Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 7 | Hướng Dẫn

Bài 8

MỘT BÀI HÁT MỚI

THI-THIÊN 40:1-10

 

Kính thưa quý vị, hôm nay là 8 tây tháng giêng, và tôi không biết phải chúc quý vị năm mới hay năm cũ. Một đằng chúng ta vừa có năm mới dương lịch, nhưng đằng khác chúng ta cũng phải đợi hai, ba tuần nữa mới đến năm mới âm lịch. Chúng ta cũng giống như Hội Thánh của Chúa Giê-xu ngày hôm nay. Có hai sự đến thế gian của Ngài: Chúa đến khoảng 2 ngàn năm về trước, và Ngài cũng sẽ trở lại trong tương lai. Ở giữa hai sự đến đó, một phần mình ăn mừng chuyện Chúa đã đến thế gian, nhưng phần khác mình cũng trông chờ ngày Chúa đến lần thứ hai.

Nhưng thôi, hôm nay mình coi như là năm mới và tôi muốn gởi đến quý vị một bài hát mới. Điều này có hai nghĩa. Hôm qua tôi có viết một bài hát mới, có tựa đề là “Một Bài Hát Mới,” và chúng ta sẽ hát sau bài giảng, vì bài hát này dựa theo bài giảng ngày hôm nay, tức là theo Thi Thiên 40. Nhưng “bài hát mới” cũng có ý nghĩa khác, đó là mỗi người tín đồ chúng ta khi tin Chúa phải có một bài hát mới trong tâm hồn, và chúng ta phải hát vang bài hát đó.

Hôm nay tôi muốn chia xẻ với quý vị Thi Thiên 40, từ câu 1 đến câu 10 thôi. Cũng như rất nhiều Thi Thiên khác, Thi Thiên 40 này được biết bởi vua Đa-vít. Lời ông viết có thể áp dụng trong ba trường hợp khác nhau: thứ nhất là cho cá nhân của ông; thứ hai là cho Chúa Giê-xu (Hê-bơ-rơ đoạn 10 câu 5-6 trích Thi Thiên này như là lời của Chúa Giê-xu); và thứ ba là cho mỗi cá nhân chúng ta. Hôm nay chúng ta chỉ nhìn Thi Thiên này như những điều xảy ra trong đời sống mình mà thôi. Phân tích đoạn văn này, chúng ta sẽ thấy là mỗi người tín đồ chúng ta đều đi qua 3 giai đoạn: giai đoạn trước khi mình tin Chúa (Mình làm gì?), giai đoạn khi mình tin Chúa (Chúa làm gì?), và giai đoạn sau khi mình đã tin Chúa (Mình làm gì?).

Xin quý vị để ý 3 giai đoạn đó trong lúc tôi đọc từ câu 1 tới câu 10:

1. Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giê-hô-va, Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cầu của tôi.

2. Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm; Ngài đặt chơn tôi trên hòn đá, và làm cho bước tôi vững bền.

3. Ngài để nơi miệng tôi một bài hát mới, tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời chúng tôi. Lắm người sẽ thấy điều đó, bắt sợ, và nhờ cậy nơi Đức Giê-hô-va.

4. Phước cho người nào để lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chẳng nể vì kẻ kiêu ngạo, hoặc kẻ xây theo sự dối trá!

5. Hỡi Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời tôi, công việc lạ lùng Chúa đã làm, và những tư tưởng của Chúa hướng cùng chúng tôi, thật là nhiều, không thể sắp đặt trước mặt Chúa; Nếu tôi muốn truyền các việc ấy ra, và nói đến, thật lấy làm nhiều quá không đếm được.

6. Chúa không thích đẹp hy sinh hoặc của lễ chay: Chúa đã xỏ tai tôi. Chúa không có đòi của lễ thiêu hay là của lễ chuộc tội.

7. Bấy giờ tôi nói: Nầy tôi đến; Trong quyển sách đã có chép về tôi;

8. Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa, Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi.

9. Trong hội lớn tôi đã truyền tin vui về sự công bình; Kìa, tôi chẳng có ngậm miệng lại, Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài biết điều đó.

10. Tôi chẳng giấu sự công bình Chúa ở nơi lòng tôi; Tôi đã truyền ra sự thành tín và sự cứu rỗi của Chúa; Tôi nào có giấu hội lớn sự nhơn từ và sự chơn thật của Chúa.

I. Từ hầm gớm ghê

1. Tôi biết

Như tôi đã nói, chúng ta sẽ thấy trong đoạn văn này ba giai đoạn trong đời sống của một người có một bài hát mới. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu khi mình biết rằng mình đang sống trong một nơi mà Đa-vít gọi là một hầm gớm ghê, hay một vũng bùn lấm. Câu thứ nhất: “Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm.” Hãy tưởng tượng một hố sâu, và chúng ta rớt vào trong đó. Đó là tình trạng của con người chúng ta. Đây có thể nói đến trường hợp của những người chưa biết Chúa, sanh ra trong sự tăm tối, không biết Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Giê-xu. Họ đã sanh ra trong một vũng bùn gớm ghê, và không thể nào tự mình giải thoát được. Nhưng câu này cũng có thể nói đến những người tín đồ đã có lần tin nhận Chúa Giê-xu rồi, đã được sự cứu rỗi rồi, nhưng, bị giam hãm trong xác thịt này, mỗi người chúng ta đều phạm tội, đều có những tội lỗi kín giấu, những suy nghĩ không đẹp lòng Chúa. Nhiều khi thấy người ta chơi bùn với nhau, mình đến xem thôi. Nhưng đến chừng có người nào ném cho mình một đống bùn, mình cảm thấy vui, thành ra mình nhào lần lần vào dưới bùn đó luôn. Đó là tình trạng của nhiều người tín đồ chúng ta. Mặc dầu đã tin Chúa, chúng ta vẫn bị lôi kéo lần lần vào trong vũng bùn tội lỗi.

Điều quan trọng là, để được cứu, trước tiên chúng ta phải ý thức là mình đang ở trong bùn lầy. Mình phải biết sự bất năng, tuyệt vọng của mình. Nếu không biết, thì càng ngày mình càng lún sâu vào bùn lấm mà thôi. Càng dùng khả năng của mình để thoát khỏi vũng bùn chừng nào, càng vùng vẫy bao nhiêu, thì mình lại càng lún sâu vào đó bấy nhiêu mà thôi.

2. Tôi kêu cầu

Sau khi ý thức được hoàn cảnh tuyệt vọng của mình, điều kế tiếp mình phải làm là kêu cầu lên Chúa, cũng như là Đa-vít nói trong câu thứ nhất, “Ngài nghiêng qua nghe tiếng kêu cầu của tôi.” Kêu cầu lên Chúa, chứ không phải lên người khác. Tôi muốn nói thêm là nếu bị bệnh, tôi cầu nguyện, nhưng vẫn đi bác sĩ; nếu gặp khó khăn trong đời sống tình cảm, tôi cầu nguyện, nhưng vẫn đi gặp những nhà tâm lý học. Không phải vì tôi đã cầu nguyện rồi, tôi để Chúa làm một mình, và không làm gì khác. Thưa không, nhưng điều quan trọng là khi đi bác sĩ, mình không coi bác sĩ như Thượng Đế, là đấng cầm vận mạng của mình, nhưng chỉ như một phương tiện mà Thượng Đế dùng để chữa bệnh cho mình.

3. Tôi trông đợi

Điều thứ ba mà Đa-vít nói ở đây là trong câu 1, “Tôi nhịn nhục trông đợi Đức Giê-hô-va.” Ông nói đến người tín đồ phạm tội, và cũng có thể nói đến trường hợp mình cầu nguyện cho người khác để họ thoát khỏi vũng lầy của họ nữa. Tôi thường nói là mình không thể bắt buộc Đức Chúa Trời làm cái gì cho mình hết, dầu mình có cầu nguyện khẩn thiết bao nhiêu đi nữa. Đức Chúa Trời sẽ trả lời sự cầu nguyện của chúng ta theo chương trình của Ngài. Vâng, mặc dầu Ngài hứa là Ngài sẽ cho những người tìm kiếm Ngài thấy Ngài, nhưng ngài không hứa rằng họ sẽ thấy Ngài tức thì. Tôi biết có người kiên nhẫn cầu nguyện cho người thân của mình tin Chúa từ năm này qua năm kia. Trong sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, và trong chương trình của Ngài, Ngài sẽ cho họ biết Ngài trong đúng thời điểm mà Ngài đã định.

Chờ đợi ở đây cũng không có nghĩa là nói, “Con cầu nguyện dâng Chúa rồi thì Chúa muốn làm gì thì làm, con đi làm việc khác.” Chờ đợi ở đây nói đến sự kiên nhẫn, luôn luôn ngóng chờ Đức Chúa Trời trả lời.

Quý vị thấy, điều quan trọng của một người ở trong vũng lầy tăm tối là thứ nhất biết hoàn cảnh của mình, biết rằng tự mình không làm gì được. Thứ hai là biết kêu cầu lên Thượng Đế, và thứ ba là chờ đợi sự trả lời của Ngài.

II. Lên hòn đá

1. Ngài nghe

Đó là việc làm của con người, còn Thượng Đế thì sao? Thứ nhất là Ngài nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Câu 1, “Ngài nghiêng tai qua nghe tiếng kêu cầu của tôi.” Ngài nghiêng tai chú tâm nghe. Vâng, có thể Ngài không trả lời tức khắc, nhưng mình biết chắc là Ngài nghe lời cầu nguyện của người kêu gọi đến Ngài. Tôi nhớ hồi chúng tôi vừa mới có Đa-vít. Chúng tôi có một phòng riêng cho Đa-vít, và có một cái máy để, nếu tối nó thức dậy, thì mình nghe. Tối hôm đó vợ tôi không ngủ được, vì cứ chú tâm nghe cái máy đó, và đợi nghe tiếng khóc; hễ nó khóc là chạy qua phòng nó ngay. Đó là người mẹ chú tâm nghe người con. Và Đức Chúa Trời cũng vậy, Ngài nghiêng tai, chú tâm nghe sự cầu nguyện của chúng ta.

2. Ngài nâng

Không nhưng chỉ nghiêng tai nghe mà thôi, Ngài còn làm một hành động cụ thể: Câu 2, “Ngài cũng đem tôi lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm.” Rớt xuống một cái giếng, mình la lên, “Giúp tôi! Giúp tôi!” Có một người bi quan đi ngang qua, nghe, dòm xuống giếng rồi lắc đầu, “Không cách nào giúp anh được, thôi anh ráng chịu,” rồi bỏ đi. Người khác đến, lạc quan hơn. Dòm xuống thấy mình đang ở dưới giếng kêu cứu om sòm, ông nói, “Anh như vậy là may đó: anh la còn có tôi nghe; có mấy người khác la mà không ai nghe hết.” Rồi ông bỏ đi. Một người khác có vẽ thực tế hơn đi qua, thấy mình như vậy nói, “Thiệt ra, tôi cũng không làm gì được. Có bao nhiêu người khác cũng bi rớt xuống giếng như anh. Thôi, phận ai nấy chịu!” Rồi ông cũng bỏ đi. Nhưng khi Chúa Giê-xu đi qua, thấy mình ở dưới giếng, Ngài không chỉ nói nhưng làm một việc cụ thể. Như trong Phi-líp đoạn 2 nói, là Con Đức Chúa Trời, Ngài từ bỏ sự vinh quang của mình, lột áo choàng Ngài đang mặc, và tự hạ mình xuống giếng mà kéo tôi lên. Chúa Giê-xu làm bằng cách xuống dưới trần gian hơn 2000 năm trước để chết thế cho chúng ta, để kéo chúng ta lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm. Không chỉ nói bằng lời, Ngài làm một hành động cụ thể, và hành động này đòi hỏi một sự hy sinh quá lớn từ Ngài. Đó là cái hình ảnh của Đức Chúa Trời nâng chúng ta lên khỏi hầm gớm ghê, khỏi vũng bùn lấm.

3. Ngài đặt

Không những chỉ nâng chúng ta lên, "Ngài đặt chân tôi lên một hòn đá, và làm cho bước tôi vững bền" (câu 2b). Trước kia mình ở nơi sình lầy trơn trợt, bây giờ Chúa kéo mình lên, và không đặt mình ở một nơi khác cũng trơn trợt như vậy. Nhưng Ngài đặt mình trên một vòm đá lớn lao vững chắc. Hòn đá đó, nền tảng đó, là lời của Đức Chúa Trời, là lời hứa của Ngài, là cái chết của Ngài trên thập tự giá, là Đức Thánh Linh trong lòng chúng ta. Mình không còn xây nhà ở trên cát nữa, nhưng chân mình bây giờ có một nền tảng vững vàng.

Quý vị thấy, tác giả nhấn mạnh đến điều Đức Chúa Trời làm cho mình. Đứng trước Hội Thánh nói về đời sống tin kính của mình, nhiều người chỉ nói đến việc làm của mình mà thôi: Tôi đã làm cái này, đã làm cái kia. Họ quên là điều họ làm là không có giá trị gì hết, và quan trọng hơn là điều Đức Chúa Trời làm cho mình. Điều mình chỉ có thể làm là biết được rằng mình ở trong hầm gớm ghê, và vì thế kêu van lên Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Giê-xu tự hạ mình xuống cái giếng đó, rồi mình đưa tay ra nắm tay Ngài để được kéo lên, thì mình không thể nào ngày hôm sau vỗ ngực nói, “Nhờ tôi đưa tay nắm Chúa Giê-xu mà được cứu!” Không, cái hành động kêu gào, nắm tay Chúa đó không ăn thua gì hết. Điều quan trọng là điều Chúa làm cho mình: Chúa nghe tiếng kêu cầu của mình, kéo mình lên, và đặt mình ở trên hòn đá vững vàng. Hôm nay chúng ta ngồi trong nhà thờ này vì biết rằng đã có lần Đức Chúa Trời kéo chúng ta lên, và đặt chúng ta vào hòn đá vững vàng.

III. Trên hòn đá

1. Tôi vâng lời

Bây giờ ở trên hòn đá đó chúng ta làm gì? Có phải bây giờ mình “ngồi chơi xơi nước,” nằm hóng gió hay tắm nắng hay không? Không, để ý ở đây tác giả nói là “Ngài làm cho bước tôi vững bền.” Lên hòn đá đó, mình tiếp tục bước đi. Bước trên bùn lầy chúng ta sẽ bị trợt lên trợt xuống, cuối cùng nhìn lại thấy mình không đi đâu hết, có chăng chỉ đi xuống mà thôi; nhưng trên hòn đá vững bền đó, chúng ta có mục đích của đời sống, và có thể bước đi một cách vững vàng.

Trên bước đường đi mới này, chúng ta phải nhớ câu 6, “Chúa không thích đẹp hi sinh hoặc của lễ chay... Chúa không đòi của lễ thiêu hay là của lễ chuộc tội.” Chúng ta phải nhớ là những gì chúng ta dâng hiến trong nhà thờ không giống như những gì chúng ta đã dâng cho Chùa trước kia. Trong nhà thờ, chúng ta không dâng lễ vật như của lễ mình cúng tế để được cứu. Chúng ta cũng không đi “xem lễ,” như là một trách nhiệm mình phải làm để được cứu. Thật ra, Đức Chúa Trời gớm ghê những sự đó, không thích chúng ta "hối lộ" Ngài bằng những điều đó. Tất cả những điều mình nghĩ mình phải làm để được công đức, để “lấy điểm” với Đức Chúa Trời càng làm cho Ngài ghét hơn là thích.

Thế thì mình làm gì trên hòn đá đó? Điều quan trọng là vâng lời. Có một câu hơi khó hiểu một tí là “Chúa đã xỏ tai tôi.” Có nhiều học giả nghĩ là Đa-vít nói đến Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 21 câu 5-6, luận về những người tôi mọi được thả tự do. “Nếu kẻ tôi mọi nói rằng: Tôi thương chủ, vợ và con tôi, không muốn ra được tự do, thì người chủ sẽ dẫn nó đến trước mặt Đức Chúa Trời, biểu lại gần cửa hay là cột, rồi lấy mũi dùi xỏ tai; nó sẽ hầu việc người chủ đó trọn đời.” Và bây giờ Đa-vít nói Chúa đã thả cho tôi được tự do, tôi muốn đi đâu thì đi, nhưng tôi xin Chúa xỏ tai tôi để tôi ở lại hầu việc Ngài suốt đời. Tôi làm điều này không phải vì bị bắt buộc, nhưng vì tôi thương chủ, thương Đức Chúa Giê-xu, thương người khác, và tôi tự nguyện ở lại. Tôi xin Chúa xỏ lỗ tai tôi, để tôi chứng tỏ là tôi tình nguyện muốn làm tôi tớ của Ngài một cách hoàn toàn, vui mừng suốt đời tôi.

Chúng ta không hầu việc Chúa một cách miễn cưỡng, không để tính điểm, không để gây công quả, nhưng như trong câu 8 Đa-vít nói, “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa; Luật pháp Chúa ở trong lòng tôi.” Đó là thái độ làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

2. Tôi thờ phượng

Cách hầu việc Chúa quan trọng nhất là thờ phượng, ca ngợi Ngài. Câu 3, “Ngài để nơi miệng tôi một bài hát mới, tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời chúng tôi.” Có phải bài hát mới là bài hát mới được viết hay không? Nếu thế thì mỗi Chúa nhật nhóm họp lại, mình phải có người viết bài hát mới, vì bài hát viết một tuần trước, hay một năm trước, đã cũ rồi. Dưới chợ Bolsa, đôi khi người ta để bảng quảng cáo thật to trước mấy cái bar, “Tối nay có nhạc sống.” Nhạc sống là nhạc gì? Đối với tôi, những bài nhạc mà họ hát đó là nhạc chết, nói đến những tình cảm nhảm nhí, thảm sầu, ủy mị. (Ngay cả trước khi tin Chúa tôi cũng không chịu được những bài nhạc đó.) Thật ra, loại nhạc này không những chết, lại còn đã quá cũ rồi; chúng đã được hát từ thời A-đam và Ê-va. Nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta hát bài nhạc mới, mới vì, giống như Chúa Giê-xu nói đến một “điều răn mới,” chúng ta giờ đây có một con người mới, một tinh thần mới, và chúng ta hát bởi tấm lòng mới, tấm lòng muốn phục vụ, thờ phượng Đức Chúa Trời.

Tôi khuyến khích quý vị lên đây hát. Xin đừng lo là mình hát giọng sáu, giọng bảy, hay giọng 12. Chuyện đó không thành vấn đề, mình không hát cho con người. Mình hát từ đáy lòng của mình, vì mình có tấm lòng mới, vì Chúa đã cho mình một bài hát mới, và mình bộc miệng hát những bài hát đó cho Chúa, mặc dầu có thể mình không biết hát.

Đó là sự thờ phượng. Thờ phượng không chỉ là đến nhà thờ mỗi Chúa nhật, ngồi “xem lễ” rồi về. Không, trong sự thờ phượng chúng ta hát một bài hát mới cho Đức Chúa Trời trong mỗi ngày mỗi giờ trong đời sống chúng ta.

3. Tôi làm chứng

Chúng ta hát với nhiều mục đích. Có những bài hát nói chuyện thẳng với Đức Chúa Trời, tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời. Nhưng cũng có những bài hát để khuyến khích lẫn nhau trong niềm tin, hay để làm chứng cho người chưa biết Chúa về Ngài. Câu 9, “Trong hội lớn tôi đã truyền tin vui về sự công bình.” Người Do Thái thường đến “nhà hội,” tức những nơi họ thờ phượng. Nhưng có nhiều người đến nhà hội mà không biết mình đến để làm gì, vì nhiều người chỉ xem đây như một truyền thống, một nghi lễ phải làm. Đa-vít vì thế muốn “truyền tin vui về sự công bình,” tức là đem tin lành đến những người trong nhà hội đó, để họ biết Đức Chúa Trời. Vì vậy, “tôi chẳng có ngậm miệng lại. Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài biết điều đó. Tôi chẳng giấu sự công bình Chúa ở nơi lòng tôi; Tôi đã truyền ra sự thành tín và sự cứu rỗi của Chúa; Tôi nào có giấu hội lớn sự nhơn từ và sự chơn thật của Chúa.”

Trong câu 3, sau khi nói, Ngài để nơi miệng tôi một bài hát mới, tức là sự ngợi khen Đức Chúa Trời chúng tôi, Đa-vít tiếp tục, “Lắm người sẽ thấy điều đó, bắt sợ, và nhờ cậy nơi Đức Giê-hô-va.” Tại sao tác giả không nói là lắm người sẽ nghe, mà lại nói lắm người sẽ thấy bài hát? Không, tác giả không muốn nói đến chuyện nghe một người có giọng hát điêu luyện, nhưng ông nói đến chuyện thấy, hay cảm nhận được, sự thay đổi tận trong con người. Bài hát mới phải được xuất phát từ phía trong con người của mình, được bộc lộ ra trong đời sống của mình để người khác thấy. Người ta phải thấy cái tinh thần mới trong đời sống của mình, và chỉ có như vậy người ta mới biết sợ và mới tin cậy Đức Giê-hô-va. Còn nếu chỉ nghe không thôi mà không thấy thì không đủ. Xin chúng ta tự hỏi đời sống của mình có phải là đời sống của một bài hát mới hay không, hay chỉ là một bài hát cũ? Hay là đời sống mình có bài hát mới, nhưng mình chỉ hát bằng cái miệng thôi, và người ta không thấy được, cảm nhận được qua đời sống của mình?

Đây là cái thách thức cho chúng ta trong năm mới. Nhưng không phải chỉ trong năm mới chúng ta mới hát bài hát mới. Mặc dầu có thể Chúa đã cho chúng ta bài hát mới 20 năm, 30 năm trước, nhưng nó vẫn còn mới - mới luôn luôn - và bổn phận chúng ta là phải hát những bài hát mới đó lên bằng đời sống chúng ta.

Một Bài Ca Mới

(theo Thi Thiên 40)

Đang lún sâu nơi bùn lầy, tôi kêu cầu lên Chúa.

Đang ở trên Thiên đàng, Ngài nghe tiếng tôi cầu xin.

Vâng ý theo chương trình Ngài, tôi kiên trì trông ngóng.

Khi chết trên thập hình, Ngài dang tay cứu tôi lên.

Chớ sống như bài ca cũ thảm thương âu sầu.

Hãy hát vang bài ca mới Chúa Cha ban.

Hãy sống cho người ta thấy Giê-xu nhân lành.

Hãy sống cho rạng danh Đức Giê-hô-va.

Nâng nhấc tôi lên rồi, Ngài đem lên vầng đá lớn.

Thôi lún sâu nơi bùn lầy, nay bước tôi vững an.

Tôi hát vang vui mừng, vì Ngài cho bài ca mới.

Thôi oán than đau buồn, vì nay tôi có Giê-xu.

Nay biết Cha không hài lòng điều tôi thường cúng bái,

tôi hát vui thi hành điều Cha muốn tôi làm theo.

Tôi hát đem tin lành truyền rao cho người ta thấy

ơn cứu sinh nhân lành, cùng điều công chính trong Cha.

Mục sư Đỗ Lê Minh