Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 6 | Hướng Dẫn

Bài 7

GIÁO SƯ GIẢ

II PHI-E-RƠ 1:20-2:3

 

Kính thưa quý vị, trong đoạn thứ nhất của thơ Phi-e-rơ thứ nhì, Phi-e-rơ nói là, Chúa đã ban cho chúng ta tất cả những điều thuộc về sự sống và sự tin kính. Bây giờ chúng ta chỉ cần áp dụng chúng trong đời sống chúng ta. Sau đó, trong đoạn thứ hai nói về những giáo sư giả, Phi-e-rơ không ngại ngùng gì khi dùng những chữ rất nặng nề để nói về những giáo sư giả đó. Tôi không có ý định phân tích hết đoạn thứ hai, vì một nửa đoạn diễn tả những giáo sư giả. Hôm nay chúng ta chỉ học một phần ngắn trong đoạn thứ hai, trong đó Phi-e-rơ khẳng định rất rõ ràng là đã, đang, và cũng sẽ có những giáo sư giả trong vòng chúng ta. Ông cảnh cáo chúng ta điều này, và chúng ta sẽ thấy những điều ông lo sợ không phải là vô cớ.

1:20. Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong kinh thánh lấy ý riêng giải nghĩa được.

21. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là Ngài Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.

2:1. Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có giáo sư giả trong anh em; họ sẽ truyền những đạo dối làm hại, chối Chúa đã chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình.

2. Có nhiều kẻ sẽ theo họ trong những sự buông tuồng, và đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha.

3. Họ sẽ bởi lòng tham mình, lấy lời dối trá khoét anh em; nhưng sự kêu án nghịch cùng họ đã nghị định từ lâu nay, và sự hư mất của họ chẳng ngủ.

Trong Cựu Ước, chúng ta thấy có nhiều tiên tri giả. Đó là những người tự nhận là họ có lời Chúa, tự nhận họ nằm mơ thấy Chúa dạy điều này điều kia, nhưng thật sự không đúng. Phi-e-rơ nói rõ ràng là trước kia đã có các tiên tri giả, bây giờ đang có, và trong tương lai cũng sẽ có các giáo sư giả. Chúng ta hôm nay học một vài điều trong đoạn này về những giáo sư giả đó.

I. Trong anh em

Điều thứ nhất Phi-e-rơ nói là những giáo sư giả đó ở giũa chúng ta. Đó mới là điều nguy hiểm. Có những giáo sư ở ngoài hội thánh, nói rõ ràng rằng họ không tin Chúa Giê-xu, rằng Ngài không phải là Thượng Đế. Đây là chuyện dễ. Nhưng điều khó khăn chúng ta phải đối diện là có những giáo sư giả nằm ngay trong hội thánh của chúng ta. Tôi biết là ngay trong hội thánh Việt Nam, trong vòng những người ăn uống, dự tiệc thánh, cầu nguyện, hát thánh ca chung với chúng ta, có người mà mình có thể gọi là giáo sư giả, dạy dỗ những điều sai lầm, trái với kinh thánh.

Đến hội thánh, những người giáo sư giả đó không nhận họ là giáo sư giả. Họ không đứng trước hội thánh và nói, “Tôi là giáo sư giả, tôi sẽ giảng cho anh em một bài giảng.” Kiếm mục sư, hội thánh cũng không kiếm một giáo sư giả, không đăng bảng nói, “Chúng tôi cần một giáo sư giả đến giảng dạy chúng tôi.” Dầu vậy, vẫn có những giáo sư giả trong hội thánh.

Không phải chỉ có Phi-e-rơ nói điều này. Trong sách Công Vụ các Sứ Đồ đoạn 20, từ câu 29, Phao-lồ dặn những mục sư ở Ê-phê-sô rất rõ ràng, “Tôi biết rằng sau khi tôi đi, sẽ có muôn sói dữ tợn xen vào trong vòng anh em, chẳng tiếc bầy đâu, lại giữa anh em cũng sẽ có những người nói lời hung ác dấy lên, ráng sức dỗ môn đồ theo họ.” Chúa Giê-xu diễn tả họ như “những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muôn sói hay cắn xé.” (Ma-thi-ơ 7:15)

II. Họ truyền những đạo dối

Phi-e-rơ còn nói thêm là họ đến để “truyền những đạo dối.” Nhiều khi chúng ta mời những người khác đến hội thánh, nói “Anh ơi, chị ơi, xin mời đến nghe mục sư A giảng. Ông giảng rất hay. Mình nghe say mê luôn.” Nhưng chúng ta không để ý xem những điều mục sư này có giảng đúng kinh thánh hay không.

Mấy tuần trước, khi học về căn bản tin lành, Phi-e-rơ làm chứng rằng “quyền phép và sự đến của Đức Chúa Giê-xu Christ ... chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài.” Ông không dạy những điều ông cảm nhận được, hay sự thay đổi trong đời sống của ông, hay những phép lạ ông làm. Chúng ta cũng phải như vậy. Khi chọn một hội thánh, hay đi nghe một người mục sư, xin chúng ta đừng tìm những người nói thao thao bất tuyệt, chỉ làm chúng ta cảm thấy sung sướng, thích thú.

Đặc biệt xin đừng chọn một mục sư chỉ vì ông làm phép lạ. Sau khi đã cảnh cáo trong Ma-thi-ơ đoạn 7 hãy coi chừng “những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muôn sói hay cắn xé,” Chúa Giê-xu nói tiếp, “21. Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!”

Phục Truyền Luật Lệ Ký đoạn 13 câu 1 dặn, “Nếu giữa ngươi có nổi lên một tiên tri hay là một kẻ hay chiêm bao làm cho ngươi một dấu kỳ hoặc phép lạ, nếu dấu kỳ hoặc phép lạ nầy mà người đã nói với ngươi được ứng nghiệm, và người có nói rằng: Ta hãy đi theo hầu việc các thần khác mà ngươi chẳng hề biết, thì chớ nghe lời của tiên tri hay là kẻ chiêm bao ấy, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi thử các ngươi, đặng biết các ngươi có hết lòng hết ý kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi chăng.”

1. Giảng theo ý riêng

Thế thì làm sao chúng ta nhận biết những giáo sư giả? Phi-e-rơ nói ở đây hai điều. Trong đoạn 1 câu 20, Phi-e-rơ nói, “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong kinh thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.”

Theo nguyên bản, câu 20 này có thể được dịch ra nhiều nghĩa khác nhau. Trong nghĩa thứ nhất, chữ “riêng” bổ nghĩa cho chữ “lời tiên tri;” tức là, “Không có lời tiên tri nào trong kinh thánh, mà mình có thể giải thích một cách riêng rẽ được.” Điều này có nghĩa là, muốn hiểu một câu kinh thánh, chúng ta phải hiểu trong bối cảnh, thượng hạ văn của nó. Trong nghĩa thứ hai, chữ “riêng” nói về người đọc kinh thánh; tức là, “Tự ý riêng của mình, chúng ta không thể hiểu kinh thánh được.” Tòa thánh La Mã đã dùng nghĩa thứ hai này từ lâu. Họ dạy là người tín đồ không thể hiểu được kinh thánh, nên phải có hàng giáo phẩm để giải nghĩa kinh thánh cho tín đồ. Nhưng nếu đọc thêm, chúng ta sẽ thấy là câu này không có nghĩa như vậy. Phi-e-rơ viết tiếp, “21. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là Ngài Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời.” Rõ ràng, câu 20 có nghĩa thứ ba, trong đó chữ “riêng” nói về các nhà tiên tri. Tức là, “Khi nói tiên tri, các nhà tiên tri không tự ý riêng của họ mà nói được.” Họ phải được sự trợ giúp từ Đức Thánh Linh, phải được Đức Thánh Linh cảm động.

Chữ “cảm động” là một chữ rất hay. Trong sách Công Vụ các Sứ Đồ, Phao-lồ cuối cùng bị đưa đến thành La Mã. Trên đường đi, chiếc tàu của ông gặp cơn bão lớn. Người ta phải quăng tất cả hành lý xuống biển. Sau đó chiếc tàu trôi nổi bập bềnh, chỉ để gió đưa đi thôi. Chữ “gió đưa đi” là chữ “cảm động” ở đây. Có nhiều người nghĩ lời kinh thánh được viết ra, như Chúa đọc chính tả cho người ta chép. Họ “xuất thần,” không biết gì hết. Rồi sau khi chép xong, họ giật mình, tỉnh dậy, và thấy mình đã viết một phần kinh thánh. Không, Chúa làm việc qua con người, chứ không phải qua một cái máy. Đọc kinh thánh, chúng ta thấy bài viết của Phao-lồ khác với bài viết của Giăng, hay của Phi-e-rơ. Mỗi người có một đặc tính riêng, hoàn cảnh riêng. Nhưng dầu bài viết của mỗi người phản ảnh cá tính riêng của họ, tất cả đều được Chúa hướng dẫn, cảm động mà viết.

Đây là sự hợp tác giữa con người và Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh là nguồn gió đưa họ đi, nhưng nếu những tác giả trong kinh thánh không giăng buồm thuộc linh của họ lên, thì họ cũng không viết được điều mà Chúa muốn họ viết. Nếu họ giăng buồm thuộc linh lên, mà Đức Thánh Linh không thổi, thì họ cũng không biết được điều họ muốn biết. Những người tiên tri giả không có sự hợp tác đó. Sau khi mời chúng ta xuống thuyền của họ, thay vì họ giăng buồm thuộc linh lên để được Đức Thánh Linh đưa đi, họ tự chèo lấy, giảng dạy bày theo ý riêng của mình, nói đây là lời của Chúa.

Phi-e-rơ nói trước kia có các tiên tri giả, tức là những người dạy những thần học “mới.” Trong khoa học, có ý mới là điều đáng khen, nhưng trong thần học chúng ta phải coi chừng. Cuốn kinh thánh được viết ra bởi nhiều người, qua bao nhiêu thời đại, và nền thần học của chúng ta không phải chỉ đến hôm qua. Nó đã được hoàn thành gần 2 ngàn năm, và không có gì mới để thêm vào cuốn kinh thánh này. Trong lịch sử hội thánh, có bao nhiêu người đưa ra những ý mới, nhưng chỉ là tà đạo, và cuối cùng không tồn tại. Thành ra, chúng ta phải đề phòng những ai đến hội thánh, và nói là họ vừa nhận được một lời tiên tri, lời dạy dỗ mới từ Đức Thánh Linh, và muốn dạy dỗ chúng ta điều mới lạ này.

Phi-e-rơ nói trước kia có các tiên tri giả, giờ đây “có giáo sư giả.” Đó là nhưng người không nhận mình có những gì mới, nhưng bóp méo kinh thánh và diễn dịch kinh thánh theo ý của mình. Có người đứng lên giảng bắt đầu bằng một câu kinh thánh, nhưng đó chỉ để “làm kiểng,” để bắt đầu thôi. Sau đó, họ đi vòng vòng, dùng hết từ tâm lý học đến những sự khôn ngoan ngoài đời để dạy dỗ, đến nỗi mình không nhớ là họ bắt đầu bằng câu kinh thánh nào nữa. Đó là những người nguy hiểm hơn, vì nhận biết được một người bóp méo kinh thánh khó hơn là nhận biết được một người dạy những điều ngoài kinh thánh. Chúng ta phải đề phòng.

2. Chối Chúa đã chuộc mình

Những người bóp méo, giải thích kinh thánh theo ý riêng thường “chối Chúa đã chuộc mình” (câu 2:1). Họ nói đến Chúa Giê-xu, nhưng khi chúng ta hỏi họ Chúa Giê-xu có phải là Thượng Đế hay không, họ nói Ngài chỉ là một vị thầy, hay một người được “siêu thoát” thôi. Có người nghi ngờ Chúa là con người thực sự. Có người coi sự Chúa chết như là một ví dụ của một người thầy, người tử đạo. Có người nghi ngờ Chúa đã thật sự sống lại. Và có người nghi ngờ sự trở lại của Ngài. Đặc biệt có người nghi ngờ sự cứu chuộc của Chúa. Có một mục sư Việt Nam nói với tôi là ông ta tin rằng chúng ta không cần tin vào Chúa Giê-xu để được sự cứu rỗi. Ông không tin rằng dòng huyết của Chúa trên thập tự giá là con đường độc nhất để đưa chúng ta lên thiên đàng. Đối với ông, ai cũng được cứu hết, kể cả những phật tử thành tâm. Vị giáo sư giả này coi thường câu nói của Chúa Giê-xu, “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.” (Giăng 14:6)

3. Làm hại

Nói đến những giáo sư giả, Phi-e-rơ nói thêm “đạo thật vì cớ họ sẽ bị gièm pha.” (Câu 2) Bây giờ chúng ta hỏi lại là, “Nếu không tin Chúa Giê-xu là Chúa cứu thế, tại sao những giáo sư giả lại len lỏi vào hội thánh?” Họ phải có một ý đồ nào đó; nếu không, họ đã đứng ngoài hội thánh rồi. Như thế, họ không thể nào là những người thật sự có đời sống đạo đức. Đến một ngày nào đó, sự thật xấu xa trong họ bị lộ ra, và đạo Chúa sẽ bị gièm pha. Không phân biệt được những giáo sư thật và giả, người ta nói, “Thấy ông này không? Ông là mục sư, giáo sư trong hội thánh, mà lại làm như thế này, thế kia.” Họ chê cười, nhạo báng hội thánh của Chúa.

Chúng ta sống trong xã hội không có cảm tình nhiều với tin lành. Có rất nhiều người, nhiều tổ chức lớn, chỉ chờ những người giáo sư giả trong hội thánh phạm một lỗi lầm gì đó, để nhạo báng đạo của Chúa. Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện về những mục sư nổi tiếng phạm tội tà dâm, mà báo chí nói tới, nói lui từ tháng này qua tháng kia. Những giáo sư giả này càng tạo thêm dịp tiện cho những người chống Chúa bêu xấu Ngài.

Phi-e-rơ dùng chữ là “làm hại.” Trong nguyên ngữ Hy Lạp, chữ này có nghĩa là làm hại cho đến đời đời. Sự khác nhau giữa người được cứu và người không được cứu là niềm tin vào sự cứu rỗi của Chúa Giê-xu mà thôi. Vì thế, nếu bị các giáo sư giả dẫn dắt vào con đường lầm lạc, chúng ta có thể không có niềm tin vào Chúa Giê-xu, và không được sự cứu rỗi đời đời.

Đây là những lời cảnh cáo rất nặng nề, làm chúng ta phải lo sợ. Thế thì chúng ta phải làm gì để đối phó với những giáo sư giả? Điều quan trọng mỗi người chúng ta có thể làm được là thông biết kinh thánh. Nếu coi thường, không học kinh thánh để có một căn bản vững vàng, chúng ta sẽ dễ bị các giáo sư giả đưa vào con đường lầm lạc. Tôi kêu gọi mỗi người chúng ta phải học kinh thánh.

Tôi không nói là tôi biết hết kinh thánh. Thật ra, tôi chỉ mới ra trường, mới chập chững hầu việc Chúa, và có rất nhiều điều tôi cần phải học. Nếu tôi giảng điều gì sai lầm, tôi xin quý vị trong tình yêu thương chỉ dạy tôi. “Mục sư Minh ơi, ông nói điều này sai rồi, vì kinh thánh có nói...” Khi được quý vị sửa như vậy, tôi phải chấp nhận trong sự khiêm nhường. Nếu cần, tôi phải đứng trước hội thánh để sửa lại những điều tôi đã giảng sai lầm trước kia. Nhưng nếu sau khi quý vị dùng kinh thánh giải nghĩa cho tôi, mà tôi vẫn còn ngoan cố, quý vị có thể bảo tôi đi chỗ khác, vì hội thánh này là hội thánh tuân theo lời dạy trong kinh thánh, và chỉ học những điều được dạy dỗ trong kinh thánh mà thôi. Xin chúng ta luôn ghi nhớ những điều dạy trong sách Giăng thứ nhất, đoạn 4 câu 1, “Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ tin cậy mọi thần, nhưng hãy thử cho biết các thần có phải đến bởi Đức Chúa Trời chăng; vì có nhiều tiên tri giả đã hiện ra trong thiên hạ.”

Đó là thái độ chín chắn của mỗi tín đồ trong hội thánh. Xin đừng thụ động, nhận lấy tất cả những gì mà người giáo sư giảng cho mình, nhưng hãy nghe chúng với một thái độ trung thực, phải chuẩn bị cho mình một căn bản vững vàng trong kinh thánh, để nhận biết những lời giảng sai lầm. Nếu mỗi người trong hội thánh chúng ta làm được điều này, hội thánh chúng ta sẽ đứng vững trong Chúa, và Chúa sẽ tiếp tục ban phước lành cho chúng ta.

Mục Sư Đỗ Lê Minh