Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 6 | Hướng Dẫn
THI-THIÊN 37:1-11
(BÀI GIẢNG NHÂN ĐẦU NĂM 2006)
Đầu năm, người ta thường chúc nhau vinh gia phú quý, “đầu năm sanh con trai, cuối năm sanh con gái...” Tôi cũng xin chúc quý vị được “đất” làm sản nghiệp, và được sự bình yên trong tâm hồn. Nhân tiện hôm nay chúng ta học Thi Thiên 37, tôi cũng xin chia xẻ với quý vị những bí quyết để, không những chỉ chúc nhau suông, chúng ta biết được những bí quyết để có thể kiếm được đất và sự bình an.
Tôi chỉ đọc Thi Thiên 37 từ câu 1 tới câu 11 mà thôi:
1. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ, cũng đừng ghen tị kẻ tập tành sự gian ác.
2. Vì chẳng bao lâu chúng nó sẽ bị phát như cỏ, và phải héo như cỏ tươi xanh.
3. Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành; Khá ở trong xứ, và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài.
4. Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước.
5. Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.
6. Ngài sẽ khiến công bình ngươi lộ ra như ánh sáng, và tỏ ra lý đoán ngươi như chánh ngọ.
7. Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may mắn trong con đường mình, hoặc vì cớ người làm thành những mưu ác.
8. Hãy dẹp sự giận, và bỏ sự giận hoảng; Chớ phiền lòng, vì điều đó chỉ gây ra việc ác.
9. Vì những kẻ làm ác sẽ bị diệt; Còn kẻ nào trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ nghiệp.
10. Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem xét chỗ hắn, thật không còn nữa.
11. Song người hiền từ sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp, và được khoái lạc về bình yên dư dật.
Đây là Thi Thiên do vua Đa-vít viết khi ông lớn tuổi. Sau khi đã trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, học được nhiều bài học, ông ghi lại Thi Thiên này.
Thi Thiên này thật ra được viết theo những mẫu chữ cái, tức là câu 1 bắt đầu bằng chữ A trong tiếng Hê-bơ-rơ, câu 3 chữ B, và cứ tiếp tục cho đến hết. Bị gò bó trong thể văn như vậy, ý tưởng của Thi Thiên này có vẻ không được mạch lạc cho lắm. Dầu vậy, chúng ta cũng học được nhiều bài học trong đó, đặc biệt là trong 11 câu đầu.
Trong 11 câu đầu Đa-vít trả lời những câu hỏi mà mỗi người chúng ta thường suy nghĩ: “Tại sao có những người sống ngạo nghễ, bất cần Thượng Đế, lại sung sướng, có tiền bạc, danh vọng? Còn chúng ta, là những người luôn cố gắng đi theo con đường của Chúa, sống đẹp lòng Ngài, lại gặp thất bại, hay bị người khác áp bức?”
Trả lời câu hỏi này, Đa-vít cho chúng ta những bí quyết để có được sự bình yên thật sự, chứ không phải sự bình yên tạm bợ, dựa vào vật chất trên đời.
I. Chớ phiền lòng, uất ức
Khi nhìn thấy người khác thịnh vượng, mặc dầu họ coi thường Thượng Đế, Đa-vít dạy chúng ta bí quyết đầu tiên, đó là đừng nhìn họ mà đâm ra phiền lòng. Câu 1, “Chớ phiền lòng vì cớ kẻ làm dữ, cũng đừng ghen tỵ kẻ tập tành sự gian ác.” Thật ra, chữ phiền lòng mình dịch ở đây nhẹ nhàng lắm, bản dịch Công Giáo dịch là uất ức. Mình giận dữ và muốn làm một cái gì, chẳng hạn như trả thù. Ông lập lại trong câu 8, “Hãy dẹp sự giận, bỏ sự giận hoãn.” Nếu nhìn người ác và thấy ghen tức về sự thành công của họ, thì dần dần mình cũng bắt chước họ, nghĩ nếu làm giống như họ thì mình cũng sẽ thành công như họ. Điều này chỉ đưa đến việc ác, không làm đẹp lòng Đức Chúa Trời mà thôi.
II. Nhưng hãy...
1. tin cậy Đức Giê-hô-va
Không những Đa-vít dạy chúng ta đừng nhìn người ác và thấy ghen tức, nhưng tích cực hơn, Đa-vít dạy chúng ta hãy nhìn lên Đức Chúa Trời. Câu 3, “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va và làm điều lành. Khá nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài.” Đa-vít nhắc đến sự thành tín của Chúa ở điểm là Chúa hứa điều gì thì Ngài sẽ làm điều đó.
Tin cậy ở đây trước hết là tin cậy vào tương lai. Chúa đã hứa trong Kinh Thánh là một ngày nào đó những người biết tin cậy vào Chúa Giê-xu sẽ được đất, như chúng ta đọc hồi nãy trong Ma-thi-ơ đoạn 5 câu 5, và chúng ta tin cậy vào lời hứa đó. Mặc dầu trên thế gian này chúng ta có nghèo đói đi nữa, chúng ta biết là có một mảnh đất dành cho chúng ta trên thiên đàng, và Chúa Giê-xu đã đi lên đó trước để chuẩn bị cho chúng ta một cái nhà trên đất đó.
Xin chúng ta đừng tin cậy vào những điều vật chất nữa; đừng nhìn xe hơi, nhà lầu, và đặt niềm tin vào đó. Nó chỉ là tạm bợ và sẽ qua đi. Nhưng xin hãy đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời, vào lời hứa của Ngài là một ngày nào đó chúng ta sẽ về với Ngài, và nhận được đất trên thiên đàng.
Không những chỉ đặt niềm tin vào tương lai không, chúng ta cũng phải biết đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời trong hiện tại nữa, ở điểm là tin vào lời hứa của Ngài là Ngài sẽ cung cấp cho chúng ta tất cả mọi nhu cầu cần thiết cho đời sống chúng ta trong ngày hôm nay. Vâng, có thể chúng ta không có dư thừa xa xỉ phẩm, nhưng Chúa sẽ không để chúng ta bị đói kém, và chúng ta đặt niền tin vào điều đó.
Không những chỉ tin vào tương lai (thấy Ngài đã chuẩn bị cho chúng ta nhà trên thiên đàng) và trong hiện tại (thấy Ngài đang thỏa mãn những nhu cầu hằng ngày của chúng ta), nhưng chúng ta cũng đặt niềm tin vào quá khứ nữa, thấy Ngài đã chết cho chúng ta, để bôi xóa tất cả những tội lỗi của chúng ta. Thật ra, chúng ta phải tin điều này, trước khi có được niềm tin vào tương lai, hay trong hiện tại. Chúng ta phải biết là Chúa yêu thương chúng ta, đã chết cho chúng ta trên thập tự giá, để ngày nay mình được cứu. Phải tin vào hành động đó của Ngài trong quá khứ, chúng ta mới tin rằng hôm nay Ngài đang cung cấp cho chúng ta mọi nhu cầu, và trong tương lai chúng ta sẽ lên thiên đàng với Ngài.
2. làm điều lành
Sau khi chúng ta đã có sự tin cậy đó rồi, tác giả Đa-vít mới nói là chúng ta phải làm điều lành. “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va, và làm điều lành.” Để ý, cái thứ tự ở đây rất quan trọng: chúng ta tin trước, và làm điều lành sau. Mình không thể nào làm điều lành trước, như kiếm công quả để Chúa phải trả nợ cho mình. Không, điều lành đến sau khi mình đặt niềm tin vào việc làm của Chúa trong quá khứ, tức là việc Ngài đã chết cho chúng ta. Nếu chúng ta không có niềm tin vào dòng huyết cứu rỗi của Chúa, những việc làm của chúng ta vô ích. Kinh Thánh không bao giờ khuyến khích chúng ta làm việc lành mà không có niềm tin trước. Nhưng, như Gia-cơ nói, khi đã có niềm tin vào Chúa Giê-xu, niềm tin của chúng ta phải được thể hiện trong việc lành. Có niềm tin của Chúa, tự nhiên mình muốn làm cái gì cho Chúa, cho người khác.
Đó là cái bí quyết mà Đa-vít nói ở đây: Để khỏi bị phiền lòng vì người khác thịnh vượng, chúng ta không nhìn họ, nhưng nhìn lên Chúa, đặt lòng tin cậy vào Ngài, vào quyền năng, sự khôn ngoan, và sự tốt lành của Ngài. Nhìn lên Chúa, mình bắt đầu phục vụ người khác, hơn là mong đợi người khác làm cái gì cho mình. Và khi mình làm một cái gì cho Chúa hay cho người khác, thì mình quên những khó khăn, oan ức trong đời sống của mình.
3. phó thác cho Đức Giê-hô-va
Trong khó khăn mình tin cậy, nhưng tin cậy không đủ. Tin cậy là ở trong tri thức, bằng cái đầu, chưa được thể hiện ra bằng hành động của mình. Hành động đây là sự phó thác. Đa-vít nói trong câu 5, “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va, và nhờ cậy nơi Ngài, thì Ngài sẽ làm thành việc ấy.” Chữ “đường lối” có thể dịch là đời sống. Đừng lo lắng nữa, đừng đi theo ý mình nữa, nhưng hãy phó thác, giao phó đời sống của mình cho Đức Giê-hô-va. Có một ông nọ đi trên đường, vác một bao nặng trên vai. Có một người lái xe dừng lại và nói, “Lên đây tôi đưa ông đi.” Ông lắc đầu. Tại sao ông không chịu lên xe? Vì ông không tin người lái xe đó. Người khác đến, mời ông lên xe thì ông lên. Tại sao ông lên? Vì ông tin người đó. Lên xe, ông ngồi đằng sau. Một lúc sau, người lái xe nhìn lại thấy ông vẫn còn vác cái bao trên vai. “Tại sao anh không bỏ cái bao xuống cho đỡ nặng?” Ông trả lời, “Tôi thấy anh tốt với tôi quá, đã chở tôi đi, thành tôi sợ bỏ cái bao này xuống làm nặng thêm cho anh.” Ông có sự tin cậy, nhưng không có sự phó thác. Mình phải biết là Đức Chúa Trời có quyền năng, và khi mình phó thác những khó khăn của mình cho Đức Chúa Trời, nó không làm cho Ngài nặng nề thêm, nhưng chỉ làm cho mình khỏe thêm mà thôi.
Chữ “phó thác” ở đây có thể được dịch như là đá banh lông, hay tống khứ qua Đức Chúa Trời những khó khăn của mình. Mình có làm được điều đó hay không? Những khó khăn của mình, những thiếu thốn của mình, mình có hoàn toàn giao cho Đức Chúa Trời để Ngài lo liệu hay không? Mình có để cái bao mình đeo nãy giờ xuống chiếc xe của Đức Chúa Trời hay không, hay là mình vẫn còn cứ đeo nó trên vai? Đối diện với những khó khăn trong đời sống, mình phải biết tin cậy nơi Chúa, trao phó những khó khăn mình cho Chúa.
4. tìm khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va
Tác giả còn nói ở đây một bí quyết khác nữa là chúng ta hãy thụ hưởng Đức Chúa Trời. Câu 4, “Cũng hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va.” Chúng ta nghe giảng nhiều về việc kính sợ, yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng ít nghe nói đến sự khoái lạc nơi Ngài, thụ hưởng Ngài. Nhưng đây là điều rất là quan trọng mà chúng ta phải biết. Thật ra, trong những lời tuyên xưng đức tin, người xưa có dạy là mục đích chính của con người là hai điều: thứ nhất là làm sáng danh Chúa, thứ hai là thụ hưởng Ngài (to glorify God and to enjoy Him). Giữa những khó khăn, chúng ta biết nhìn lên và tin cậy vào Đức Chúa Trời; được những điều tốt lành, chúng ta cám ơn Ngài, và thụ hưởng chúng.
Chúng ta có thể nghèo, nhưng khi nhìn vạn vật, nhìn những cảnh thiên nhiên, chúng ta cám ơn Chúa về bàn tay nhiệm mầu của Ngài đã tạo dựng chúng, để chúng ta thụ hưởng. Có thể chúng ta không có tiền bạc danh vọng, nhưng chúng ta cám ơn Chúa khi thấy gia đình mình hạnh phúc. Chúng ta cũng phải thụ hưởng và cám ơn Chúa về sự bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Khi đến với Thượng Đế trong sự cầu nguyện, xin đừng coi đây là một điều mình phải làm, nhưng hãy thụ hưởng những giây phút bên Chúa đó. Ngay cả trong khi hầu việc Chúa cũng vậy, mình không hầu việc Chúa một cách miễn cưỡng. Tôi thấy hầu việc Chúa là một vinh hạnh lớn nhất Chúa cho tôi, và tôi thụ hưởng điều đó. Không bao giờ tôi nói là tôi hy sinh hầu việc Chúa, vì tôi thấy Chúa ban cho tôi một ân huệ lớn là được hầu việc Ngài, và tôi thụ hưởng điều đó.
Nếu chúng ta biết tìm sự khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va, thì Đa-vít nói thêm, “Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước.” Trước kia tôi hàm ý là đừng có ao ước gì hết, mà bây giờ Đa-vít lại nói cứ ao ước đi, rồi Chúa sẽ ban cho. Đây có phải là sự mâu thuẫn hay không? Thưa không, vì nếu chúng ta biết tin cậy vào Đức Chúa Trời, và biết thụ hưởng Ngài, thì sự ao ước của chúng ta sẽ thay đổi. Khi chúng ta bước đi với Chúa, Ngài sẽ đổi cái nhìn và sự ao ước của chúng ta. Chúng ta sẽ không còn ao ước cái nhà hay chiếc xe đẹp nữa, nhưng sau khi đã nếm được sự ngọt ngào của Chúa, thấy được sự bình an trong Chúa rồi, thì chúng ta càng ao ước có được những điều đó nhiều hơn. Và Chúa sẽ ban cho chúng ta điều lòng mình ao ước đó.
5. yên tịnh và chờ đợi
Quan trọng hơn là câu 7, “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va và chờ đợi Ngài.” Khi nhìn những người xung quanh, và thấy họ sống phè phỡn như vậy, trong khi mình không có gì hết, đôi khi mình uất ức như tôi nói khi nãy. Và nếu không uất ức thì mình quỳ xuống cầu nguyện, giao phó cho Chúa. Đây là điều mà mỗi người chúng ta có thể làm được. Nhưng đôi khi, sau khi cầu nguyện, và thấy Chúa không trả lời tức thì, mình càng thêm uất ức, phàn nàn. Dễ lắm để chúng ta cầu nguyện, nhưng khó hơn là chúng ta biết chờ đợi Ngài.
Chúng ta phải biết là, mặc dầu chúng ta cầu nguyện với Chúa, Ngài không bị bắt buộc phải trả lời tức khắc. Vâng, có những trường hợp Chúa trả lời cho chúng ta tức khắc. Có những cơn bệnh Chúa chữa lành tức khắc; có những lúc mình thất nghiệp Chúa cho mình việc làm khác tức khắc. Nhưng cũng có lúc Chúa muốn chúng ta chờ đợi. Có thể trong chương trình của Ngài, một lúc nào đó trong tương lai, Ngài sẽ trả lời cho chúng ta. Nhưng cũng có lúc Ngài muốn chúng ta chờ đợi để thay đổi chúng ta nữa. Khi chờ đợi, chúng ta có thể lần lần thấy rằng những gánh nặng uất ức của chúng ta quả thật không phải là gánh nặng uất ức, và chúng ta mới buộc miệng nói một câu như Phao-lồ, là ơn điển Ngài ban cho chúng ta là qua đủ rồi.
Chúa nói hãy chờ, và chờ đợi trong sự yên tịnh trước mặt Ngài. Có thể mình biết đến cầu nguyện với Chúa, nhưng trong khi cầu nguyện mình cứ nói liên miên, lảm nhảm với Chúa, mà không có sự yên tịnh để nghe Chúa nói. Nếu có hai vợ chồng mà bà vợ hay ông chồng cứ lải nhải suốt ngày, thì cũng không thua gì hai người không nói chuyện với nhau. Đặc biệt là khi chúng ta cầu nguyện trước công chúng, nhiều khi mình nói chỉ để người khác nghe, để họ thấy sao mình cầu nguyện suôn sẻ quá! Rồi khi mình biết cầu nguyện chỉ để Chúa nghe mà thôi, thì mình chỉ muốn Chúa nghe mà không muốn nghe Chúa. Khi cầu nguyện, người Quaker ngồi im lặng để nghe Chúa. Trong lúc cầu nguyện, chúng ta phải im lặng để nghe được tiếng nhỏ nhẹ của Ngài, như khi Ngài nói với tiên tri Ê-li-sê. Trong sự yên tịnh, chúng ta mới nghe được ý muốn của Chúa, biết Chúa muốn chúng ta làm cái gì, thay đổi cái gì. Chúng ta phải có sự chờ đợi, có sự yên tịnh lắng dịu trong tâm hồn, để nghe Chúa nói, hơn là chỉ để nói với Chúa.
III. Sẽ được
1. đất
Đó là những bí quyết mà Đa-vít cho chúng ta khi chúng ta đối diện với những bất công trên xã hội này, hay khi đối diện với những người làm hại chúng ta. Và tôi tin chắc nếu chúng ta làm được điều đó, chúng ta sẽ có “đất” cũng như là Đa-vít hứa ở đây, “Còn kẻ nào trông đợi Đức Giê-hô-va sẽ được đất làm cơ nghiệp.” Đất ở đây không phải là đất ở Los Angeles, mà là đất ở trên thiên đàng. Khi chúng ta có thể làm được những điều này, thì niềm tin của chúng ta vững vàng hơn. Mặc dầu có gì xảy ra đi nữa, chúng ta cũng đứng vững, vì chúng ta có sự trông cậy nơi Đức Giê-hô-va, có sự thụ hưởng Đức Giê-hô-va rất ngọt ngào. Chúng ta cũng sẽ đứng vững trong Chúa cho đến ngày cuối cùng. Khi Chúa trở lại, chúng ta không những sẽ được đất, lại còn được cái nhà trên thiên đàng nữa, như Chúa đã hứa rằng Ngài đã đi sắm sẵn một chỗ cho chúng ta.
Tôi không muốn chúc quý vị có đất ở trên thế gian này, mặc dầu có đất trên thế gian này thì cũng tốt thôi. Nhưng đầu năm, xin chúng ta hãy khuyến khích, dạy dỗ lẫn nhau, để chúng ta có đất trên thiên đàng.
2. bình yên dư dật
Cũng vậy, nếu làm theo điều Đa-vít dạy, chúng ta sẽ có sự bình an. Câu 11, “Song người hiền từ sẽ nhận được đất làm cơ nghiệp, và được khoái lạc về bình yên dư dật.” Chữ “bình an” ở đây là chữ Shalom. Gặp nhau, người Do Thái chào Shalom. Và Shalom có ý nghĩa của sự bình an tràn đầy, trọn vẹn, chứ không phải là sự bình an tạm bợ bên ngoài.
Và nếu muốn chúc cho nhau trong năm mới có được Shalom này, xin chúng ta cũng cần phải nhắc nhở nhau những điều mà Đa-vít dạy ở đây. Xin chúng ta ôn lại xem Đa-vít dạy chúng ta những gì. Nhìn xung quanh, chúng ta sẽ thấy có những sự bất công, có người không tin Chúa nhưng được sự thịnh vượng phời phỡn. Đôi khi chúng ta đâm ra ghen tỵ, uất ức. Đa-vít dặn đừng làm những điều đó, đừng nhìn con người, nhưng hãy nhìn Đức Chúa Trời. Cho tôi đọc lại,
câu 3, “Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va;”
câu 4, “Hãy khoái lạc nơi Đức Giê-hô-va;”
câu 5, “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va;” và
câu 7, “Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va và chờ đợi Ngài.”
Quý vị thấy, mình không nhìn người khác nữa, nhưng nhìn lên Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va là đối tượng của mình. Mình tập trung tư tưởng vào Đức Giê-hô-va. Trong những điều tốt lành chúng ta cám ơn Chúa, và thụ hưởng chúng; trong những điều thiếu thốn, những nghịch cảnh, chúng ta phó thác vào Đức Giê-hô-va, “đá banh lông” qua cho Ngài, tin cậy là Ngài sẽ giải quyết những vấn đề đó cho chúng ta, và quan trọng hơn hết là phải chờ đợi và im lặng để nghe Đức Giê-hô-va nói gì với mình.
Nếu làm được những điều đó, chúng ta sẽ được đất ở trên thiên đàng, và sẽ được Shalom trên đất.
Mục sư Đỗ Lê Minh