Trang Đầu | Mục Lục | << Bài 14 | Hướng Dẫn

Bài 15

TÌNH YÊU THƯƠNG

I CÔ-RINH-TÔ 13:5-13

 

Thưa quý vị, tuần trước chúng ta học về tình yêu thương theo sách Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 13, từ câu 1 đến câu 4. Chúng ta biết tình yêu thương là một điều tối quan trọng. Không có nó, mọi điều khác, mặc dầu có hay bao nhiêu, cũng không ra gì, và không đem lại ích lợi cho ai. Tuần trước chúng ta cũng đã phân tích hai đức tính đầu tiên của tình yêu thương: tiêu cực là sự nhịn nhục, không trả thù, và tích cực là sự nhân từ. Bây giờ chúng ta tiếp tục học về tình yêu thương theo sách Cô-rinh-tô thứ nhất, đoạn 13 này. Vì đoạn này quá đẹp, xin chúng ta lần nữa đọc nguyên đoạn.

1. Dầu tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nếu không có tình yêu thương, thì tôi chỉ như đồng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng.

2. Dầu tôi được ơn nói tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương, thì tôi chẳng ra gì.

3. Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.

4. Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,

5. chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ,

6. chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật.

7. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.

8. Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ. Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ.

9. Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn;

10. song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ.

11. Khi tôi còn trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ.

12. Ngày nay chúng ta xem như trong một cái gương, cách mập mờ: đến bấy giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau; ngày nay tôi biết chưa hết; đến bấy giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy.

13. Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

3. Tình yêu thương chẳng ghen tị

Phao-lồ nói trong câu 4, “Tình yêu thương chẳng ghen tị.” Vài tuần trước, chúng ta học về những ơn tứ Chúa ban cho mình, và ghi nhận ba thái độ trong hội thánh. Một thái độ là người có ơn tứ xem ra có vẻ tầm thường ghen tỵ những người có ơn tứ cao hơn. Bây giờ Phao-lồ nói, “Nếu anh em thật sự có tình yêu thương, mặc dầu người khác có như thế nào, có hơn hay kém anh em, anh em không nên có thái độ tự ty hay tự tôn đối với người đó. Và đặc biệt, em đừng ghen tỵ với người có ơn khác. Ghen tỵ có hai nghĩa. Một nghĩa là ham muốn điều người khác có. Thấy người khác có chiếc xe đẹp, mình muốn có chiếc xe đó. Trong hội thánh Cô-rinh-tô, có nhiều người ham muốn có những ơn tứ ngoạn mục mà người khác có. Nhưng hình thức ghen tỵ tệ hơn, mà Phao-lồ có thể nói ở đây, là mình không muốn người khác có được điều mình không có. Mình kéo người khác xuống, để họ giống mình. Cái chân so sánh, thấy mình không bằng cái chân, nói, “Ta không thuộc về thân, ta không đóng góp vào thân, để nó chết.” Thấy Chúa Giê-xu hành đạo thành công, người Pha-ri-si ghen tức, và vì thế họ giết Chúa. Phao-lồ nói, “Tình yêu thương chẳng ghen tỵ.”

4. chẳng khoe mình,

Bây giờ chúng ta nói đến sự tự tôn. Câu 4, “Tình yêu thương chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo.” Khoe mình là chứng tỏ mình hơn người khác bằng lời nói, hay bằng hành động. Trong lúc sự ghen tỵ muốn điều người khác có, hay muốn người khác không có điều mình không có, sự khoe mình muốn người khác thèm muốn điều mình có. Tôi mới làm cái này, mới làm cái kia! Tôi mới mua cái này, mua cái kia! Con tôi như thế này, như thế kia! Lời nói của mình không phải để chia xẻ buồn vui với người khác, nhưng đôi khi mình thổi phồng điều mình có lên, để người khác muốn được như mình. Đó không phải là tình yêu thương.

Chúng ta phải biết là, tất cả khả năng, của cải, tiền bạc của chúng ta đều do Chúa ban cho. Thành ra chúng ta phải cám ơn Chúa, hơn là khoe mình với người khác. Thái độ tự tôn hay tự ty đến khi chúng ta so sánh với người khác. Và một khi so sánh, chúng ta không còn tình yêu thương nữa. Không cần biết người khác như thế nào, tình-yêu-mặc-dầu vẫn yêu thương họ.

4. chẳng làm điều thô bỉ

Bản dịch Việt Nam dịch câu tới là, “tình yêu thương chẳng làm điều trái phép.” Nhưng chữ “trái phép” không đúng hẳn. Thật ra, mình có thể phải dịch là “điều thô bỉ, thiếu lịch sự, thiếu nhã nhặn.” Bản NIV dịch, “It is not rude.” Bản NASB dịch, “It does not act unbecomingly.” Hồi nãy giờ Phao-lồ nói đến thái độ của mình đối với người khác: không tự ti và không tự tôn. Khi mình tự tôn, mình có sự kiêu ngạo trong lòng, coi người khác không ra gì, và vì thế có thể đưa đến thái độ thô bỉ.

Ngược lại, tình yêu thương phải được bày tỏ bằng thái độ nhã nhặn, lịch sự, kính trọng người khác. Có những hành động mình nghĩ là tự nhiên, nhưng người khác không thích, thì tình yêu thương khiến mình tự kiềm hãm, không làm điều đó. Tình yêu thương như vậy có nghĩa là “nhập gia tùy tục.” Đi đến xứ nào, thì sống theo người ở xứ đó, không coi thường phong tục của họ.

Nói như vậy rồi, tôi cũng nói thêm là, câu này không áp dụng riêng rẽ với những câu khác. Một đằng, mình phải kính trọng phong tục tập quán của người khác, nhưng đằng khác, tình yêu thương cũng phải ở trong lẽ thật. Nếu những phong tục tập quán đó đi ngược lại với những điều Chúa dạy dỗ trong kinh thánh, mình không thể nào làm theo. Chúng ta không bước vô chùa, thấy người ta lạy, thì cũng lạy, và nói đó là tình yêu thương.

5. chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận

Sau khi nói đến chuyện so sánh với người khác, Phao-lồ nói tình yêu thương “chẳng kiếm tư lợi.” Thế gian dạy chúng ta chỉ làm những điều có lợi cho mình mà thôi. (Nếu có lợi cho người khác thì càng tốt.) Nhưng kinh thánh dạy là tình yêu thật sự là tình yêu thương vô vị lợi, là tình-yêu-mặc-dầu. Tình-yêu-vì hay tình-yêu-nếu chỉ yêu khi có lợi cho mình. Nếu mình thương một người giàu có, đẹp trai, và nếu anh ta thương lại mình, thì có lợi cho mình. Nhưng tình-yêu-mặc-dầu thương một người nghèo đói, khốn cùng, không lợi lộc gì cho mình hết.

Tình yêu thương “chẳng nóng giận.” Chúng ta giận phần nhiều vì chúng ta thấy tư lợi của mình bị thách thức. Đang đứng xếp hàng dài mua hàng, tự nhiên thấy có người chen phía trước mình, mình giận. Mình giận vì người đó làm mình phải chờ lâu hơn. Nhưng thay vì nhìn đến quyền lợi của mình, và đâm ra giận dữ, mình phải nhìn người khác, để hiểu họ. Có thể có một lý do chánh đáng nào đó khiến họ phải chen vào trước mình.

6. chẳng ghi nhớ sự dữ

Bây giờ Phao-lồ nói, “Tình yêu thương chẳng nghi ngờ sự dữ.” Lần nữa, bản dịch Việt Nam dịch hơi sai. Trong nguyên bản Hy Lạp, đây có nghĩa là mình “làm kế toán,” ghi vào sổ những điều người khác làm hại cho mình. Tiếng Việt có nghĩa là “để bụng.” Phao-lồ nói, tình yêu thương không làm điều đó, hay “tình yêu thương chẳng ghi nhớ sự dữ.” (Bản NIV dịch, “It keeps no record of wrongs.” Bản NASB dịch, “does not take into account a wrong suffered.”) Đối với những điều người khác làm sai với mình trong quá khứ, mình nên bỏ qua, xí xóa.

Đây là điều mà tôi thường thấy xảy ra trong gia đình Việt Nam: Thay vì bàn đến vấn đề đang xảy ra, ông chồng hay bà vợ lại đem chuyện cũ ra để đánh trống lảng, để cãi nhau. Hồi xưa bà làm điều này, điều kia, thì bây giờ bà có lý do gì mà la tôi? Nói như vậy mình không giải quyết được vấn đề gì hết.

Có một vị nọ có một lỗi lầm trước kia. Ông đã từng ăn năn, xin Chúa tha thứ lỗi lầm đó, nhưng không được sự bình an trong lòng. Ngày nọ, gặp một người trong hội thánh có sự thông giao rất mật thiết với Chúa, ông yêu cầu, “Xin bà cầu nguyện cho tôi, coi Chúa có tha thứ tội lỗi cho tôi không?” Vài tuần sau ông hỏi bà, “Bà có nhớ cầu nguyện cho tôi không?” Bà trả lời, “Nhớ chứ.” Ông hỏi thêm, “Vậy Chúa nói với bà như thế nào?” Bà trả lời, “Chúa đã tha thứ cho ông rồi.” Nhưng ông hỏi lại cho chắc ăn, “Chúa có nói cho bà biết là tôi phạm tội gì không?” Ngẫm nghĩ một lát, bà trả lời, “Ùm, quên rồi!” Có thể bà nói là bà đã quên rồi, nhưng mình có thể hiểu là Chúa nói với bà là Chúa đã quên rồi.

Tất cả những tội lỗi của chúng ta Chúa đã quên rồi. Chúa không bao giờ để bụng, để lâu lâu nhắc lại những điều sai lầm mình đã phạm, 10 năm trước, hay 20 năm trước. Cũng vậy, trong tình yêu thương, chúng ta cũng phải quên, đừng nhớ, đừng để bụng những điều người khác đã phạm nghịch với mình trong quá khứ.

7. chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật

Đó là nói về quá khứ, bây giờ chúng ta nói về hiện tại. Đối với những người phạm tội trong hiện tại, chúng ta cũng phải có sự yêu-thương-mặc-dầu. Câu 8, “Tình yêu thương chẳng vui về điều không công bình.” Tình yêu thương không vui vì thấy người khác phạm một lỗi lầm nào đó. Cái vui của mình đôi khi rất tế nhị, được bày tỏ trong việc “ngồi lê đôi mách,” để nói xấu người này, người kia trong hội thánh. Khi điện thoại lẫn nhau, thay vì nói những lời xây dựng, mình kể với nhau những lỗi lầm của người khác. Có thể mình làm điều đó vì thái độ tự cao, muốn cảm thấy mình tốt hơn người khác.

Phao-lồ cũng nói thêm, “...nhưng vui trong lẽ thật.” Đây là điều quan trọng. Hồi nãy tôi nói là, ngay cả sự lịch sự của mình cũng phải nằm trong lẽ thật của Chúa. “Chẳng vui về điều không công bình” không phải là không biết đây là điều không công bình. Thấy một người làm một việc gì sai lầm, mình phải biết đây là điều sai lầm. Dựa vào lẽ thật của lời Chúa, dựa vào kinh nghiệm sống trong Chúa, mình phải biết đây là điều không đúng, không làm đẹp lòng Chúa. Biết vậy, nhưng mình không vui về điều đó.

8. hay che đậy mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự

Người tín đồ không yêu thương trong sự ngu dốt, nhưng Phao-lồ cũng khuyên “hãy dung thứ mọi sự.” Trong tiếng Hy Lạp, chữ “dung thứ” có nghĩa như việc làm của một mái nhà, hay nền nhà. Bản NIV dịch, “It always protects.” Bản NASB dịch, “bears all things.” Đây có nghĩa là sự yêu thương che chở người khác. Mình phải phân biệt giữa tội lỗi và người phạm tội. Tình yêu thương trong lẽ thật không che đậy tội lỗi, không làm ngơ trước tội lỗi, nhưng phải đối diện, phải xử trí với tội lỗi. Nhưng ở đây mình nói đến người phạm tội. Biết một người phạm tội, mình vẫn yêu thương người đó, không vui vì họ phạm tội, nhưng bảo vệ, và che đậy cho họ.

Như hồi nãy tôi nói, biết ai phạm tội, mình không nên nói cho cả làng nghe, để bêu xấu họ. Mình phải giải quyết vấn đề một cách êm thấm, trong sự thật. Đó là tình yêu thương. Nó đòi hỏi sự khôn ngoan, và sự kính trọng người khác, hơn là lý thuyết. Điều quan trọng là mình nhìn người khác, và thấy người khác quan trọng hơn mình.

Bây giờ Phao-lồ nói, “Tình yêu thương tin mọi sự.” Tin mọi sự là như thế nào? Có phải mình bước vô chùa, họ dạy mình về Phật Giáo thì mình tin; rồi đi qua nhà thờ Hồi Giáo, mình tin Hồi Giáo hay không? Thưa, không. Ở đây, Phao-lồ muốn nói đến thái độ của mình đối với người khác. Có lẽ chúng ta phải dịch là “tin tưởng mọi người.” Bản NIV dịch, “always trusts.” Bản Amplified Bible dịch, “is ever ready to believe the best of every person.” Mặc dầu mỗi người chúng ta ai cũng là người có tội, theo lời kinh thánh dạy, nhưng khi gặp một người, xin chúng ta đừng vội nghi ngờ họ, coi họ quá xấu xa, dưới trung bình. Mặc dầu một người ăn mặc rách rưới, xin đừng nghi ngờ là người này sắp ăn cắp đồ trong nhà mình. Ngược lại, mình phải tin những điều tốt lành về người đó. Luật pháp bên Mỹ có một nguyên tắc là một người phải được coi như vô tội, trước khi bị buộc tội. (A person is assumed to be innocent, before proven guilty.)

Tin ở đây cũng có nghĩa là cho người khác một dịp để “làm lại cuộc đời.” Vâng, mình biết một người đã ăn cắp hai, ba lần. Nhưng không phải vì vậy mà mình cứ luôn nghi ngờ người đó. Chúa có thể làm việc trong đời sống một người để họ thay đổi.

Nói như vậy, tôi cũng nói là mình không thể ngây thơ, ai nói gì cũng tin. Đêm Chúa Giê-xu bị bắt trên vườn Ghết-sê-ma-nê, Giu-đa đến, hôn Chúa. Nếu ngây thơ, Chúa sẽ nghĩ, “Nó có âm mưu gì đó, nhưng bây giờ nó hôn mình, chắc là nó hối hận, thay đổi.” Không, Chúa có sự khôn ngoan, và biết đây không phải là dấu hiệu của sự thay đổi.

Chúa muốn mình có sự khôn ngoan. Nhưng trước khi dùng sự khôn ngoan kết luận điều gì, mình phải nhìn người khác với con mắt thiện cảm, cho họ một dịp tiện, để họ có thể chứng tỏ những điều tốt lành trong họ.

Tình yêu thương cũng “trông cậy mọi sự,” hay “hy vọng mọi sự.” “Always hope,” theo bản dịch NIV. Tình yêu thương tin cậy, nhưng, như tôi nói khi nãy, mình phải có sự khôn ngoan để không bị lừa gạt, và biết có người không đáng tin. Nhưng nếu họ không đáng tin cậy được, thì mình có sự hy vọng cho người đó, hy vọng rằng Chúa sẽ thay đổi họ trong tương lai. Không có ai là “hết thuốc chữa.” Không có ai quá xấu xa đến nỗi Đức Thánh Linh không thể làm việc trong đời sống của họ. Có một khía cạnh rất lớn khiến cho một người có thể thay đổi, đó là tình yêu thương. Khi tình yêu thương đặt hy vọng vào một người, thì chính sự hy vọng làm người đó thay đổi.

Tình yêu thương “nín chịu mọi sự.” Bà Ê-va hay nghi ngờ, ghen tương. Mỗi ngày cứ càm ràm với ông A-đam, “Sao tối nào ông cũng đi chơi về khuya quá? Ông có bà nào khác không?” Ông A-đam nói, “Em biết là trên thế gian này chỉ có mình em.” Hôm nọ, ông đang ngủ. Thấy nhột nhột, ông thức dậy, và thấy bà Ê-va rờ vào người của mình. Ông hỏi, “Em làm gì vậy?” Bà trả lời, “Tôi đếm xương sườn của ông, coi nó còn thiếu cái nào không.” Đó là nghi ngờ vô cớ, thiếu sự tin cậy. Nhưng giả sử có người chồng quả thật mèo chuột thì mình làm gì? Mình có sự trông cậy là Chúa sẽ làm việc, sẽ thay đổi người đó. Có thể tình yêu mình dành cho người chồng sẽ thay đổi ông ta. Nhưng mình cũng nín chịu mọi sự, không vội tuyên bố, “Đủ rồi, tôi ly dị.” Ly dị là hình ảnh của tình-yêu-nếu, chứ không phải của tình-yêu-mặc-dầu.

Cho tôi tóm tắt lại. Phao-lồ nói đến hai điều căn bản trong tình yêu thương, đó là sự nhịn nhục và nhân từ. Nhìn đến người khác, tình yêu thương không so sánh, để có sự tự ti, ganh tỵ. Tình yêu thương cũng không có tự tôn, để coi thường khác, đâm ra có những thái độ bất lịch sự, kiếm nhã. Nhìn đến chính mình, tình yêu thương không ích kỷ, bất vị lợi, và vì thế không giận dữ vì thấy quyền lợi của mình bị tổn thương. Khi nhìn người có tội, tình yêu thương biết tha thứ, không để bụng. Tình yêu thương nhìn người khác với một cái nhìn có thiện cảm trước, biết tin cậy, không vội buộc tội. Nhưng tình yêu thương cũng có lẽ thật lời Chúa, có sự khôn ngoan để thấy tội lỗi, không chấp nhận tội lỗi đó, và tìm cách giải quyết vấn đề tội lỗi. Dầu vậy, tình yêu thương không sỉ nhục người phạm tội, biết dung thứ, che đậy, và có sự hy vọng rằng họ có thể thay đổi trong tương lai. Và trong sự hy vọng đó, tình yêu thương tiếp tục nín chịu, không bỏ cuộc.

III. Tình yêu thương trường tồn

Phao-lồ tóm tắt lại trong câu thứ 8, “Tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ.” Tình yêu thương không bỏ cuộc, không hư mất như bông hoa sớm nở tối tàn. Mặc dầu người khác như thế nào, tình yêu thương dành cho họ vẫn tiếp tục.

Ông tiếp tục, “Các lời tiên tri sẽ hết, sự ban cho nói tiếng lạ sẽ thôi, sự thông biết hầu bị bỏ. Vì chưng chúng ta hiểu biết chưa trọn vẹn, nói tiên tri cũng chưa trọn vẹn; song lúc sự trọn lành đã đến, thì sự chưa được trọn lành sẽ bị bỏ.” Trở lại điều mà Phao-lồ bàn từ câu 1 tới câu 3, nói đến tài giảng luận, ơn tiên tri. Hội thánh Cô-rinh-tô tìm những điều đó, nhưng Phao-lồ nhắc rằng, ngày chúng ta đối điện với Chúa, chúng ta không cần ai giảng kinh thánh nữa. Người Cô-rinh-tô cũng ham muốn nói tiếng lạ. Nhưng Phao-lồ cũng nói là đến lúc gặp Chúa, chúng ta cũng không nói tiếng lạ, tiếng ngoại quốc nữa. Về khả năng hiểu biết tất cả mọi điều, giờ đây sự hiểu biết của mình không những tạm thời, lại còn quá mơ hồ, không rõ ràng. Đến ngày đó, mình sẽ hiểu biết tất cả, và sự hiểu biết hạn hẹp hôm nay không giúp được gì. Chỉ có một điều tối quan trọng mà mỗi người chúng ta phải trau dồi, đó là tình yêu thương.

Phao-lồ kết luận, “13. Nên bây giờ còn có ba điều nầy: đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương; nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.” Đức tin, sự trông cậy và tình yêu thương là ba điều mà Phao-lồ luôn nói chung với nhau. Ngày cuối cùng, khi đối diện với Chúa, ai ai cũng sẽ tin Chúa hết, dầu có tin hôm nay hay không. Tất cả mọi người cũng không còn sự hy vọng nữa, vì chúng ta đã thấy được điều mình hy vọng, sự hy vọng đã trở thành sự thật. Nhưng đến ngày cuối cùng, chỉ có Đức Chúa Trời và con người mà thôi. Và liên hệ giữa Đức Chúa Trời và con người lúc đó vẫn là tình yêu thương.

Thế thì, trong ngày hôm nay, xin chúng ta tự hỏi xem tình-yêu-mặc-dầu thật sự có trong đời sống của chúng ta hay không. Mình đã thật sự có thái độ yêu thương như Phao-lồ diễn tả ở đây chưa?

Mục sư Đỗ Lê Minh

 

Bài hát: Tình Yêu Thương

(theo I Cô-rinh-tô 13)

Đỗ Lê Minh

 

Nếu tôi nói bao thứ tiếng trên thiên đàng,

biết bao điều nhiệm mầu mà không ai biết,

nói tiên tri với đầy ơn tứ,

thiếu yêu thương tôi là chập chỏa kêu vang.

 

Nếu tôi hiến thân xác ở trên hỏa đài,

bán gia tài phục vụ người đang thiếu thốn,

có đức tin núi dời sông chuyển,

thiếu yêu thương tôi thật là chẳng ra chi.

 

Tình yêu kiên nhẫn, nhân từ,

không ghen tương, khoe mình, và không tự mãn,

không vô lễ, không kiếm ích riêng cho mình,

không giận hờn, còn điều gian ác thì quên.

 

Tình yêu ghét điều bất chính,

nhưng lấy vui trong sự chân thật.

Tình yêu thứ tha, tin cậy,

hy vọng và nín chịu luôn.

 

Tình yêu chẳng hề hư mất.

Nói tiên tri, sự thông biết không dài lâu.

Tình yêu, đức tin, trông cậy,

trong ba điều trọng hơn hết ấy tình yêu.