Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 11 | Hướng Dẫn

Bài 12

ÂN TỨ CHO MỖI NGƯỜI

CÔ-RINH-TÔ 12:1-11

 

Kính thưa quý vị, hôm nay chúng ta sẽ học về ơn tứ mà Chúa cho mỗi người chúng ta. Có nhiều người không hiểu sự khác nhau giữa ơn tứ và ân điển. Ân điển là điều mà Chúa ban cho tất cả mọi người chúng ta, chẳng hạn như sự cứu rỗi. Nhưng ân tứ nói đến khả năng mà Chúa ban cho riêng từng cá nhân. Mọi người tín đồ đều có ân điển giống nhau, nhưng mỗi người có một ân tứ khác nhau.

Hôm nay tôi muốn dựa vào sách Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 12 từ câu 1 đến câu 11, để học thêm về ơn tứ Chúa ban. Cho phép tôi đọc đoạn này trước:

1. Hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết về các sự ban cho thiêng liêng.

2. Anh em biết khi mình còn là người ngoại đạo, bị khuyên dỗ hướng về các thần tượng câm, tùy ý người ta dẫn dụ mình.

3. Bởi đó, tôi tỏ cùng anh em, chẳng ai cảm Thánh Linh của Đức Chúa Trời, mà nói rằng: Đức Chúa Giê-xu đáng nguyền rủa! Nếu không cảm Đức Thánh Linh, cũng chẳng ai xưng Đức Chúa Giê-xu là Chúa!

4. Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.

5. Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.

6. Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người.

7. Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.

8. Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức.

9. Bởi một Đức Thánh Linh, cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy, cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh;

10. người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy.

11. Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.

I. Ân tứ là gì?

Ân tứ khác với cái mình gọi là “khả năng thiên phú,” hay “khả năng trời cho.” Bất cứ người nào sống trên thế gian này, tin Chúa hay không, đều có một khả năng nào đó. Có người có tài điều khiển; có người có tài âm nhạc; có người có tài ăn nói. Nhưng chỉ có người tin Chúa mới có ơn tứ. Xin chúng ta ghi nhận sau đây một vài đặc tính của ơn tứ.

1. Ân tứ do Đức Thánh Linh ban

Thứ nhất, mặc dầu mình nói khả năng là do “Trời cho,” nhưng ơn tứ là do Đức Thánh Linh cho người tín đồ. Câu 4, “Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.” Câu 8, “Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh, được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy, cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Đức Thánh Linh cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi.”

Sanh ra, chúng ta không biết Chúa, nhưng Chúa cho chúng ta một số khả năng thiên phú. Rồi đến ngày ta tin Chúa, Đức Thánh Linh dùng những điều mình có trước khi tin Chúa, để bổ túc thêm, cho thêm năng lượng vào, để thành ơn tứ. Ơn tứ như thế không phải là những gì mới lạ trong đời sống chúng ta. Nhưng có một quyền năng nào đó, một sức mạnh nào đó của Đức Thánh Linh, đang làm việc trong những người hầu việc Chúa bằng ơn tứ, chứ không phải bằng khả năng của mình. Tôi đã đi dạy gần 30 năm, và khi tôi trở thành mục sư, kinh nghiệm dạy học của tôi không phải là bỏ đi. Chúa dùng những kinh nghiệm đó để giúp tôi có thể nói chuyện trước đám đông một cách dễ dàng. Nếu quý vị tiếp xúc với tôi trong giờ xã giao, quý vị sẽ để ý là tôi không biết ăn nói. Nhưng khi tôi bước lên tòa giảng này, thì tự nhiên có một sức mạnh nào đó khiến tôi có thể nói một cách thao thao. Sức mạnh đó đến từ Đức Thánh Linh.

2. Mỗi người có một ơn tứ khác nhau

Thứ nhất, ơn tứ có quyền năng của Đức Thánh Linh trong đó; thứ hai, mỗi người tín đồ đều có ơn tứ. Câu 7, “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người...” Có nhiều người nói, “Tôi chỉ biết ngồi nghe thôi, vì tôi không có khả năng gì hết. Thôi, để những người có bằng cấp, có học vấn, hay đang đi học trường thần học làm.” Thưa, không phải như vậy. Công việc trong hội thánh không phải chỉ dành cho những người đó, hay cho mục sư. Công việc nhà Chúa cũng không phải chỉ dành cho những người đã tin Chúa lâu năm nữa. Kinh thánh hứa là mỗi người chúng ta đều có được một ơn tứ nào đó. Chúng ta không cần phải đợi cho đến khi được “trưởng thành trong Chúa” mới có ơn tứ. Không ai là “phó thường dân” trong hội thánh cả.

Có nhiều loại ơn tứ, và Chúa ban cho mỗi người một số ơn tứ khác nhau. Không phải ai trong hội thánh cũng có ơn tứ giống nhau. Câu 8 có một số danh sách các ơn tứ khác nhau: “Vả, người nầy nhờ Đức Thánh Linh được lời nói khôn ngoan; kẻ kia nhờ một Đức Thánh Linh ấy cũng được lời nói có tri thức. Bởi một Đức Thánh Linh cho người nầy được đức tin; cũng bởi một Đức Thánh Linh ấy cho kẻ kia được ơn chữa tật bịnh; người thì được làm phép lạ; kẻ thì được nói tiên tri; người thì được phân biệt các thần; kẻ thì được nói nhiều thứ tiếng khác nhau, người thì được thông giải các thứ tiếng ấy.” Đây là danh sách các ơn tứ mà Phao-lồ đưa ra, nhưng đây không liệt kê hết tất cả những ơn tứ mà mình có thể có. Trong Rô-ma đoạn 12, từ câu 6 đến câu 8, Phao-lồ liệt kê một số các ơn tứ khác: “Vì chúng ta có các sự ban cho khác nhau, tùy theo ơn đã ban cho chúng ta, ai được ban cho nói tiên tri, hãy tập nói theo lượng đức tin; ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ; ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo; ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí; ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị; ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm.”

Giả sử trong một bữa tiệc trong hội thánh, có người cầm một cái khay, vấp té, và đổ thức ăn xuống sàn nhà. Có nhiều phản ứng khác nhau trong hội thánh. Người được gọi làm chức vụ thấy vậy, lặng lẽ quét dọn chỗ đó. Người có ơn chăm sóc, dạy dỗ đến ân cần nói, “Lần sau khiêng cái khay, đừng để đồ ăn nhiều một bên quá.” Người có ơn bố thí nói, “Thôi, lấy thức ăn của tôi mà ăn.” Trong cùng một trường hợp, nhưng mỗi người có một phản ứng khác nhau, tùy theo ơn tứ Chúa ban cho mình.

Không ai có tất cả các ơn tứ. Mỗi người có một ơn tứ khác nhau, để chúng ta có thể làm việc chung trong hội thánh. Không phải ai cũng có thể đứng lên giảng lời Chúa. Có người giảng lời Chúa, nhưng cũng phải có người hát, có người phục vụ, dọn bàn ghế. Chúng ta vừa coi Olympic. Những đội thắng cuộc là những đội gồm các lực sĩ có khả năng khác nhau, nhưng họ hợp lại để bổ túc cho nhau. Trong một ban nhạc, mỗi người chơi một nhạc cụ khác nhau, nhưng họ hợp lại để tạo nên một bản đại hòa tấu tuyệt vời.

Phao-lồ nói rằng ơn tứ là điều Chúa cho. Câu 11, “Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người.” Trong sự khôn ngoan của Đức Thánh Linh, Ngài quyết định cho người này ơn tứ này, người kia ơn tứ kia. Vì thế, chúng ta không so sánh với người khác. Tất cả chúng ta không ai xứng đáng nhận lãnh ơn tứ (cũng như không ai xứng đáng nhận lãnh ân điển cứu rỗi) và vì thế chúng ta không thể phân bì: “Tại sao ông đó lại có ơn nói tiên tri, phân giải lời của Chúa, để Chúa nhật nào cũng đứng lên bục cao giảng lời Chúa? Tại sao Chúa không cho tôi ơn này? Chúa lại cho tôi cái ơn quản trị, ơn nâng đỡ người khác, để tôi phải lẳng lặng làm đằng sau, không ai biết tôi làm gì!” Có nhiều người đi tìm kiếm một số ơn tứ nào đó, vì họ nghĩ những ơn tứ này “thiêng liêng” hơn. Người ta rủ nhau đi tìm thầy này, thầy kia, để dạy mình ơn chữa bệnh, ơn nói tiếng lạ, hay những ơn có vẻ ngoạn mục. Nhưng không, xin nhớ là Đức Thánh Linh ban ơn cho chúng ta tùy theo ý muốn của Ngài. Nếu có người nào nói với quý vị. “Đến đây, tôi sẽ dạy cho cách kiếm được ơn này, ơn kia,” người đó không biết kinh thánh, nói rõ ràng là Đức Thánh Linh ban ơn tứ cho ai “theo ý Ngài muốn,” và chúng ta không thể đòi hỏi được, hay so sánh với người khác.

3. Để có ích chung

Thứ nhất chúng ta nói nguồn gốc của ơn tứ: Ơn tứ đến từ Đức Thánh Linh. Rồi chúng ta nói đến người nhận ơn tứ: Người tín đồ nào cũng phải có ơn tứ. Bây giờ chúng ta nói đến mục đích của ơn tứ. Ơn tứ khác với khả năng thiên phú ở một điểm rất quan trọng, đó là ơn tứ là để làm vinh hiển Ba Ngôi Đức Chúa Trời, và giúp ích cho hội thánh, chứ không phải cho cá nhân mình. Nếu tôi đứng trước hội thánh hát, và người nghe chỉ cảm nhận được là tôi hát hay, thì tôi chỉ dùng khả năng của mình thôi. Nếu trong một hội thánh mà mọi người chỉ làm việc chỉ để làm vinh danh cho chính cá nhân mình, hội thánh đó sẽ nát bấy. Người trong đó sẽ ganh ghét, tranh giành nhau. Khi nghe một người hát, người ta phải thấy Chúa trong đó. Khi nghe một người giảng Lời Chúa, người ta phải cảm nhận được quyền năng, sức mạnh, và sự vinh quang của Chúa trong đó. Ngay cả khi thấy một người dọn rác trong hội thánh, người ta cũng phải thấy hình ảnh của Đức Chúa Trời trong đó. Có thể đó là cách chúng ta có thể cảm nhận được một người dùng khả năng riêng của mình, hay dùng ơn tứ. Nhìn việc làm của họ, chúng ta có thấy Chúa trong đó hay không? Chúng ta có cảm nhận được Đức Thánh Linh trong việc làm đó hay không?

II. Làm gì với ân tứ?

1. Biết mình có ân tứ gì

Câu hỏi kế tiếp là chúng ta phải làm gì đối với ơn tứ Chúa ban cho mình. Điều quan trọng trước nhất là chúng ta phải biết mình có ơn tứ gì. Nếu không biết, mình không thể áp dụng, và phát triển ơn tứ đó để hầu việc Chúa. Như tôi nói hồi nãy, không có ngoại lệ, mỗi người chúng ta, khi tin Chúa, đã được Chúa ban cho một ơn tứ. Đó là lời hứa rất rõ ràng trong Kinh Thánh. Điều quan trọng là chúng ta không ngồi đó mong ước ơn tứ của người khác, nhưng tự nhìn đến cá nhân mình để xem Chúa đã ban cho mình ơn tứ gì.

Câu hỏi là làm sao mình biết được? Thứ nhất, mình phải cầu nguyện xin Chúa cho biết. Thứ hai, cũng rất quan trọng, mình phải nghe những người khác trong hội thánh nói mình có ơn gì. Có thể mình không thấy, nhưng người khác thấy. Một người có thể đến vỗ vai anh A, nói, “Sao anh không đi học trường thần học, để làm mục sư, vì tôi thấy anh có ơn giảng dạy?” hay, “Sao chị không lên hát trên hội thánh? Tôi thấy chị có ơn hầu việc Chúa qua âm nhạc.” Mình cũng nên nghe những phê bình của họ nữa. Nếu một người nói với mình, “Anh C ơi, nghe anh hát, sao tôi thấy mệt quá!” thì mình biết là mình không có ơn tứ âm nhạc. Thứ ba, chúng ta phải thử. Nếu mình say mê với việc làm, tìm được sự vui vẻ, thỏa lòng trong đó, đó là dấu hiệu mình có ơn tứ đó. Xin đừng đứng ở ngoài dòm, đòi hỏi phải biết ơn tứ của mình trước, rồi mới làm. Chỉ khi làm, chúng ta mới khám phá mình có ơn tứ hay không. Điều thứ tư là điều mà tôi cũng đã làm vài năm trước. Đó là trả lời một số các câu hỏi trắc nghiệm mà những nhà tâm lý học đã soạn ra.

2. Dùng ân tứ

a. Vào chức vụ

Mỗi người chúng ta phải có một ơn tứ nào đó. Nếu chúng ta không dùng ơn tứ của mình, nó sẽ yếu lần lần, cũng như khi mình không dùng bắp thịt của mình. Ngược lại, khi sử dụng ơn tứ của mình, chúng ta sẽ thấy nó càng ngày tốt hơn. Khi chúng ta biết mình có ơn tứ gì, Chúa sẽ mở đường để chúng ta có một cơ hội sử dụng ơn tứ đó. Điều quan trọng là mình phải biết là mình có ơn tứ gì, và mình sẵn sàng dùng ơn tứ đó.

Trong thế chiến thứ II, có một nhà thờ ở Strasbourg bị ném bom. Sau đó, người ta thấy có một bức tượng của Chúa Giê-xu vẫn còn lành lặn, mặc dầu hai tay bị gãy. Những người trong hội thánh tìm cách kiếm một điêu khắc gia để làm lại tay khác. Nhưng sau đó họ quyết định để nguyên tượng với hai cánh tay gãy. Họ bắt đầu có một khẩu hiệu cho tượng. Đó là “Ngài không có tay, vì chúng ta là tay của Ngài.” Tập thể hội thánh là cánh tay của Chúa Giê-xu. Có người là ngón tay phải; có người là ngón tay trái; có người ngón tay út; có người là ngón tay giữa.

Sau khi Phao-lồ nói là có rất nhiều ơn tứ khác nhau, ông nói trong câu 5, “Có các chức vụ khác nhau,...” Phao-lồ nói đến ơn tứ trước, rồi chức vụ sau. Mình phải biết mình có ơn tứ gì, rồi tìm công việc, chức vụ thích hợp với ơn tứ đó. Điều sai lầm chúng ta có chức vụ trước, rồi ép một người làm, mà không để ý đến ơn tứ của họ. (Mình phải có một trưởng ban nam giới, thành mình phải “bắt cóc bỏ dĩa,” kiếm một ông nào hồi giờ ngồi chơi xơi nước, không làm gì hết, để bầu vào chức này.)

b. Kết quả do Chúa

Sau khi nói có nhiều ơn tứ khác nhau, có nhiều chức vụ khác nhau, Phao-lồ viết câu 6, “Có các việc làm khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Chúa Trời, là Đấng làm mọi việc trong mọi người.” Thiệt ra chữ “việc làm” phải dịch ra một trong hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên là “Có nhiều sức mạnh khác nhau...,” vì chữ này giống chữ energy trong tiếng Anh. (Bản New Living Translation dịch là “There are different ways God works in our lives.”) Chúa cho mỗi người sức mạnh khác nhau, để đóng góp vào công việc chung.

Nghĩa thứ hai là “Có nhiều kết quả khác nhau...” (Bản NASB dịch là, “There are varieties of effects...”) Đây là điều rất quan trọng. Nhiều khi chúng ta không dám sử dụng ơn tứ của mình, vì sợ thất bại, sợ bị người khác cười, bị mất mặt, hay không còn dịp hầu việc Chúa về sau. Chúng ta phải nhớ rằng, bổn phận của chúng ta là áp dụng ơn tứ, nhưng Chúa là Đấng quyết định kết quả của việc làm, chứ không chúng ta. Nhiều khi, đi hội thánh khác, tôi giảng cùng một bài giảng như ở đây. Và tôi có thể cảm nhận được rằng Chúa cho kết quả khác nhau, từ hội thánh này qua hội thánh kia. Xin quý vị tận dụng những ơn tứ của mình, đừng đợi đến khi biết chắc việc làm của mình sẽ thành công mới làm.

Hồi nãy tôi thưa với quý vị là, muốn biết mình có ơn tứ gì, cứ làm thử. Nếu không thành công, thì đây là dấu hiệu mình không có ơn tứ đó. Nhưng không thành công không có nghĩa là thất bại. “Không thành công cũng thành nhân.”

Tôi xin quý vị đứng lên, và thầm suy nghĩ, để coi mình có ơn tứ gì trong hội thánh này. Xin đừng so sánh với người khác, nhưng xin hãy nhìn vào tận lòng của mình, để tìm một ơn tứ nào đó. Tôi xin quý vị hứa là, sau khi biết ơn tứ của mình, quý vị sẵn sàng áp dụng nó vào trong hội thánh, để danh Chúa được tỏa sáng, và để làm ích cho công việc Chúa chung.

Mục sư Đỗ Lê Minh