Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 5 | Hướng Dẫn
THI-THIÊN 32
Kính thưa quý vị, bây giờ chúng ta học Thi Thiên 32.
1. Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm mình! Được khỏa lấp tội lỗi mình!
2. Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, Và trong lòng không có sự giả dối!
3. Khi tôi nín lặng, các xương cốt tôi tiêu-tàn, Và tôi rên xiết trọn ngày;
4. Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi; Nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè.
5. Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va; Còn Chúa tha tội ác của tôi.
6. Bởi cớ ấy phàm người nhơn đức đều cầu nguyện cùng Chúa trong khi có thể gặp Ngài; Quả thật, trong lúc có nước lụt lan ra, thì sẽ chẳng lan đến người.
7. Chúa là nơi ẩn núp tôi; Chúa bảo hộ tôi khỏi sự gian truân; Chúa lấy bài hát giải cứu mà vây phủ tôi.
8. Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi; Mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi.
9. Chớ như con ngựa và con la, là vật vô tri; Phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được, Bằng chẳng, chúng nó không đến gần ngươi.
10. Kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn; Nhưng người nào tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, sự nhơn từ vây phủ người ấy.
11. Hỡi người công bình, hãy vui vẻ và hớn hở nơi Đức Giê-hô-va! Ớ các người có lòng ngay thẳng, hãy reo mừng!
Thi Thiên 32 này được viết ra bởi Đa-vít. Phao-lô khẳng định điều này trong sách Rô-ma đoạn 4, câu 6-8. “Ấy vậy vua Đa-vít cũng tỏ ra cái phước của người mà Đức Chúa Trời kể cho là công bình chẳng bởi việc làm mà rằng: Phước thay cho kẻ lỗi mình được tha thứ, tội mình được che đậy, phước thay cho người mà Chúa chẳng kể tội lỗi cho!”
Bối cảnh của câu chuyện này được ghi trong sách Sa-mu-ên thứ nhì đoạn 11 và 12. Đây là câu chuyện Đa-vít phạm tội tà dâm, giết người. Sau khi bị nhà tiên tri Na-than đến cảnh cáo, ông ăn năn hối cải, và từ lòng ăn năn hối cải đó ông bộc lộ Thi Thiên 51. Sau khi viết Thi Thiên 51, ông viết Thi Thiên 32 này, để dạy dỗ người khác về ơn phước của một người ăn năn hối cải tội lỗi mình, và xưng tội lỗi mình ra trước mặt Đức Chúa Trời.
I. Tội lỗi kín dấu
Chúng ta phải định nghĩa thế nào là tội lỗi. Trong đoạn này Đa-vít dùng 3 chữ để kể tất cả những tội lỗi mình có thể phạm. Trong câu thứ nhất, ông nói đến sự vi phạm của mình. Đây nói đến những sự xâm phạm đối với Thượng Đế: coi thường Ngài, sống đời sống không có Ngài, coi mình nhu ông chủ của đời sống mình. Trong câu thứ nhất, ông cũng nói đến tội lỗi của mình, tức là những điều mình làm mà không đạt được đến tiêu chuẩn của Thượng Đế. Đây có thể là những điều mình phải làm mà không làm, hay là những điều mình không được làm mà lại làm. Hơn nữa trong câu thứ 2, ông nói đến sự giả dối, tức là những điều mình suy nghĩ trong lòng mà không đẹp lòng Chúa, mặc dù mình không làm những điều đó. Quý vị thấy, như Đa-vít nói, tội lỗi ở đây có muôn hình vạn trạng, kể cả những điều mình làm nghịch lại với Thượng Đế, nghịch lại với người khác, những suy nghĩ không đẹp lòng Chúa trong lòng.
Nếu biết mình có tội nhưng mình cứ giấu những tội đó thì điều gì sẽ xảy ra? Đa-vít nói đến 3 hậu quả của những tội lỗi kín giấu đó. Thứ nhất trong câu thứ 3-4 ông nói, “Khi tôi nín lặng các xương cốt tiêu tàn và tôi rên xiết trọn ngày.” Ông muốn nói đến những hậu quả trong thân thể mình. Ông không muốn nói đến những hậu quả trực tiếp, như khi uống rượu, hút thuốc, thì thân thể chúng ta tiêu tàn tiều tụy, nhưng ông muốn nói đến những hậu quả gây ra bởi mặc cảm tội lỗi. Nếu mình có một tội lỗi nào đó mà không xưng ra, những mặc cảm đó sẽ ảnh hưởng thân thể mình. Một người có thể ăn cắp một trăm ngàn đô-la. Mặc dầu nhờ đó ông ta có thể ăn uống cao lương mỹ vị, mặc cảm tội lỗi sẽ thể hiện ra trong sự lo âu, thiếu bình an, mất ăn, mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt, lở bao tử, áp huyết cao....
Nhưng chưa hết, mình không thể chỉ nói đến thể xác không, có vấn đề thuộc linh nữa. Có một cái gì ngăn cách người tín đồ phạm tội với Đức Chúa Trời. Tâm hồn mình thành nặng trĩu, như “ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên tôi” (câu 4). Mình không thể đến với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện một cách tự do được.
Cuối cùng, Đa-vít diễn tả đời sống tình cảm của người phạm tội như “nước bổ thân tôi tiêu hao như bởi khô hạn mùa hè.” Mặc dầu tội lỗi đem cho mình tiền bạc vật chất, nhưng đời sống tình cảm của mình khô cằn như sa mạc mùa hè. Mình không có được sự tươi vui, hoạt bát, dịu hiền mà Chúa muốn mình có. Người hời hợt thấy tội lỗi đem lại đồng tiền thì khoái chí, nhưng đằng sau nụ cười của người đó, mình cảm nhận được cái gì đó khô cằn, đau buồn.
II. Tội lỗi xưng ra
Vậy chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải xưng tội mình ra. Câu 5, “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu gian ác tôi; Tôi nói: Tôi sẽ xưng các sự vi phạm tôi cùng Đức Giê-hô-va.” Câu 5 có hai chữ thú tội và xưng tội. Trước nhất, tôi phải đối diện với tội lỗi của mình, phải xưng nó ra, hay nói nó ra. Tôi phải đồng ý là tôi phạm tội, rằng việc làm hay sự suy nghĩ của tôi là sai, không đẹp lòng Chúa, thiếu tiêu chuẩn của Chúa.
Điều quan trong lớn nhất trong đời sống người tín đồ là sự liên hệ của mình với Đức Chúa Trời. Mặc dầu biết tận tường lòng chúng ta, Thượng Đế muốn chúng ta đến xưng tội cùng với Ngài, công nhận với Ngài là điều chúng ta làm là tội lỗi, không đẹp lòng Ngài. Và chỉ khi chúng ta công nhận như vậy thì sự liên hệ của chúng ta với Thượng Đế mới được trở lại bình thường.
“Tôi sẽ xưng các sự vi phạm của tôi cùng Đức Chúa Trời.” Việc làm đó là của tôi, chứ không phải của ai khác. Thường khi phạm tội, trước hết mình chối, và nếu thấy bằng chứng quá hiển nhiên thì mình lại đổ thừa, tại vì cái này, tại vì cái kia. Ông A-đam đổ thừa cho bà Ê-và; bà Ê-và đổ thừa cho con rắn. Báo The Time ngày 24/1/2000 kể chuyện một người tên là Dan White giết người chủ tịch hội đồng xã thành phố San Fransisco trong năm 1977. Ra tòa, ông đổ thừa là tại vì ông ăn nhiều cái chất ngọt, đặt biệt là ông thích ăn chocolate hiệu Hostess Twinkies, và nó làm con người ông khó chịu nên ông phải đi giết người. Năm 1991 có một người tên là Kathy Willets bị bắt hành tội mại dâm, và bà cũng đổ thừa là vì bà uống thuốc Prozac, và nó làm bà muốn đi làm nghề mại dâm, chứ đó không phải là lỗi của bà. Đây là những câu chuyện mình nghe hằng ngày. Đa-vít nói, “Đừng chối, đừng đổ thừa, nhưng thừa nhận rằng tôi đã phạm tội.”
Câu 5, “tôi đã thú tội cùng Chúa.” Chúng ta xưng tội cùng Đức Giê-hô-va, chứ không phải với một vị linh mục hay mục sư. Điều chúng ta làm trước nhất không phải là đến với một nhà tâm lý học hay một luật sư để xưng tội cùng họ, cũng không phải là đến một quán nhậu để “trút bầu tâm sự” với những người trong quán nhậu. Nói với Chúa khó hơn nói với người khác. Với người khác tôi có thể thay đổi câu chuyện, bóp méo nó một tí, nhưng khi đối diện với Chúa, mình biết là Chúa biết, và mình không nói láo với Chúa được.
Nếu mình đến với Chúa trước, mình không thể chỉ nói bằng cái miệng không. Mình không thể nào cười ha hả ha hả “Chúa ơi, con mới giết người hôm qua.” Sự xưng tội với Chúa đòi hỏi một lòng ăn năn hối cải, một sự thống hối trong đó. Đến xưng tội với Chúa, nếu mình nghe trong lòng Chúa bảo mình làm điều gì để đền bù lại tội mình làm, thì mình phải làm. Nếu Chúa bảo mình đi xưng tội với người khác, thì mình phải làm điều đó, nhưng mình xưng tội với Chúa trước. Nếu Chúa nói, “Con ơi, Ta muốn con trả lại số tiền mà con ăn cắp đó,” thì mình phải làm điều đó.
Đa-vít còn khuyến khích chúng ta xưng tội càng sớm càng tốt, không chần chờ. Câu 6, “Bởi cớ ấy phàm người nhơn đức đều cầu nguyện cùng Chúa trong khi có thể gặp Ngài. Quả thật, trong lúc có nước lụt lan ra, thì sẽ chẳng lan đến người.” Nếu chúng ta có tội mà không xưng ra, thì lần lần trái tim của chúng ta sẽ chai lì, và đến lúc nào đó chúng ta sẽ không còn thấy Chúa nữa.
Chúng ta cũng phải tình nguyện xưng tội, chớ đừng để ai bắt buộc mình “như con ngựa và con la, là vật vô tri; phải dùng hàm khớp và dây cương mới cầm chúng nó được, bằng chẳng chúng nó không đến gần ngươi” (câu 9). Xin đừng xưng tội như mấy em bé bị cha mẹ dạy, “Con phải xin lỗi; không xin lỗi thì tối nay không được xem ti-vi.”
III. Tội lỗi thứ tha
Khi tội lỗi của mình được xưng ra rồi, thì mình được tha thứ. Mình chưa xưng tội ra, nó còn ở trong lòng mình, gặm nhấm thân thể mình, đời sống tình cảm của mình, nhưng khi mình ăn năn thống hối tội của mình trước mặt Đức Chúa Trời, thì tội lỗi đó sẽ được thứ tha. Câu 5, “Chúa tha cho tôi sự gian ác của tôi.”
Câu thứ nhất, “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm của mình, được khỏa lấp tội lỗi mình, phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va được không kể là gian ác.” Đa-vít trước kia dùng ba chữ để diễn tả tội lỗi và bây giờ ông dùng ba chữ để diễn tả sự tha tội. Thứ nhất là tội lỗi chúng ta được tha, như đã được giở lên khỏi con người chúng ta. Gánh nặng không còn đè trên chúng ta nữa. Rồi tội lỗi chúng ta được khỏa lấp, được che đậy. Được che đậy bởi cái gì, thưa quý vị? Tội lỗi của chúng ta được dòng huyết của Chúa Giê-xu che phủ, và Đức Chúa Trời không còn thấy nó nữa. Và Đức Giê-hô-va không kể tội lỗi của chúng ta. Bây giờ Ngài coi tội lỗi chúng ta như không bao giờ xảy ra.
Nếu hiểu được điều đó thì chúng ta mới hiểu được câu 10, “Kẻ ác có nhiều nỗi đau đớn, nhưng người nào tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, sự nhân từ vây phủ lấy người.” Nếu đọc câu 7-8, chúng ta sẽ thấy Đa-vít diễn tả thêm cái sự nhân từ này: “Chúa là nơi ẩn nấp tôi.” Trước kia mình dấu tội lỗi của mình, đời sống thuộc linh của mình bị trắc trở, mình chạy trốn khỏi Đức Chúa Trời, không dám đến gần Ngài. Nhưng khi mình đã xưng tội mình ra rồi, thì Đức Chúa Trời là nơi ẩn nấp của tôi. Đến dưới chân của Đức Chúa Trời, tôi tìm thấy sự bảo vệ của Ngài. Chúa bảo hộ tôi khỏi sự gian truân, Chúa lấy bài hát giải cứu tôi, vây phủ tôi.
Câu thứ 8, “Ta sẽ dạy dỗ ngươi, chỉ cho ngươi con đường phải đi, mắt ta sẽ chăm chú ngươi mà khuyên dạy ngươi.” Nếu chúng ta sẵn sàng đến trước mặt Đức Chúa Trời xưng tội mình ra, Chúa sẽ dạy cho chúng ta trong bước đường tương lai, sẽ chỉ cho chúng ta cách sống đẹp lòng Ngài. Để ý là mắt Chúa dạy chúng ta. Chỉ khi quen biết nhiều chúng ta mới có thể nói chuyện với nhau bằng con mắt. Khi nhìn con mắt của người thân, con mắt đó chê trách tôi hay là có điều gì giận tôi, tôi biết. Vâng, có Kinh Thánh, có tiếng nói của Đức Thánh Linh chỉ dẫn mình, nhưng mình cũng cần có con mắt của Chúa theo dõi và hướng dẫn mình trên con đường mình đi.
Tác giả bắt đầu bằng câu thứ nhất: “Phước thay cho người nào được tha sự vi phạm của mình, được khỏa lấp tội lỗi của mình. Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác mà trong lòng không có sự gian dối.” Chữ phước ở đây mình chỉ cảm nhận được thôi chứ không diễn tả được. Thật ra trong tiếng Hê-bơ-rơ chữ phước đây là số nhiều, nói đến bao nhiêu ơn phước tràn đầy trong lòng người được sự tha tội. Phước ở đây đến từ trên cao, đem lại một sự vui vẻ bội phần nhiều hơn cái joy đến từ trong lòng mình, hay là cái happy đến từ ngoại cảnh.
Đa-vít kết luận trong câu 11, “Hỡi người công bình, hãy vui vẻ và hớn hở nơi Đức Giê-hô-va! Ớ các người có lòng ngay thẳng, hãy reo mừng!” Tôi có gặp những người cứ nhắc đến những tội lỗi mình đã phạm trước kia, mặc dầu đã xưng tội đó với Đức Chúa Trời. Ông ta không biết Thi Thiên 32 này. Một đằng Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta, một đằng khác mình cũng phải biết là Đức Chúa Trời đã tha thứ tội lỗi của mình một cách nhưng không, hoàn toàn. Chỉ khi mình biết điều đó thì mình mới có được sự nhẹ nhõm, vui vẻ. Có một con đại bàng thật lớn thường bay tít trên trời cao. Một hôm có người bắn trúng nó vì nó bay thấp. Khi đến xem, người đó mới khám phá ra rằng, có một lúc nào đó, nó bị một cái bẫy sắt sập vào chân nó. Nhưng vì to lớn, nó vẫn bay được. Dầu vậy, sợi dây sắt nặng của cái bẫy làm nó bay thấp một cách nặng nề, và bởi vậy nó mới bị người ta bắn. Đôi khi chúng ta rớt vào những cái bẫy của thế gian này, khiến chúng ta làm nhiều điều không đẹp lòng Thượng Đế, không đẹp lòng người khác, khiến chúng ta có những ý tưởng chống đối lại với Đức Chúa Trời. Nhưng mặc dầu mình đã xưng tội mình ra và đã được Chúa tha thứ, nếu không biết là Đức Chúa Trời đã tha thứ tội lỗi của mình, đời sống thuộc linh của mình vẫn bị trì trệ, không thể bay vút lên cao như Chúa muốn, như thể mình kéo theo sợi dây sắt quá khứ nặng nề trên thân thể mình.
Có hai Thi Thiên bắt đầu bằng chữ phước mà chúng ta học cho đến ngày hôm nay, đó là Thi Thiên 1 và Thi Thiên 32. Thi Thiên 1 nói về một người được phước khi tránh con đường kẻ dữ, nhưng chúng ta phải biết là mặc dầu cố gắng, chúng ta vẫn phạm tội. Thi Thiên 32 nói đến cái phước thứ hai dành cho người lỡ lầm phạm tội. Nếu chúng ta lỡ phạm tội rồi, Chúa không đẩy chúng ta qua một bên, nhưng cho chúng ta một dịp khác để nhận được phước lại: Chúng ta chỉ cần xưng tội mình ra, và ăn năn hối cải. Cám ơn Chúa.
Mục sư Đỗ Lê Minh