khác, như sự tương giao với nhau, cũng vậy. Chúng ta không thể sống cô lập, chúng ta phải có bạn bè, gia đình... Nhưng khi bắt đầu tìm cách điều khiển người khác, chúng ta đã biến sự liên hệ đó thành sự ham mê của xác thịt. Công ăn việc làm là để giúp mình sống, nuôi gia đình. Nhưng nếu mình quá coi trọng nó, bỏ hết đời sống vào đó, đẩy Thượng Đế qua một bên, mình đã ham mê xác thịt.
2. Sự mê tham của mắt
Lần nữa, khi nghe đến sự tham mê của mắt, chúng ta nghĩ đến tình dục. Nhưng ở đây Giăng không nói đến những đòi hỏi của thể xác, nhưng những đòi hỏi trong tâm trí. Ngày xưa, người ta nói con mắt là cửa sổ của tâm trí, vì qua con mắt, mình nhận biết được thế gian. Trong Ê-phê-sô đoạn 1 câu 17, Phao-lồ viết, “Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta, là Cha vinh hiển, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào...” Lúc đầu, mình tìm cách thỏa mãn sự ham mê của xác thịt; nhưng khi xác thịt đã được thỏa mãn, thì mình tìm cách thỏa mãn sự tham mê trong tâm trí.
Lần nữa, sự ham mê của mắt là điều tốt, không có gì sai lầm hết. Tôi đã và đang là một khoa học gia, và tôi hãnh diện về điều đó. Khi trở thành người hầu việc Chúa, tôi không xin lỗi tôi đã là một khoa học gia. Nhưng lần nữa, chúng ta phải coi chừng: Sự ham mê của mắt, của kiến thức trên đời có thể đẩy Thượng Đế ra khỏi đời sống chúng ta. Chúng ta quý khoa học, nhưng khi khoa học kết luận một cách sai lầm là không có Thượng Đế, nó trở thành sự tham mê của mắt, mà Chúa muốn chúng ta tránh.
3. Sự kiêu ngạo của đời
Nếu tìm cách thỏa mãn sự tham mê của xác thịt, thỏa mãn thú tính của mình là công việc của thú vật, thì tìm cách thỏa mãn sự tham mê của mắt, thỏa mãn những nhu cầu trong đầu óc là công việc của con người. Nhưng sự kiêu ngạo của đời khiến chúng ta tìm cách đặt mình ngang hàng với Thượng Đế. Nếu sự tham mê của xác thịt, của mắt liên quan đến chính mình, thì sự kiêu ngạo của đời liên quan đến người khác. Mình tìm cách đè người khác xuống, để mình được nâng lên. Mình tìm cách nâng cao mình lên, để được người ta trọng vọng.
III. Đừng yêu thế gian
Giờ đây, chúng ta tự hỏi, tại sao mình không nên có sự tham mê thế gian. Giăng nói trong câu 17, “Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi.” Trong nguyên bản, chữ “qua đi” là ở thể hiện tại, nói đến điều đang liên tục xảy ra. Nếu nhìn kỹ thế gian, chúng ta sẽ thấy điều đó. Mặc dầu với một kỹ thuật tiến bộ, thế gian càng ngày càng tan nát. Không có gì bảo đảm trên đời. Mọi điều vật chất, dầu tốt hay xấu, cũng chỉ là tạm bợ. Ba tuần trước, vào ngày 11 tháng 9, cả nước Mỹ đã học một bài học rất có giá trị: Ngồi trên tầng 90 của World Trade Centre, người ta tưởng là mình đã đạt được mọi điều. Nhưng đùng một cái, tầng lầu biến mất dưới chân. Trước khi ra khơi, người ta nói chiếc tàu Titanic không thể nào chìm được.
Giăng nói thêm trong câu 17, “Song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” Không có điều gì tồn tại lâu dài, trừ những việc mình làm cho Chúa. Martin Luther nói, “Tôi đã cầm trong tay mình nhiều điều, và đã đánh mất tất cả. Nhưng những gì tôi đặt vào bàn tay Chúa, tôi vẫn còn.” Có người cũng nói là “Người khôn ngoan đổi điều trên thế gian mà mình không giữ được, để lấy điều trên thiên đàng mà mình sẽ không bao giờ mất.”
Người tín đồ chúng ta vì thế phải biết chọn lựa một cách khôn ngoan. Chúng ta không đi tìm những thức ăn trên đời, để đẩy Chúa ra, nhưng đi tìm thức ăn trong lời Chúa. Lời Chúa sẽ còn đến đời đời, và người nào sống theo lời Chúa cũng sẽ còn lại đến đời đời. Chúng ta không đi tìm sự vinh quang trên thế gian, nhưng tìm sự vinh quang của một người gặp Chúa trong ngày cuối cùng, thấy tên mình được ghi trong sổ của sự sống, thấy mình nhận lời khen thưởng từ Chúa: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia!”
Trước khi chấm dứt, tôi xin đọc lời dạy của Chúa Giê-xu trong sách Ma-thi-ơ đoạn 6 câu 19, “Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy; nhưng hãy chứa của cải trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.” Chúng ta đang chứa của cải ở đâu?
Mục Sư Đỗ Lê Minh