Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 5 | Hướng Dẫn
II PHI-E-RƠ 2:4 -10
Thưa quý vị, hai tuần trước, trên đường đến nhà thờ, tôi bị đụng xe. Cám ơn Chúa là không ai bị thương hết. Nhiều khi mình nghĩ, mình đi đến hội thánh thờ phượng Chúa, thì đáng lẽ Chúa phải giữ mình trên đường đi. Nhưng không, Chúa để tai nạn xảy ra. Đầu năm nay, ở Pê-ru, một chiếc máy bay nhỏ do một bà giáo sĩ lái bị người ta tưởng lầm là máy bay của bọn buôn lậu, nên bị bắn rớt, và bà chết. Lần nữa, mình nghĩ đây là những người hầu việc Chúa, và Chúa phải gìn giữ họ. Nhưng không, tai nạn vẫn xảy ra. Hai năm trước có một vụ án rất nổi tiếng xử ông OJ Simpson. Mặc dầu nhiều người nghĩ là ông có tội, ông lại được tự do đi đánh golf ở Miami. Thành ra, đôi khi người tín đồ có những câu hỏi như, “Chúa ơi, tại sao con tin Chúa, mà lại gặp tai nạn, khó khăn. Trong lúc những người coi thường Chúa không những không bị trừng phạt, mà lại còn được thịnh vượng, sống trên nhung lụa?” Hồi nãy chúng ta đọc Thi Thiên 73. Câu 13 nói, “Tôi đã làm cho lòng tôi tinh sạch, và rửa tay tôi trong sự vô tội, việc ấy thật lấy làm luống công.” Những việc tốt lành của tôi chỉ là luống công! Thế thì chúng ta phải trả lời làm sao? Bây giờ xin chúng ta tiếp tục đọc Phi-e-rơ thứ nhì, để thấy câu trả lời của Phi-e-rơ trong đoạn 2 từ câu 4 đến câu 11.
4. Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét;
5. nếu Ngài chẳng tiếc thế gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian ác nầy, chỉ gìn giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công bình, với bảy người khác mà thôi;
6. nếu Ngài đã đoán phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian ác về sau;
7. nếu Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia,
8. (vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình),
9. thì Chúa biết cứu chữa những người tôn kính khỏi cơn cám dỗ, và hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét,
10. nhứt là những kẻ theo lòng tư dục ô uế mình mà ham mê sự sung sướng xác thịt, khinh dể quyền phép rất cao. Bọn đó cả gan, tự đắc, nói hỗn đến các bậc tôn trọng mà không sợ,
11. dẫu các thiên sứ, là đấng có sức mạnh quyền phép hơn chúng nó, còn không hề lấy lời nguyền rủa mà xử đoán các bậc đó trước mặt Chúa.
I. Ba ví dụ
1. Các thiên sứ
Phi-e-rơ cho chúng ta 3 ví dụ trong quá khứ. Thí dụ thứ nhất trong câu 4, “Vả, nếu Đức Chúa Trời chẳng tiếc các thiên sứ đã phạm tội, nhưng quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét...” Chúng ta không biết rõ Phi-e-rơ nói về trường hợp nào. Nhưng có nhiều người nghĩ ông nói đến câu chuyện được ghi trong Sáng Thế Ký đoạn 6, từ câu 1, “Vả, khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ.”
Thành ra bài học trước nhất mình học ngày hôm nay là, không ai phạm tội có thể tránh khỏi sự trừng phạt hết. Đừng nói gì đến con người, ngay cả các thiên sứ cũng bị trừng phạt. Tổng thống nước Mỹ, hay người giàu có tột cùng, có thể sống trên luật lệ, thoát khỏi mạng lưới của thế gian, nhưng cuối cùng cũng sẽ phải trả lời trước mặt Chúa. Đây là điều mỗi người chúng ta phải hiểu. Dầu biết rằng người ta chỉ thích Chúa là một vị thầy, là cha hiền, là bạn thật, chúng ta phải nói cho người chưa biết Chúa rằng Ngài là một quan tòa thánh khiết, phải ban án cho người phạm tội. Nếu không, người ta sẽ không thấy sự cao sang, thánh khiết, trong sáng của Chúa. Nếu không trừng phạt tội lỗi chúng ta, thì Chúa đã chấp nhận tội lỗi, và như thế không đáng để chúng ta thờ phượng. Nếu là người cha hay nói láo, và thấy con nói láo, tôi khen thằng nhỏ vậy mà khôn. Nhưng nếu ghét nói láo, tôi phải cảm thấy đau đớn trong lòng, và phải trừng phạt con.
2. Những người đồng thời với Nô-ê
Phi-e-rơ đưa ra ví dụ thứ hai trong câu 5, “Nếu Ngài chẳng tiếc thế gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian ác nầy, chỉ gìn giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công bình, với bảy người khác mà thôi....” Câu chuyện ông Nô-ê đóng tàu nằm trong Sáng Thế Ký đoạn 6, từ câu 11, “Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác. Nầy, Đức Chúa Trời nhìn xem thế gian, thấy điều bại hoại, vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại.” Vì thế, Đức Chúa Trời cho một cơn đại hồng thủy xảy ra.
Xin để ý, chỉ có Nô-ê với 7 người khác sống sót sau cơn đại hồng thủy mà thôi. Đây là một con số rất nhỏ! Và bài học chúng ta học được trong ví dụ này là, không phải vì 7 người là thiểu số nên sai. Không, trong trường hợp này, đại đa số là sai. Đôi khi, nhìn chung quanh ngày hôm nay, chúng ta thấy mình như bị lép vế, thua thiệt. Nhưng xin quý vị đừng vì thấy những người tin Chúa là thiểu số trong cộng đồng, mà nghĩ là mình sai.
Đặc biệt trong nước Mỹ dân chủ này, đa số có quyền. Nếu đa số người Mỹ muốn bầu lên một tổng thống, một quốc hội, hay một tối cao pháp viện ủng hộ việc phá thai, thì không có nghĩa là vì vậy mà phá thai là đúng.
3. Sô-đôm và Gô-mô-rơ
Bây giờ chúng ta đến thí dụ thứ ba liên quan đến hai ông Lót và A-bra-ham (hay Áp-ram): “6. nếu Ngài đã đoán phạt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy phá đi khiến hóa ra tro, để làm gương cho người gian ác về sau; nếu Ngài đã giải cứu người công bình là Lót, tức là kẻ quá lo vì cách ăn ở luông tuồng của bọn gian tà kia, (vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình).”
Chúng ta đọc truyện này từ Sáng Thế Ký đoạn 13, “8. Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả. Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy. Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía Đông. Vậy, hai người chia rẽ nhau.” Bước đến đoạn 18, chúng ta thấy kinh thánh diễn tả hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ như thế này “20. Đức Giê-hô-va phán rằng: Tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá, tội lỗi các thành đó thật là trọng.” Sau đó, Chúa hủy phá toàn hai thành này.
Cũng giống như Nô-ê, Phi-e-rơ diễn tã Lót một người công bình. Lần nữa, ông và gia đình là thiểu số trong hai thành Sô-đôm Gô-mô-rơ. Thành ra thiểu số không hẳn là sai. Theo Phi-e-rơ, Lót là người công bình, “8. vì người công bình nầy ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình.” Khi nói đến người tín đồ bị đau đớn, chúng ta thường nghĩ đến việc bị người ta coi thường, hay chèn ép, áp bức. Nhưng Lót được xem là người công bình vì ông lấy làm đau đớn vì tội lỗi của người khác. Chúng ta phải thấy đau đớn vì tội lỗi, nếu chúng ta coi trọng tiêu chuẩn của Chúa hơn tiêu chuẩn của đa số những người xung quanh. Chúa dạy đừng nói láo, đừng phạm tội tà dâm. Và khi đối diện với những tội lỗi đó, của chúng ta hoặc của người khác, chúng ta phải thấy đau xót trong lòng. Hơn thế nữa chúng ta phải thấy thương hại cho những người đang ở trong vòng tội lỗi.
II. Bài học
Chúng ta đã rút tỉa một số bài học riêng rẽ từ mỗi ví dụ. Giờ đây chúng ta có thể rút tỉa thêm một vài bài học chung từ ba ví dụ trên. Trước hết, xin để ý những thí dụ này bao gồm mọi không gian và thời gian. Về thứ tự thời gian: Việc các thiên sứ phạm tội xảy ra trong Sáng Thế Ký đoạn 6, trận đại hồng thủy trong Sáng Thế Ký đoạn 7, và hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ bị hủy diệt trong Sáng Thế Ký đoạn 19. Về thứ tự không gian: Phi-e-rơ trước hết nói đến các thiên sứ trên trời cao phạm tội, và bị trừng phạt. Sau đó, ông nói đến một môi trường nhỏ hơn, là cả thế gian trong thời Nô-ê phạm tội, và bị trừng phạt. Cuối cùng, ông nói đến một môi trường nhỏ hơn nữa, là hai thành phố Sô-đôm và Gô-mô-rơ phạm tội, và bị trừng phạt.
1. Kẻ không công bình bị hình phạt
Phi-e-rơ cho chúng ta bài học thứ nhất, đó là “9. Chúa biết... hành phạt kẻ không công bình, cầm chúng nó lại để chờ ngày phán xét.” Đây là câu trả lời cho câu hỏi là tại sao những người có vẻ công bình lại gặp khó khăn, trong lúc người có vẻ như gian ác lại được thịnh vượng: Sự trừng phạt chắc chắn sẽ đến, nhưng nhiều khi chúng ta phải chờ, mới thấy.
Về các thiên sứ phạm tội, Phi-e-rơ viết trong câu 4, Đức Chúa Trời “quăng vào trong vực sâu, tại đó họ bị trói buộc bằng xiềng nơi tối tăm để chờ sự phán xét.” Đây là một sự chờ đợi lâu dài, đến ngày cuối cùng. Khi Nô-ê nhìn những người xung quanh, thấy họ phè phỡn, có lẽ ông cũng đặt câu hỏi như chúng ta, “Tại sao mình phải đóng tàu hùng hục ngày đêm, trong lúc bao nhiêu người cứ thụ hưởng.” Nô-ê phải chờ 120 năm, đến trận đại hồng thủy, mới thấy câu trả lời.
Sự trừng phạt chưa đến không có nghĩa là sẽ không đến. Xin chúng ta đừng nhìn những cảnh trước mắt, mà vội kết luận là Đức Chúa Trời không có mắt. Một trăm năm trên đời quá ngắn, để chúng ta thấy sự trừng phạt của Chúa. Tuần trước, tôi nói là nếu nhìn gần, chúng ta sẽ bị cận thị thuộc linh. Chúng ta phải nhìn xa hơn để thấy sự trừng phạt của Chúa. Phải chờ đến ngày cuối cùng, khi đứng trước mặt Chúa, chúng ta mới thấy người nào sẽ được Chúa thưởng, người nào sẽ bị Chúa phạt.
Trong Thi Thiên 73 nói đến hồi nãy, câu 13 than, “Tôi đã làm cho lòng tôi tinh sạch, và rửa tay tôi trong sự vô tội, việc ấy thật lấy làm luống công.” Nhưng sau khi tác giả nhìn đến Chúa rồi, ông nói trong câu 17, “Cho đến khi tôi vào nơi thánh của Đức Chúa Trời, suy lượng về sự cuối cùng của chúng nó, Chúa thật đặt chúng nó tại nơi trơn trượt, khiến cho chúng nó hư nát. Ủa kìa, chúng nó bị hủy diệt trong một lát! Chúng nó bị kinh khiếp mà phải tiêu hao hết trọi. Hỡi Chúa, người ta khinh dể chiêm bao khi tỉnh thức thể nào, Chúa khi tỉnh thức cũng sẽ khinh dể hình dáng chúng nó thể ấy.”
2. Người công bình được gìn giữ khỏi cơn cám dỗ
Tác giả Thi Thiên 73 nói tiếp trong câu 23, “Song tôi cứ ở cùng Chúa luôn luôn, Chúa đã nắm lấy tay hữu tôi. Chúa sẽ dùng sự khuyên dạy mà dẫn dắt tôi, Rồi sau tiếp rước tôi trong sự vinh hiển. Ở trên trời tôi có ai trừ ra Chúa, còn dưới đất tôi chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa.”
Phi-e-rơ nói, “9. Chúa biết cứu chữa những người tôn kính khỏi cơn cám dỗ.” Nô-ê và Lót sống giữa một cộng đồng tội lỗi, nhưng Chúa không để họ bị cám dỗ đi theo đa số, và nhờ thế họ không bị trừng phạt trong ngày cuối cùng.
Sau khi tin Chúa, nhiều người chúng ta thích rút ra khỏi cộng đồng bên ngoài, về sống trong hội thánh. Nhưng Chúa không muốn như vậy. Chúa không muốn chúng ta trở thành những người biệt tu, lên núi sống. Chúa muốn chúng ta vẫn sống cùng với thế gian này. Nếu không, Chúa đã cất chúng ta về với Ngài ngay. Nếu chỉ muốn cứu Nô-ê, Chúa không cần phải đợi đến 120 năm sau khi ông xây tàu rồi mới cứu ông. Trong 120 năm đó, Nô-ê không đóng tàu trong rừng, nhưng giữa cộng đồng của ông. Người ta đi qua, đi lại, nói, “Ông này khùng quá! Vì sao trời này mà lại đóng một chiếc tàu như vậy.” Và Nô-ê có dịp nói với người đó về sự trừng phạt của Chúa. Và chúng ta cũng vậy. Chúa không để chúng ta ở lại đây chỉ để thụ hưởng, nhưng để đem tin lành đến những người xung quanh.
Để chúng ta giữa cộng đồng đầy tội lỗi như vậy, Chúa hứa là Ngài sẽ bảo vệ chúng ta khởi cơn cám dỗ của thế gian. Là thiểu số, mình bị áp lực từ xung quanh, nhưng vẫn có thể mạnh dạn ra đi vào nhân thế, vì biết Chúa sẽ gìn giữ, không để chúng ta bị cám dỗ. Trong nhà tôi có treo tấm hình vẽ bởi một người họa sĩ Mỹ rất nổi tiếng tên là Norman Rockwell. Ông vẽ cảnh một bà già và một em bé cầu nguyện trước khi ăn trong một tiệm ăn. Mặc dầu có bao nhiêu con mắt của những người không biết Chúa nhìn một cách ngạc nhiên, họ vẫn cúi đầu cầu nguyện. Họ sẵn sàng sống cho Chúa, mặc dầu áp lực của thế gian. Họ được Chúa gìn giữ, để có thể sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Chúng ta phải hiểu ai là người được gọi là công bình. Trước kia chúng ta nghe Phi-e-rơ nói về Lót, “người công bình... nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm biết đau xót trong lòng công bình mình.” Thật ra, đây không phải là định nghĩa của người công bình, nhưng chỉ là một hành động, thái độ của họ. Đọc Sáng Thế Ký, chúng ta thấy Lót không có vẻ không tốt gì: Áp-ram cho ông quyền chọn lựa, ông chọn chỗ tốt hơn. Như Lót, chúng ta công bình không phải vì chúng ta ăn hiền ở lành, hay ngay cả tại vì đã cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Sự công bình ở đây nói đến cái nợ chúng ta phải trả, mà Đức Chúa Giê-xu đã trả thế cho chúng ta trên thập tự giá. Nhờ đó, chúng ta được kể là công bình. Đó là tin lành mà chúng ta đem ra cho mọi người: Ai cũng có tội, và cũng sẽ bị trừng phạt, nhưng Chúa đã trả sự trừng phạt cho chúng ta, khiến chúng ta thành những người công bình, và Chúa gìn giữ chúng ta khỏi những sự cám dỗ trên đời.
Tôi muốn chấm dứt ở đây bằng một câu chuyện. Có một người cha lái xe, và người con ngồi bên cạnh. Bỗng dưng có một con ong từ ngoài bay vào xe. Người con sợ lắm. Thấy vậy, người cha một tay lái xe, một tay chụp con ong đó. Sau đó, gương mặt ông tỏ ra rất đau đớn, vì con ong đó chích tay ông. Đau quá, ông phải thả nó ra, và nó đó tiếp tục bay trong xe. Lần nữa, người con la lên, vì sợ con ong chích. Trong sự đau đớn, người cha nói. “Con ong đó không chích con đâu. Nó đã chích ba, và hết nọc rồi!” Tội lỗi vẫn còn hoành hành trên thế gian, và Chúa vẫn trừng phạt tội lỗi bằng sự chết. Nhưng Chúa Giê-xu đã chịu cái nọc của sự chết, nên chúng ta sẽ không còn chịu trừng phạt vì tội lỗi nữa.
Mục Sư Đỗ Lê Minh