Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 12 | Hướng Dẫn

Bài 13

TỰ TY, TỰ TÔN

I CÔ-RINH-TÔ 12:12-27

 

Kính thưa quý vị, tuần trước chúng ta học về ơn tứ mà Chúa ban cho mỗi người. Có một ơn tứ nào đó trong mỗi người tín đồ, và bổn phận của mỗi chúng ta là phải khám phá ra, và áp dụng nó. Quý vị phải nhớ là ơn tứ chỉ có thể là ơn tứ nếu nó được dùng cho lợi ích chung của hội thánh mà thôi. Bây giờ Phao-lồ bàn thêm về cách chúng ta dùng ơn tứ trong hội thánh, hay thái độ của chúng ta đối với ơn tứ Chúa ban cho mình. Ông đối diện với một vài thái độ sai lầm trong hội thánh, mà chúng ta phải học ở đây. Bài học hôm nay dựa theo sách Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 12, từ câu 12 đến câu 27:

12. Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.

13. Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng tôi đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.

14. Thân cũng chẳng phải có một chi thể, bèn là nhiều chi thể.

15. Nếu chơn rằng: vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chơn không có phần trong thân.

16. Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân.

17. Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?

18. Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.

19. Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu?

20. vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.

21. Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chơn rằng: Ta chẳng cần đến bay.

22. Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng.

23. Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn,

24. còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn,

25. hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau.

26. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác cùng vui mừng.

27. Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai riêng phần nấy.

0. Hội Thánh là một

Thưa quý vị, Phao-lồ nói một điều rất quan trọng ở đây, đó là chúng ta phải biết mình thuộc về hội thánh, và chỉ có một hội thánh mà thôi. Câu 12, Vả, như thân là một, mà có nhiều chi thể, và như các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.” Hội thánh không phải chỉ là một tổ chức (an organization) của những người tín đồ không, nhưng cũng là một sinh thể (a living organism). Một tổ chức có thứ tự, có hệ thống, nhưng một sinh thể có sinh khí trong đó. Khi một người chết đi, thể xác người đó biến từ một sinh thể, có sự sống, qua một sự chết, mặc dầu vẫn có đầu, tay, mặt, mũi...

Hội thánh là một sinh thể vì Chúa Giê-xu là nguồn sự sống của chúng ta, và có Đức Thánh Linh trong đó. Câu 12, “Các chi thể của thân dầu có nhiều, cũng chỉ hiệp thành một thân mà thôi, Đấng Christ khác nào như vậy.” Đáng lẽ Phao-lồ phải nói là “hội thánh khác nào như vậy,” nhưng ông lại nói “Đấng Christ khác nào như vậy.” Đấng Christ là hội thánh, và hội thánh là Đấng Christ. Đấng Christ là đầu của hội thánh, là nguồn sinh lực của hội thánh. Phao-lồ còn nói thêm là cách chúng ta bước hội thánh cũng do Đức Thánh Linh nữa. Câu 13, “Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng tôi đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.”

Nhân tiện đây, tôi muốn nói thêm là, câu này nói rất rõ ràng là tất cả mọi người tín đồ, bất kể giàu hay ngoèo, nam hay nữ, đều chịu phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh khi tin Chúa. Có nhiều người chủ trương rằng có hai phép báp-têm: Lúc mới tin Chúa chúng ta đã được một phép báp-têm, nhưng chúng ta phải chờ một thời gian sau đó, và phải cầu nguyện thiết tha, thì Chúa mới cho chúng ta phép báp-têm thứ hai, gọi là phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh. Và cách mình biết được mình có phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh hay không là mình có nói tiếng lạ hay không. Nhưng không, trong câu này Phao-lồ nói rất rõ ràng: Tất cả mọi người đã chịu chung là phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh.

Khi tin Chúa, mỗi người tín đồ đã chịu phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh, đã tùy thuộc vào một sinh thể, tức là hội thánh, là Đức Chúa Giê-xu Christ. Mỗi người chúng ta được cho những ơn tứ khác nhau để đóng góp vào sinh thể đó.

I. Tự Ty

a. Ganh tị - Bất hợp tác

Cũng như nhiều tín đồ trong hội thánh Cô-rinh-tô, hôm nay có rất nhiều tín đồ phạm một trong hai lỗi lớn, khi nhìn đến ơn tứ Chúa ban. Đó sự tự ty. Câu 15, “Nếu chơn rằng: vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chơn không có phần trong thân. Và nếu tai rằng: Vì ta chẳng phải là mắt, nên ta không thuộc về thân, thì tai chẳng phải bởi đó không có phần trong thân.” Thân thể chúng ta có chân, có tay, có tai, có mũi. Nhưng hôm nọ cái chân nhìn quanh, nói, “Tại sao mình không bằng cái tay? Ông tay này sướng quá! Ông có thể vẽ vời, điều khiển... Còn mình sao khổ quá! Mình phải mang cả gánh nặng của thân thể, chỉ làm được một việc là bước đi.” Cái chân này mang một mặc cảm tự ty. Rồi cái tai nói, “Sao con mắt sướng thế! Nó được nhìn những điều đẹp. Còn mình thì lúc nhỏ bị ông thầy vẹo tới vẹo lui. Đau quá chịu không nổi! Lớn lên một tí thì người ta đem ra xỏ lỗ này, lỗ kia, để đeo vòng vàng, làm cho mình thành trì trệ, nặng nề.” Cái lỗ tai có mặc cảm tự ty, đưa đến ganh tỵ. Nhiều người trong hội thánh thấy chuyện Chúa giao mình sao đê hèn quá. Thấy người khác có ơn tứ khác, họ dâm ra ganh tỵ, mong có ơn tứ đó. Họ thích làm những gì lớn hơn trong hội thánh, được nhiều người biết, nhiều người trọng vọng hơn.

Để ý là lỗ tai so sánh với con mắt, cái chân so sánh với cái tay. Thường mình không so sánh với người mà mình nghĩ quá giỏi hơn mình, nhưng chỉ so sánh với người giỏi hơn mình một tí thôi. Không bao giờ tôi so sánh mình với Billy Graham hết, nhưng đôi khi tôi so sánh với những mục sư hơn tôi một tí thôi.

Có sự tự ty, ganh tỵ như vậy, điều xảy ra kế tiếp là mình bắt đầu mình rút lại, không thèm làm việc Chúa muốn mình làm nữa. Cũng như cái chân này nói, “Ta chẳng phải là tay, ta không thuộc về thân.” Có rất nhiều người trong hội thánh, thấy mình bị lép vế, đâm ra không đóng góp gì vào trong hội thánh nữa, ngồi chơi xơi nước, tới hội thánh chỉ để nghe giảng, rồi ra về. Có một luật trong kinh tế học gọi là luật 80/20. Cũng như tất cả mọi tổ chức khác, 20% người trong hội thánh làm 80% công việc, còn 80% người chỉ làm 20% công việc thôi. Tất cả là vì 80% đó nghĩ là mình không có khả năng, chỉ đóng góp được vào những việc hèn hạ, nên không muốn làm.

b. Chúng ta cần sự đa dạng

Thế thì Phao-lồ trả lời thái độ này như thế nào? Thứ nhất, Phao-lồ nói là, trong hội thánh chúng ta không phải ai cũng giống ai hết. Câu 17, “Ví bằng cả thân đều là mắt, thì sự nghe ở đâu? Nếu cả thân đều là tai, thì sự ngửi ở đâu?” Nếu tất cả mọi người trong hội thánh này đều có khả năng giảng, và đều đứng lên giảng, thì ai nghe? Ai làm những chuyện khác? Ngày xưa, Hít-le nói là chỉ có dòng giống người Arian mới đáng sống, còn những dòng giống khác, đặc biệt là Do Thái, phải bị diệt chủng. Cũng vậy, có người da trắng coi thường người da đen, vì không giống mình.

Chúng ta muốn mọi người đều phải giống mình có lẽ tại vì chúng ta có cái nhìn quá hạn hẹp về công việc trong hội thánh. Có lẽ chúng ta nghĩ việc làm độc nhất trong hội thánh là họp lại để thờ phượng Chúa mỗi Chúa nhật. Trong 2 tiếng đồng hồ đó, có người giảng, có người hướng dẫn chương trình, có người hát. Như vậy là đủ rồi. Mình không có tài năng để làm gì khác, nên mình không làm. Nhưng hội thánh không phải chỉ làm chừng đó. Chúng ta cần phải gặp gỡ, điện thoại nói chuyện với nhau nhiều hơn. Chúng ta cần phải làm quen với nhau nhiều hơn. Chúng ta cần phải thúc giục nhau trong niềm tin nhiều hơn. Chúng ta cần phải đi ra làm chứng với những người ngoài nhiều hơn. Đây không phải là những việc làm chúng ta chỉ làm trong ngày Chúa nhật. Đây không phải là những việc của mục sư, nhưng là việc làm của mỗi người tín đồ. Có thiên hình vạn trạng để chúng ta có thể đóng góp trong hội thánh, và chúng ta không thể nói là việc đóng góp bên ngoài ngày Chúa nhật là tầm thường, không ai để ý, nên mình không làm được. Chúng ta phải biết là mọi người chúng ta đều quan trọng như nhau; tất cả mọi khả năng, mọi đóng góp trong hội thánh đều quan trọng như nhau.

Nếu chúng ta nói khả năng của mình quá hèn kém, nên mình không muốn làm, thì không có nghĩa là mình không còn thuộc vào sinh thể của Chúa. Như Phao-lồ nói ở câu 15, “Nếu chơn rằng: vì ta chẳng phải là tay, nên ta không thuộc về thân, thì chẳng phải bởi đó chơn không có phần trong thân.” Nhưng trong trường hợp đó, mình trở thành gánh nặng cho những người khác, vì bây giờ người khác phải làm công việc của mình, phải lo lắng cho mình.

Thật ra, nếu một người nghĩ là. “Ở hội thánh này, mình phải làm những chuyện hèn hạ quá. Thôi, mình đi hội thánh khác.” Nhưng đi hội thánh khác, người đó có thể cũng phải làm những điều đó mà thôi. Chúa cho mỗi người một ơn tứ khác nhau, và không phải vì đổi hội thánh mà tự nhiên mình có một ơn tứ khác, để có thể làm điều khác.

c. Do Chúa sắp đặt

Câu 18, “Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.” Người có mặc cảm tự ty phải biết rằng ơn tứ là do Chúa ban, “theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.” Chúng ta nghĩ khả năng dọn dẹp hội thánh tầm thường quá, so với những khả năng khác. Nhưng chúng ta phải nhớ điều này: Trong ý tốt của Ngài, Ngài thấy đây là điều hay nhất. Nếu chúng ta đặt câu hỏi tại sao Chúa ban cho chúng ta một ơn tầm thường, chúng ta không đặt câu hỏi về khả năng của mình, đặt nghi vấn về sự khôn ngoan của Chúa. “Đặt tôi vào một địa vị tầm thường như vậy, có phải là Chúa không có sự khôn ngoan hay không?” Nếu chúng ta coi khả năng của mình là quá nhỏ, chúng ta coi Đức Chúa Trời quá nhỏ, thiếu sự khôn ngoan.

II. Tự Tôn

Thái độ thứ nhất là tự ty; ngược lại, thái độ thứ hai là tự tôn. Trước kia chúng ta đọc về lỗ tai ghen tỵ với con mắt, bây giờ chúng ta cũng thấy con mắt coi thường bàn tay. Câu 21, “Mắt không được nói với bàn tay rằng: ta chẳng cần đến mày. Đầu cũng chẳng được nói với chân rằng: ta không cần đến bay.” Đây là một tệ đoan trong hội thánh: Những người có vẻ “nổi” trong hội thánh thấy mình không cần những người khác. Trong hội thánh Cô-rinh-tô có một số người có những ơn như chữa bệnh, nói tiếng lạ,... và họ nhìn những người có những ơn khác (như ơn bố thí, quản trị) không thiêng liêng bằng. Thái độ tự tôn đưa đến một tệ đoan khác mà tôi thấy trong nhiều hội thánh, đó là những người quản nhiệm quá ôm đồm, làm tất cả mọi chuyện. Trong giờ thờ phượng, mục sư hướng dẫn từ đầu tới cuối, vì nghĩ rằng chỉ có mình mới làm được.

a. Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau

Chúng ta phải hiểu là không có sinh thể nào có thể đứng vững, tồn tại, nếu chỉ có một bộ phận trong đó làm việc, không cần các bộ phận khác. Con người không chỉ là con mắt thôi. Các phần tử trong thân thể phải phụ thuộc lẫn nhau, hợp tác với nhau, làm việc chung với nhau. Phao-lồ nói trong câu 22, “Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng.” Xin để ý chữ “xem ra” ở đây. Có thể nó không phải là yếu đuối, nhưng chỉ xem ra yếu đuối. Câu 27, “Vả, anh em là thân của Đấng Christ, và là chi thể của thân, ai có riêng phần nấy.” Chữ “ai riêng phần nấy” có nghĩa là ai cũng có bổn phận riêng. Mỗi người có một phận sự riêng, và mỗi phần đều quan trọng trong chi thể, không thể thiếu được. Không có người đếm tiền dâng sau giờ thờ phượng không được.

b. Do Chúa sắp đặt

Đối với những người tự ty, Phao-lồ nói là trong sự khôn ngoan của Chúa, Chúa ban cho người này ơn này, người kia ơn kia, và mình chấp nhận như vậy. Bây giờ, đối với người tự tôn, Phao-lồ nói trong câu 24, “Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn.”

Người họa sĩ Thượng Đế có một số màu chính, như màu đỏ, màu xanh, màu vàng... Ngài cầm cây cọ chấm màu này một tí, chấm màu kia một tí, trộn lại thành một màu đặc biệt. Màu đó là con người của mình, trong đó có bao nhiêu ơn tứ hòa hợp nhau. Bây giờ người họa sỹ lấy màu đó, chấm một chấm vào trong bức tranh. Bức tranh đó chỉ là bức tranh khi nó là tập hợp của nhiều chấm, nhiều màu. Đó là hội thánh. Hội thánh có nhiều người, mỗi người có một số ơn tứ khác nhau. Nhìn bức tranh, mình không thể nói màu đỏ quan trọng hơn màu xanh, hay màu xanh quan trọng hơn màu tím. Mỗi màu đều quan trọng như nhau.

Chúng ta phải nhớ là tất cả các ơn tứ đều do Chúa ban, và vì thế mình không thể hãnh diện về ơn tứ mình có. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ đối diện với Thượng Đế, và sẽ ngạc nhiên thấy nhiều người trong hội thánh, hôm nay đứng đầu, nhưng trở thành cuối cùng. Ngược lại, những người hôm nay bị nhiều người coi thường, vì có những khả năng bình thường, nhưng đóng góp một cách lặng lẽ trong hội thánh, lại trở thành đứng đầu trong ngày cuối cùng.

III. Lo tưởng đến nhau

Điều chúng ta cần phải làm trong hội thánh là lo tưởng, chăm sóc cho nhau. Phao-lồ nói trong câu 23, “Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn, còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác cùng vui mừng.” Trong cùng một thân, khi một chi thể đau, cả thân phải đau luôn. Nếu không tin tôi, xin quý vị lấy búa đập ngón tay mình. Không phải chỉ ngón tay đau; cả thân thể đau luôn. Nếu hội thánh của mình là một thân thể, thì nếu có người nào trong hội thánh bị đau, thì cả hội thánh phải cảm nhận được điều đó.

Vì người cùi không biết đau, nên đụng một vật gì, họ rớt một phần thân thể mà không biết. Tối về, soi gương, họ mới biết là họ đã mất thêm một ngón tay nữa. Chúng ta nhiều khi bị cùi thuộc linh, ở điểm là, đôi khi hội thánh mình bị mất một phần tử, mà mình không biết. Hội thánh có thể mất một số người, vì chúng ta không để ý đến họ, coi những ơn tứ của họ quá nhỏ, không đáng để ý.

Khi một chi thể đau, không những mỗi chúng ta phải đau theo, nhưng tất cả các bộ phận khác phải làm việc để xoa dịu cơn đau đó. Nếu tôi bị một vết thương trên ngón tay, máu sẽ đưa bạch huyết cầu tới để chữa lành. Ngay cả nếu tôi đập búa vào ngón tay phải, thì tay trái ôm ngón tay phải rên xiết, tìm cách giảm cơn đau của ngón tay phải; nước mắt chảy ra; miệng than khóc. Xin chúng ta đặt câu hỏi: “Hội thánh của chúng ta có làm được như vậy hay không?” Thứ nhất, chúng ta có biết ai đang bị đau đớn hay không? Thứ hai, nếu biết, mình có làm gì để giảm sự đau đớn trong chi thể đó hay không?

Tóm lại, chúng ta có một vinh dự rất lớn, ấy là chúng ta thuộc vào một sinh thể có Chúa làm đầu. Nhưng đôi khi chúng ta không thèm đóng góp vào công việc nhà Chúa, vì nghĩ là mình không có khả năng. Tôi xin nhắc lại là mỗi người chúng ta đều có ít nhất một ơn tứ nào đó, và không có ơn tứ nào là quan trọng hơn ơn tứ nào. Ngược lại, nếu có những ơn tứ có vẻ như là quan trọng, chúng ta phải biết là chính Chúa ban cho chúng ta, chứ không phải do mình làm nên. Vì thế chúng ta không được có một thái độ tự tôn, coi thường người khác. Chúng ta thuộc vào chung một sinh thể, nên phải lo lắng, cầu nguyện, khuyến khích, và nâng đỡ lẫn nhau.

Như nãy tôi nói hội thánh chúng ta thiếu sót rất nhiều về liên hệ bên ngoài ngày Chúa nhật. Từ thứ hai đến thứ sáu, nhiều khi mình không biết người khác làm gì. Ngay cả trong ngày Chúa nhật, mình đến đây, nói vào câu xã giao, rồi ra về. Mỗi người chúng ta phải điện thoại, nói chuyện, thăm hỏi người khác, để quen thân với người khác trong hội thánh. Xin đừng đợi mục sư làm điều này; mục sư làm không đủ. Quý vị có khả năng điện thoại nói chuyện với người khác, và xin đừng nghĩ khả năng đó là nhỏ mọn, không đáng làm. Hôm nay, tôi xin quý vị tự hứa ít nhất một điều, đó là trong tuần này, hãy giở điện thoại lên nói chuyện với một người trong hội thánh. Chúa đã ban cho quý vị tất cả những điều kiện để quý vị có thể làm điều này, và đây là hành động quan trọng để hội thánh chúng ta trở thành một sinh thể chứ không phải chỉ là một tổ chức.

Mục sư Đỗ Lê Minh